Posted
on 07/05/2018
Cuộc
sống của những người giữ đất thuê cho Công ty Long Sơn đã thay đổi hoàn toàn
sau vụ nổ súng cuối tháng 10/2016.
Điểu
Vinh bị bắn chết. Điểu An bị đạn găm vào đầu. Điểu Thành bị bắn mù mắt phải.
Trước đó mấy ngày, cả ba người đã quyết định đợi lĩnh tháng lương đầu tiên thì
nghỉ, nhưng không kịp.
Họ
là ba trong số 13 người bị bắn trong vụ tranh chấp đất đai giữa Công ty Long
Sơn và gia đình Đặng Văn Hiến cùng những hộ dân khác tại Tiểu khu 1535, xã Quảng
Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Sau vụ nổ súng, Đặng Văn Hiến đã bị tuyên
án tử hình, phía Công ty Long Sơn cùng bị truy tố nhưng chúng ta không thật sự
biết gì về cuộc sống của những người công nhân sau vụ nổ súng.
Điểu
Thành - một trong những công nhân Long Sơn bị bắn trong vụ Đặng Văn Hiến. Ảnh:
Luật Khoa tạp chí
Không
biết có tranh chấp đất đai
Nhà
của Vinh, An và Thành người nằm sâu trong một xóm nghèo đìu hiu của người
Stiêng tại ấp 5, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, cách nông trường
của Công ty Long Sơn hơn 120 km.
Đi
làm thuê là nghề phổ biến ở đây. Nhà của Điểu Vinh cũng vậy, học đến đến lớp 4
thì Vinh theo cha là Điểu Hải, 41 tuổi, đi làm thuê nhiều nơi. Khi thì Đồng
Xoài, khi thì lên tận Đà Lạt, ai thuê gì làm nấy. Mẹ của Vinh là Thị Xá,
49 tuổi, bị u xơ tử cung nhưng vẫn cố đi làm.
Điểu
An và Điểu Vinh là anh em họ, nhà của hai người ở gần nhau, nên đã rủ nhau lên Công
ty Long Sơn làm việc cùng với Điểu Thành.
“Bữa
đó, ổng đi làm mướn, tôi đi mót mủ [cao su], đến chiều về thì không thấy thằng
Vinh nữa”, bà Xá kể lại hôm Điểu Vinh bỏ nhà lên Công ty Long Sơn.
“Nó
nói xạo là đi làm cao su ở Bù Đăng [Bình Phước]. Nếu tôi biết nó đi Đắk Nông
thì đã không cho đi rồi”.
Đó
là vào đầu tháng 10/2016, xe của công ty đón cả ba người ở gần nhà, rồi chạy thẳng
lên nông trường của công ty. Cả ba không biết rằng họ đã đặt một chân vào “cánh
cửa tử”.
Từ
thành phố Hồ Chí Minh đi theo hướng quốc lộ 14 đến xã Quảng Tâm (Tuy Đức,
Đắk Nông), rồi phải đi thêm 30 km nữa qua một đoạn đường đầy đá và đất đỏ, xung
quanh là những ngọn đồi gần như bị “cạo trọc” thì mới đến được nông trường của
Công ty Long Sơn.
Trái
ngược cảnh đồi núi yên bình, xung đột liên quan đến đất đai giữa người dân và
các công ty ở đây xảy ra như cơm bữa.
Nhưng
không ai cho Vinh, Thành và An biết điều đó, kể cả những người thuê họ.
“Nghe
bạn bè rủ nhau đi làm, lên đó coi công nhân làm việc, sướng lắm. Mà lương tháng
đến bốn triệu mấy”, Điểu An, 24 tuổi, người bị thương nặng nhất trong nhóm, kể
lại.
Giống
như đa phần các công nhân khác của công ty, cả ba người đều không có hợp đồng
hay thỏa thuận rõ ràng nào với công ty. “Đưa chứng minh [nhân dân] thì vào làm,
công ty nói là có xảy ra chuyện gì thì nó lo hết, nhưng chỉ nói miệng thôi”, Điểu
An kể lúc anh mới lên đó.
Không
có chứng minh nhân dân nên Điểu Vinh phải nộp bản sao sổ hộ khẩu cho công ty.
Vinh vẫn được nhận vào làm dù mới 16 tuổi và không có sự đồng ý của cha mẹ. Điều
này không những trái với quy định trong Bộ luật Lao động 2012 là doanh nghiệp
không được giao kết hợp động lao động trực tiếp với người dưới 18 tuổi mà còn
vi phạm quy định cấm sử dụng lao động chưa thành niên tại nơi làm việc gây tổn
hại sức khoẻ và sự an toàn của họ.
Điểu
Thành, 24 tuổi, anh học đến lớp 6 thì nghỉ. Thành lên làm cho Công ty Long Sơn
sau khi cưới vợ được một thời gian. “Tính đi lên đó kiếm tiền cho vợ sanh
[con], kiếm được đồng nào hay đồng đó”, anh kể, “xém tí nữa là không gặp được mặt
con”.
“Lúc
đi làm, không biết trên đó có tranh chấp đất đai. Muốn về mà không có tiền về,
phải làm đủ tháng mới có tiền”, An nhớ lại. Khi nghe các công nhân khác kể thì
cả ba người mới biết công ty có tranh chấp đất đai với người dân, đánh
nhau, kể cả nổ súng là chuyện thường xảy ra.
Ba
người đã vô tình “leo lên lưng cọp”. Bỏ về nhà thì không có lương mà ở lại nông
trường thì nguy hiểm. Tiếc tháng lương đầu tiên, cả ba người quyết định ở
lại – một quyết định mà họ phải hối tiếc trong suốt phần đời còn lại của mình.
Bố mẹ và em gái của
Vinh, Điểu Thị Chinh, 14 tuổi, tại căn nhà của mình xã Đồng Tiến, huyện Đồng
Phú, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Luật Khoa tạp chí.
Súng
nổ trước ngày lĩnh lương
Công
ty cho các công nhân thay phiên nhau về thăm nhà. Điểu Vinh từ nhà trở lại nông
trường vào ngày 18/10/2016, năm ngày sau thì súng nổ.
Tờ
mờ sáng hôm đó, trời đổ mưa làm những con đường đã khó đi trong những ngày nắng
trở nên lầy lội hơn. Cả ba người cùng những người khác bị đánh thức rất sớm.
“Dậy
sớm lắm, chừng ba hay bốn giờ sáng. Mặc đồ bảo hộ, cầm khiên và gậy, rồi lên
xe, anh em chia ra thành hai tốp”, Thành nhớ lại ngày hôm đó.
Nhóm
của Vinh, Thành, An thì có trên 10 người, nhiệm vụ của nhóm là ngăn không cho
người dân vào “khu vực đang giải toả”.
Thành
không rõ nhóm thứ hai có bao nhiêu người, chỉ biết bên nhóm đó có Dương Văn Tiến,
một trong ba người bị bắn chết ngày hôm đó.
Dương
Văn Tiến, 26 tuổi, quê ở Ninh Thuận, đã làm cho Công ty Long Sơn gần hai năm
nhưng anh vẫn không có hợp đồng lao động. Trước hôm nổ súng mấy
ngày, Tiến về quê lo đám tang cho đứa em trai học lớp 6 bị chết đuối, hứa
với nhà là qua Tết thì xin nghỉ làm ở Công ty Long Sơn, nhưng vừa trở lên nông
trường mấy ngày thì bị bắn.
Lúc
Đặng Văn Hiến nổ súng, Thành đứng ở bên kia mương, anh không để ý là ông Hiến
có bắn phát đạn chỉ thiên hay không, “thấy bắn trúng ông Chính [Đặng Ngọc
Chính, 32 tuổi] xong, thì tôi mới chạy lại, lấy khiên đỡ để cứu ổng nhưng thì bị
bắn vô mắt”, Điểu Thành kể lại, anh thấy đạn bắn ra từ trên gác và phía dưới
nhà, cách chỗ anh khoảng hơn mười mét. Đạn xuyên qua tấm khiên đi thẳng vào mắt
bên phải của anh.
Đạn
cũng bắn xuyên qua tấm khiên của Điểu An, thủng nón bảo hiểm, găm thẳng vào đầu
anh. “Lúc đó, máu chảy đầy mắt hết rồi, không còn thấy gì nữa, chỉ còn nghe
thôi”, An nhớ lại.
Tiếng
nói mà đến nay cả hai vẫn còn nhớ là “tụi bây cởi hết quần áo ra thì tao cho
đi”. Hai người không biết ai đã nói câu này, từ khi lên đó làm, cả hai chưa bao
giờ gặp mặt Đặng Văn Hiến.
Ngay
lúc đó, Thành cũng nghe ai đó nói “Tao hết đạn rồi, tao mà còn đạn thì bắn chết
hết chúng mày”. Lời đe dọa này đến nay vẫn còn ám ảnh anh, “nếu ổng còn đạn
chắc tụi em không sống được, chết hết”, Thành nói.
An
kể lại là anh tự cởi quần áo, chỉ còn lại quần lót, và những người khác cũng
làm như vậy. Cả nhóm dìu nhau đi được một đoạn thì gục ngay trên đường, phải đến
bốn hay năm tiếng đồng hồ sau thì công an mới vào đến hiện trường.
Người
đến hiện trường trước hết thảy là ông Nguyễn Văn Bon, 42 tuổi, quê ở tỉnh Trà
Vinh, đã làm bảo vệ cho Công ty Long Sơn hơn hai năm. Ông Bon vào hiện trường để
cứu con trai của mình và những người khác. Con của ông là Nguyễn Thanh Hùng,
sinh năm 1998, bị đạn bắn thủng ruột non, tỷ lệ thương tật được giám định là
khoảng 54%.
Ông
Bon dắt cả nhà lên công ty Long Sơn làm thuê vào khoảng giữa năm 2014, lúc đó
Hùng vẫn chưa đủ 18 tuổi. Theo ông Bon, đến cuối năm 2015 thì công ty có ký hợp
đồng lao động với ông nhưng ông không được giữ bản nào cả. Đến cuối năm 2015
thì công ty Long Sơn ký hợp đồng lao động với ông nhưng không cho ông giữ bản
sao nào cả.
Điểu
Tào, 25 tuổi, có bốn con nhỏ, cùng xã với Điều Vinh, cũng bị bắn chết. Xác của
Điểu Vinh được Công an Đắk Nông đưa về nhà để an táng vào đêm thứ hai. Xác của
Dương Văn Tiến thì được bạn cùng làm đưa về nhà ở Ninh Thuận.
Điểu Thành bị hư một
mù mắt phải bế con trai tại nhà, ảnh chụp tháng 3/2018. Ảnh: Luật Khoa tạp chí.
Vĩnh
viễn mang thương tật
Điểu
Thành để mái tóc dài, che kín mắt phải đã bị hư hoàn toàn từ sau vụ nổ súng, “mắt
còn lại đôi khi không nhìn thấy rõ, cứ trời lạnh hay ra ngoài nắng là bị nhức”,
anh nói.
Thành
có bốn anh chị em, anh là con cả, lao động chính trong nhà. Thành lên Công
ty Long Sơn làm việc sau khi bố mất vì ung thư gan.
Sau
vụ nổ súng chưa đầy một tháng thì vợ anh sinh đứa con trai đầu lòng, nhà thêm một
miệng ăn nhưng anh “rất ít lao động, làm cũng chẳng được bao nhiêu. Bây giờ chỉ
làm được những việc nhẹ, đi làm phụ hồ như trước thì không làm nổi”, Thành cho
hay.
Tương
tự như Thành, An cũng không làm được những công việc nặng, anh bị thương nặng
nhất trong nhóm, tỷ lệ thương tật được giám định là hơn 50%. Hai người cho biết
sau khi Công ty Long Sơn trả chi phí nằm viện, thuốc men cho hai người thì
không còn thăm hỏi hay trợ cấp gì nữa.
Còn
gia đình của Điểu Vinh, ba ngày sau vụ nổ súng, đương lúc gia đình đang cần tiền
làm đám tang thì Công ty Long Sơn cử người đến nhà giao cho gia đình số tiền 65
triệu đồng và yêu cầu ký cam kết không khiếu nại công ty về vụ việc. Gia
đình của Dương Văn Tiến thì nhận số tiền 50 triệu đồng từ Công ty Long Sơn,
nhưng vẫn tiếp tục đòi bồi thường.
Những
cuộc phỏng vấn với với các nạn nhân đã hé lộ nhiều sai phạm của Công ty Long
Sơn về việc sử dụng lao động như giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân của họ; thuê
lao động chưa thành niên làm công việc nguy hiểm; thuê lao động chưa thành niên
mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật; không
thông báo về tình hình tai nạn lao động, yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc cho
người lao động biết; không làm hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công nhân
như trường hợp của Dương Văn Tiến.
Nhưng
sai phạm trên ít nhiều đã đẩy những người như An, Thành, Hùng và nhiều người
khác vào nơi nguy hiểm. Họ mất đi phần lớn thu nhập trong suốt phần đời còn lại
từ sau vụ nổ súng. Từ trụ cột của gia đình họ thoắt đã trở thành gánh nặng cho
những người trong gia đình.
Bộ
luật Lao động 2012 có quy định về thỏa thuận bồi thường đối với người lao động
gặp tai nạn dựa trên mức độ suy giảm khả năng lao động, nhưng Công ty Long Sơn
vẫn chưa đề cập vấn đề này với họ.
Điểu
Thành, ông Nguyễn Văn Bon, Điểu An và gia đình của Dương Văn Tiến, Điểu Hải
đang tìm kiếm bất kỳ cơ hội nào để buộc Công ty Long Sơn phải có trách nhiệm với
những mất mát về sức khoẻ và nhân mạng, tuy nhiên, điều đó quả thật là không dễ
dàng.
Các
bên liên quan nếu có phản hồi nào về nội dung của bài viết xin liên hệ toà soạn
qua địa chỉ email: editor@luatkhoa.org.
*
*
Posted
on 05/05/2018
Cuộc
sống của người nông dân Mai Thị Khuyên hoàn toàn đảo lộn kể từ một ngày tháng
10 năm 2016.
Đó
là khi chồng chị, Đặng Văn Hiến, cùng với hai người đàn ông khác, nổ súng giết
chết ba người và làm bị thương 13 người của công ty Long Sơn, vốn đang đưa máy ủi
vào san lấp khu đất mà gia đình chị đang ở và canh tác.
Đây
là mảnh đất rộng bốn mẫu, được vợ chồng chị mua năm 2005 với giá 40 triệu đồng.
Mảnh
đất này nằm ở tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, cách
quốc lộ 14 gần 40 cây số. Ở đây, mùa mưa thì lầy lội còn mùa nắng thì đầy bụi,
thiếu thốn đủ thứ.
Ngoài
tờ giấy mua bán đất viết tay, anh chị không có sổ đỏ lẫn sổ xanh – loại sổ do
các nông trường cấp khi cho thuê đất rừng để trồng cây lâu năm trong thời hạn
50 năm.
Kết
quả của vụ nổ súng đó là chồng chị phải bỏ trốn, rồi ra đầu thú sau đó ít ngày
và bị toà sơ thẩm tuyên án tử hình vào tháng 1/2018.
Nếu
biết trước cuộc sống sẽ đảo lộn như thế này, một lần nữa, chị vẫn lấy anh.
“Nếu
đã thương thì cam tâm tình nguyện khổ. Tình yêu là trên hết, không sợ khổ”, chị
Khuyên nói.
“Không
sợ khổ” nên hai người cùng làng ở Lạng Sơn này đã lấy nhau. Năm đó, chị 19 tuổi,
anh thì 21. Chị yêu anh Hiến ở tính tình thẳng thắn, dù có cực khổ anh vẫn
kiên trì.
Cuộc
sống của họ sau ngày cưới vừa hạnh phúc, vừa gian nan. Khi con gái đầu lòng
thôi cặp nách, vợ chồng Hiến để con lại cho ông bà rồi “Nam tiến” lập nghiệp.
Theo lời giới thiệu từ họ hàng, anh đã vào Đắk Lắk làm nghề quay heo thuê.
Hai
vợ chồng vào Bình Phước làm thuê một thời gian thì thuê đất rồi lên luống trồng
rau. Nhưng năm đó trời đổ mưa to, rau bị dập hết. Trắng tay, hai vợ chồng lang
bạt làm thuê đủ nghề, từ tước cà phê, dọn vườn điều, cho đến phơi sắn thuê.
“Đến
năm 2005, hai vợ chồng thuê đất để trồng mì tại Tiểu khu 1535 rồi mua lại mảnh
đất này”.
“Anh
Hiến học đến hết lớp 8 thì nghỉ, còn tôi thì không biết chữ”, chị Khuyên kể,
“người bán đất cho nhà mình cũng không biết chữ. Đất trồng cây lâu năm, cứ ở đấy
mà làm thôi, cứ nghĩ là thấy người ta làm mình cũng làm. Người dân tộc nghĩ gì
là khổ đâu”.
Mai Thị Khuyên cùng
con trai Đặng Bảo Nam tại nhà ở tiểu khu 1535. Ảnh: Gia đình cung cấp.
Con
giun xéo mãi cũng quằn
“An
cư lạc nghiệp” chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với gia đình Đặng Văn Hiến.
Mua
đất chưa bao lâu thì công ty Long Sơn cho xe ủi vào phá vườn điều của nhà Hiến
cùng những hộ dân khác để lấy lại đất. Nguyên nhân của sự việc là là đất mà
chính quyền giao cho công ty Long Sơn đã chồng lấn lên phần đất mà người dân đang
canh tác.
“Năm
2008, công ty Long Sơn cho người vào khống chế người dân, cho máy ủi vào ủi hết
vườn điều của người dân, dùng công an, súng hơi cay, gậy gộc để khống chế người
dân”, chị Khuyên vẫn nhớ như in ngày hôm đó.
“Năm
đó, công ty Long Sơn ủi của nhà tôi 2 hecta, còn của những người khác thì ủi
nhiều lắm. Họ còn bắt người dân vô tội đi tù, để phụ nữ ở lại cho chúng nó dễ
khống chế”.
Không
còn tin vào chính quyền địa phương, “trên 100 hộ dân đang có tranh chấp đất đai
với công ty Long Sơn đã làm đơn ra trung ương, rồi có công văn từ trung ương là
không được huỷ hoại rau màu của người dân”, chị Khuyên kể.
Xung
đột lắng xuống đến năm 2011 thì công ty Long Sơn lại cho xe ủi phá vườn cây của
người dân. Chị Khuyên có lần nghe được ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu, 56 tuổi – phó
giám đốc của công ty Long Sơn – bị một thanh niên tên Lợi đập một gậy vào đầu
khi ông dẫn người đi giải tỏa đất đai đang có tranh chấp. Lợi bị bắt, ở tù tám
tháng, còn ông Sửu thì không dám bước chân khỏi văn phòng.
Cũng
vì thế mà chị Khuyên không biết mặt ông Sửu cho đến hôm xét xử sơ thẩm. Chị
cũng khẳng định công ty Long Sơn chưa bao giờ đàm phán để bồi thường cho gia
đình, nếu có thì chị đã biết mặt ông Sửu.
Chị
Khuyên cho hay là anh Hiến có súng từ năm 2011, nhưng không phải để bắn người
mà là để săn chồn.
“Nếu
xác định dùng súng để bắn người thì anh ấy đã bắn từ lâu rồi. Công ty đã ép người
dân đến bước đường cùng, nếu anh Hiến không làm như vậy thì vợ con anh ấy đã
không còn đến giờ này”, chị Khuyên cho biết.
Vụ
nổ súng xảy ra vào ngày 23/10/2016 thì trước đó, ngày 22/2/2016, công ty Long
Sơn đã cho xe ủi phá vườn điều của nhà ông Triệu Phụ Cao, Hoàng Văn Thắng và của
nhà Hiến từ lúc nửa đêm cho đến bốn giờ sáng ngày hôm sau.
Đến
tháng 7/2016, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình làm việc với lãnh đạo của tỉnh Đắk
Nông về vụ tranh chấp đất đai tại tiểu khu 1535, có mời bà con đến dự họp, ông
chỉ đạo không ai được phá hoại hoa màu của người dân.
Chỉ
đạo đó làm người dân yên tâm hơn, nhưng nó không có tác dụng đối với công ty
Long Sơn. Sáng ngày 23/10/2016, công ty Long Sơn đưa nhiều người đi phá vườn điều
trên phần đất mà công ty cho rằng người dân đã lấn chiếm. Đến đây thì giọt nước
đã tràn ly.
Bên kia con suối là đường
vào nhà của Đặng Văn Hiến và Ninh Viết Bình.
Giọt
nước tràn ly
Theo
lời kể của một số bảo vệ, hôm đó, họ bị đánh thức từ rất sớm, tầm khoảng 3 đến
4 giờ sáng. Theo sự phân công của ông Phạm Công Thiện, 41 tuổi, quản lý của
công ty Long Sơn, mọi người chia thành hai nhóm, mặc đồ bảo hộ, cầm khiên, mang
gậy rồi lên xe máy cày đến khu vực giải tỏa.
“Lúc
đó là tờ mờ sáng, trời thì mưa to, nghe tiếng chó sủa thì lực lượng của công ty
Long Sơn đã rất đông. Tôi chạy lên đã thấy hai cái máy ủi vườn điều, công nhân
của công ty thì bao vây nhà”, chị Khuyên kể về buổi sáng hôm đó.
Chị
Khuyên lẻn ra ngoài bằng cửa sau để chặn máy ủi, còn sự việc xảy ra trong nhà
sau đó thì chị không biết.
Ra
đến chỗ máy ủi, chị Khuyên ngăn công nhân đưa máy ủi vào vườn điều nhà mình:
“Ai cho phép các anh đi ủi đất? Cây điều rõ to như thế này, người dân chúng tôi
gây dựng bằng mồ hôi nước mắt mười mấy năm trời mới được như thế này, bỗng lát
các chú lại ủi đi!”
Chị
Khuyên còn nhớ một người nào đó bên công ty Long Sơn đã trả lời chị: “Cấp trên
chỉ đạo xuống cho tôi ủi, chị không được phép cản chúng tôi. Nếu mà chị cản chúng
tôi, tôi bức xúc sẽ cán chị chết”.
Hai
bên cự cãi qua lại, một hồi sau thì chị Khuyên nghe tiếng súng nổ. Ba công nhân
của công ty Long Sơn đã tử vong và 13 người khác bị thương.
Trong
vụ nổ súng hôm đó còn có hai người khác hỗ trợ Hiến là Hà Văn Trường, 32 tuổi,
và Ninh Viết Bình, 35 tuổi.
Nhà
Bình cùng xóm với nhà Hiến, cả hai người đều rất bức xúc khi nhiều lần công ty
Long Sơn cho người vào phá vườn, đến hôm nhà Hiến bị bao vây thì anh chạy lên hỗ
trợ.
Theo
báo
Tuổi Trẻ, Bình khai trước toà là khi được Trường gọi thì Bình mang một khẩu
súng lên nhà Hiến, lúc đó thì bảo vệ của công ty Long Sơn đã bỏ chạy. Khi nghe
tiếng bảo vệ chạy về hướng mình, tưởng họ gọi thêm người đánh trả nên Bình bắn
hai phát đạn nhưng không biết có trúng ai hay không.
“Trường
là thằng em con cô bên chị lên chơi, tình cờ anh Hiến nhờ nó lấy viên đạn thì
chỉ có một bước chân thôi”, chị Khuyên kể về Trường, “nhà Trường nghèo lắm, mẹ
của Trường bị đau tim, tiền bồi thường cho gia đình của các nạn nhân thì nhà
mình lo hết”.
Đặng Văn Hiến về nhà từ
biệt gia đình và ra đầu thú. Ảnh: Báo Công an Nhân dân.
Đường
đến pháp trường
Trời
vẫn mưa không ngớt, chị Khuyên điếng người, không còn biết nói gì nữa sau những
phát súng ấy. Chị chỉ nhớ anh Hiến ôm con và nói với chị đúng một câu: “Thôi
chào hai mẹ con anh đi, có gì anh sẽ ra đầu thú”.
“Anh
ấy đi mà không mang gì cả, chỉ khoác một cái áo mưa”, chị Khuyên kể, “lúc đó buồn
quá không nói được câu nào, nghẹn ngào trong nước mắt.”
Hiến
đi. Con gái thì đi làm xa chưa về. Chị và con trai dọn sang ở nhờ một nhà gần đấy
vì sợ bị trả thù.
“Ở đấy
được hai ngày sau thì phóng viên, nhà báo xuống nhiều lắm. Nghe nói có Phó Thủ
tướng Trịnh Đình Dũng xuống, thế là tôi phải về để trình bày với ông ấy là công
ty Long Sơn đã dồn người dân vào đường cùng, nhưng về thì không thấy ai”.
Chị
Khuyên chỉ thấy công an yêu cầu chị lên làm việc trong khi anh Hiến vẫn còn
đang lẩn trốn.
“Hôm
đó, lực lượng công an xuống đông lắm, mời tôi lên đó để hỏi. Họ bảo là chỉ đi một
lát rồi về”.
Nhưng
cái “một lát” đó kéo dài đến năm ngày. Chị bị giữ lại ở đồn công an mà không có
bất kỳ lệnh tạm giữ nào.
Đến
ngày thứ 5 thì chị được thả. Lúc đó, anh Hiến đã ra đầu thú. Hai vợ chồng
không gặp được nhau.
Ngày
03/01/2016, phiên toà xét xử sơ thẩm tại Đắk Nông đã tuyên phạt Hiến mức án tử
hình; Bình 20 năm tù giam; Trường 12 năm tù giam cùng về tội giết người; Đoàn
Văn Diện, người giúp Hiến lẩn trốn sau khi nổ súng 9 tháng tù giam về tội che dấu
tội phạm.
Về
phía công ty Long Sơn, ông Sửu lĩnh mức án 6 năm tù giam; ông Thiện 4 năm tù
giam cùng về tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản người khác.
Từ trái sang là Đặng
Văn Hiến, Ninh Viết Bình và Hà Văn Trường nắm chặt tay nhau nghe toà tuyên án
trong phiên xét xử sơ thẩm ngày 03/01/2017 tại Đắk Nông. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ.
“Mẹ
mang bố về cho con”
Từ
khi Hiến bị bắt, Nhung, con gái đầu 20 tuổi của anh, không còn đi làm thuê nữa,
mà ở nhà thay gia đình chăm sóc vườn điều.
“Trước
kia em dự định là sẽ đi làm ở Nhật để kiếm tiền giúp bố thoát khỏi cái khu rừng
này. Em chẳng muốn nhà mình sống ở đây”, Nhung nói.
Dự
định đó, giờ đây phải gác lại: “Đôi khi ở nhà làm vườn cũng thấy vui. Tuy vất vả,
đổ mồ hôi nhưng em thấy mình vươn lên từ chính bản thân mình”.
Trong
trại giam Công an tỉnh Đắk Nông, Đặng Văn Hiến bị biệt giam, cùm chân – ngay cả
khi đi ngủ – như những người tử tù khác.
Sau
khi Hiến đầu thú và bị bắt vào tháng 10/2016, chị Khuyên xin gặp chồng nhiều lần
nhưng đều bị từ chối. Công an lấy lý do là đang trong quá trình điều tra nên
người nhà không được gặp mặt, kể cả luật sư. Phải đến bảy tháng sau, khi công
an đưa Hiến về dựng lại hiện trường thì chị mới gặp được chồng, anh ốm đi trông
thấy.
Chị
gặp anh trong trại giam sau phiên toà sơ thẩm, thì anh vẫn khóc và nói cả đêm
anh không ngủ được.
“Anh
ấy nghĩ nhiều lắm, căng thẳng lắm, căng thẳng những sự việc anh ấy làm,
anh ấy tủi thân, buồn, chỉ biết khóc thôi”, chị kể.
Trước
và sau phiên toà sơ thẩm, chị Khuyên dù bị hở van tim, sỏi thận, viêm xoang vẫn
thường xuyên đến nhà các gia đình nạn nhân ở Ninh Thuận và Bình Phước để chia
buồn và bồi thường cho họ, dù chỉ mới xoay sở được một ít.
Hiện
nay, cả ba gia đình có người thân qua đời đều xin giảm án cho Đặng Văn Hiến.
Ông
Điểu Hải, bố của Điểu Vinh, 16 tuổi, quê ở Bình Phước, lên công ty Long Sơn làm
chưa đầy một tháng thì bị bắn chết, nói: “Tử hình Hiến thì con của mình cũng
không sống lại được. Chuyện đã xảy ra rồi, lương tâm của mình không cho phép
mình làm điều đó”.
Bà
Dương Thị Mai – mẹ của nạn nhân Dương Văn Tiến, 24 tuổi, đã làm bảo vệ cho công
ty Long Sơn gần hai năm nhưng vẫn chưa có hợp đồng – đã đồng ý xin giảm nhẹ
hình phạt và giảm tiền bồi thường cho gia đình Hiến: “Vợ Hiến cũng xuống đây
hai ba lần. Cũng xa xôi. Cháu nó mất thì đã mất, mình đau lòng thì đau rồi,
cũng tại công ty [Long Sơn] mà ra những chuyện này.”
Con
trai Hiến, Đặng Bảo Nam, bốn tuổi, vẫn ngày ngày đòi “mẹ bảo công an trả bố về
cho con, công an bắt bố con đi rồi”.
Nếu
phiên toà phúc thẩm vẫn y án tử hình đối với Hiến thì chỉ có phép màu mới mang
được bố về cho đứa trẻ nhiều bất hạnh này.
Mọi
phản hồi về nội dung của bài viết xin gửi về toà soạn Luật Khoa tạp chí qua địa
chỉ email: editor@luatkhoa.org.
No comments:
Post a Comment