Saturday, 26 March 2016

GIỚI NGHIÊN CỨU THƯƠNG TIẾC NHÀ SỬ HỌC TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG (Hoàng Lan)





Hoàng Lan
Thứ Sáu, ngày 25/3/2016 - 18:33

(PLO)- Lễ viếng nhà sử học Tạ Chí Đại Trường diễn ra lặng lẽ tại tư gia, trong một con hẻm yên bình ở số 402/27 An Dương Vương, phường 4, quận 5, TP.HCM. 

TIN LIÊN QUAN

Nhiều người trong giới nghiên cứu thương tiếc trước sự ra đi của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường.

Không có vợ con, cả đời ông hầu như chỉ có niềm đam mê cống hiến cho việc nghiên cứu sử học, văn hóa, tín ngưỡng... Ông ra đi để lại kho tàng những công trình nghiên cứu có giá trị cho hậu thế và niềm thương tiếc cho người thân, giới nghiên cứu khoa học.

TS Nguyễn Nhã, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Nhóm bạn Nhã Nam thư quán, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh... lần lượt gửi vòng hoa viếng và đến ngậm ngùi chia buồn trước sự ra đi của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường.

“Ông mất đi, để lại sự mất mát, thiệt thòi lớn cho nền sử học nước nhà” - TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu ngậm ngùi chia sẻ về sự ra đi của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường tại lễ viếng ông được cử hành tại tư gia chiều 25-3.

“Sinh thời, tôi cùng đồng nghiệp trong nghề đều rất kính trọng và cảm phục ông. Sức nghiên cứu, sức viết lớn, ông còn là người nghiên cứu hết lòng bằng cái tâm của một người nghiên cứu sử học thời sự. Nhiều công trình của ông đã đem lại góc nhìn mới mẻ, tư liệu phong phú. Cuối đời, ông đã được trút hơi thở nơi quê hương, có lẽ đó cũng là hạnh phúc cuối đời của ông, mong ông ra đi được thanh thản. Nhớ lần gặp ông mới đây ở bệnh viện, chúng tôi hỏi ông khi nào viết tiếp sách về triều đại phần hai thì ông nói vui các cô cậu hãy viết tiếp đi” - TS Hậu tiếc nuối.

TS Hậu cũng mong muốn công trình còn dang dở, những cuốn sách được xuất bản ở Mỹ nhưng chưa được phổ biến ở Việt Nam của nhà sử học sẽ tiếp tục được xuất bản, công bố rộng rãi, góp phần giúp ích cho người nghiên cứu, cho xã hội.

Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh kể trong một lần trả lời câu hỏi của báo Sài Gòn Tiếp Thị năm 2011 rằng “Trong việc nghiên cứu lịch sử, anh học tập ai nhiều nhất?”, ông đã thừa nhận rằng đó là "tác giả quyển Lịch sử nội chiến ở Việt Nam (1771-1802) xuất bản ở Sài Gòn năm 1973, anh Tạ Chí Đại Trường".

Ông chia sẻ: "Nói thêm thì tôi chỉ được gặp anh vài lần, hai lần trước khi anh ra nước ngoài định cư, một lần là năm 2006 anh về nước ghé chơi, uống với tôi vài ly, cho tôi vài quyển sách. Tiếc là anh nặng nợ nhân sinh nên chưa thi thố được hết sở học, vài năm nay tâm lý cũng ít nhiều ảnh hưởng tới trang viết nhưng tôi nghĩ đó là một trong những nhà sử học bậc nhất Việt Nam ít nhất từ 1975 đến nay”.

“Tính anh Trường khá kín đáo, về thì gọi cho tôi chứ tôi không chủ động kiếm ảnh. Năm 2012, anh về nước rồi gọi cho tôi làm tôi giật mình. Té ra anh kiếm tôi để tặng tôi mấy cuốn sách, nói là cảm ơn về bài phỏng vấn đăng trên báo. Hôm ấy y nói không uống được nữa...” - nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh hồi tưởng. 
HOÀNG LAN



------------------------------














No comments:

Post a Comment

View My Stats