Sunday, 14 September 2014

CHIẾN TRANH KINH TẾ QUÁ ĐẮT ? (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
(VienDongDaily.Com - 11/09/2014)

Trừng phạt kinh tế đang được sử dụng như bom, như đạn, như những loại vũ khí mới của chiến tranh. Nga đưa súng phòng không vào chiến trường Kharkiv? Hoa Kỳ và Tây Âu phản công bằng cách tẩy chay không mua khí đốt của Nga nữa. Nga đưa một lữ đoàn thiết kỵ vào Donetsk, 2 hãng Boeing và Airbus hủy hợp đồng, không cho các hãng hàng không dân sự Nga thuê máy bay nữa.

Tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ - tổng thống Obama - chủ trương No Boots On The Ground (lính Mỹ không chạm gót giầy xuống mặt đất) khiến máu Mỹ thôi nhuộm đỏ sa mạc Trung Đông, khiến súng bớt nổ, người bớt chết, và quân nhân Mỹ không phải đi làm "xen đầm quốc tế" khắp mọi nơi nữa. Tuy nhiên, hình thái chiến tranh mới này có thật sự tốt hơn chiến tranh súng đạn không? Câu hỏi không dễ trả lời.

Trước nhất, hãy thử quan sát nỗ lực của Nga tìm cách làm nhẹ bớt áp lực do những biện pháp trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ và Liên Âu tạo ra trên mọi sinh hoạt hàng ngày - trong đó nhu cầu hàng không dân sự là một.

Hôm thứ Hai 9/8, thủ tướng Dmitry Medvedev tuyên bố Nga cần tăng cường kỹ nghệ sản xuất máy bay dân sự, và họ có thể sẽ phải cộng tác với Trung Cộng trong việc đóng loại máy bay có khả năng bay đường dài.

Đóng máy bay dân sự là một trong những nhu cầu đáp ứng thiếu hụt do đòn kinh tế của Hoa Kỳ và Liên Âu tạo ra. Sở dĩ có nhu cầu mới này là do 2 hãng máy bay Boeing của Mỹ và Airbus của Âu Châu đang giảm bớt và sẽ ngưng không cung cấp máy bay cho Nga thuê mướn nữa. Hai hãng đóng máy bay này tuân hành những biện pháp của chính phủ Hoa Kỳ và Liên Âu, trừng phạt cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine.

Các hãng hàng không dân sự Nga thuê của các hãng đóng máy bay Tây Phương đến 90% số máy bay họ sử dụng; quyết định trừng phạt kinh tế khiến số máy bay cho thuê bị giảm đi, nhiều hãng hàng không dân sự Nga không đủ máy bay phục vụ nhu cầu của khách hàng, và một hãng -hãng Dobrolyot- phải ngưng hoạt động vì thiếu máy bay.

Kỹ nghệ hàng không của Nga đặt trọng tâm vào việc sản xuất máy bay quân sự, và họ rất tiến bộ trong địa hạt này, nhưng lại lơ là với việc đóng máy bay hàng không dân sự. Năm 2013, hãng Sukhoi Superjet, một trong những hãng đóng máy bay của Nga, chỉ sản xuất có 25 chiếc máy bay dân sự; nhưng cho đến cuối năm nay, Sukhoi sẽ tăng mức sản xuất lên 40 chiếc; sau đó mỗi năm hãng sẽ đóng 50 máy bay dân sự. Cố gắng này đáng khen ngợi, nhưng vẫn không cung cấp đủ máy bay để thay cho những chiếc phi cơ đưa đò, mãn hạn cho mướn bị những hãng đóng máy bay Mỹ và Liên Âu thu hồi.

Mặt khác, ngân hàng quốc doanh Sberbank đồng ý cho hãng đóng máy bay Irkut vay $400 triệu trong vòng 10 năm, để gia tăng mức sản xuất máy bay; hiện hãng đang có 50 mối đặt hàng mà hãng không có khả năng thực hiện.

Trong lúc thủ tướng Medvedev bận rộn giải quyết những tắc nghẽn trên địa hạt hàng không dân sự, thì tổng thống Vladimir Putin khánh thành công tác kiến tạo lớn nhất thế giới: xây dựng đường ống dài 4,000 cây số đưa khí đốt từ Yakutia -giếng khí đốt của Nga- sang đến Nhật và Trung Cộng.

Sau năm 2018, hãng Power of Siberia của Nga sẽ có khả năng cung cấp khí đốt cho Bắc Kinh qua một khế ước trị giá $400 tỉ, kéo dài 30 năm.

Sau 10 năm va chạm ngoại giao, liên hệ Nga-Hoa được cải thiện nhờ nhu cầu tương quan bổ túc kinh tế giữa 2 nước - Tàu cần mua nhiên liệu, trong lúc Nga cần bán - và dĩ nhiên cũng nhờ chính sách trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ chặn đường Nga xuất cảng nhiên liệu sang Âu Châu. Mất thị trường Âu Châu, Nga không thể không tìm đến thị trường Trung Cộng, trong lúc Trung Cộng cũng khát nhiên liệu, thiếu khí đốt.

Mọi việc tưởng như suôn sẻ, nhưng tổ chức đầu tư Moody's Investors Service cảnh cáo Nga về nguy cơ bị Trung Cộng chẹt giá khi thị trường xuất cảng nhiên liệu của Nga bị bó hẹp vào Trung Cộng. Theo tổ chức đầu tư Moody thì lợi nhuận trên thị trường Trung Cộng sẽ không thể nào bằng lợi nhuận Nga đang hưởng thụ trên thị trường Âu Châu.

Giá cả thỏa thuận trong khế ước được bảo mật, nhưng những tin tức bị tiết lộ cho thấy GazProm - hãng khí đốt của Nga - bối rối vì một mặt lợi nhuận bị giảm, mặt khác phải chi phí hàng chục tỉ mỹ kim vào việc xây dựng đường ống và xây dựng mọi tiện nghi khác.

Tờ Wall Street Journal ước tính khoảng 30% nhiên liệu do Nga sản xuất đang được bán sang Á Châu. Tổng trưởng năng lượng Nga, ông Alexander Novak kỳ vọng sẽ bán gấp đôi số dầu và khí đốt hiện đang bán ra, nhờ sáng kiến của Nga vận động nhiều hãng dầu Á Châu đầu tư vào kỹ nghệ khí đốt lỏng (liquefied natural gas LNG).

Chiến tranh kinh tế cũng giúp công ty dầu hỏa Trung Cộng CNPC (The China National Petroleum Corporation) phát triển mạnh hơn; công ty đã đầu tư đến 20% vốn vào chương trình LNG -làm lỏng khí đốt- của công ty Nga Novatek trên đảo Yamal, trong lúc Putin còn đề nghị Trung Cộng hùn vốn khai thác giếng dầu Vankor, một trong những giếng dầu lớn tại Siberia.

Thương vụ xuất cảng của Trung Cộng cũng đang gia tăng cực mạnh trong 2 tháng vừa qua; tháng Bẩy số hàng xuất cảng tăng đến 14.5%; tháng Tám tăng 9.4%, trong lúc số hàng nhập cảng vào Trung Cộng giảm 2.4%. Xuất cảng nhiều, nhập cảng ít khiến số thặng dư thương mại lên đến $49.8 tỉ.
Trừng phạt đang làm tình trạng kinh tế giữa 3 siêu cường Mỹ, Nga, và Tàu trở thành phức tạp; Nga bối rối vì nhiều xáo trộn, và Tàu thụ hưởng một nguồn cung cấp năng lượng sung mãn hơn, rẻ hơn. Tuy nhiên giải pháp của Nga xuất cảng nhiên liệu sang Tàu mang nhược điểm "nước xa, lửa gần" - ống dẫn khí đốt cần một, hai năm để hoàn thành, trong lúc túng quẫn đang đứng trước cổng.

Cốt lõi của tình hình căng thẳng là ông Putin và giấc mộng của ông - tái tạo một siêu cường Nga. Những hành động chiếm đoạt Crimea và gây hấn để thôn tính Đông Bộ Ukraine đều nằm trong giấc mộng siêu cường này.

Tuy nhiên, kích thước hiện đại đang định đoạt chỗ đứng của mỗi quốc gia trong cộng đồng thế giới lại không phải là sức mạnh quân sự, mà là sức mạnh kinh tế; trên địa bàn kinh tế Nga chỉ đứng hạng 6 -sau Mỹ, Tàu, Ấn, Nhật, và Đức.

Có thể nói con đường "bành trướng lãnh thổ để trở thành cường quốc" của Putin là đường cụt; mới cưỡng chiếm được Crimea, sức mạnh quân sự của Nga đã bị chặn đứng trên biên giới Ukraine.
Trong lúc đó, Thế Giới Tự Do (TGTD) vẫn chưa phải gửi một người lính nào vào chiến trường để giúp Ukraine, mà chiến tranh đã lắng dịu - Nga đã phải ký hiệp ước ngưng bắn với Ukraine.

Câu hỏi nêu lên là Cái Giá mà TGTD phải trả để chặn đứng cuộc xâm lăng quân sự của Nga có quá đắt không? Cái Giá đó là đông lạnh thị trường xuất nhập cảng giữa Hoa Kỳ và Liên Âu một bên, bên kia là Nga; thị trường này tuy lớn, nhưng không lớn đến mức Âu Châu gặp khó khăn quá đáng nếu không mua nhiên liệu của Nga.

Một góc cạnh khác của Cái Giá là tiện nghi kinh tế TGTD tạo ra cho Trung Cộng, giúp Trung Cộng mua dầu và khí đốt của Nga với giá rẻ.

Cân nhắc giữa những mất mát kinh tế vừa phải đó với chiến phí cần thiết để duy trì một lực lượng 100,000 quân đồng minh trên biên giới Ukraine, chắc chắn TGTD phải chọn giải pháp chiến tranh kinh tế. Ấy là chưa nói đến cái giá máu thiêng liêng và vô giá.

Mặt khác kỹ nghệ nhiên liệu và khí đốt của Nga chịu đựng được bao lâu nữa với tình trạng xuất cảng nhỏ giọt, chờ đường ống dẫn khí đốt sang Tầu, sang Nhật hoàn thành; và dân Nga kiên nhẫn được bao lâu nữa với tình trạng thiếu máy bay dân sự, phải mua vé 4 tháng trước để "xí" chỗ.

Dĩ nhiên việc không bán được nhiên liệu, và việc không mua được vé máy bay chỉ là 2 trong rất nhiều khó khăn kinh tế mà Nga đang chịu đựng. Phân tách như vậy để thấy tính hữu hiệu và cái giá rất rẻ của vũ khí kinh tế.

Nguyễn đạt Thịnh
BEIJING


No comments:

Post a Comment

View My Stats