Monday, 28 March 2016

HÓA CHẤT ĐỘC HẠI : THỦ PHẠM CHÍNH GÂY UNG THƯ TẠI VIỆT NAM (Người Việt Online)





Người Việt Online
Sunday, March 27, 2016 5:03:58 PM 

Bài liên quan


SÀI GÒN (NV) - Các loại hóa chất độc hại trong thực phẩm đang làm tăng nhanh số người bị bệnh ung thư tại Việt Nam và có thể trở thành nước có tỉ lệ dân số mắc bệnh này cao nhất thế giới. 

“Thuốc siêu nạc” được sử dụng trong chăn nuôi heo tồn dư ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. (Hình: VnExpress)

Lời cảnh cáo này đã được thấy từ mấy năm trước, bây giờ lập lại trong sự bất lực của tất cả các cơ quan ban ngành từ canh nông đến y tế và những người đóng vai trò kiểm soát, thanh tra chăn nuôi và thị trường.

Một trong những vấn nạn lớn nhất đang diễn ra là sử dụng chất “tạo nạc” trong thịt heo được các người chăn nuôi sử dụng tối đa. Chất “tạo nạc” là các loại hóa chất salbutamol và clenbuterol thuộc nhóm Beta-agonist được dùng để điều trị bệnh hen suyễn và viêm phế quả với lượng rất nhỏ. Nhưng giới chăn nuôi heo tại Việt Nam lại trộn chúng vào cám để nuôi heo cho lớn nhanh và rất “nạc” để bán được cao giá, lợi nhuận nhiều hơn.

Khi trị bệnh hen suyễn, các hóa chất vừa kể cũng gây ra tác dụng phụ như kích động, co giật, rối loạn nhịp tim, giảm kali trong máu. Thuốc đã được chứng minh gây quái thai ở động vật. Vì người chăn nuôi tại Việt Nam lạm dụng salbutamol và clenburetol để kích thích “tăng trọng, tăng tỉ lệ nạc” cho heo, gà. Hậu quả, người tiêu dùng ăn phải thịt có tồn dư các chất trên có thể dẫn đến ngộ độc, bệnh mãn tính, ung thư, thậm chí tử vong.

Tại cuộc hội thảo “Vì thị trường thực phẩm an toàn” sáng 26 Tháng Ba,theo tường thuật của VnExpress, ông Đỗ Ngọc Chính, đại diện văn phòng phía Nam của Hội Tiêu Chuẩn và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Việt Nam (Vinastas), “nêu lên vấn nạn mang tính quốc gia ở nước ta là việc sử dụng các loại thuốc tăng trọng trong chăn nuôi heo ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người dùng.”

Theo nguồn tin này, từ Tháng Năm, 2011 đến nay, Vinastas khảo sát thị trường thức ăn chăn nuôi heo và gà ở Sài Gòn “phát hiện nhiều loại chứa các chất tăng trọng thuộc nhóm Beta-agonist, trong đó phổ biến nhất là salbutamol và clenburetol, vốn đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới.”

Trong năm qua, báo chí tại Việt Nam đăng tải nhiều bản tin cho biết, khi lấy mẫu các lô heo mang tới các lò giết mổ ở Sài Gòn, người ta thấy, tỉ lệ tồn dư chất “tạo nạc, tăng trọng” rất cao và rất phổ biến.

Ngày 19 Tháng Giêng, tờ Tuổi Trẻ kể rằng các cơ quan chức năng “sau chín ngày ra quân (từ 8 đến 17 Tháng Giêng) kiểm tra tồn dư chất cấm tại các lò mổ quy mô lớn trên địa bàn, đơn vị phát hiện nhiều nguồn thịt heo từ các tỉnh đổ về dính chất cấm với hàm lượng cao ở mức báo động.”

“Ba đoàn thanh tra đột xuất kiểm tra tồn dư chất cấm trên heo tại năm lò mổ tập trung, cho thấy, trong 59 lô heo được lấy mẫu xét nghiệm có 18 lô, với tổng đàn 864 con heo dương tính với chất cấm sabultamol (tạo nạc, tăng trọng). Trong số năm tỉnh có heo bị dính chất cấm lần này, Bình Thuận chiếm áp đảo tám lô với 456 con heo; Tiền Giang năm lô với 156 con heo; Long An và Đồng Nai hai lô với 222 con heo và Vũng Tàu một lô với 30 con heo. Hàm lượng chất cấm tồn dư trong heo đợt này khá cao ở mức gần 9,400 bbp, tức gấp trên 4,700 lần mức cho phép (ppb là hàm lượng chất cấm trên một mẫu, theo quy định từ 2 ppb trở lên là dương tính).”

Mới đây, ngày 22 Tháng Ba, tờ Tuổi Trẻ cho hay, các loại hóa chất độc hại mà “người Việt Nam đầu độc người Việt Nam” là do chính Bộ Y Tế cho phép nhập cảng với số lượng khổng lồ, nhân danh chữa bệnh hen suyễn nhưng chỉ dùng số lượng rất nhỏ, còn phần lớn đã tuồn ra ngoài bán cho dân chăn nuôi.

“Ông Nguyễn Văn Việt, chánh thanh tra Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, cho biết theo số liệu của Cục Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm Về Môi Trường (C49), Bộ Công An, trong năm 2015 đã có trên 20 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu 9,140 kg salbutamol về Việt Nam. Trong đó, khoảng 3 tấn đang được lưu giữ trong kho của các doanh nghiệp. Trên 6 tấn đã được bán ra thị trường nhưng chỉ có 10kg được sử dụng đúng quy định,” báo Tuổi Trẻ nói.

Thống kê những năm qua cho thấy, trong năm 2000, Việt Nam có khoảng 69,000 ca ung thư mắc mới, đến năm 2015 tăng lên đến 150,000 ca mà các chuyên gia cho rằng thực phẩm bẩn (hóa chất) là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư, chiếm khoảng 35%. Các nhà nghiên cứu ước tính đến năm 2020 số ca ung thư mắc mới ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 200,000 và trở thành nước có tỉ lệ ung thư cao nhất thế giới. (TN)








No comments:

Post a Comment

View My Stats