Saturday, 26 March 2016

NHỮNG LỜI NÓI THẬT VÀO LÚC "HOÀNG HÔN NHIỆM KỲ" (Nam Nguyên - RFA)





Nam Nguyên  -  RFA
Chi tiết
Được đăng ngày Thứ bảy, 26 Tháng 3 2016 19:12

Quốc hội Việt Nam khóa 13 sắp mãn nhiệm, nhưng khác với thông lệ hoạt động cuối nhiệm kỳ thường mang tính chiếu lệ. Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13 trở nên sôi nổi, sau khi Đảng chỉ đạo phải kiện toàn nhân sự cấp cao, bầu mới các vị trí chủ chốt mà không chờ Quốc hội khóa mới.

Từ trái sang : Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội. (Ảnh minh họa chụp năm 2015) – AFP

Không nên có khoảng trống quyền lực ?

Đáng lẽ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ còn tại chức đến tháng 7/2016 là lúc Quốc hội khóa 14 hình thành sau cuộc bầu cử ngày 22/5/2016 nhóm phiên họp đầu tiên. Tuy nhiên, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đạo Quốc hội đương nhiệm phải miễn nhiệm các vị trên và bầu các vị trí chủ chốt cũng như phê chuẩn thành phần chính phủ mới trong tuần lễ đầu tiên của tháng 4 sắp tới.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhà báo tự do và hoạt động xã hội dân sự từ Sài Gòn nhận định :
"Những người bên Đảng hiện nay họ quan tâm tới vấn đề không nên để có khoảng trống quyền lực, chứ không phải là khoảng trống chính trị. Khoảng trống chính trị là một khái niệm rất chung chung, muốn hiểu thế nào cũng được. Nhưng khoảng trống quyền lực lại rất cụ thể nó liên quan tới vấn đề nhân sự. Nhân sự lại phụ thuộc vào ý chí của bên nắm ưu thế và tất nhiên bên nắm ưu thế không muốn để tạo ra một sự hẫng hụt quyền lực đối với họ và họ phải làm càng nhanh càng tốt…".

Trong khi đó, Luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội lý giải khúc mắc vì sao Đảng Cộng sản muốn nhanh chóng bổ nhiệm nhân sự cấp cao :
"Qua Đại hội có nhiều người tái cử, có nhiều người không trúng cử mà cứ để như vậy thì việc điều hành của một Nhà nước mà do Đảng trực tiếp lãnh đạo chỉ đạo toàn diện thì rất là khó, bởi vì những người lãnh đạo không là Ủy viên Bộ Chính trị, không là Ủy viên Trung ương Đảng thì bây giờ điều hành công việc như thế nào. Họ không được họp trực tiếp với Bộ Chính trị, không được họp trực tiếp với Ban Chấp hành Trung ương".

Theo báo mạng VnExpress, VnEconomy và nhiều báo khác, trong thời gian ngắn từ tháng 4 đến tháng 7 sắp tới Quốc hội Việt Nam sẽ hai lần bầu nhân sự cấp cao. Các báo trích lời bà Nguyễn Thị Kim Ngân, người sẽ thay thế ông Nguyễn Sinh Hùng làm Chủ tịch Quốc hội, lưu ý khía cạnh, nhiều chức vụ cao cấp của nhà nước và chính phủ bị ràng buộc điều kiện phải là đại biểu Quốc hội, thí dụ Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.

Theo giới quan sát, sự kiện này dễ đưa tới diễn giải là Đảng Cộng sản Việt Nam xem bầu cử như một sự xếp đặt, họ chắc chắn là các ông Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều vị khác sẽ trúng cử Quốc hội khóa 14 trong khi bầu cử còn chưa diễn ra. Việc bầu lại các chức danh lãnh đạo chủ chốt một lần nữa vào tháng 7/2016 sẽ chỉ là một thủ tục đơn giản. Có những ý kiến trên mạng xã hội cho rằng, nếu Việt Nam điều chỉnh thời gian tổ chức Đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội hợp lý hơn, tránh khoảng trống quyền lực như hiện nay thì đỡ tốn phí tiền bạc của nhân dân. Được biết báo chí Việt Nam, cụ thể là báo mạng Dân Trí từng đưa tin chí phí mỗi ngày họp của Quốc hội Việt Nam khoảng 1 tỷ đồng…

Trong buổi hoàng hôn nhiệm kỳ, các đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 13 gây nhiều ngạc nhiên, nhiều vị tỏ ra đồng cảm với người dân và đã có những phát biểu thẳng thắn ở nghị trường. Báo chí Việt Nam đã có dịp tăng lượng độc giả truy cập nhờ cách gọi là "giật tít câu view".

Từ phải qua : Chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, Tổng Bí thư đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc Hội hôm 15 tháng 11 năm 2014.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sắp rời quyền lực vào ngày 31/3 sắp tới, đã nói với báo chí là ông không trăn trở điều gì. Trong kỳ họp thứ 11 cũng là kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa 13, ông Nguyễn Sinh Hùng trở thành nguồn tin nóng cho truyền thông nhà nước cũng như mạng xã hội. Phát biểu của ông Nguyễn Sinh Hùng phê phán Chính phủ trì hoãn Dự luật Biểu tình là không nghiêm túc, hoặc "thủ tục hành chính với dân giờ cay nghiệt, độc ác lắm" đã được báo chí giật tít hấp dẫn và thu hút được khối lượng lớn độc giả lên mạng.

Nhận định về sự kiện vừa nêu, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng một cây viết độc lập cũng là một nhà hoạt động xã hội dân sự phát biểu từ Sài Gòn :
"Tâm lý của những quan chức sắp về hưu thường là họ mạnh miệng hơn. Đó cũng là lý do suốt từ khoảng cuối năm 2014 đến giờ ông Nguyễn Sinh Hùng đã có được một số câu nói, một số ý kiến kể cả chỉ đạo có vẻ như hợp lòng dân, tuy nhiên mọi việc nó vẫn khá là chậm chạp…"

"Một ông nông dân cõng 4 ông công chức béo thì chết !"

Đưa tin về sinh hoạt nghị trường, báo Dân Trí bản tin trên mạng ngày 24/3/2016 có bài "Một ông nông dân cõng 4 ông công chức béo thì chết !", tờ báo đã dẫn lời đại biểu Đỗ Văn Đương đơn vị Thành phố Hồ Chí Minh phê phán bộ máy công quyền cồng kềnh, tinh giản biên chế không thực chất, hết xây dựng đề án rồi lại tới chờ cấp thẩm quyền phê duyệt.

Nguyên văn lời đại biểu Đỗ Văn Đương"Một ông nông dân cõng 4 ông công chức béo thì chết, dân oán than lắm. Làm quan có thời, về thì cần lấy cái đức cho mình. Thời gian tới phải coi trọng chống tội phạm tham nhũng…". Trong khi đó báo Lao Động điện tử trích lời đại biểu Đỗ Văn Đương nói nguyên văn : "Nếu mọi thành tích phát triển kinh tế xã hội đều như trong báo cáo thì hồng phúc cho dân quá…" ông Đương chỉ ra thực tại Việt Nam, nợ nước ngoài hiện khoảng 80 tỷ USD, bội chi 250.000 tỷ đồng/năm, trong khi xuất khẩu gạo được 3 tỷ USD, nhưng uống rượu bia cũng hết chừng đó. Chi thường xuyên lương cán bộ hành chính tới 400.000 tỷ/năm, trong khi thu ngân sách 1 triệu tỷ, không đủ nuôi bộ máy hành chính…".

Trong dịp trả lời Đài RFA, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Thành viên Ủy ban Chính sách phát triển Liên hiệp Quốc, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, từng có nhận định :
"Mất cân đối ngân sách rất là nghiêm trọng và chi tiêu thường xuyên của bộ máy quá cồng kềnh, trùng lắp chiếm tới 70% tổng số chi ngân sách và số nợ công tăng lên. Mặc dù Bộ Tài chính liên tục công bố là nợ công vẫn an toàn nhưng nhiều người lấy làm lo ngại là chính phủ vay quá nhiều, vượt số nợ công đã công bố rất nhiều, vì vậy câu hỏi đặt ra là vay nhiều như thế để trả khoản nợ nào và trả như thế nào mà gánh nặng trả nợ ấy ngày càng tăng lên".

Cùng trong phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2016 và kế hoạch phát triển giai đoạn 2016-2020, sáng 24/3 bà Nguyễn Thị Quyết Tâm gây bất ngờ khi đề nghị các đồng viện thử làm phép tính cộng gộp tất cả các Nghị quyết của Đảng từ trước tới nay mà trong đó thường nói tới việc "người dân giảm sút niềm tin", nhiệm kỳ nào cũng có đánh giá như vừa nêu và nếu cộng dồn lại thì rõ ràng chúng ta đang lãng phí niềm tin… Hai từ ‘chúng ta’ theo chúng tôi hiểu là cách nói phổ biến ở Việt Nam để tránh nói cụ thể đụng tới Đảng, Nhà nước hoặc Chính phủ.

Theo báo mạng Dân Trí, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đơn vị Thành phố Hồ Chí Minh kêu gọi sớm cải tổ tổ chức bộ máy từ Trung ương tới địa phương theo Hiến pháp. Theo đó chức năng nhiệm vụ phải được phân cấp phân quyền thì từ đó mới căn cơ bền vững, chứ cứ nói tinh giản biên chế sẽ rất mù mờ, khó thực hiện.

Trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, theo Sài GònTimes Online Hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long trở thành đề tài quan tâm của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại tổ về kinh tế xã hội sáng 24/3. Tờ báo mạng trích lời đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nêu vấn đề, báo cáo của Chính phủ gởi Quốc hội không thể hiện tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang thực sự rất nguy cấp. Bà Tâm nhấn mạnh, Quốc hội cần nghe Chính phủ báo cáo để biết được tình hình ảnh hưởng thiên tai hiện nay. Từ đó, sẽ xem xét đưa ra quyết sách và Quốc hội không thể không nói về vấn đề này.

Trong buổi thảo luận, vẫn theo SaigonTimes Online, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, cần khôi phục độ che phủ rừng như cách đây 20 năm và xây một số đập nước lớn để tích trữ nước cho mùa hạn. Luật sư Trương Trọng Nghĩa khẳng định, Việt Nam sẽ độc lập về nguồn nước, và việc này hoàn toàn khả thi.

Người đọc báo thực sự ngạc nhiên, khi các đại biểu quan tâm tới hạn mặn khốc liệt ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng không đề cập gì tới vấn đề được giới khoa học báo động. Theo đó chính sách phát triển trồng lúa bằng mọi giá của Đảng và Nhà nước trong hơn 3 thập niên qua là một trong những nguyên nhân chủ chốt của tình trạng xâm nhập mặn gia tăng ở đồng bằng sông Cửu Long. Giới khoa học cho rằng, Chính quyền và nông dân cùng nhau phá vỡ môi trường thiên nhiên, xây dựng hàng trăm ngàn km đê bao khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long để có đất canh tác vụ ba trong mùa lũ.

Trả lời phỏng vấn của chúng tôi, Tiến sĩ Dương Văn Ni giảng viên Khoa Môi trường Đại học Cần Thơ cho rằng, chính người Việt Nam đã làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu nước ngọt, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thủy điện bậc thang ở nhiều quốc gia thượng nguồn làm giảm lưu lượng nước sông Mekong.

Tiến sĩ Dương Văn Ni trình bày quan điểm khoa học của mình :
"Nguy cơ thiếu nước cho đồng bằng sông Cửu Long đã được cảnh báo từ nhiều năm trước. Ngay nội bộ đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta có hai vùng trữ lũ rất lớn là Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên. Trong những năm gần đây do chạy theo sản lượng lúa, chúng ta đã đắp rất nhiều đê bao để ngăn không cho nước lũ tràn vào khu vực này, để tăng diện tích canh tác lúa vào mùa lũ lên. Cái đó làm cho lượng nước ngọt vào đồng bằng sông Cửu Long không giữ lại, do đó khi mùa hạn đến thì lượng nước tại chỗ của đồng bằng sông Cửu Long không còn để có thể đẩy bớt cái mặn ra. Một mặt khác thì các công trình thủy nông của đồng bằng sông Cửu Long trong những năm gần đây lại thiên về xu thế là làm sao đưa nước ra thật nhanh vào mùa mưa và ngăn chặn nước vào mùa lũ để tăng diện tích canh tác lên. Hệ thống đó góp phần tăng sản lượng lúa, nhưng mặt khác làm cho lượng nước dự trữ tự nhiên của đồng bằng sông Cửu Long mất đi rất là nhanh chóng…Và do đó khi thiếu nguồn cung cấp nước từ thượng nguồn, đồng bằng sông Cửu Long rớt vào tình trạng hạn nặng rất nghiêm trọng…".

Ước mơ độc lập nguồn nước ngọt mà đại biểu Trương Trọng Nghĩa phát biểu ở Quốc hội sáng 24/3, theo giới khoa học chỉ có thể khởi đầu bằng chuyện từ bỏ vụ lúa thứ ba trong năm, cùng việc phá bỏ hàng trăm ngàn km đê bao ở đồng bằng sông Cửu Long ; thực hiện các dự án tái tạo rừng ngập mặn, khôi phục độ che phủ rừng…

Nam Nguyên, phong viên RFA
Nguồn : RFA, 25/03/2016

------------------------------

Đất Việt   25/03/2016 17:03 GMT+7

Một nông dân cõng 4 ông công chức béo ; thông tin quy hoạch "mật" những vẫn có người biết, nhờ đó giàu lên sau một đêm...
Đó là những phát biểu gây ấn tượng của Đại biểu quốc hội tại kỳ họp 11 QH khóa XIII trong những ngày qua.

Một nông dân cõng 4 ông công chức béo thì chết
Đây là hình ảnh ví von được Đại biểu quốc hội Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh) đưa ra tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội ngày 24/3.
Theo đó, ông Đương khẳng định, chủ trương của Bộ Chính trị về tinh giảm biên chế là rất đúng nhưng cứ hết xây dựng đề án rồi lại báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt...

ĐBQH Đỗ Văn Đương

Theo đại biểu, riêng khâu thủ tục đã quá nhiêu khê, xin hết cấp này tới Bộ nó cũng không thể cắt giảm được. Ông Đương đề xuất, ngay trong năm nay chỗ nào tăng biên chế thì báo cáo Bộ Nội vụ tham mưu cho Thủ tướng, còn chỗ nào giảm, giao cụ thể cho cơ quan tổ chức. “Cứ để cha chung thì không ai khóc, đưa cụ thể, giảm cụ thể có thể khó, nhưng khi đã quyết liệt rồi, một mất một còn rồi thì phải giảm thôi. Đau một chút nhưng tháo gỡ dần”, ông Đương nói.
Vị đại biểu của đoàn TP.HCM tiếp tục ví von: “Một ông nông dân cõng 4 ông công chức béo thì chết, dân oán thán lắm. Làm quan có thời, về thì cần lấy cái đức cho mình. Thời gian tới phải coi trọng chống tội phạm tham nhũng”.

Đất lành chim đậu nhưng chim chưa đậu đã nhậu hết cả chim
Đề cập đến môi trường kinh doanh ở Việt Nam, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) nhận xét, dù kinh tế đã có bước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn nhưng việc cải cách thể chế, cải cách hành chính vẫn chưa bảo đảm tự do kinh doanh của các thành phần kinh tế và người dân.
Theo bà Khánh, nền hành chính hiện nay vẫn mang tính xin - cho, nhiều cán bộ ở nhiều ngành vẫn "xin - cho" và làm khó cho doanh nghiệp, nên doanh nghiệp phát triển trong môi trường như vậy không dễ.
Vị đại biểu ví von: "Nhiều người muốn làm giàu cho quê hương, đất lành chim đậu nhưng chim chưa đậu đã nhậu hết chim. Do vậy cần xây dựng nền hành chính công để giảm khó khăn cho doanh nghiệp, cải cách thể chế".

Biết quy hoạch 'mật', giàu lên sau 1 đêm
Thảo luận về dự luật Tiếp cận thông tin tại Quốc hội, ĐBQH Bùi Thị An (Hà Nội) phản ánh có những thông tin quy hoạch được cơ quan nhà nước đề “mật” nhưng rồi vẫn có người biết, nhờ đó giàu lên sau một đêm.
Bà An đề nghị phải liệt kê danh mục thông tin bí mật ngay trong luật này để tránh tình trạng thông tin không mật vẫn đóng dấu mật để có lợi ích nhóm.

ĐBQH Bùi Thị An

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cũng cho rằng, trong dự luật này có những quy định không cụ thể, rõ ràng, chẳng khác nào "bẫy" dân.
Ông chỉ rõ cái "bẫy": Theo dự thảo luật, thông tin do người đứng đầu cơ quan nhà nước xác định theo thẩm quyền mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, gây nguy hại lớn đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về các cuộc họp nội bộ của cơ quan; các tài liệu do cơ quan soạn thảo cho công việc nội bộ; ý kiến của các chuyên gia trong quá trình hoạch định chính sách.
Ông khuyến cáo quy định “quá mập mờ” này có thể là cái cớ để cơ quan nhà nước từ chối cung cấp thông tin cho người dân, khiến người dân không xác định được lối đi.

Sao nói có lợi ích nhóm mà chưa chỉ ra được nhóm nào?
Khi thảo luận tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm tiếp theo, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) cho rằng, báo cáo của Chính phủ còn những tồn tại chưa chỉ rõ nguyên nhân.
Cụ thể, nhiều thông tin cho rằng có lợi ích nhóm, vậy "thực tế có lợi ích nhóm không. Tại sao nói có mà chưa chỉ ra được nhóm nào", bà đặt câu hỏi..





No comments:

Post a Comment

View My Stats