Hoàng Ngọc Nguyên
22/05/2018
Lời tòa soạn: Vào ngày 11-5 vừa
qua, Hội đồng giải thưởng Nobel của Hoàng gia Thụy Điển đã làm chấn động cả thế
giới khi công bố giải Nobel Kinh tế cũng như giải Nobel Hòa bình năm nay đều được
trao cho His Excellency the President of the United States Donald Trump.
Dĩ nhiên đây là lần đầu tiên trong lịch sử loài người, một người lại được cùng
một lúc hai giải Nobel khác nhau – một chuyện phá lệ làm dư luận bàng hoàng và
nhìn rõ hơn được nhân dạng tổng thống nước Mỹ. Từ một “leaker” của Tòa Bạch Ốc,Saigon
Weekly đã kiếm được một bản thảo bài diễn văn nhận giải của Tổng thống, nguyên
bản tiếng Congo, kiếm cho ra người dịch đúng là cả một vấn đề. Bản dịch dưới
đây là đầy đủ, chỉ có vài sửa đổi những sai sót nhỏ của chính tác giả, như giải
Nobel, ông Trump nhầm là giải Novel, hay Thụy Điển là nước trao giải Nobel,
không phải Thụy Sĩ.
-----------------
Thank
you! Thank you! Thank you very much!
Tận
đáy lòng tôi xin chân thành cảm tạ Hội đồng Giải thưởng Nobel của Hoàng gia Thụy
Điển đã cho tôi có mặt tại diễn đàn này trong ngày hôm nay, một cơ hội trước
đây ngay cả mơ tưởng tôi cũng chẳng dám. Cho cùng, tôi chỉ mơ mộng hàng đêm
trong không biết bao nhiêu năm qua được cầm trong tay một giải Nobel nào đó mà
không hề dám mong đợi thành sự thật vì không biết là Nobel gì đây.
Tôi
cảm ơn các vị giám khảo trong ủy ban kinh tế của Hội đồng Nobel khi quí vị đã
can đảm đạt đến một quyết định chẳng phải dễ dàng: cho một người làm kinh tế
ngoài chốn khoa bảng được phần thưởng cao quí hàng năm này. Điều này làm rõ hơn
nữa một quan điểm tiến bộ của Hội đồng Nobel: Những gì con người làm được phải
có ý nghĩa hơn những gì người ta nói. Nói mà không làm thì chẳng được gì. Còn
làm mà không nói không có nghĩa là làm không suy nghĩ!
Và
đương nhiên tôi cũng muốn bày tỏ lòng tri ân với quí vị trong hội đồng xét giải
Nobel hòa bình. Chúng ta đều hiểu rằng để cho thế giới an bình, không phải một
người duy nhất mà làm được. Ai cũng phải có ít nhiều tự chế nơi bản năng. Và nhất
là những người khó tự chế nhất vì họ thấy không có gì để mất. Tôi nghĩ đến hai
người bạn tôi vẫn xem là gần gũi nhất. Người tiền nhiệm của tôi đã sai lầm khi
giữ khoảng cách với họ, như thể chúng ta còn sống dưới thời chiến tranh lạnh.
Nhưng tôi vẫn xem Tổng thống Vladimir Putin của Cộng hòa Liên bang Nga, Chủ tịch
Tập Cận Bình của Cộng hòa Nhân dân Trung quốc, là những người đồng hành trên lộ
trình thế giới toàn cầu. Phải chăng vì thế mà hòa bình thế gìới, trong cách tôi
tôn trọng những lãnh tụ tối cao của hành tinh này ngày nay, đã được tồn tại như
thế.
Nhưng
nói chung, nhân loại chúng ta, không phải chỉ riêng tôi, phải nghiêng mình trước
toàn thể Hội đồng giải Nobel của Hoàng gia Thụy Điển. Quyết định trao giải
Nobel cho người này hay người khác chẳng phải là chuyện khó khăn lắm khi chúng
ta đang có một công luận toàn cầu hóa hướng dẫn, và chỉ cần có sự công tâm suy
xét, đánh giá sự lựa chọn của quần chúng. Nhưng khi quí vị quyết định có một
người xứng đáng được nhận cả hai giải Nobel về hòa bình và kinh tế năm nay, do
đó không phải chờ đợi năm nay cho một giải, sang năm cho giải kia, đó là một
quyết định táo bạo, hi hữu, nhưng sáng suốt, dũng cảm, một người chẳng làm được,
nhiều người càng khó làm hơn. Nghĩ cho cùng, nhân sinh thất thập cổ lai hy. Năm
nay còn đứng đây nói chuyện; sang năm tới, biết đi đâu, về đâu, nằm đâu.
Tôi
là người thích vui chơi, giải trí – ngay cả trong công việc. Một người không có
tham vọng, nói chung, và tham vọng chính trị nói riêng. Tôi chỉ có cuồng vọng.
Tôi tin rằng Chúa đã sinh ra ta, đã cho ta là con người, thì chẳng bỏ loài người,
mà cho ta năng lực làm chuyện phi thường, làm gì cũng phải thành công, thành
công vượt bậc, độc đáo, hơn người. Bởi thế, quyền năng của Chúa chính là làm
cho ta chẳng thua ai và cũng chẳng ai bằng ta, nếu ta biết đón nhận ân sủng đó.
Cho
đến khi tôi được bầu làm tổng thống nước Mỹ với số phiếu cử tri đoàn áp đảo đối
phương một cách vang dội, lịch sử chưa từng có, tôi chỉ được biết như một nhà
kinh doanh. Người ta nói rằng trong cuộc bầu cử này tôi còn có thể thắng được số
phiếu phổ thông dễ dàng, nếu tôi để dành nhiều thì giờ hơn, nhân lực hơn, tài lực
hơn cho công cuộc vận động. Và nếu cuộc bầu cử này ngay thẳng hơn, không có
gian lận cử tri, không có thông đồng với ngoại bang. Nhưng bao nhiêu năm trong
ngành kinh doanh đã dạy cho tôi một kinh nghiệm khôn ngoan: Đừng lấy dao mổ
trâu giết gà. Luôn luôn phải chọn cách đạt mục tiêu ít hao tốn nhất, để dành vốn
liếng cho mục tiêu khác. Đó là một nguyên lý dẫn đến kỹ thuật mặc cả, đàm phán,
thương lượng. Trong kinh doanh, nếu chúng ta cứ kiên trì cho bằng được khi mặc
cả, hầu như chắc rằng bao giờ chúng ta cũng đạt được giá thấp nhất. Đó chính là
một nguyên tắc tối đa hóa lợi nhuận.
Tôi
đã chẳng bước qua lĩnh vực chính trị và lẽ ra đã tiếp tục hoạt động kinh doanh
trong những năm cuối đời nếu thấy được đất nước an lạc, thế giới an bình, người
dân hạnh phúc, nhất là những người đồng bào đồng chủng với mình. Ngay từ nhỏ
tôi đã được thân phụ đưa vào thế giới kinh doanh và dạy cho những thủ thuật làm
ăn thành công. Mới đây, báo chí còn nhắc lại, ngay từ đầu thập niên tám mươi,
tôi chỉ mới ba mươi mấy, tạp chí Forbes đã đưa tôi vào danh sách những nhà triệu
phú có trên trăm triệu cho dù tôi có chưa đến 1/10 mức đó. Kinh doanh là thử
thách đích thực nhất và duy nhất bản lĩnh của con người. Và cũng chính là lẽ sống
đích thực nhất của con người. Hay là phần thưởng cao quí nhất, rõ ràng nhất, xứng
đáng nhất mà con người được hưởng. Đó là điều tôi đã giác ngộ được dưới ánh
sáng của Thượng Đế.
Chính
nhờ kinh doanh, tôi mới hiểu được sức mạnh của đồng tiền. Không có cách nào bảo
đảm hơn khi chúng ta nắm tiền trong tay, và người ta sẽ cảm thấy ngay tức thì sự
vắng mặt của nó trong túi, làm cho con người dễ cùng đường, bế tắc trong cuộc sống.
Nhờ kinh doanh, chúng ta mới có thể thỏa mãn được bất cứ nhu cầu nào của con
người, không phải ép buộc ai. Không để tâm trí khủng hoảng vì thiếu thốn. Không
chỉ đồng tiền kinh doanh thỏa mãn được tất cả nhu cầu của con người, mà còn
giúp chúng ta có quyền lực vô song nắm được con người. Nó cho con người cái quyền
chẳng phải ai cũng có và chẳng phải ai cũng biết sử dụng. Quyền nói: You’re
fired! Với quyền này, mọi người phải tìm đến với ta, phục tùng ta, trong khi ta
không bị ràng buộc với bất cứ ai. Khi chúng ta thấy không còn tin tưởng ở sự
trung thành của người bên dưới nữa chẳng hạn. Thậm chí mọi quan hệ dù bất cứ ở
đâu, trong trường hợp nào đều có thể chấm dứt bằng một hợp đồng giữ miệng khiến
ta có thể nói không một chuyện đã có. Tôi chẳng biết ở nước nào có câu nói: Có
tiền mua tiên cũng được. Nhưng sự thật là thế. Miễn là ta có tiền! Cho dù sử dụng
tiền từ bất cứ nguồn nào!
Tôi
là người tin tưởng tuyệt đối ở kinh doanh, ở thành công trong kinh doanh, ở một
môi trường kinh doanh thích hợp. Chẳng hạn như tôi tin tưởng ở một chủ nghĩa tư
bản tuyệt đối. Có nghĩa là ở một chế độ kinh tế trong đó quyền kinh doanh của
con người không bị giới hạn, không bị ràng buộc bởi bất cứ một cơ chế giả tạo
nào của chính quyền. Một chế độ tư bản tự do như thế mới thúc đẩy kinh doanh tiến
triển, có lợi cho tất cả những thành phần tham dự, từ chủ tư bản đến công nhân,
từ người sản xuất, người bán đến người tiêu thụ. Thành công trong kinh doanh
đòi hỏi trước tiên chúng ta phải biết cầu và cung trên thị trường, không phải
dưới dạng tĩnh, mà là phải làm sao biết “bán” món hàng của mình, làm cho người
mua tin ở những lời rao hàng có tính ép buộc của mình.
Tôi
vẫn luôn luôn nhớ một phần lời căn dặn của một tổng thống Cộng Hòa thời Nội chiến
Mỹ vẫn được xem là khuôn vàng thước ngọc cho hành động: “You can fool all the
people some of the time, and some of the people all of the time”. Ta có thể lừa
dối tất cả mọi người một đôi lúc, lừa dối một số người tất cả mọi lúc. Như thế
là đủ rồi. Huống chi chắc gì “you cannot fool all the people all the time”. Quan
điểm của ông Abraham Lincoln có khi quá bi quan. Cho nên ông đã phải trả giá.
Tôi tin tưởng hơn lời Tào Tháo trong kinh doanh: “Thà ta phụ người còn hơn người
phụ ta”. Nói cách khác: sự trung thành của ta trong thị trường cạnh tranh không
quan trọng bằng sự trung thành của người tiêu thụ trong tình thế trăm người bán
vạn người mua.
Kinh
tế Mỹ dưới thời người tiền nhiệm từng mang tiếng đã hồi phục từ năm 2009 nhưng
thứ nhất chúng ta chẳng thể tin ở những con số thống kê của thời hưng thịnh nhất
của “fake news”, và thứ hai kinh tế thực sự không “bốc” lên được vì không làm
người kinh doanh tin tưởng và người dân lao động thì tuyệt vọng. Ông tin ở chủ
nghĩa xã hội, hay chủ nghĩa cộng sản, đặt cái cày trước con trâu. Ông lo phục vụ
người già Medicare, người nghèo Medicaid, người bệnh, trẻ em, người DACA, người
Hồi giáo, người da đen, rồi chương trình Obamacare có tiếng mà không có miếng,
không tính chuyện lấy tiền đâu mà làm những nghĩa cử cao đẹp đó. Rốt cuộc chuyện
từ thiện đó chẳng làm được bao nhiêu, ngân sách thì thêm thiếu hụt, nợ nước
ngoài ngày càng chồng chất vì dễ dãi với những nước bạn hàng cứ xem Mỹ là bò sữa,
và người dân vẫn sống trong lo âu và bất mãn.
Mọi
người nay đều biết rằng kinh tế Mỹ vào cuối tháng tư qua tỷ lệ thất nghiệp đã
xuống còn 3.9% – và trong tương lai còn có thể xuống mức đương nhiên chưa từng
có 3.5%. Với giới chuyên môn kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp mang tính toàn dụng là
4.7%. Là vì khoa học kinh tế chưa hề hình dung được thành quả phi thường hiện
nay. Trong quí 1, mức tăng trưởng kinh tế là 2.9%, và quí 2 được Quỹ Dự trữ
Liên bang tính rằng sẽ vào khoảng 3%. Lý thuyết khác cũng bị bẻ gãy: kinh tế phục
hồi lâu quá rồi, nay đã đến lúc cho phép nó suy thoái 1-2 năm trở lại để nghỉ xả
hơi. Không! Tôi nhất quyết không cho phép kinh tế xả hơi. Hãy nhìn thị trường
chứng khoán. Người ta cho rằng đã qua giai đoạn hay chu kỳ chứng khoán cất
cánh. Nhưng từ bốn tháng qua, chỉ số Dow Jones đã ngưng lại chuyện rớt xuống vực
và vẫn âm ỉ chờ thời cơ bốc trở lại.
Người
ta hỏi rằng tôi chỉ mới vào Tòa Bạch Ốc chẳng bao lâu, tôi đã dùng phép lạ kinh
tế nào mà hay thế. Hãy vui lòng chỉ cho coi với. Tôi chẳng giấu giếm gì. Tôi
tin ở con người, tin những nhà kinh doanh. Tin ở công nhân. Cứ để cho họ làm, tạo
điều kiện cho họ làm. Khuyến khích họ phát huy sáng kiến cá nhân. Nhiều bột khuấy
đại cũng nên hồ. Nhiều nhà kinh tế lỗi lạc nói những chuyện lý thuyết điên đầu,
thường chỉ đúng khi nhìn lại đàng sau nhưng mơ hồ khi nhìn ra phía trước. Còn
tôi chỉ có một tín điều đơn giản: tất cả cho người kinh doanh! Khi họ thấy lợi
trước mắt, đương nhiên họ xông tới, có khi còn dẫm lên nhau. Đó là qui luật cạnh
tranh mà thôi.
Cho
nên tôi chủ trương xóa bỏ regulations – sự kềm kẹp của luật lệ hành chánh của
chính quyền khiến cho giới kinh doanh chỉ lo chạy chọt mà không có thì giờ chạy
hàng. Ai cũng ca ngợi chuyện tôi xóa bỏ vai trò cảnh sát kinh tế của nhà nước
liên bang. Chính phủ liên bang từ nay hết mang tiếng abusive!
Tôi
là tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ đã nhanh chóng đưa ra luật giảm
thuế cho mọi thành phần. Dĩ nhiên, trước đây gần 20 năm, Tổng thống George W.
Bush cũng có biện pháp giảm thuế, nhưng trước đây ông chỉ bắt chước những gì
tôi đang làm hiện nay, hay nghe lời tôi khuyên. Nhưng ông không khéo, cho nên
di họa kinh tế về sau với cuộc suy thoái năm 2007. Rất tiếc, lúc đó tôi đang mắc
vào cơn Bão Daniels, cho nên không làm gì được.
Người
phê bình nói tôi chỉ nhằm giảm thuế cho người kinh doanh giàu có. Cho dù điều
đó có thể đúng, thì việc làm chẳng có gì sai. Giới kinh doanh là đầu tàu phát
triển. Công nhân hay lớp dưới trong xã hội chỉ là những toa tàu kéo theo. Giảm
thuế thì đầu tàu càng mạnh, máy chạy càng nhanh. Nếu giảm thuế cho cả lớp dưới,
các toa sau sẽ nặng hơn, khó kéo hơn. Người ta cũng phê bình giảm thuế thì ngân
sách càng thêm thiếu hụt, như vậy chẳng khác gì đảng Dân Chủ. Tôi nói lại rằng
đảng Dân Chủ thiếu hụt thực sự vì người nghèo vốn là gánh nặng trong thúc đẩy
kinh tế. Đảng Cộng Hòa thiếu hụt là vì giảm thuế cũng như cho giới doanh nhân,
tư bản mượn tiền, và họ sẽ trả lại qua đầu tư, qua tăng lương cho công nhân,
qua nộp thêm thuế vì lợi tức tăng thêm. Giới kinh doanh cũng như người dân lao
động chẳng nao núng gì về chuyện thiếu hụt này. Ngay cả đảng Cộng Hòa cũng chẳng
nao núng gì, cho dù họ vốn chủ trương “ngân sách thăng bằng”. Họ không sợ mang
tiếng vô nguyên tắc bởi vì tất cả đều tốt nghiệp Đại học Trump, họ hiểu rằng biện
pháp giảm thuế là vì họ – không chỉ cho bầu cử năm nay, bầu cử năm 2020, mà cả
ngàn đời sau.
Cũng
như cái gọi là cuộc chiến tranh mậu dịch. Chúng tôi đã thất thủ trong cuộc chiến
này từ thời các tổng thống trước. Nay chúng tôi chỉ làm công việc giải phóng sự
kềm kẹp của một thế giới toàn cầu hóa. Bởi vì chúng tôi muốn làm nước Mỹ vĩ đại
trở lại. Giải phóng chính là làm sáng tỏ nguyên tắc “America First” trong quan
hệ kinh doanh quốc tế. Có gì sai trái trong nguyên tắc đó? Không! America First
mới tập trung được người dân thành một khối đoàn kết trong một đất nước của di
dân phức tạp này. Nước nào chẳng “Me-too” hay “Me-first”? Có giải phóng mới
ngăn chận hàng nước ngoài tràn lan trong nước, mới khuyến khích sản xuất nội địa,
mới bán thêm được hàng ra nước ngoài. John Maynard Keynes là một nhà kinh tế cổ
điển của nước Anh, từng sai lầm chủ trương chính phủ phải lạm chi để thúc đẩy
kinh tế – đó là bài bản của đảng Dân Chủ hiện nay. Thậm chí người Dân Chủ không
biết ông đã chết từ hơn bảy thập niên rồi. Ông nổi tiếng với câu nói: “In
the long run we are all dead!” Như thế thì sao? Bây giờ chẳng làm gì cả hay
sao?
In
the long run we’re all dead. Không! Trước mặt chúng tôi có thể khó khăn vì nhất
thời hàng không bán ra được nước ngoài, hàng nhập giá đắt hơn và khan hiếm,
trong khi chúng ta chưa sản xuất thay thế được với giá rẻ như thế. Công nhân có
thể khó khăn hơn, nông dân có thể khó khăn hơn, người dân có thể khó khăn hơn,
nhưng giới kinh doanh thoải mái hơn. Đó là chuyện trước mắt – có thể vài năm nữa,
Nhưng tôi nói với người dân, và họ tin: “In the long run, we will all see the
paradise”. Về lâu dài, cuộc sống của chúng ta như ở trên thiên đàng. Chúng ta
ai cũng sẽ thấy thiên đàng. Chúng ta sống ngày nay là vì các thế hệ mai sau!
Ladies
and Gentlemen,
Khi
nói đến hạnh phúc của những thế hệ mai sau, chính tôi đã suy nghĩ rất nhiều về
những trách nhiệm và động thái của chính quyền mà tôi đang đảm nhận hiện nay và
có thể cả trong nhiệm kỳ tiếp theo nữa nếu nhu cầu lịch sử đòi hỏi và đương
nhiên tôi không được từ chối. Quí vị hãy nhìn Tổng thống Putin của nước Nga hay
Tập chủ tịch của Trung Quốc. Khi Tổ quốc kêu gọi, họ sẵn sàng ngồi lại cả mười
năm, hay hai mươi năm, có ai dám rút lui khi toàn dân đã lên tiếng?
Nhiều
tổng thống trước tôi đã thiếu ý thức trách nhiệm, cho nên nhắm mắt chi tiêu như
một người xã hội chủ nghĩa, có nghĩa là xem tiền thuế như tiền bá tánh đóng
góp, tiền chùa, họ chỉ nhằm đến lá phiếu trước mắt, trong khi chủ nghĩa xã hội
đích thực chỉ là một thứ tôn giáo, hướng đến một tương lai không hề có. Rốt cuộc
từ tổng thống này đến tổng thống khác đã phóng tay để ngân sách thiếu hụt,
chính phủ mang nợ đến lút cổ, để lại di sản tai ương này cho những thế hệ sau
phải nai lưng, è cổ gánh vác, chịu đựng.
Trong
ý thức đó, ngay cả trong năm đầu của tôi, ngay cả khi tôi ban hành biện pháp giảm
thuế tuyệt vời, như một phép lạ chưa từng có để thúc đẩy kinh doanh tiến lên,
kinh tế tăng trưởng, tôi cũng đã hành xử trong một cách có trách nhiệm.
Trong
vài năm trước mắt, ngân sách có thể thiếu hụt, nhưng chỉ thiếu hụt trầm trọng
khi chúng ta không biết giảm chi. Bài toán đơn giản như thế mà nhiều người vẫn
không chịu nhìn thấy. Chẳng dám gọi mình là “một thiên tài ổn định”, a very
stable genius, như tôi đã từng tweet, nhưng tôi đã cho người ta, những nhà
chính khách thiếu ý chí, kém suy nghĩ, hiểu: Once there’s a will, there’s a
way. Có chí thì nên. Nếu tôi đã không quyết tâm vào Tòa Bạch Ốc, thì làm sao
ngày nay nước Mỹ có được một tổng thống như tôi. Bàn đến chuyện giảm chi, ít
người dám nói, nhưng tôi đã cắt cho người ta thấy 15 tỷ chi ngân sách cho bảo
hiểm y tế trẻ em. Bảo hiểm y tế cho trẻ em chính là cha mẹ của chúng, chính phủ
nào sinh ra chúng?
Hay
chương trình Obamacare. Đó là một chương trình cho ngành bảo hiểm lạm dụng và
làm cho chính phủ kiệt quệ, giữa lúc chúng ta phải dồn sức vào một chương trình
bảo hiểm còn lớn hơn: đó là bảo hiểm cho đất nước an toàn, tức phải tăng ngân
sách quốc phòng lên gấp 2 gấp 3 lần để cho “làm nên mặt anh hùng đâu đấy tỏ”. Tại
sao phần lớn ai cũng phải lo bảo hiểm y tế cho mình, trong khi một số người ngồi
không nên nói “không”.
Tương
tự, Medicare, Medicaid là những chuyện cá nhân, tại sao chính phủ phải can dự
vào. Can dự không chỉ là sự xâm phạm đến quyền tự do cá nhân, tức là liberty, vốn
là lý tưởng, là sức mạnh của nước Mỹ, mà còn hạ thấp giá trị con người Mỹ, vốn
độc lập, tự lập, và không muốn sống để lệ thuộc. Nếu không, chúng ta đã chẳng dẹp
bỏ chế độ nô lệ. Nên nhớ rằng Mỹ mở cửa cho di dân để cho người ta trở thành người
tự do độc lập, không phải là nô lệ. Cho dù đến nay vẫn còn tư tưởng đó nơi
không ít người.
Có
người vẫn phê bình chủ trương America First của chúng tôi. Hay cho rằng chúng
tôi quá tham vọng “Make America Great Again”. Nhưng khi trao cho tôi giải Nobel
Hòa bình hẳn quí vị phải đồng ý những chủ trương đó chỉ nhằm mục đích xây dựng
và bảo đảm hòa bình, trật tự thế giới ngày nay. Chúng ta phải có hòa bình bằng
tất cả mọi giá – ngay cả nếu phải trả giá bằng chiến tranh. Thế giới ngày nay
mà không có trật tự, không có hòa bình thì làm sao nói chuyện mai sau.
America
First có nghĩa là khát vọng hòa bình của người Mỹ phải là mục tiêu số 1. Có
nghĩa là chẳng những chúng tôi sẽ không để ai xâm phạm mình, mà còn không muốn
dính líu với bât cứ cuộc xung đột hay tranh chấp với nước nào trên thế giới. Và
muốn đạt được mục tiêu đó, nước Mỹ phải vĩ đại trở lại và sẵn sàng cho người ta
thấy sự vĩ đại của mình.
Trong
những trật tự thế giới mà cá nhân tôi đã được trải nghiệm, có lẽ trật tự thế giới
dưới thời Chiến tranh lạnh là ấm áp nhất, ổn cố nhất. Chúng ta đã trực tiếp
tham dự chỉ có hai cuộc chiến bên ngoài. Cuộc chiến tranh Cao Ly là cuộc chiến
hợp pháp (legitimate) củng cố nền tảng còn sơ khai của Thế giới Tự do. Bởi thế
chúng ta mới bảo vệ được Nam Triều Tiên và giúp nước này phát triển bậc nhất
ngày nay. Đáng tiếc thay, cuộc Chiến tranh Việt Nam là một sự lựa chọn sai lầm,
một cuộc chiến đến nay ít sử gia đề cao chính nghĩa, và cũng không ít người cho
rằng không hợp pháp (illegitimate). Đó là một cuộc chiến không có anh hùng. Người
bị bắn rơi và chịu cầm tù cho dù có đến sáu năm có ai nhớ mà gọi là anh hùng
hay không. Người không bị tù trở về có ai tiếp đón với vòng hoa chiến thắng? Thậm
chí kiếm việc làm cũng khó khi khai rằng mình là cựu chiến binh Chiến tranh Việt
Nam. Bởi thế mà ngay từ hồi đó, cũng như bao nhiêu thanh niên sợ bị bắt lính,
tôi đã dũng cảm chống cuộc chiến này theo cách của mình. Hoãn dịch vì lý do học
vấn là một sáng kiến bình thường. Hoãn dịch vì lý do gót chân đau nhức đúng là
cao kiến, cho dù tôi vẫn đi đứng bình thường cho đến nay. Nhờ thế tôi vẫn có một
lý do để nói “Không” khi được hỏi có đủ điều kiện để đi lính hay không. Chính
những đóng góp phản chiến nhỏ bé này đã giúp cuộc chiến sớm chấm dứt và lính Mỹ
mau trở về. Bởi vậy, trong chuyến thăm Việt Nam năm ngoái, người ta đã tiếp
đón tôi như một người hùng đích thực.
Trong
trật tự cũ thời chiến tranh lạnh, nước Mỹ chúng tôi cũng đã hỗ trợ trực tiếp
hay gián tiếp cho Israel chống lại âm mưu bao vây và tiêu diệt của những nước Ả-Rập
Trung Đông. Từ cuộc chiến đầu tiên 1948, cuộc chiến thứ hai 1956, thứ ba 1967,
thứ tư 1973, bao giờ chúng tôi cũng tỏ sự thủy chung, trong khi ngay cả những đồng
minh ở phương tây còn do dự hay tự chế. Rõ rệt cộng đồng nhỏ bé người Mỹ gốc Do
Thái trong dân chúng, trong các cơ quan dân cử, trong giới kinh doanh tài phiệt
luôn luôn có thể an tâm với sự có mặt của Mỹ đàng sau để tạo động lực thúc đẩy
Tel Aviv đi tới từ nơi này đến nơi khác, vùng Jerusalem vốn là tạm chiếm nay đã
thành lãnh địa và trở thành thủ đô (Mỹ là nước đầu tiên và hiếm hoi đã dời sứ
quán về Jerusalem), hay Lebanon láng giềng luôn luôn chịu trừng phạt nếu dung
túng cho những âm mưu khủng bố khuấy động Do Thái. Chính Do Thái với Mỹ đứng
đàng sau đã làm sáng tỏ một chủ trương: hòa bình bằng vũ lực, tiên hạ thủ vi cường,
và chúng tôi rất tự hào đã tiếp tay Do Thái xây dựng được hòa bình ở Trung Đông
nhờ một sức mạnh áp đảo. Ngay cả ở Palestine, tuy lực lượng Hamas vẫn còn khuấy
động, khủng bố ngày càng táo tợn, nhưng cái giá phải trả như máu đổ thành sông
của người Palestine, lực lượng Do Thái nói chung đã được bảo toàn nhờ quân viện
không giới hạn của Mỹ.
Thế
giới trong thời chiến tranh lạnh chủ yếu vẫn giữ được hòa bình, bởi vì có một sự
phân chia lãnh thổ giữa những đại cường được tôn trọng. Trong chuyến đi thăm Bắc
Kinh năm ngoái, Tập Chủ tịch đã tặng tôi một tập sách Romance of the Three
Kingdoms – Tam Quốc Chí. Thời xưa, nước Trung Quốc rộng mênh mông được chia
thành ba vương quốc Ngụy, Thục, Ngô để có hòa bình và giảm thiểu nguy cơ chiến
tranh. Tôi rất hiểu ý của ông Tập.
Thế
giới của chúng ta bấy lâu nay, kể từ khi chiến tranh lạnh chấm dứt năm 1990, đến
nay đã gần 30 năm, trật tự đã không còn nữa, là điều ai cũng thấy rõ, nhưng chẳng
ai màng. Những tổng thống tiền nhiệm, người thì gây thêm hỗn loạn, người thì
sau đó chẳng dám đụng đến sự mất trật tự này. Và người ta cứ nói đang xây dựng
trật tự mới, nhưng dường như ai cũng chờ đợi cho tôi giáng thế.
Thế
giới ngày nay vì sao hỗn loạn, mất trật tự? Vì không còn kỷ cương. Không còn sự
phân chia: tự do, cộng sản, không liên kết. Hay thế giới thứ ba. Khối Thế giới
Tự do chẳng hạn – người ta không nói đến nữa. Khối cộng sản quốc tế dĩ nhiên là
không, cho dù còn bốn năm nước mang tên cộng sản nhưng một vài nước còn “tư bản
quá cha”, lạm dụng tư bản để bóc lột người dân còn hơn cả những nước tư bản thứ
thiệt.
Từ
gần 30 năm qua, thế giới đã đi vào hướng “toàn cầu hóa”. Có một nghĩa là như một
thị trường duy nhất dưới sự quản chế của một Tổ chức Thương mãi Thế giới bất lực.
Nhiều nước đã phát giàu nhanh chóng. Rõ ràng trước mắt là Trung Quốc, nay nền
kinh tế đã ngang ngửa với Mỹ tính theo giá trị tổng sản lượng quốc nội GDP. Hãy
nhìn trên thị trường nước Mỹ, hàng made-in-China thì nhiều, còn người tiêu dùng
hàng ngày mua bao nhiêu hàng made-in-USA? Sự bộc phát kinh tế của những nước bốc
lên được nhờ toàn cầu hóa này phần lớn là nhờ lạm dụng quan hệ thương mãi với Mỹ,
bán rẻ, mua đắt. Bán rẻ thì hàng của họ tràn ngập thị trường Mỹ. Mua đắt thì
hàng của Mỹ khó có chỗ trên thị trường người ta. Bởi vậy ảnh hưởng ngày càng nặng
nề lên cán cân thương mãi của Mỹ. Kỹ nghệ Mỹ ngày càng khó khăn, việc làm trong
khu vực manufacturing càng khó kiếm, và mức lợi tức trung bình của người Mỹ
tăng chậm so với những nước cạnh tranh không chính đáng. Làm sao Mỹ còn
có thể là đầu tàu tăng trưởng lâu dài cho thế giới nếu Mỹ không hành động – người
ta cứ gọi là “chiến tranh mậu dịch” của Mỹ. Không! Mỹ đang muốn xây dựng lại trật
tự kinh tế quốc tế mới lâu dài và có lợi cho tất cả các bên. Chính cuộc chiến
tranh mậu dịch này mới đem lại trật tự và hòa bình kinh tế cho thế giới.
Thế
giới toàn cầu hóa từ đầu thế kỷ này đã bước vào thời đại “vô cực” (age of
nonpolarity – không lưỡng cực cũng không đa cực) làm cho nước nào cũng nghĩ rằng
mình đã lớn rồi, nay độc lập, theo nghĩa muốn làm gì thì làm. Những tổ chức khủng
bố quốc tế mọc ra như nấm, từ đâu mà ra chúng ta đều biết: Nhà nước Hồi giáo
ISIS muốn nắm cả Syria và Iraq; Al Qaeda của Osama Bin Laden, Taliban vẫn lăm
le lật chế độ ở Kabul từ 17 năm nay; Boko Haram đang làm cho Nigeria, Kenya khốn
đốn. Chẳng những không giới hạn hành động khủng bố ở nguyên quán và sinh quán,
những tổ chức này đang tìm cách có mặt hàng ngày trong các nước phương
tây, khi thì ở Đức, khi thì ở Anh hay Pháp, hay cả Mỹ… bằng những hành động tàn
sát nhắm vào thường dân vô tội. Chẳng những thế, chúng còn lùa đi trước làn
sóng di dân, xâm nhập những nước phương tây và cả Mỹ, vừa tạo gánh nặng cho nước
tiếp nhận vừa tạo hoảng hốt và thù nghịch từ dân bản xứ. Bởi vậy, chính trị của
các nước phương tây, kể cả Mỹ, đang biến động và chuyển đổi. Nếu chẳng vì những
biến chuyển này, người dân Anh đã không đòi Brexit; Ý, Tây Ban Nha, Hung… chẳng
có lãnh đạo mới chống di dân; cử tri Mỹ đã chẳng bầu tôi lên năm 2016, chẳng phải
người Nga như những kẻ “fake news” cứ nói và cứ điều tra “collusion” làm cho
tôi mất ngày giờ, phải thay luật sư như thay áo.
Trong
chiều hướng không lãnh đạo, không trật tự của thế giới đó, nhiều nước trở nên
tham vọng, cuồng vọng, liều lĩnh, điên cuồng. Từ “chạy đua vũ trang” đã trở
thành “chạy đua nguyên tử hóa”. Hai trường hợp rõ ràng chúng ta đã thấy là Iran
và Bắc Triều Tiên. Iran là một nước giàu dầu hỏa, có tham vọng bá chủ giáo phái
Shiite. Nay đang liên kết với Nga để làm một trục từ Afghanistan, Iraq, Syria,
Yemen. Còn Bắc Triều Tiên là nước đói thường trực, nhưng nhờ có đỡ đầu từ Bắc
Kinh chẳng những còn đứng được mà đã phát triển một tiềm năng vũ khí hạt nhân
nguy hiểm. Các tổng thống Mỹ trước tôi đáng thương thay đều đã phải mua chuộc,
hối lộ cả Tehran lẫn Bình Nhưỡng để được yên thân. Đồng tiền cũng đáng gọi là
“hush money” – tiền trám miệng.
Thông
thuờng, các tổng thống Mỹ sau khi đắc cử mới tính chuyện sẽ làm gì cụ thể. Tổng
thống Nixon sau khi đánh bại được ứng cử viên Dân Chủ Hubert Humphrey năm 1968
mới tính chuyện Việt Nam hóa chiến tranh, mật đàm giữa Washington và Hà Nội, và
mờ hai chuyến công du đi Bắc Kihh và Moscow năm 1972. Tổng thống Obama nhờ suy
thoái của Tổng thống Bush để lại, cho nên cứ thế mà làm công tác phục hồi kinh
tế. My God! Tôi là tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ ngay từ trước khi ra tranh cử
đã tính chuyện phải hành động gì cụ thể để xây dựng một trật tự thế giới mới. Một
trật tự ít nhất phải được xây dựng trên hai nguyên tắc chính.
Thứ
nhất, một trật tự theo tôi phải nhìn nhận những vai trò đại cường, chính là Mỹ,
Nga và Trung Quốc, và vùng ảnh hưởng của họ mà nguyên tắc là tránh xâm phạm lẫn
nhau. Nguyên tắc thứ hai, phải tôn trọng chủ quyền của tất cả các nước, kể cả
quyền lựa chọn chế độ hoặc dân chủ phương tây hoặc dân chủ kiểu Nga hay kiểu
Trung Quốc. Chẳng có dân chủ nào hơn dân chủ nào.
Bởi
thế, ngay từ năm 2013 tôi đã có dịp đến Mạc Tư Khoa và tìm cách móc nối với Tổng
thống Putin để có một thỏa thuận nguyên tắc. Tôi tin ở sự cầm quyền lâu dài của
ông và quan điểm tái lập trật tự đế chế và bành trướng ảnh hưởng của Nga. Ông
cũng tin tôi sẽ đắc cử ở Mỹ trong hai nhiệm kỳ tám năm với sự ủng hộ của ông.
Ông còn cho rằng vì lý do chủng tộc, tổng thống trước đây đã không dám đối thoại
và tê liệt.
Đối
với Trung Quốc, tuy không trực tiếp, tôi cũng đã tìm cách mở mang kinh doanh tại
Trung Quốc từ khuya. Ông Tập sáng trí hiểu rằng, chính quan hệ kinh doanh, hơn
là quan hệ kinh tế, giữa hai nước có GDP hàng đầu vũ trụ sẽ quyết định trật tự
kinh tế làm nền tảng trật tự chính trị toàn cầu.
Khi
đã có đồng thuận với Nga và Trung Quốc mà nước Mỹ trước tôi chưa bao giờ dám
nghĩ đến, tôi đã hành động dễ dàng biết bao trước hai vấn đề Bắc Triều Tiên và
Iran. Trung Quốc thừa hiểu Mỹ muốn gì và sẵn sàng nhượng bộ những gì cho cả Bắc
Kinh và Bình Nhưỡng – trước mắt là thỏa ước mậu dịch song phương Hoa-Mỹ và khả
năng Mỹ đầu tư và buôn bán với Bắc Triều Tiên đi kèm viện trợ kinh tế.
Nga
thì không nắm được Iran như Trung Quốc nắm Bắc Triều Tiên, nhưng Nga cũng phải
hiểu quan hệ giữa Mỹ và Israel còn khắng khít hơn trăm lần quan hệ giữa Nga và
Iran. Khi đặt sứ quán Mỹ ở Jerusalem, cho dù cơ sở lịch sử 3.000 năm còn rất mơ
hồ, tưởng tượng, đó là một khẳng định chưa tổng thống nào trước đây dám cam kết:
quan hệ Mỹ-Israel là quan hệ môi hở răng lạnh, quan hệ con ngươi và con mắt. Điều
này tôi hiểu được chính là nhờ hiền tế xuất thân từ đạo Do Thái. Tuổi trẻ tài
cao, nay là cố vấn tối cao của tôi, cháu đã cho hiểu hàng chục người chết, hàng
ngàn bị thương vì Mỹ mở sứ quán ở Jerusalem chẳng có nghĩa gì so với hòa bình
lâu dài mà quyết định này mang lại – ít nhất “peace of mind” cho lãnh đạo ở Tel
Aviv.
Tôi
là người khiêm tốn, cực kỳ khiêm tốn, có tư cách, có nhân phẩm. Tôi sẽ chẳng có
mặt ở đây để nhận hai giải thưởng to lớn này nếu tôi không tin rằng chẳng những
nước Mỹ mà cả thế giới hơn 7 tỷ người này từ nay sẽ sống dồi dào trong thịnh vượng
mãi mãi – nhờ tôi. Nếu tôi không tin rằng chẳng những nước Mỹ mà cả thế giới
hơn 7 tỷ người này từ nay và mãi mãi về sau sẽ sống trong hòa bình, trật tự –
nhờ tôi.
Thank
you very much for your attention.
God
Bless You, Sweden!
Ngông cuồng, nhưng có cơ sở để tự tin ra tuyên cáo !
ReplyDelete