Tuesday, 16 September 2014

VIẾT VỀ MỘT CON GÀ MÁI ĐẺ: PGS.TS NGUYỄN MẠNH HƯỞNG (Trường Sơn)





Trường Sơn
Posted by adminbasam on 17/09/2014

Hôm nay khi đọc được bài viết của ông PGS.Ts Nguyễn Mạnh Hưởng đăng trên tờ QĐND điện tử số ra ngày 15/09/2014 trong chuyên mục “Làm thất bại chiến lược diễn biến hòa bình” với nhan đề “Niềm tin của một dân tộc không thể là ảo tưởng” [1] tôi thấy cần thiết phải có một sân chơi hay một diễn đàn tranh luận về tính đúng đắn của chủ nghĩa Marx Lenin. Lâu nay, đảng Cộng Sản vẫn luôn hô vang khẩu hiệu “Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng Cộng Sản VN” vẫn là độc quyền diễn tuồng, nhồi sọ dân chúng tự tung tự tác định hướng dư luận theo ý của họ.

Có lẽ đây chính là căn rễ của mọi sai lầm trong tư tưởng và hành động của Đảng Cộng Sản khi lãnh đạo dân tộc ta trải qua bao cảnh chiến tranh tương tàn, nồi da nấu thịt, kéo lùi sự tiến bộ của dân tộc so với các nuớc láng giềng. Trong hoàn cảnh hiện nay, đạo đức xã hội băng hoại, giáo dục xuống cấp, nợ công tăng cao, nền kinh tế suy sụp với những khoản thất thoát do yếu kém quản lý và tham nhũng lộng hành, thế cho nên sự đoạn tuyệt với CN Marx, thành trì lý luận cuối cùng của giai giai cấp lãnh đạo cộng sản ở VN, sẽ mở đường trong việc nâng cao dân trí và tạo điều kiện cho dân chủ phát triển, cạn nghĩ là rất cần thiết.

Trước khi bàn về tính đúng đắn hay sai lầm của học thuyết Marx, tôi xin chỉ ra tính chất ngụy biện, đánh tráo khái niệm, sự phiến diện, tính gian dối rất thường xuyên trong các bài viết ở chuyên mục tuyên truyền của tờ QĐND này mà cụ thể là từ bài viết của ông Hưởng.

PHẦN I: VỀ BÀI VIẾT CỦA ÔNG HƯỞNG

1.    Sự lạm dụng từ dân tộc và nhân dân một cách bừa bãi và vô lối
Ngay tên bài viết “niềm tin của dân tộc” mà ông PGS Hưởng đề cập có lẽ là niềm tin vào CN Marx Lenin của đảng Cộng Sản và những đảng viên của tổ chức này, tin vào CN Marx, còn dân tộc này không hề tin thậm chí có người chưa từng biết chủ nghĩa Marx là gì. Thế nhưng, thực tế phũ phàng là ngay cả ông Nguyễn Phú Trọng cũng phải cay đắng thừa nhận là đến cuối thế kỷ này không biết VN có xây dựng xong CNXH theo mô hình của ông Marx hay không. Cựu tổng bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô Mikhail Gorbachev cũng cay đắng thừa nhận:
“Tôi đã bỏ một nửa cuộc đời cho lý tưởng Cộng Sản. Ngày hôm nay tôi phải đau buồn mà nói rằng: Đảng Cộng Sản chỉ biết tuyên truyền và dối trá”.

Nếu không tin điều này, đảng Cộng sản có dám làm một cuộc trưng cầu dâu ý xem có bao nhiêu phần trăm dân chúng tin vào chủ nghĩa Marx hay không?

Những luận điệu tuyên truyền cũ rích và nhàm chán được lập đi lập lại “nhân dân tin vào Đảng CS VN” “Quốc hội là đại diện cho tiếng nói của nhân dân”, “những chính sách và đường lối của Đảng hợp lòng dân”… trong khi nhân dân không còn tin vào Đảng nữa, quốc hội là nơi tập hợp của hơn 95% đảng viên trong đó, khi mà tổ chức này chỉ chiếm khoảng 4,3 triệu đảng viên trên tổng số hơn 90 triệu dân thì làm sao đại diện cho tiếng nói của người dân được. Chính ông Trương Tấn Sang còn tuyên bố vào 19/08 vừa qua là “Chúng ta không sợ bất cứ một thế lực nào, dù là hung bạo nhất. Chúng ta chỉ sợ nhân dân mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước, chế độ ta”. Và điều đó đã xảy ra từ lâu khi mà những kẻ xưng là đầy tớ của dân là “một bầy sâu”, luôn vinh thân phì gia do tham nhũng “ăn không từ một cái gì” của dân.

2.    Đưa thông tin thiếu dẫn chứng, thiên vị và sai lệch.
Mở đầu bài viết với một loạt những quy chụp, kết tội các “thế lực thù địch” mà không hề có lấy một dẫn chứng hay bài viết nào để chỉ ra các “thế lực thù địch” đã vu khống, xuyên tạc hay nói xấu CN Marx Lennin. Nó chẳng khác cách lên án kiểu hàng tôm hàng cá là nói cho sướng mồm, còn ai nghe hay không thì kệ thây họ. Việc bài bác chỉ trích CN Marx đã diễn ra mạnh mẽ quyết liệt nhất là sau khi Liên Xô và đông Âu sụp đổ và trước đó rất lâu, nhiều nhà triết học, xã hội học, kinh tế học đã lên tiếng phản đối mà những người Marxist không phản biện lại được. Tôi cũng chỉ đọc được một số, trong đó phải kể đến 3 tài liệu sau:

- Marxism Unmarked: From Delusion to Destruction của tác giả Ludwig Von Mises, một người gốc Do Thái sinh ra ngay tại Ukraina. Cuốn sách là tập hợp những bài giảng của ông bắt đầu công bố về sai lầm của Marx tại San Francisco vào năm 1952. Ông dự đoán gần như chính xác sự sụp đổ của CN Marx dù ông mất vào năm 1973. Hiện nay tại Mỹ có một viện kinh tế và xã hội học mang tên của ông [2].

- Farewell to Marx: An Outline and Appraisal of His Theories của tác giả David Conway dầy 240 trang xuất vào năm 1987, hai năm trước khi CNCS bắt đầu sụp đổ ở Đông Âu. Tác giả này dự đoán CNCS của Marx tan rã vào cuối thế kỷ 20 nhưng không ngờ nó lại “chết “ nhanh hơn ông tưởng [3].

- Marxism As Pseudo Science của tác giả Ernest Van Den Haag cũng ra đời vào năm 1987 [4].
Còn những sách và tên tác giả phản đối CN Marx sau năm 1989 thì rất nhiều. Chỉ tiếc là ở Việt Nam dù số lượng các nhà triết học lấy bằng cấp học hàm học vị về triết học Marx nhiều vô kể nhưng không hề có một quyển nào chỉ ra Marx sai lầm mà chỉ có ca ngợi từ đúng đắn tới rất đúng đắn mà thôi.

Trong bài viết ông PGs Hưởng đưa ra một ví dụ để minh họa rằng VN rất nhiều người nghèo, bất công xã hội còn tồn tại nhưng “Những bất công, nghèo khổ vẫn đầy rẫy trong lòng xã hội tư bản hiện đại. Theo Cục Điều tra Dân số Mỹ năm 2010, ở Mỹ có tới 64,2 triệu người (chiếm 15,2% dân số) thuộc diện nghèo, mức cao nhất trong 20 năm qua”.
“Ở Mỹ, số người nghèo đói và không bảo hiểm y tế là hơn 38,8 triệu người; ở I-ta-li-a, giai đoạn 2005-2012, tỷ lệ người nghèo tăng gấp đôi và hiện có khoảng 4,8 triệu người nghèo đói. Tổ chức Oxfam cảnh báo, đến năm 2025, Liên minh châu Âu (EU) sẽ có thêm 25 triệu người nghèo đói…
Rồi đưa ra một kết luận hết sức hùng hồn “Những điều trên đã nói lên một cách rõ ràng tính chất ăn bám, bóc lột của CNTB”.

Số liệu mà ông Hưởng dẫn nguồn đều từ những mục báo đảng như Tạp chí quốc phòng toàn dân, báo QĐND, báo Nhân Dân, Ban Tuyên Giáo Trung Ương, Đảng Cộng Sản Việt Nam. Thật là nực cười, tôi tự hỏi trình độ của một nhà “khoa học” mang bằng tiến sĩ, học hàm Phó Giáo sư mà non kém đến thế, trích dẫn số liệu lệch lạc đến thế. Xin hỏi ông PGs Hưởng là ông có phân biệt được thế nào là một bài báo khoa học có bình duyệt và thông tin đáng tin cậy với những tờ báo phổ thông thường thức (đôi khi là báo lá cải) hay không?

Đó là chưa kể, ông ta “biển lận” một khái niệm thế nào là “nghèo” của tổ chức Y tế Thế giới [5].
Theo tổ chức này một người là nghèo khi thu nhập hàng năm ít hơn một nửa mức thu nhập bình quân trên đầu người hàng năm (Per Capita Incomme, PCI) của quốc gia đó. Do đó, cái gọi là “Nghèo” của người dân Mỹ cũng còn là con số trong mơ của dân Việt Nam trong nhiều chục năm sắp tới nếu chế độ này vẫn do cộng sản cầm quyền. Cục điều tra dân số Mỹ đã từng công bố năm 2005 Mỹ có 37 triệu người nghèo, năm 2009 có 43, 6 triệu người nghèo. Một số nước hay tổ chức chống lại Mỹ thường trưng ra những con số trên để chứng minh rằng Mỹ vi phạm nhân quyền vì có quá nhiều người nghèo. Ví dụ: trong một bản ghi nhận về tình trạng nhân quyền ở Mỹ do chính phủ Trung Quốc công bố năm 2010 thì người nghèo ở Mỹ trong 10 năm đã tăng từ 11,7% lên 12,6% trong khi người nghèo ở TQ chỉ có 8%, (Cái này ông Hưởng bắt chước TQ) để chứng tỏ tính ưu việt của chế độ cộng sản so với CNTB đang giẫy chết. Thế nhưng những con số đó không nói lên đầy đủ. Năm 2014 chuẩn nghèo của Mỹ cho một hộ gồm 4 nhân khẩu là 23.850 USD/năm quy ra 1.987,5USD/ tháng. Còn chuẩn nghèo của Trung Quốc là 1500 Nhân dân tệ, tương đương 225USD/ tháng tức là thua khoảng 9 lần so với Mỹ. Còn ở VN thì 4,8 triệu đồng/năm ở nông thôn và 6 triệu đồng/năm ở thành thị. Vì vậy chỉ nhìn vào số lượng người nghèo mà đánh giá thì quả là một so sánh khập khiễng.

Ở Mỹ, cũng vào năm 2012 thì 80% số họ nghèo có máy điều hòa, 92% có lò vi sóng, 72% có 1 ô tô hoặc xe tải và 31% có ít nhất từ 2 xe trở lên, khoảng 70% có truyền hình cáp và vệ tinh, 50% có máy tính cá nhân và khoảng 15% có từ 2 máy tính trở lên/hộ dân. Người Mỹ đều hiểu khái niệm « nghèo » là sự thiếu khả năng cung cấp thực phẩm bổ dưỡng, quần áo, và chỗ ở thích hợp cho một gia đình chứ không phải thiếu thực phẩm để ăn.

Vì vậy chi tiết ông Hường nêu ra là nghèo đói là sai sự thật, họ chỉ nghèo chứ không đói. Con số người thiếu thực phẩm (thỉnh thoảng chứ không triền miên) không quá 4% tại Mỹ, và không quá 5% tại các nước Châu Âu.

Để ủng hộ cho ý kiến rằng CN Marx là đúng đắn là sáng suốt ông Hưởng đã viết “Trong tình hình hiện nay, chính từ các quốc gia tư bản phương Tây, người ta lại thấy có những tiếng nói về những giá trị của chủ nghĩa Mác, của học thuyết kinh tế Mác, về phong trào “trở về với Mác”, tìm đọc Mác. Đặc biệt, ở những thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008-2009, trong khủng khoảng nợ công và suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia tư bản phát triển, phong trào “trở về với Mác”, tìm đọc Mác lại trở nên sôi nổi và thực tế hơn. Các tác phẩm của V.I.Lê-nin vẫn xếp số 1 trên thế giới và được dịch ra 134 ngôn ngữ ở 63 nước. Không thể cố nói bừa rằng, chủ nghĩa Mác – Lê-nin là học thuyết “ảo tưởng”, đã “lạc hậu, lỗi thời”, khi chính học thuyết này đã tạo nên những hiện thực làm biến đổi thế giới, thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ của lịch sử hiện đại và có sức lôi cuốn, tầm ảnh hưởng sâu rộng toàn nhân loại.”

Thông tin này ông ta trích dẫn từ báo QĐND số ra ngày 19/02/2012. Thật ngao ngán cho một người có học hàm PGs Ts. Việc Marx chỉ ra và tiên lượng sự khủng hoảng kinh tế của chế độ TBCN là có thật được Marx đề xướng trong quyển 3, Tư Bản; nhưng hãy nhớ nằm lòng trong đầu sự khủng hoảng kinh tế tài chính suy cho cùng chính là sự nghèo khổ và sự tiêu dùng có hạn của dân chúng. Bất kỳ một thể chế một xã hội nào cũng có những vận động, tuân theo một nguyên lý “thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập”. Thế nhưng Marx không hề tiên đoán đúng sự sụp đổ của TBCN dù liên tục từ đầu thế kỷ 20 tới nay, hình thái kinh tế XH này trải qua nhiều cuộc khủng hỏang như
·         1907: khủng hoảng thị trường chứng khoán Mỹ
·         1929-1933: khủng hoảng kinh tế tiền tệ phố Wall
·         1970: khủng hoảng dầu mỏ
·         1997: khủng hoảng kinh tế châu Á, bắt đầu nổ ra ở Thái Lan với nợ công chỉ là 15% (theo công bố của chính phủ)
·         2007-2009: khủng hoảng kinh tế thế giới.

Trong khi đó, hình thái XHCN chỉ qua một cú chấn động đã sụp đổ tan tành theo hiệu ứng Đômino. Nếu nó đúng đắn thì chắc có nhiều nước CNTB đã quay trở lại XHCN từ sau năm 1980 rồi, nhất là sau 1997, người ta tìm đọc lại Marx để xem xét mổ sẻ vấn đề kỹ càng hơn sau nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng vẫn không thể tìm ra sự hợp lý, đúng đắn của cái lý luận ảo tưởng mù quáng đó.

Phần II: NHỮNG LÝ LUẬN CHỐNG LẠI CHỦ NGHĨA MARX

Thứ nhất: CN Marx vận dụng sai quan điểm của CN duy vật biện chứng
Lý thuyết của ch nghĩa Duy vật biện chứng thường được coi là cơ sở của học thuyết Marx. Thế nhưng, lại vướng phải những lý luận mà Mrax vận dụng
·         Khi nói đến quan hệ của cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng, Marx cho rằng khi cơ sở hạ tầng thay đổi thì kiến trúc thượng tầng cũng thay đổi theo. Thế nhưng Marx lại không chỉ ra những thay đổi về cơ sở hạ tầng của CNXH được cho là tiền thân của CNCS sẽ đưa đến thay đổi hình thái kinh tế xã hội. Khi đó, mô hình xã hội (kiến trúc thượng tầng) sẽ là rào cản, bó chặt sự phát triển của cơ sở hạ tầng làm phá vỡ mối quan hệ này.
·         Marx công nhận quy luật phủ định của phủ định nhưng lại không công nhận sự phá sản/đổ vỡ của chủ nghĩ cộng sản tức là với Marx thì chủ nghĩ cộng sản là cái đích cuối cùng trong các hình thái kinh tế xã hội của loài người. Theo CN duy vật biện chứng, cái có trước sẽ bị cái ra đời sau phủ định lại và không có gì là bất biến. Sự lung túng của Marx còn thể hiện ở chỗ, mô hình CNCS mà Marx đưa ra không khác gì chủ nghĩa công sản nguyên thủy đã có từ nhiều ngàn năm trong xã hội loài người. Và có lẽ những người cộng sản VN hiện nay cũng đang mắc sai lầm này khi tự cho mình có quyền lãnh đạo duy nhất, toàn diện dân tộc, không một đảng phái nào đủ “trọng trách lịch sử ” thay thế nổi họ. Trải qua 4 nghìn nămlịch sử VN đã chứng minh, tất cả mọi triều đại, thể chế chính trị chỉ có vai trò nhất định trong một giai đoạn lịch sử nhất định, đều vận hành theo quy luật “hình thành-phát triển-tiêu vong”.
·         Marx cho rằng khi tiến tới chủ nghĩa cộng sản thì mọi đấu tranh giai cấp sẽ bị triệu tiêu trong khi “sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập luôn luôn diễn ra trong từng sự vật hiện tượng”.

Thứ hai: Về mặt thực thi chủ nghĩa cộng sản và đàn áp quyền cá nhân.
Chủ nghĩa Marx xem việc giành chính quyền phải bằng bao lực cách mạng là tất yếu, cũng như quan điểm của Mao “chính quyền được sinh ra từ họng súng”. Điều này được xem là tàn bạo và trái với quan điểm của nhân lạo tiến bộ. Thực tế đã chứng minh rất nhiều nước trên thế giới vẫn giành được độc lập, giành được chính quyền mà không hề có bạo lực cách mạng. Ngay cả việc hợp nhất một quốc gia với hai hệ tư tưởng và tầng lớp lãnh đão khác nhau ở hai miền Đông và Tây nuớc Đức cũng diễn ra hết sức ôn hòa, khi những người cộng sản hiểu được quy luật khách quan, biết đặt lợi ích dân tộc trên lợi ích giai cấp. Khi giành được chính quyền, CN Marx chủ trương “kiểm soát chuyên chế đối với dân chúng bởi tầng lớp quý tộc mới”

Trong Tuyên ngôn Cộng sản, Marx đề ra 10 nhóm hành động, mà ông cho rằng có thể áp dụng ở bất cứ xã hội công nghiệp hiện đại nào, khuyên nên phải phân phối lại đất đai và tư liệu sản xuất trong giai đoạn quá độ trước chủ nghĩa cộng sản. Trong đó thể hiện rõ nhất từ tư tưởng 1 tới tư tưởng 4
1.    Tước đoạt sở hữu ruộng đất và trao nộp tô vào quỹ chi tiêu của nhà nước.
2.    Áp dụng thuế luỹ tiến cao.
3.    Xoá bỏ quyền thừa kế
4.    Tịch thu tài sản của tất cả những kẻ lưu vong và của tất cả những kẻ phiến loạn [6].

CN Marx chủ trương tước đoạt tài sản ruộng đất, xóa bỏ tư hữu và công hữu bất kể nguồn gốc đất đai đó do đâu mà có. Hay xóa bỏ quyền thừa kế, hiểu theo một cách đơn giản hơn là sống đời nào biết đời đó, khác với truyền thống của dân tộc VN là cha mẹ dành dụm tài sản để cho con cháu và như thế thì không có tích lũy tư sản.

Nếu trong giai đoạn bạo lực cách mạng thì ai là kẻ được xem là phiến loạn nếu không phải là những người cộng sản? Chính họ là kẻ phá vỡ trật tự xã hội theo đúng định nghĩa của Marx.

Các nhà tư tưởng tư do cho rằng đây chính là hình thức trực tiếp của nhà nước tước đoạt tài sản cá nhân (quốc hữu hóa). Cải cách ruộng đất và quốc hữu hóa tài sản nhân dân ở một số nước theo chủ nghĩa xã hội là sản phẩm ý tưởng của Marx, trong đó tại Việt Nam 172.000 người bị giết với hơn 80% bị giết oan là một cuộc tàn sát đẫm máu do tư tưởng của Marx gây ra.

Thứ ba: Phân biệt chủng tộc
Marx và Engels bị cáo buộc đã có những tuyên bố phân biệt chủng tộc chống lại một số quốc gia. Dân tộc Slav khi phản ứng các nỗ lực của người Croatia và người Séc giành độc lập từ Áo-Hung bằng cách cố gắng để đạt được sự hỗ trợ của Sa hoàng nước Nga, người mà Engels coi là một kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản. Engels gọi những người Slavs cùng với người Gael, Breton và xứ Basque “từ chối quốc gia” và tuyên bố rằng họ xứng đáng “bị tiêu diệt trong cơn bão cách mạng” Để đối phó với những sự kiện này, Marx và Engels cùng kêu gọi Đức tiến hành chiến tranh với Nga để áp đặt nền văn minh cơ bản cho Nga. Cả hai Marx và Engels coi Đức là nước văn minh hơn các quốc gia khác, và tiến bộ về chủ nghĩa cộng sản hơn so với các quốc gia khác [7].


Thứ tư: Kinh tế
Trường phái Kinh tế học Áo cho rằng Hệ thống kinh tế của Marx đang dựa vào Lý thuyết giá trị lao động trường phái kinh tế học cổ điển, mà lý thuyết cơ bản của Kinh tế học cổ điển là sai. Một số phê phán khác cho rằng hệ thống kinh tế của chủ nghĩa Cộng sản là không thể sử dụng được.
Xuất phát từ việc hiểu sai nguồn gốc của giá trị chênh lệch mà Marx gọi là giá trị thặng dư, rồi cho rằng tư bản bóc lột giá trị thặng dư và cuối cùng đưa đến quan điểm giai cấp vô sản phải đánh đổ giai cấp tư bản. Marx đã sai ở ba điểm nghiêm trọng.

·         Giá trị thặng dư thực chất là do chênh lệch thi trường cung cầu tạo ra. Một sản phẩm như nhau sẽ được bán nhiều giá khác nhau tại các thị trường. Thông qua quy luật cung cầu này, nhà tư bản tiến hành buôn bán và tạo ra sự chênh lệch, mua ở thị trường giá rẻ và bán cho thị trường giá cao. Một ghi nhận dễ nhận ra là VN thường xuất khẩu hàng may mặc/gạo cho Nhật trong khi lại nhập khẩu ô tô từ Nhật về vì giá của một chiếc ô tô cùng loại tại VN có giá cao gấp 3 lần tại Nhật.còn nếu sản xuất theo chỉ tiêu, tự cung tự cấp thì gần như không có giá trị thặng dư và không tận dụng được thế mạnh sẵn có.
·         Năng lực trí tuệ của từng cá nhân là không giống nhau nhưng Marx lại cào bằng và tính theo bình quân. Điều này kéo theo khi lợi ích và tài sản bị bình quân hóa ai cũng như ai thì người lao động hông còn nỗ lực trong công việc. Chính điều này thủ tiêu sự sáng tạo của con người.
·         Marx luôn công nhận rằng giai cấp tư sản là giai cấp năng động và sáng tạo nhất khi họ thường xuyên cải tiến công cụ lao động, nhưng lại không thừa nhận sự cải tiến công cụ lao động đóng góp một phần rất lớn việc tạo ra sản phẩm để dưa đến giá trị thặng dư. Khi tấn công Marx, Alfred Marshall đã nói: ” “Thật không đúng khi nói cuộn chỉ trong nhà máy… đơn thuần là sản phẩm của lao động. Nó là sản phẩm của lao động, cùng với công sức của chủ lao động, của hệ thống quản lý, và từ tiền vốn bỏ ra.” [8]

Ngoài ra Marx còn nhiều những sai lầm mà đến cuối đời Bản thân Marx cũng thừa nhận là lý thuyết của ông không thể giải thích sự phát triển nội tại của hệ thống xã hội Á Châu, nơi một phần lớn của dân số thế giới sống hàng ngàn năm qua.

Đọc đến cuối bài tôi chợt nhận ra rằng hình như vẫn giọng điệu này, vẫn tác giả này là chính ông PGs.Ts Nguyễn Văn Hưởng đã viết một bài viết vào ngày 04/05/2013 với tên bài viết là BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN SÁNG TẠO CHỦ NGHĨA MÁC dưới chuyên mục “Kỷ niệm 195 năm ngày sinh C.Mác (5-5-1818- 5-5-2013)” [9] chứ không phải “làm thất bại chiến lược diễn biến hòa bình” nữa rồi. Tôi nhờ các độc giả đọc và xác nhận dùm tôi. Ngẫm ra mà thấy tội nghiệp cho các vị phải làm tên canh cổng cho lý luận của đảng họ thật giống con gà mái đẻ, loay hoay nhảy ổ để phọt ra một bài mà có gì mới đâu, chỉ xào nấu lại câu chữ, lý luận nhàm chán. Hóa ra chỉ có tí lý luận què cụt này, họ cũng đường đường là PGs.Ts ăn trên ngồi trốc thiên hạ, đại diện cho tầng lớp trí thức của dân tộc Việt này sao?


Tài liệu tham khảo

[7] van Ree, Erik. The political thought of Joseph Stalin: a study in twentieth-century revolutionary patriotism. London, England, UK; New York, New York, USA: RoutledgeCurzon, 2002.





No comments:

Post a Comment

View My Stats