Monday, 28 March 2016

VĂN HỌC MIỀN NAM - "VƯỜN HOA ĐUA NỞ" (Quốc Phương - BBC Việt ngữ)





Quốc Phương
BBC Việt ngữ
1 tháng 11 2015
.
Tiến sỹ Nguyễn Hưng Quốc cho rằng văn học miền Nam Việt Nam (1954-1975) mới thực sự là 'trăm hoa đua nở' trong một vườn hoa của văn chương đích thực.

Nếu ví văn học với một vườn hoa, thì chính văn học ở miền Nam Việt Nam trước 30/4/1975, mà không phải văn học miền Bắc ở cùng thời, mới "thực sự là trăm hoa đua nở", theo nhận định của một nhà nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam từ Úc.

Trao đổi với BBC cuối tuần này từ Melbourne, Tiến sỹ Nguyễn Hưng Quốc, nhà nghiên cứu Việt học và Văn hóa học từ Đại học Victoria, Úc chia sẻ những đánh giá, bình luận của ông về dòng văn học ở miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975.

Trước hết, ông trả lời câu hỏi liệu sau một thời kỳ dài mà dòng văn học này có vẻ ít được nhắc tới trong giới nghiên cứu, phê bình, giảng dạy văn học trong nước, thì thế hệ trẻ của Việt Nam có bị 'thiệt thòi' hay không trước điều được cho là ‘khoảng trống’ này?

Nguyễn Hưng Quốc: Thật ra, ở Việt Nam, trong một thời gian khá dài, từ nửa sau thập niên 1970 đến hết thập niên 1980, văn học miền Nam được nhắc nhở rất nhiều.

Có cả hàng trăm bài báo và hàng chục cuốn sách nói về văn học miền Nam.

Tất cả các bài báo và các cuốn sách ấy đều có một mục tiêu giống nhau: bôi nhọ và xuyên tạc văn học miền Nam là một nền văn học phản động và suy đồi, không những phản lại dân tộc mà còn phản lại những giá trị cao cả của loài người.

Gần đây, ngôn ngữ của chính quyền đối với nền văn học ấy tương đối nhẹ nhàng hơn: Thay vì gọi là “văn học Mỹ nguỵ” hay “văn học thực dân mới”, người ta gọi là “văn học vùng tạm chiếm”, hoặc nhẹ nhàng hơn nữa, “văn học đô thị miền Nam”.

Đã có một vài luận văn viết về văn học miền Nam một cách tương đối khách quan.
Tuy nhiên, số lượng vẫn vô cùng ít ỏi. Bởi vậy, với các thế hệ trẻ, văn học miền Nam không những là một “khoảng trống” mà còn là một bức tranh vô cùng lệch lạc: Nó vừa phản dân tộc lại vừa phản nghệ thuật.

Tiếp cận thế nào?

Nhà văn Võ Phiến, một trong các cây bút nổi tiếng nhất của văn học miền Nam trước 30/4/75 mới qua đời hôm 28/9/2015 tại Hoa Kỳ.

BBC: Riêng đối với giới nghiên cứu, phê bình, giảng dạy văn học ở Việt Nam hiện nay, nếu có điều kiện tiếp cận giai đoạn và dòng văn học này, theo ông họ nên quan tâm và chú ý tới khía cạnh nào và tại sao?
Nguyễn Hưng Quốc: Đối với mọi nền văn học, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất mà giới phê bình và nghiên cứu cần tiếp cận là tác phẩm.

Với tác phẩm, điều người ta cần làm nhất là nhìn chúng như những công trình nghệ thuật, ở đó, cái đẹp của ngôn ngữ cũng như chiều sâu của tư tưởng là những yếu tố chủ đạo.

Nói cách khác, người ta phải quên đi những cách nhìn nặng màu sắc chính trị, nhất là thứ chính trị chỉ thiên về phủ nhận với lý do chúng thuộc về phía thù địch.

BBC: Có gì mà giới nghiên cứu, phê bình và giảng dạy văn học ở trong nước hiện nay có thể tận dụng, phối hợp hay hợp tác được với các nhà nghiên cứu ở hải ngoại mà có thể là đã có những bước đi từ trước?
Nguyễn Hưng Quốc: Trong nghiên cứu, sự hợp tác bao giờ cũng cần thiết. Ở phương diện này, giới cầm bút ở hải ngoại có thể có hai đóng góp lớn:

Thứ nhất, một số khá đông họ là những người từng tham gia vào sinh hoạt văn học miền Nam trước năm 1975, do đó, họ có những hiểu biết mà những người ngoại cuộc không có.

Thứ hai, ít bị ảnh hưởng bởi hệ thống tuyên truyền, họ dễ có những cái nhìn tương đối khách quan hơn.

Tiêu biểu cho cả hai mặt mạnh ấy là bộ Văn học miền Nam gồm 7 cuốn, được xuất bản tại Mỹ, của nhà văn Võ Phiến.

Cho đến nay, đó là công trình phê bình duy nhất có hệ thống về văn học miền Nam. Dù dĩ nhiên bộ sách vẫn có những bất cập hay sai lầm nhất định, nhưng để nghiên cứu về văn học miền Nam, người ta không thể không bắt đầu từ đó.

Chỗ đứng xứng đáng?

BBC: Cuối cùng, nếu trong tương lai, văn học Miền Nam giai đoạn trước 30/4/1975 sẽ có thể được phép cho nghiên cứu, trao đổi, giảng dạy trở lại, thì đâu sẽ có thể là chỗ đứng xứng đáng của nó trong nền văn học nước nhà của Việt Nam từ xưa tới nay?
Nguyễn Hưng Quốc: Để thấy chỗ đứng của văn học miền Nam thời kỳ 1954-75, người ta cần phải, thứ nhất, nhìn nó trong cả tiến trình phát triển của nền văn học Việt Nam hiện đại; và thứ hai, so sánh với văn học miền Bắc trong cùng thời kỳ.

Nói cách khác, người ta phải có cái nhìn theo cả chiều lịch đại lẫn chiều đồng đại. Ở chiều lịch đại, nghĩa là nhìn theo lịch sử, văn học miền Nam là một sự tiếp nối của những nỗ lực tìm tòi và sáng tạo được khởi đầu từ đầu thập niên 1930 với phong trào Thơ Mới và tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn, ở đó, cái tôi cá nhân được coi trọng và được xem là tiêu điểm để khám phá.

Nếu văn học thời 1930-45 nhắm đến việc khám phá cái tôi cảm xúc; văn học miền Nam thời 1945-75 khám phá những cái tôi ý thức.

Trong chiều hướng này, văn học gọi là hiện thực xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc là một sự thoái bộ: nó quay lại với tính chất phi ngã của văn học Trung đại. Khi quay về với tính chất phi ngã, bản sắc cá nhân của những người cầm bút bị nhạt đi: Hầu hết các tác phẩm đều hao hao giống nhau, theo một khuôn mẫu mà giới lãnh đạo muốn áp đặt.

Ở chiều đồng đại, so với văn học miền Bắc cùng thời kỳ, văn học miền Nam thời 1954-75 hơn hẳn ít nhất ở hai điểm:

Thứ nhất, trong khi văn học miền Bắc bị bó cứng trong phương pháp sáng tác được gọi là hiện thực xã hội chủ nghĩa, văn học miền Nam, một mặt, nhờ có tự do và, mặt khác, nhờ tiếp xúc với nền văn học Tây phương, mới hơn, có nhiều thử nghiệm về kỹ thuật và bút pháp hơn. Một nhà thơ như Thanh Tâm Tuyền hay một nhà văn như Phạm Công Thiện, chẳng hạn, không thể tìm thấy ở miền Bắc.

Thứ hai, trong khi văn học miền Bắc chỉ loay hoay với hai đề tài chiến tranh và xây dựng chủ nghĩa xã hội, văn học miền Nam đa dạng và phong phú hơn hẳn không những về đề tài mà còn trong cả kỹ thuật và tư tưởng.
Nếu ví văn học với một vườn hoa, chính văn học ở miền Nam chứ không phải văn học miền Bắc, mới thực sự là trăm hoa đua nở.

-------------------------
Tiến sỹ Nguyễn Hưng Quốc là nhà nghiên cứu cao cấp về Việt ngữ và Việt học tại Khoa Nghệ thuật, Đại học Victoria, Melbourne, Úc, nơi ông giảng dạy về ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam. Ông cũng là đồng chủ biên trang Tiền Vệ, một tạp chí văn nghệ Việt ngữ có tiếng trên mạng Internet.

Tin liên quan






No comments:

Post a Comment

View My Stats