Wednesday, 30 May 2018

PHẢI LÀM GÌ KHI BỊ KỲ THỊ CHỦNG TỘC? (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
May 29, 2018

Anh James Ahn ở Fremont, California, đang lái trong bãi đậu xe một hôm đầu Tháng Năm, 2018, thì có một phụ nữ da trắng lái xe qua mặt anh, ngoảnh lại nói: “Đây không phải là xứ (tiếng thô tục) của mày. Đây là nước tao.” Anh Ahn lẳng lặng lái đi, nhưng bà kia vẫn bám theo, đưa tay lên như đe dọa, lái ra trước xe anh ta, thắng gấp. Người đàn bà này la lớn: “Cút về cái nước (thô tục) Trung Quốc của mày đi, đồ Trung Quốc xấu xí.”

Anh Ahn, người Mỹ gốc Đại Hàn, đã đi lính, thuộc không quân trừ bị. Người cùng đi xe với Ahn quay lại cảnh này, Ahn đưa lên Facebook. Anh báo cho cảnh sát Freemont. Cảnh sát đã tìm hỏi người phụ nữ. Bà ta bảo rằng chính James Ahn gây gổ với bà trước ở bãi đậu xe, nên bà chửi lại. Cảnh sát kết luận rằng hai người cãi nhau; nhưng không có bạo hành nên hồ sơ được đóng lại. Bà ấy có quyền tự do ngôn luận, dù đã nói những lời thù ghét, cảnh sát kết luận.

Một bà khác ở tiểu bang Georgia, hồi Tháng Ba cũng sử dụng quyền tự do ngôn luận lên tiếng dạy cho mẹ con bà Meneses một bài học về ngôn ngữ. Natalia Meneses đang đi trong cửa hàng Walmart thì đứa con ba tuổi chỉ vào một cái kẹp tóc cài hoa, nói: “Mira, Mami!” (Coi này, Mẹ). Natalia trả lời con, tiếp tục nói với nhau bằng tiếng Tây Ban Nha, Español.
Một bà khách chứng kiến, nói với Natalia Meneses: “Cô phải dạy con nói tiếng Anh, vì đây là nước Mỹ, trẻ con phải học nói tiếng Anh.” Và bà ta cảnh cáo: “Nếu không, cô hãy đi ra khỏi nước này!”

Bà Menesses, một công dân Mỹ gốc Colombia, vừa khóc vừa kể cho nhân viên Walmart biết câu chuyện. Người ta tới hỏi người phụ nữ da trắng trên. Bà ta trả lời: “Tôi giúp cô ấy. Đứa bé này phải học tiếng Anh, nếu không lớn lên sẽ thiệt thòi; và tôi không muốn đóng thuế để có người dạy họ nói tiếng Anh.”

Bà Meneses, 40 tuổi, đang dự một chương trình tiến sĩ ở đại học, phân trần: “Nếu tôi nói tiếng Pháp với con tôi trong Walmart, thì bà ấy có tấn công tôi kiểu đó hay không? Nếu con tôi da trắng, tóc vàng mà đang nói chuyện với tôi tiếng Español, thì bà ấy có nói gì hay không? Chắc là không.”

Có lẽ màu da nâu, tóc đen là những yếu tố khiến mẹ con bà Meneses được bà kia dạy cho một bài học về ngôn ngữ. Nhưng nói tiếng Español cũng là lý do chính mà Luật Sư Aaron Schlossberg, ở New York, đã can thiệp khi nghe hai người nói chuyện bằng tiếng Español.
Ông Schlossberg ngồi trong tiệm ăn ngày 15 Tháng Năm vừa qua, nghe thấy một nhân viên nói chuyện với một người khách bằng tiếng Español. Ông la họ, vì đoán rằng những người này là di dân bất hợp pháp. Ông dọa với người quản lý tiệm ăn, sẽ báo cho ban thi hành luật của Sở Di Trú (ICE) để trục xuất mấy người này. Ông phân trần: “Tôi đóng thuế để họ được lãnh trợ cấp xã hội. Tôi trả tiền cho họ sống ở đây. Ít nhất, họ cũng phải nói tiếng Anh chớ!” Ông Schlossberg không biết rằng những di dân không giấy tờ hợp pháp thì không được hưởng trợ cấp xã hội.

Sau khi hoạt cảnh này được đưa lên mạng xã hội, nhiều người công bố những lần họ gặp Schlossberg và bị kỳ thị chủng tộc, kỳ thị cả những người gốc Do Thái không cùng một giáo phái với ông ta. Công ty cho thuê văn phòng đuổi, yêu cầu ông đi chỗ khác. Cuối cùng Schlossberg viết lời xin lỗi trên Twitter, phân trần rằng mình không kỳ thị chủng tộc!

Trong cùng tuần lễ xảy ra chuyện trên, hai phụ nữ ở Montana bị một cảnh sát hỏi giấy tờ. Bà Ana Suda hỏi lý do. Ông ta trả lời, “Thưa bà, vì tôi thấy hai người nói tiếng Español với nhau, ở vùng này không ai nói như vậy cả. Ít nhất, người cảnh sát này lễ phép, biết nói “Thưa bà – Ma’am.” Ana Suda đưa giấy tờ và thu hình. Khi đứa con bẩy tuổi của bà coi video này, cháu hỏi: “Má! Con không được nói tiếng Español nữa sao?” “Con được nói chứ! Con phải hãnh diện! Con thông minh, nói được hai thứ tiếng!”

Chuyện bà Suda khiến tôi nhớ lại, mấy năm đầu, khi tôi mới đến sống ở thành phố Montréal, Canada. Tôi tới gặp cô giáo lớp mẫu giáo của đứa con trai út bốn tuổi, trước khi cháu được nhận vào học. Sau khi bàn về những điều phụ huynh cần làm để cậu học sinh mới “hội nhập” với các bạn, vì cháu chưa thông tiếng Pháp, tôi bảo cô giáo: “Nhưng ở nhà chúng tôi chỉ nói tiếng Việt với các con thôi. Tôi sẽ không thay đổi.” Cô giáo trả lời ngay: “Naturellement! Tất nhiên rồi!” Dịch sang tiếng Español là: Naturalmente!

Trong nước Mỹ hiện có ít nhất 350 tiếng nói khác nhau, nói trong nhà và ở nơi công cộng. Nước Mỹ không có luật nào về ngôn ngữ chính thức, như Canada công nhận tiếng Anh và tiếng Pháp, ghi trong Hiến Pháp. Theo kinh nghiệm của tôi, dù đứa trẻ nói tiếng Việt ở nhà từ bé đến lớn, em học vẫn giỏi, khi lớn lên vẫn nói và viết thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp.

Số người Mỹ gốc Latino nói tiếng Español ở nhà đã giảm, từ 78% năm 2006 xuống 73% năm 2015. Nhiều gia đình chỉ nói tiếng Anh. Năm 2016 có khoảng 40 triệu người ở Mỹ nói tiếng Español ở nhà. Trong số những người Latino nói tiếng Español, gần 60 phần trăm (57.5%) nói tiếng Anh rất thông thạo.

Một số người Mỹ không coi chuyện cha mẹ nói tiếng Español với con cái ở nhà là naturalmente, chuyện tự nhiên! Nên mới có người nổi nóng, lớn tiếng yêu cầu người khác không được nói thứ ngôn ngữ nào ngoài tiếng Anh. Đây là một hiện tượng mới nổi lên từ hai năm nay thôi.

Có lẽ từ lâu vẫn nhiều người Mỹ nghĩ như thế, nhưng họ tự kiềm chế không lộ ra. Vì không muốn cho ai thấy mình hẹp hòi, kỳ thị. Bắt đầu từ năm 2016, một phong trào chống người gốc Mexico đã nổi bật trên các diễn đàn chính trị, cho nên những người lòng dạ hẹp hòi đã có can đảm công khai bày tỏ thái độ kỳ thị. Người nọ bắt chước người kia, từ Montana đến New York, California, nhưng họ vẫn chỉ là một thiểu số trong dân Mỹ.

Nhưng những kẻ lòng dạ hẹp hòi không phải chỉ ghét người Mexico. Anh James Ahn là người Hàn Quốc, bị nhìn lầm là người Trung Hoa, cũng bị coi khinh chỉ vì màu da của mình. Một người Hoa chính cống, từ Trung Quốc qua học ở Iasco Flight Training School, trường trung học dạy lái máy bay tại Redding, California, cũng bị kỳ thị, như tin tức mới loan báo ngày 28 Tháng Năm. Video chiếu cảnh hai người dọa tống cổ cậu học sinh này về Trung Quốc. Một trong hai người là cấp điều khiển trong trường, người kia là một phụ nữ, làm giám đốc hành chánh. Người đàn ông tới tận phòng cậu học sinh, dọa nạt, với những lời thô tục, sẽ trục xuất cậu học sinh về xứ. Cậu học sinh này có visa du học, vẫn còn giá trị cả năm. Cảnh sát đã bắt cả hai người. Điều tức cười là trường dạy lái máy bay này do một công ty Trung Quốc làm chủ, và nhận nhiều học sinh từ Trung Quốc.

Nếu người Hàn Quốc và người Trung Quốc bị bọn kỳ thị gây rắc rối, thì người Việt Nam, người Phi Luật Tân, vân vân, cũng có ngày phải đối đầu với bọn chúng.

Phải chuẩn bị tâm lý trước khi bị những người kỳ thị chủng tộc tấn công bằng các lời xúc phạm. Trước hết là phải ngẩng đầu lên, không cúi xuống. Thứ nhì, phải công khai phản đối những lời nói và hành động kỳ thị.

Khi anh James Ahn bị “chửi” là người Hoa, và bị dọa đuổi khỏi nước Mỹ, anh không im lặng. Anh thu hình, quay phim làm bằng chứng, rồi báo cho cảnh sát để điều tra. Anh không tìm cách lảng tránh, tự an ủi rằng: May quá, nó chỉ ghét người Hoa, không ghét mình! Nó không biết mình là người Hàn Quốc!

Cuối cùng, cũng phải chuẩn bị tâm lý với niềm tin tưởng rằng đại đa số dân Mỹ không mang đầu óc kỳ thị hẹp hòi. Bọn người này chỉ là một thiểu số, giống như những kẻ chủ trương “Da trắng trên hết.” (Ngô Nhân Dụng)






No comments:

Post a Comment

View My Stats