Saturday, 26 March 2016

BIỂN ĐÔNG NGÀY CÀNG NÓNG (Người Việt Online)





Người Việt Online
Friday, March 25, 2016 1:45:38 PM 

Bài liên quan


VIỆT NAM - USS Ohio, một trong những tàu ngầm lớn nhất của Hải Quân Hoa Kỳ vừa cập cảng Subic của Philippines cùng lúc với tin Trung Quốc bài bố thêm hỏa tiễn trên đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa. 

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Philippines vừa loan báo, USS Ohio mới đến thăm quân cảng Subic của Philippines. Từ đầu tháng đến nay đã có sáu chiến hạm của Hải Quân Hoa Kỳ đến thăm Philippines, trong đó có hai tàu ngầm.

Trung Tá Michael Lewis, hạm trưởng USS Ohio, nhấn mạnh, việc tàu ngầm này thăm Philippines và sự hiện diện của nó ở Biển Đông vừa nhằm khẳng định Hoa Kỳ sẽ thực thi những cam kết với các đồng minh và đối tác, vừa giúp duy trì sự ổn định trong khu vực.

Tuần trước, sau cuộc “Đối thoại chiến lược thường niên giữa Hoa Kỳ và Philippines,” Philippines xác định, Hoa Kỳ có thể sử dụng năm căn cứ quân sự của Philippines là: Antonio Bautista, Basa, Fort Magsaysay, Lumbia, Mactan-Benito Ebuen. Trừ Fort Magsaysay, bốn căn cứ còn lại đều là căn cứ không quân.

Sự xuất hiện của USS Ohio tại Philippines diễn ra ngay sau khi Đô Đốc John Richardson, tư lệnh Hải Quân Hoa Kỳ, cảnh báo, Trung Quốc đang có hành động đáng ngờ ở bãi Scarborough. Scarborough là một bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa. Năm 2012, Trung Quốc đã cưỡng đoạt bãi đá ngầm này từ tay Philippines như đã từng cưỡng đoạt nhiều bãi đá ngầm khác ở quần đảo Trường Sa từ tay Việt Nam hồi cuối thập niên 1980.

Đô Đốc Richardson cho biết, Hải Quân Hoa Kỳ phát giác đang có rất nhiều tàu của Trung Quốc ở bãi Scarborough và hoạt động của những tàu đó giống như đang khảo sát để chuẩn bị bồi đắp bãi Scarborough thành đảo nhân tạo.

Tư lệnh Hải Quân Hoa Kỳ phàn đoán, diễn biến vừa kể có thể nhằm đối phó với phán quyết của Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc đối với vụ Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông. Ông e ngại sau khi tòa công bố phán quyết, Trung Quốc sẽ tuyên bố vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông nhằm phủ nhận phán quyết này. Hoa Kỳ đang chuẩn bị để có ứng xử thích đáng nếu tình huống vừa kể xảy ra.
Về phía Trung Quốc, một số trang web của quốc gia này vừa công bố những hình ảnh cho thấy, ngoài hỏa tiễn phòng không, Trung Quốc đã bài bố xong những hỏa tiễn chống chiến hạm loại YJ-62 trên đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa.

Mới đây, sau Hoa Kỳ, tới lượt Úc công khai chỉ trích Trung Quốc “quân sự hóa Biển Đông.” Ông Malcolm Turnbull, thủ tướng Úc, vừa bảo rằng, việc Trung Quốc bài bố các phương tiện quân sự ở Biển Đông “không những không có lợi mà còn phản tác dụng.” Ông Turnbull khẳng định, Úc luôn luôn ủng hộ những hoạt động nhằm bảo vệ quyền tự do lưu thông của Hoa Kỳ tại Biển Đông. Tuyên bố của ông Turnbull được xem là đáng chú ý vì hai lý do, ông Trunbull sẽ thăm Trung Quốc vào tháng tới và trước nay, các nguyên thủ của Úc thường rất dè dật khi đề cập đến Trung Quốc vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc. (G.Đ)

---------------------------

Người Việt Online
Friday, March 25, 2016 1:57:11 PM 

VIỆT NAM - Chưa rõ tại sao sau Việt Nam, Philippines, Trung Quốc tiếp tục khiêu khích, đẩy Indonesia và Malaysia đến chỗ đối đầu trực tiếp với mình.

Ông Shahidan Kassim, bộ trưởng Đặc Trách An Ninh Quốc Gia của Malaysia, tuyên bố Malaysia đã cử các chiến hạm của hải quân và các tàu của Cục Thực Thi Luật Pháp Hàng Hải Malaysia đến bãi Luconia ở Biển Đông để giám sát khu vực này.

Đến nay, Malaysia đã điều động một phi cơ, ba chiến hạm và một số tàu tuần duyên, tàu của Cục Thực Thi Luật Pháp Hàng Hải đến giám sát vùng biển quanh bãi Luconia. Tình hình vùng biển này đột nhiên trở thành căng thẳng vì có hàng trăm tàu đánh cá của Trung Quốc ồ ạt tràn tới. Đáng chú ý là có hai tàu của lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc bám theo để bảo vệ những tàu đánh cá này.

Tuy bãi Luconia cách bờ biển Malaysia chỉ chừng 60 cây số và cách bờ biển của Trung Quốc đến 2,000 cây số song Trung Quốc xác định, khu vực này là “ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc.”

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc mới tuyên bố rằng, việc tàu đánh cá của Trung Quốc ồ ạt kéo tới vùng biển quanh bãi Luconia là “bình thường” và là chuyện vẫn diễn ra hàng năm vào mùa đánh bắt cá.

Malaysia khẳng định, vùng biển quanh bãi Luconia thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của Malaysia. Ông Kassim khẳng định, Malaysia sẽ phản ứng thích đáng, thậm chí có thể sử dụng vũ lực để ngăn chặn các tàu của lực lượng hải cảnh Trung Quốc và tàu đánh cá của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.

Dường như Trung Quốc đang muốn dằn mặt Malaysia. Tuần trước, ông Hishammuddin Hussein, bộ trưởng Quốc Phòng Malaysia, loan báo ông sẽ sớm thảo luận với cả Úc, Philippines lẫn Việt Nam về tình hình Biển Đông. Bộ trưởng Quốc Phòng Malaysia bảo rằng, nếu đúng là Trung Quốc đang gia tăng sự hiện diện quân sự tại Biển Đông và đang ráo riết quân sự hóa vùng biển này thì Malaysia buộc phải có hành động đáp trả.

Tuần này, sau khi thảo luận với ông Hussein, bà Marise Payne, bộ trưởng Quốc Phòng Úc, tái khẳng định, Úc sẽ tiếp tục cử chiến hạm và phi cơ tuần tra tại Biển Đông để duy trì tự do lưu thông tại vùng biển này.

Trong cuộc hội đàm với ông Hussein, bà Payne nhấn mạnh, việc tuần tra ở Biển Đông là phù hợp với luật pháp quốc tế, Úc không bao giờ thay đổi quan điểm và bảo đảm rằng Úc sẽ rất nhất quán trong hành động.

Ông Hussein loan báo ông sẽ sớm thảo luận với cả Philippines lẫn Việt Nam về tình hình Biển Đông bởi Malaysia không thể đơn độc ngăn chặn những “hành động hung hăng” mà cần hợp tác để nhận hỗ trợ từ các quốc gia khác, đặc biệt là khối ASEAN. Có như thế mới kiềm chế được hành động của các cường quốc, duy trì được sự cân bằng trong khu vực. Tuy nhiên theo ông Hussein, sau cuộc gặp bộ trưởng Quốc Phòng Úc, ông chưa thể sắp xếp để gặp gỡ Philippines và Việt Nam ngay lập tức vì Philippines đang bầu tổng thống, còn Việt Nam thì sẽ thay bộ trưởng Quốc Phòng...

Tàu đánh cá của Trung Quốc đổ đến bãi Luconia ngay sau đó. Tuy là một trong bốn quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông nhưng trước nay, Malaysia rất dè dặt đối với Trung Quốc. Nay, sự thể có thể sẽ khác.

Trước khi khiêu khích Malaysia, Trung Quốc vừa khiêu khích Indonesia. Hồi đầu tuần này, Indonesia đã triệu tập đại sứ Trung Quốc ở Indonesia để yêu cầu trả lời tại sao tuần dương hạm của Trung Quốc ngăn cản việc Hải Quân Indonesia bắt giữ tàu đánh cá Trung Quốc xâm phạm hải phận Indonesia.

Theo bà Susi Pudjiastuti, bộ trưởng Ngư Nghiệp Indonesia thì Indonesia muốn Trung Quốc giải thích, tại sao Trung Quốc đã xác nhận vùng biển Natuna nằm ngoài yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông mà tàu đánh cá của Trung Quốc vẫn xâm nhập khu vực này để đánh bắt trái phép và hải quân Trung Quốc lại đứng phía sau, hỗ trợ những hoạt động bất hợp pháp đó.

Hồi cuối năm ngoái, Indonesia liên tục dọa sẽ đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế nếu Trung Quốc không rút lại yêu sách về chủ quyền đối với quần đảo Natuna của Indonesia. Trước đây, yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông chỉ được xem là xâm hại đến chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan nhưng sau đó, có thêm Indonesia phản đối yêu sách này.

Giữa tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc xác định, chủ quyền quần đảo Natuna thuộc về Indonesia nhưng tuyên bố này cũng giống như nhiều tuyên bố khác của Trung Quốc: Vậy mà không phải vậy! (G.Đ)

-----------------






No comments:

Post a Comment

View My Stats