Lê Mạnh Hùng
May
23, 2018
Tôi
có một anh bạn già sống tại Úc. Hôm nọ tự nhiên nhận được điện thoại của anh hỏi
thăm người dân nước Anh nghĩ gì về đám cưới của Hoàng Tử Harry và cô tài tử Mỹ
Meghan Merkle. Anh nói thêm rằng tại Úc người ta quan tâm đến nỗi ngày nào, báo
chí và TV cũng đều có một chuyện về đám cưới này.
Tôi
hơi ngạc nhiên. Vì thực sự, chính ngay tại Anh đám cưới của Hoàng Tử Harry
không gây được bao nhiêu kích thích so với đám cưới của ông anh, Hoàng Tử
William. Ðó là vì như lời con gái tôi, “Ðám cưới gì mà không cả được ngày nghỉ
thì quan tâm làm gì!”
Thế
nhưng nghĩ lại việc người Úc hoặc người Mỹ quan tâm đến đám cưới của một ông
hoàng tử tại Anh cũng có cái lý của họ.
Walter
Bagehot, người sáng lập và là chủ nhiệm tạp chí The Economist từ 1860 đến 1877
đã có nhận định rằng nhà nước Anh có thể chia ra làm hai nhánh. Vương triều có
thể coi như là nhánh “trang trọng” của nhà nước. Vai trò của nó là làm biểu tượng
cho nhà nước qua truyền thống và những nghi thức. Chính phủ (quốc hội, nội các
và hệ thống công chức) là nhánh “hoạt động.” Công việc của nó là điều hành đất
nước qua việc làm và thi hành luật pháp, bảo vệ đất nước và cung cấp an ninh trật
tự xã hội cũng như là cung ứng cho dân chúng các tiện ích công cộng.
Trong
số các quốc gia dân chủ phát triển có lẽ chỉ có Anh Quốc là sự phân nhánh này
được thể hiện rõ rệt nhất và được thực hiên một cách hữu hiệu nhất.
Trên
thế giới cũng có nhiều quốc gia quân chủ lập hiến như Anh, tỷ như là các nước Bắc
Âu hay là Nhật Bản. Nhưng các vương triều tại các quốc gia này hoặc là bình dị
quá như tại Bắc Âu hoặc là cách xa với quần chúng quá như tại Nhật, thành ra không
đáp ứng được nhu cầu “trang trọng” của quần chúng đối với nhà nước. Thành ra
không có gì lạ khi mà những hoạt động của vương triều Anh hấp dẫn sự chú ý của
dân chúng các nơi như là Mỹ hay Úc mà nhà nước thiếu một nhánh trang trọng để đại
diện cho mình.
Thế
nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Cách đây trên hai mươi năm, người ta đã nghĩ
rằng vương triều Anh đang trên đà suy thoái và sắp đến lúc sụp đổ. Ðám cưới
không may mắn của Thái Tử Charles và Công Nương Diana Spencer đã xói mòn khả
năng đoàn kết quần chúng của vương triều bằng cách phá hủy hẳn tính cách trang
nghiêm của triều đại. Các cãi vã của cặp vợ chồng hoàng gia này đã cung cấp cho
báo chí lá cải không biết bao nhiêu tài liệu giầu có (và ghê tởm) về những hành
động của họ và làm cho người ta càng ngày càng có một cái nhìn xấu về vương triều.
Và chính nữ hoàng đã không làm cho tình hình tốt đẹp gì hơn trong cung cách cư
xử của bà trước cái chết của Diana. Bà đã không nói gì trong suốt năm ngày sau
khi Công Nương Diana qua đời và làm tiêu tốn cả chục năm ảnh hưởng đối với quần
chúng bằng cái im lặng này.
Nhưng
cái tai họa Charles và Diana chỉ là một trong những vấn đề của hoàng gia lúc
đó. Hoàng Tử Andrew và cô vợ cũ Sarah Ferguson cũng là một đề tài khác cho báo
chí giễu cợt. Ðược biết dưới cái tên “Airmiles Andy” và Freebie Fergie,” cặp
này đã nổi tiếng vì cung cách xa hoa của họ. Quyết tâm của Hoàng Tử Charles phải
lấy cô Camilla Parker Bowles mà ông đã ngoại tình trong khi còn đang sống với
Diana cũng không làm cho vương triều gần gũi gì thêm với quần chúng.
Nay
thì hai mươi năm sau tình hình đã đổi khác. Vương triều đã hưng vượng hơn bao
giờ hết. Nữ hoàng nay biểu tượng cho sự ổn định trong một thế giới bất ổn định
cũng như là biểu tượng cho sự đoàn kết trong một xã hội phân hóa. Bà đã trị vì
đất nước đến nay là 66 năm và đã trải qua 12 vị thủ tướng cũng như là vượt qua
không biết bao nhiêu là cuộc khủng hoảng chính trị.
Hoàng
gia đã thực hiện tốt việc đẩy các ông hoàng như Andrew vào trong hậu trường và
thay thế họ với một thế hệ mới thích hợp hơn. Hoàng Tử William và bà vợ Kate
Middleton trông đúng như những người nộm trang trọng mà Baehot đòi hỏi đại diện
cho vương triều.
Ðám
cưới của Hoàng Tử Harry và cô Meghan Markle có triển vọng là một thành công mới
trong cuốn sử phục hưng của vương triều. Cố nhiên là đám cưới này không phải là
toàn hảo. Gia đình cô Markle trông quái đản bên cạnh gia đình Windsor. Nhưng
cũng chính vì vậy đám cưới này cho phép hoàng gia Anh một cơ hội tốt để thích ứng
với một thế giới mới đa dạng và đa tình cảm hơn.
Cô
Markle là một diễn viên điện ảnh Mỹ, hỗn chủng và ly dị, tiêu biểu cho tất cả
những cái gì trước kia là cấm kỵ đối với hoàng gia Anh. Và với kinh nghiệm của
một diễn viên cô có thể nói là có các điều kiện lý tưởng để hoàn thành sự nghiệp
mới của mình. Còn Hoàng Tử Harry thì phối hợp một cái duyên dáng đơn giản và
thành thật làm cho người ta dễ mến và dễ gần gụi hơn.
Trong
truyền thống Anh, một cái áo cưới phải có “một cái gì cũ, một cái gì mới, một
cái gì vay mượn và một cái gì xanh” (something old, something new, something
borrowed and something blue) biểu hiện một sự tiếp nối nhưng không phải là hoàn
toàn thủ cựu với hy vọng cho một cuộc sống hạnh phúc biểu tượng qua mầu xanh.
Ðám cưới này đã đáp ứng được một phần lớn những ước vọng đó. Chúng ta hãy chúc
cặp vợ chồng mới được hạnh phúc. (Lê Mạnh Hùng)
No comments:
Post a Comment