28/03/2016
Cách đây mấy năm có một vị tân bộ trưởng sau khi nhậm
chức liền nói đại ý: Tôi là bộ trưởng, là “tư lệnh ngành”, muốn tôi làm được việc
thì phải để tôi được toàn quyền. Có lẽ trong các quan chức cao cấp Việt đây là
vị đầu tiên lên tiếng đòi hỏi được thực thi quyền hạn như vậy.
Kế đó, vị này có những động thái mà các vị bộ trưởng
khác không làm được, ví như xông đến tận hiện trường những nơi có vụ việc này nọ
để xem cấp dưới làm ăn ra sao (có cả đoàn phóng viên báo giới đi kèm), tuyên bố
cách chức cấp dưới vì làm sai,… Rồi đều đều, cứ mấy tháng lại thấy vị ấy tuyên
bố một vài câu gì đó, khác với lối nói nhàm chán như đọc nghị quyết của các ông
quan khác. Và có vẻ dân dã, nghe đôi khi khá sướng hai lỗ nhĩ. Đến khi lên cấp
còn cao hơn bộ trưởng, vị này vẫn tiếp tục khẩu khí như vậy, thậm chí còn “phát
huy” mạnh hơn.
Vì những phát ngôn ấn tượng và vài việc làm khác thường,
vị này được khá nhiều người ngưỡng mộ. Mỗi lần nói đến vị ấy, người ta lại nhắc
đến cái danh hiệu “tư lệnh ngành”.
Rồi cái danh hiệu “tư lệnh” được dùng mỗi ngày một
thường xuyên hơn, đương nhiên là để nói về các vị bộ trưởng khác nữa. Tư lệnh
giáo dục, tư lệnh khoa học công nghệ, tư lệnh thương binh xã hội, tư lệnh ngoại
giao,… Dần dần hình thành một cái mốt gọi bộ trưởng là tư lệnh.
Nhưng cái mốt này cho thấy có vấn đề trong nhận thức
của chúng ta, và ngay cả trong chính nhận thức của các vị tự gọi mình là “tư lệnh”.
Quý vị có thể nói: Chỉ là một cách gọi dân dã, có gì
đâu mà phải băn khoăn, bàn cho “tốn giấy mực”? Xin thưa, cái cách gọi này nó gắn
với cung cách điều hành công việc trong các cơ quan nhà nước, mà cung cách
không đúng thì hậu quả không thể xem thường.
Nếu chỉ gọi bộ trưởng là tư lệnh thôi thì không sao,
nhưng nếu thực sự coi bộ trưởng là tư lệnh thì đây là quan niệm sai về chức
năng và quyền hạn của bộ trưởng.
Trong quân đội, tư lệnh là người toàn quyền chỉ huy
đơn vị của mình. Mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới ở đó là ra lệnh và tuân
lệnh. Đặc biệt trong thời chiến, kẻ không tuân lệnh cấp trên có thể bị bắn chết
ngay mà không cần xét xử.
Một vị đứng đầu một cơ quan hành pháp nếu lên tiếng
đòi được thực thi những quyền hạn được pháp luật quy định là một việc rất tốt.
Nhất là trong bối cảnh quan chức ta hầu như chưa bao giờ làm theo quyền hạn, mà
trong việc gì cũng phải xin “ý kiến chỉ đạo”, và có không “xin” thì cấp trên
cũng cứ ép phải làm theo ý mình. Tuy nhiên, nếu đòi điều hành công việc theo kiểu
“tư lệnh” thì sai rồi!
Quản lý trong lĩnh vực dân sự không mang tính chất
chỉ huy. Một thời, các nước “xã hội chủ nghĩa” đã trượt dài xuống dốc chính vì
lối điều hành nhà nước theo kiểu “mệnh lệnh – hành chính”, để rồi đưa cả dân tộc
đến tình cảnh khốn cùng. “Cải tổ” hoặc “đổi mới” chính là từ bỏ lối điều hành độc
đoán đó.
Tôi không theo chủ thuyết của ông Vladimir Ulyanov
(Lenin), nhưng thấy ông ta đã đúng khi cảnh báo các “đồng chí” của mình phải
tránh cái thứ gọi là “chủ nghĩa cộng sản kiểu trại lính” hay “chủ nghĩa cộng sản
thời chiến” (military communism), trong đó các quan chức điều hành nền kinh tế
theo kiểu ban bố những mệnh lệnh dựa vào chủ kiến cá nhân. Những mệnh lệnh đó hầu
hết là ngu xuẩn và đem đến những hệ lụy vô cùng tai hại.
Quản lý dân sự là làm theo luật. Quan chức phải đọc
rất nhiều bộ luật. Bộ trưởng càng phải thấu hiểu luật. Ra quyết định phải đúng
luật. Nếu cấp dưới làm sai thì phải bị cách chức, nhưng thủ tục để cách chức
cũng phải theo đúng trình tự pháp luật chứ không phải theo ý cấp trên.
Việc coi bộ trưởng là tư lệnh có vẻ làm cho bộ trưởng
“oai” thêm do có “quyền sinh quyền sát”. Tuy nhiên, thực ra thì quan niệm đó hạ
thấp cái tầm của bộ trưởng vì hai lý do. Thứ nhất, tư lệnh chỉ đứng đầu một đơn
vị tác chiến, không phải đứng đầu cả bộ. Thứ hai, quản lý bằng luật, không dùng
mệnh lệnh, không cậy thế trên để áp đặt mà cấp dưới vẫn phải theo, công việc vẫn
chạy, mới thực sự là nhà quản lý giỏi. Chỉ có những người được học quản lý bài
bản, khoa học mới làm được như vậy.
NGUYỄN
TRẦN SÂM
No comments:
Post a Comment