Nhóm
phóng viên tường trình từ VN
2016-03-25
2016-03-25
http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/dirty-water-fever-in-the-western-ttvn-03252016104950.html
Các dòng sông gánh
rác do cư dân hai bên bờ thải xuống
Nước bẩn, không có nước để dùng, mỗi mét khối nước lấy
từ sông bán với giá hai trăm ngàn đồng, ruộng đồng nứt nẻ, mặn xâm nhập vào ruộng
đồng và mùa màng thất bát đang chờ phía trước… Đó là tất cả những gì đa diễn ra
ở Tây Nam Bộ. Và để khắc phục tình trạng này, người dân đang tự gồng lưng gánh
chịu mọi tai ương, nhà nước đang kêu gọi cứu trợ quốc tế. Miệt Tây Nam Bộ trù
phú và hiền hòa đang lùi dần vào dĩ vãng.
Một cư dân Tây Nam Bộ tên Vinh, sống ở Sóc Trăng,
chia sẻ: “Nước bẩn hết rồi. Bây giờ các con sông bị thấp xuống nên việc tưới
tiêu cho cây ăn trái và lúa cũng khó khăn hơn. Nước thì bây giờ dựa vào nước thủy
cục nhưng cũng khó khăn lắm và cũng không được sạch sẽ cho mấy!”.
Ông Vinh cho biết thêm là hiện nay, mối nguy trên
các con sông Tây Nam Bộ không chỉ dừng ở vấn đề hạn, mặn hay là các đập thủy điện
của Trung Quốc ngăn đập làm cho Cửu Long cạn dòng. Chuyện này không cần nói ra
người ta cũng biết và nhà nước và các cơ quan khoa học nhà nước cũng như các
phương tiện truyền thông nhà nước đã nói nhiều rồi.
Vấn đề người dân như ông Vinh quan tâm nhất vẫn là
liệu nguồn nước ít ỏi của sông Cửu Long có đủ hiền lành và đáng tin cậy để dùng
làm nước sinh hoạt, để nấu ăn hay pha sữa cho trẻ em. Đó mới là vấn đề mấu chốt. Bởi hiện tại, các con
sông ở đồng bằng sông Cửu Long đang bị ô nhiễm nặng nề. Sự ô nhiễm này đến từ
các nhánh sông đổ vào Cửu Long. Hầu hết các khu công nghiệp, đường ống thoát nước
của thành phố, thị xã và thị trấn cũng như các vùng quê có qui hoạch không khoa
học đều đổ vào các nhánh sông Cửu Long.
Khi các nhánh sông Cửu Long còn đủ lượng nước từ thượng
nguồn chảy về thì với áp lực chảy mạnh đã đẩy được khá nhiều chất bẩn từ sông Cửu
Long ra biển. Trong lúc này, hầu hết các con sông đều cạn dòng bởi lượng nước
thượng nguồn bị khóa trong các đập thủy điện. Lượng nước mặn tràn vào sông do
thiếu lức đẩy của nước nguồn. Ông Vinh cho rằng nhiễm mặn là một sự rủi ro của
người Tây Nam Bộ nhưng cũng có cả yếu tố may mắn.
Giải thích cho quan điểm hết sức nghịch lý của mình,
ông Vinh nói rằng nếu như nước biển vào gây nhiễm mặn các cánh đồng và làm cho
ruộng đồng chết dần chết mòn, cây lúa không thể sinh trưởng thì cũng chính nước
nhiễm mặn phần nào làm cho nước sông được khử trùng, giảm bớt lượng vi khuẩn
đang bão hòa trong các con sông.
Bởi hầu hết các khu công nghiệp đều đổ nước thải ra
sông, các thành phố, thị xã, thị trấn cũng đổ nước thải ra sông. Trong khi đó,
rất khó để tìm được một ống nước thải đã qua xử lý. Các chất thải y tế, chất thải
công nghiệp và chất thải sinh hoạt vốn chứa đầy độc tố và vi trùng sẽ trở nên
nguy hiểm hơn bao giờ hết khi các con sông cạn nguồn. Và khi dòng chảy các con
sông trở nên yếu ớt, sông trở thành cái áo chứa vi trùng của khu vực.
Hiện tại, hầu hết người dân đồng bằng sông Cửu Long
đều dùng nước ở các con sông, thậm chí một số xã vùng sâu ở Bến Tre thiếu nước
phải bỏ ra hai trăm ngàn đồng để mua một khối nước lấy từ giữa lòng sông. Ông
Vinh đặt câu hỏi: Nếu như không có nước biển xâm nhập vào để tiêu trừ bớt lượng
vi trùng trong các con sông thì liệu tính mạng của người dân
Tây Nam Bộ sẽ được duy trì, cầm cự đến bao giờ khi các con sông trở thành ổ dịch, ổ vi trùng?
Tây Nam Bộ sẽ được duy trì, cầm cự đến bao giờ khi các con sông trở thành ổ dịch, ổ vi trùng?
Chờ
đến bao giờ?
Một nông dân tên Lê Hùng, sống ở xã Đông Hải, huyện
Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, chia sẻ: “Nước khô hạn hết rồi. Mấy miệt dưới Sóc
Trăng, Trà Vinh, Bến Tre phải mua nước để uống, ở thành phố thì nước ngày cúp
ngày không. Nói chung là mùa lúa năm nay chắc khó mà thu hoạch tốt vì ruộng khô
nứt nẻ hết rồi. Bây giờ lúa cũng bắt đầu khô nên chắc là đói…”.
Ống dẫn nước thải
ra sông. RFA photo
Ông Hùng nói rằng tình trạng hạn, mặn ở Trà Vinh nói
riêng và các tỉnh đồng Bằng sông Cửu Long không phải mới xảy ra gần đây. Mặn bắt
đầu xâm thực các cánh đồng ở gần cửa biển cách đây đã ba năm. Đó cũng là thời
điểm hàng loạt thủy điện thượng nguồn sông Cửu Long tích nước. Là một người
quan tâm đến tình hình biển Đông và các đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng
nguồn sông Mê Kông, ông quan sát và nhận thấy đồng bằng sông Cửu Long bị nhiễm
mặn ngày càng nặng hơn kể từ khi các con đập của Trung Quốc trên thượng nguồn
sông Mê Kông tích nước.
Và điều này
dường như nhà cầm quyền không hề thông báo cho người dân biết trước để phòng bị.
Ông Hùng cho rằng nếu như người nông dân có sự chuẩn bị, ít nhất là tự xây dựng
những con đập ngăn mặn trên cửa ngõ các cánh đồng thì tình trạng ruộng lúa bị
nhiễm mặn sẽ giảm bớt một phần đáng kể. Rất tiếc là nhà cầm quyền không hề có biện
pháp nào kết hợp với người nông dân để đối phó từ ban đầu. Đến khi các cánh đồng
Tây Nam Bộ rơi vào tình trạng nhiễm mặn trầm trọng thì nhà cầm quyền mới loan
báo thông tin và kèm theo thông tin hạn, mặn là thông điệp cầu xin viện trợ quốc
tế.
Ông Hùng đặt câu hỏi liệu không biết các khoản viện
trợ quốc tế khi đến Việt Nam có bị chia năm sẻ bảy, bị chẻ nhỏ và rơi vào tay
giới quan chức giống như hàng cứu trợ, hàng từ thiện gởi về miền Trung mỗi khi
bão lụt hay không? Và thuế của người nông dân miền Tây nói riêng cũng như các tỉnh
đồng bằng sông Cửu Long nói chung đã đóng mấy chục năm nay lẽ nào không đủ để cứu
đói một cụm dân cư gồm các nông dân chiếm chưa được 30% cư dân đồng bằng sông Cửu
Long?
Ông
Hùng cho rằng có những thứ đã chết đi một cách kinh khủng hơn rất nhiều so với
các con sông, các nhánh sông Cửu Long, đó là tính thật thà và lòng tự trọng của
con người. Thay vì trích ngân sách quốc gia để cứu trợ đồng bằng
sông Cửu Long và chung tay xây dựng một tương lai có tính ứng phó với thảm trạng
khô dòng Cửu Long thì nhà nước lại nghĩ đến chuyện xin cộng đồng quốc tế. Điều
này vô hình trung làm cho con người trở nên đớn hèn và chỉ biết ngửa tay xin xỏ
khi có một sự cố nào đó.
Như để kết luận vấn đề mình đã nói, ông Hùng cho rằng
nếu như các con sông ở đồng bằng sông Cửu Long trở nên tù đọng và chứa nhiều độc
tố, vi trùng thì những con sông chủ đạo trong hệ thống chính trị Việt Nam đã tù
đọng từ rất sớm. Và khi sự tù đọng này chuyển hóa thành hiện thực thì e rằng mọi
việc trở nên quá muộn màng.
Tạm biệt ông Hùng, mãi đến hơn một tuần sau chúng
tôi vẫn chưa hết bần thần về những gì đã chứng kiến và đã nghe ông nói.
Tin,
bài liên quan
- Ông David Dương nói về những khó khăn khi đầu tư tại VN
- Khủng hoảng rác ở Sài Gòn
- Xe lôi đạp: Tương lai sẽ về đâu?
- Cảnh đời của những người nghèo ở Tây Nam Bộ
- Mùa thu miền Tây Nam Bộ
- Du lịch nhà vườn miền Tây, một kiểu lừa bịp mới
- Chợ nổi ngày cuối năm
- Hiểm họa trong du lịch sông nước miền Tây
- Đời thương thuyền trên chợ nổi Cái Răng
No comments:
Post a Comment