Đặc
khu là khu vực đặc biệt. Những ai từng quan tâm phim Hongkong thập niên 90 sẽ
thấy cách hành xử giữa chính quyền với người dân và giữa người dân với nhau khá
đặc biệt.
“Nói
gì phải có chứng cứ đó nha. Nếu không là tôi kiện anh/chị/ông/ bà tội vu khống
đó!” Câu thoại Việt ngữ giọng nhừa nhựa này xuất hiện trong rất nhiều bộ phim.
Người dân có thể nói với nhau như vậy và nói với đại diện chính quyền như vậy.
Hongkong
là đặc khu từ tô giới mà Từ Hy Thái Hậu nhà Thanh đã cắt đất cho nước Anh để đổi
lấy hòa bình vào 1897 và “đế quốc” Anh trả lại vào 1997. Vấn đề là cách hành xử
Ăng-lê ngấm sâu nên người Hongkong đòi hỏi quyền tự trị và các nhân quyền khác
mà chính quyền Trung Quốc muốn áp đặt. Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) và phong
trào “dù vàng” là điển hình cho khao khát tự do của Hongkong.
Có
một đặc khu khác, ngay trong lòng Trung Hoa đại lục: Thâm Quyến. Đặc khu này
hình thành từ câu nói của Đặng Tiểu Bình “Đừng tranh luận nữa. Hãy làm đi!”. Và
có người đem dẫn chứng về số tiền 400 tỉ đô GDP mà đặc khu này mang lại để dẫn
chứng về việc nên làm đặc khu. (Đây chỉ là góc nhìn cơ học không thuyết phục.
Tôi sẽ viết về sự khác biệt các đặc khu trong bài khác.)
Tại
Việt Nam, đặc khu kinh tế Vũng Tàu – Côn Đảo ra đời năm 1979 và giải thể năm
1991 cho thấy Việt Nam chưa đủ cơ sở để vận hành đặc khu. Chủ trương xây dựng đặc
khu kinh tế vẫn được đưa vào Hiến pháp năm 1992 nhưng đến 26 năm sau mới được ồn
ào trở lại với việc nên làm 3 đặc khu Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn bằng
cách giao đất 99 năm hay không?
99
năm là gần 10% của thời gian “nghìn năm Bắc Thuộc”. 99 năm cũng là lời đề nghị
sở hữu đất nếu đầu tư vào đặc khu của Trung Quốc. Nghĩa là dòng tiền chủ đạo sẽ
là nhân dân tệ. Đã có cảnh báo về “đặc quyền, đặc lợi” ở các đặc khu. Đã có
phân tích về việc ưu đãi làm casino ở đặc khu là không đáng. Cũng có luôn nỗi
lo “nhượng địa” (bao gồm địa kinh tế lẫn địa chính trị) nếu làm đặc khu.v.v..
Tôi
là một phó thường dân ham đi đây đó và thấy rằng với nội lực Việt Nam thì chỉ cần
nhà nước giảm tối đa sự can thiệp vào doanh nghiệp Việt, thúc đẩy sản xuất kinh
doanh và tạo điều kiện cho nhân tài thực sự phát triển thì không cần phải có đặc
khu nào cả.
Vì
so với cái được về tiền sử dụng đất và thuế đặc khu thì cái mất nếu đặc khu trở
thành một “tô giới mang màu sắc Trung Quốc” sẽ nguy hại hơn nhiều. Nếu nhìn từ
Formosa, đến cả ông Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường muốn vào kiểm tra phải
thông báo thì nguy cơ người Việt không được tự do ở đặc khu Việt nam.là có thật.
Dòng người di cư (từ Trung Quốc) và hệ lụy “gieo giống” với hậu quả là các đứa
trẻ hai quốc tịch Việt- Trung cũng là thứ cần cảnh báo.v.v..
Nhìn
Hoàng Sa 1974, Gạc Ma 1988, biên giới 1979 và nhìn Biển Đông nhiều năm nay mà
không thấy dã tâm của “bạn vàng” thì hết sức khó hiểu. Ngư dân bị đưa khỏi bờ
biển bởi du lịch và công nghiệp nặng có “dòng tiền Trung Quốc” đầu tư chủ đạo để
gom đất chưa đủ nỗi lo hay sao mà còn giao thêm trọng địa cho kẻ chỉ muốn thôn
tính mình?
Đặc
khu có màu gì khi giao 99 năm thì cứ nhìn 20 năm (1407-1427), từ lúc kết thúc
nhà Hậu Trần (và nhà Hồ ngắn ngủi) đến khi khởi nghĩa Lam Sơn của nhà Hậu Lê.
20 năm ấy là đỉnh cao của tủi nhục và đớn đau của Việt Nam dưới ách thống trị
nhà Minh. Mọi quyền cơ bản của người dân đều bị tước đoạt không thương tiếc. Muốn
có 1 ví dụ gần hơn, hãy tìm hiểu cách Chính quyền Trung Quốc ứng xử với Tây Tạng.
Đặc
khu thành công mang màu sắc Việt Nam đến giờ vẫn chưa phải là suy nghĩ của các
lãnh đạo? Hay màu đỏ của nhân dân tệ mới ánh lên “tin ở hoa hồng”? Tôi không biết
đặc khu có màu gì nhưng với kinh nghiệm của hơn nghìn năm Bắc thuộc và nghìn
năm chống xâm lăng mới thấy chỉ có màu máu đỏ mới rửa được căm hờn mất nước.
Lịch
sử. Luôn có những chương nói về lòng ái quốc. Nhưng có những trang sử cũng chỉ
dành riêng để nhắc tên bọn bán nước, kể cả bán nước bằng nút bấm biểu quyết. Và
lịch sử của mai sau luôn bắt đầu từ hôm nay…
--------------------------
Thư gửi: Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội Việt Nam
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội Việt Nam
Kính
thưa TS. Nguyễn Đức Kiên,
Trả
lời câu hỏi : “Về vấn đề an ninh – quốc phòng, ông có lo ngại khi thời
gian thuê đất dài và các đặc khu nằm ở vị trí khá nhạy cảm?”
TS.
Nguyễn Đức Kiên – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã nói: “Tại
sao cứ sợ ảnh hưởng của Trung Quốc tại các đặc khu. Tại sao ở Úc, Pháp, Mỹ… đều
có Chinatown. Ở California mình có Little Saigon. Ở đó toàn người Việt, nói bằng
tiếng Việt, thì bang California có lo ngại vấn đề an ninh quốc phòng hay
không?”
Là
một người Việt có song tịch (Mỹ -Việt), đã sống nửa đời ở Việt Nam và nửa đời ở
Mỹ, tôi thấy có trách nhiệm góp ý với ông và các quan chức đang ở vị thế lãnh đạo
trong nước nhằm làm sáng tỏ sự so sánh hời hợt và suy luận quá đơn giản của quý
vị về vấn đề ở tầm mức quốc gia như thế nầy.
Khi
nói đến những Khu Vực Đặc Biệt – Đặc khu (Special Zones) của
một đất nước thì cần phải hiểu ngay rằng đấy là những khu vực nằm trên một quốc
gia có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của riêng đất nước đó. Tuyệt nhiên không
có ảnh hưởng hay sự nhúng tay làm áp lực của nước ngoài bất cứ từ đâu đến. Từ
năm 1934, Mỹ đã có những Đặc khu Thương mãi với Nước ngoài (Foreign Trade Zone
– FTZ) và Trung Quốc mới bắt đầu thành lập các Đặc khu Kinh tế (Special
Economic Zone – SEZ) từ năm 1980. Trong chiến tranh Việt Nam, miền Nam đã có những
Đặc khu Quân sự như năm 1962 có Đặc khu Rừng Sát, Đặc khu Quảng Đà nhưng ở vào
một vị thế và yêu cầu chiến lược cấp thời.
Các
khu dân cư và buôn bán ở tại Pháp, Úc, Canada, Hoa Kỳ của các nhóm nước ngoài
như Phố Tàu (China Town – Quartier Chinois), Phố Hàn (Korean Town), Phố Việt
(Little Saigon) là hoàn toàn khác với những “Đặc khu”
như Ts. Kiên đã nêu ra làm ví dụ để so sánh và suy diễn với những “Đặc khu” của
người Trung Quốc trên đất nước Việt Nam.
Tôi
đã đi qua và đã tận mắt chứng kiến cũng như tìm hiểu trong quần chúng và chính
mình nếm trải sự xa lạ, vong thân, vong quốc khi tiếp cận với những “Đặc khu”
Trung Quốc tại Huế (Tân Mỹ), Đà Nẵng (Bãi biển Sơn Chà), Nha Trang (Đường
Duy Tân dọc biển). Những nơi đó, người Trung Quốc đã ngang nhiên biến những
mảnh đất thân yêu Việt Nam thành những “Tử cấm Thành” đại Hán của riêng họ. Họ
che chắn bịt bùng như một sào huyệt riêng tư, người Việt Nam không có quyền lai
vãng đến đó. Ngoài ra, những nhân sự người Trung Quốc là những kẻ mang sẵn tinh
thần kiêu căng nước lớn, giàu có. Chúng nghênh ngang sẵn sàng khiêu chiến, gây
sự với người Việt Nam ló mặt tới căn cứ địạ của họ. Và cũng đã có tin đồn phát
tán rộng rãi trong quần chúng rằng, có những tình huống éo le và mỉa mai hơn nữa
là các quan chức Việt Nam cũng bị cấm không được bước chân vào đặc khu nhượng địa
của người Trung Quốc trên đất nước Việt Nam.
Trong
khi đó, những khu Phố Tàu, Phố Hàn, Little Saigon… tại Hoa Kỳ và các nơi khác
chỉ là một hình thức văn hóa chủng tộc trong một quốc gia hợp chủng. Nếu Ts.
Nguyễn Đức Kiên dụng công tìm hiểu cẩn thận hơn thì đã không làm một sự so sánh
khập khiễng và phiến diện “đau lòng dân Việt” đến như thế.
Những
nơi đó không phải là một quốc gia trong một quốc gia như các Đặc
khu Trung quốc trên đất nước Việt Nam hiện nay. Như khu Little Saigon lớn nhất ở
Santa Ana chẳng hạn là một ví dụ điển hình phân biệt giữa cái gọi là đặc
khu và khu phố thương mãi bình thường.
Toàn
khu phố Little Saigòn là sở hữu của nhiều chủ nhân, nhưng địa bàn đất đai, kiến
trúc là tài sản quốc gia Hoa Kỳ. Giới chủ nhân kinh doanh hay sở hữu địa ốc hầu
hết là công dân Hoa Kỳ. Tất cả đều phải tuyệt đối tuân thủ luật pháp quốc gia từ
thượng vàng đến hạ cám. Tiếng Anh là ngôn ngữ hành chánh chính thức (official
language) mà từ một cái hóa đơn bán lẻ đến những văn tự giao dịch hàng ngày hay
các văn kiện quan trọng đều phải dùng tiếng Anh. Những chủ nhân kinh doanh
thương mãi hầu hết sử dụng song ngữ Anh-Việt mà tiếng Việt thì tùy nghi
(optional), nhưng tiếng Anh là bắt buộc (mandatory). Không biết nói tiếng Anh
thì phải dùng thông dịch viên chứ không phải như phường ú ớ chỉ biết rặt tiếng
Tàu trên xứ Việt. Mọi nguyên tắc và quy trình sinh hoạt đều phải theo đúng tinh
thần văn hóa, xã hội và pháp luật của Hoa Kỳ. Bất cứ một biểu hiện hay sự việc
xảy ra lớn nhỏ nào đều do cơ quan an ninh Hoa Kỳ đảm trách. Mọi sự gian dối,
phá rối, bạo hành, phạm pháp, tình nghi… dù ở mức độ lớn nhỏ nào đều do cơ quan
công quyền xử trị tức khắc.
Thưa
Ts. Nguyễn Đức Kiên,
Là
người có chút học vị, chắc ông khó có thể phủ nhận được thực trạng Việt Nam hôm
nay là đang nắm trong chiến dịch “Chinh phục bằng vũ khí mềm” của
Trung Quốc đang diễn ra quyết liệt tại Phi Châu, Nam Mỹ và Đông
Nam Á mà nước Việt Nam chúng ta đã và đang bị lún sâu vào con đường “bán nước”
theo nghĩa thật, nghĩa đen, nghĩa minh xác nhất của nó. Đó là sự kiện
(không còn là hiện tượng nữa) diễn ra quá rõ ràng rằng: đất nước Việt Nam, từ sông núi,
biển trời tới đền đài, phố chợ… từ Bắc chí Nam đã bị bán và đang bị bán từng phần
cho đạo quân vũ khí mềm Trung Quốc được trang bị và tiềm ẩn dưới nhiều danh
nghĩa khác nhau. Nghĩa là họ chở tiền chứ không phải chở xe tăng, đại bác đi
chinh phục Việt Nam và thế giới nữa. Bất hạnh thay cho vận nước là đồng tiền
chinh phục của Trung Quốc gặp đạo hùng binh tham nhũng Việt Nam kẻ tung người hứng
thì còn chi là gia tài tổ quốc!
Hệ
lụy của đất nước Việt Nam trước nạn xâm lăng của Trung Quốc còn dài. Vai trò kẻ
sĩ ngày xưa hay trí thức ngày nay đã được đặt định: “Đất nước an nguy, người
thường phải gánh” huống chi là thành phần trí thức và quan chức như quý ngài.
Có một đại biểu trong Quốc Hội quý vị thuộc đơn vị Quảng Nam đã lên tiếng xác định
với đồng viện rằng: “Có đặt vấn đề đúng, mới đưa ra cách giải quyết
đúng!” Quả nhiên là vậy. Cách đặt vấn đề của Ts. Nguyễn Đức Kiên về
những Đặc khu đang hiện hữu của người Tàu trên đất Việt là rõ ràng chủ quan và
tùy tiện; nếu không muốn nói là mỵ dân và sai lầm. Một nhà khoa bảng giữ chức vụ
trọng trách trong Quốc Hội của một nước 95 triệu dân như ông mà nhìn sự thoái
trào của đất nước như là một chuyện qua đường bâng quơ và đơn giản như vậy thì
làm sao tìm ra một con đường khả thi để giúp dân, giữ nước.
Đây
không chỉ là sự góp ý riêng đối với trường hợp Ts. Nguyễn Đức Kiên mà là chung
với các quan chức đang nằm trong vị thế lãnh đạo Việt Nam. Rằng là: Cần đặt vấn
đề đúng đối với sự xâm lăng quân sự trên các vùng biển đảo đến cuộc vạn lý trường
chinh bằng vũ khí mềm của Trung Quốc vào Việt Nam. Cần bạch hóa những Đặc khu
nhượng địa để thế hệ con cháu mai sau không thống hận, nguyền rủa thế hệ đàn
anh bất tài, tham bạo. Đất nước là đất nước chung, một thế lực có thể nhất thời
giữ độc quyền cai trị; nhưng không ai là kẻ độc quyền yêu nước. Mong thay.
Đồng
thời với đôi điều góp ý trên đây, tôi cũng đã viết và trình bày về nạn du lịch
của du khách Trung Quốc tại Việt Nam và trên thế giới để có thêm thông tin về
quan hệ nhân văn và văn hóa ứng xử của người Trung Quốc nội địa và thế giới bên
ngoài trong thời hiện đại.
Là
một người con dân Việt sống xa quê hương, tôi chỉ xin có đôi điều góp ý chân
thành.
Xin
cám ơn quý vị.
Trân
trọng,
Trần
Kiêm Đoàn,
MSW; Ph.D
California. USA & Huế. VN
California. USA & Huế. VN
No comments:
Post a Comment