Nguyễn
Xuân Hoàng
07.07.2010
Trong đời sống, mất mát nhiều hơn là thu nhận. Cây lúa sẽ không trổ bông,
nếu trước đó nó không chết đi. Hãy sinh động một cách không mệt mỏi, nhìn về
tương lai và nuôi dưỡng bằng những nguồn dự trữ sống chất chứa từ trí nhớ và sự
lãng quên. It is more important in life to lose than to
acquire. The grain will not sprout unless first it dies. One must remain
untiringly alive, looking into the future and feeding on the living reserves
which memory and oblivion together accumulate. - BORIS PASTERNAK “An Essay in
Autobiography”*
*
PHẦN
1
Tôi là đứa con thứ mười hai trong một gia đình mười
ba anh chị em. Mười ba người con trong một gia đình, con số ấy đâu có nhỏ, phải
không? Nhưng biết làm sao! Có ai trên đời này được quyền chọn nơi chốn, gia
đình hay dân tộc để chào đời đâu. Tóm lại, tôi là một người Việt Nam ra đời ở
miền Trung, trong thời chiến, dưới một mái nhà “đông dân” và “kinh tế gia cảnh”
đang hồi sa sút.
Phải nói là nhà tôi đông người quá, đông đến nỗi tôi
không thể nào nhớ hết tất cả những anh chị em của tôi. Cha tôi, má tôi, đôi ba
ông anh, đôi ba bà chị, một vài cô em… chỉ chừng đó người thôi cũng đủ nằm chật
trong ký ức tôi rồi.
Vậy thì, có lẽ, tôi chỉ xin nói trước một đôi điều
về đôi ba người trong gia đình tôi thôi. Tôi nghĩ rằng khi vẽ lại chân dung
những người thân thích ruột thịt của mình, tôi cũng đã tự vẽ phần nào chân dung
mình. Tuy có hơi nhợt nhạt, nhưng chắc là sẽ không xa sự thực lắm đâu!
Cha tôi, tất nhiên đó là người mà tôi muốn nhắc đến
trước nhất trong bản tự truyện này. Ông cao lớn, quắc thước, vạm vỡ. Ngay giờ
đây, khi hồi tưởng lại hình ảnh của ông, điều mà tôi có thể nhìn thấy lại trước
nhất và rõ nhất là đôi mắt của ông. Đôi mắt ấy đầy thần lực, hơi lạnh và có một
vẻ gì như tàn nhẫn. Khi nhìn ai, đôi mắt kia như phát ra một mệnh lệnh buộc họ
phải phục tùng. Rất nhiều màu nâu đen, rất ít lòng trắng, đôi mắt ấy khá gần
với loài hổ báo. Cũng có khi tôi tưởng đôi mắt ấy là con dao cau phạt ngang, có
thể cắt đứt cổ tôi như chơi.
Tôi rất sợ cha tôi. Và tôi không biết rõ lòng mình
là có bao giờ tôi yêu ông không.
Má tôi thường nói cha tôi là một con sâu rượu. Quả
thật, ông uống như hũ chìm và không bao giờ tôi thấy ông say. “Tao mà say rượu
à, rượu say tao thì có!” Cha tôi nhiều lần nói như vậy.
Mỗi ngày bốn bận, cha tôi uống rượu theo chu kỳ
“sáng – trưa - chiều - tối”. Sáng uống theo lối sáng, chiều uống theo kiểu
chiều. Sáng đánh răng súc miệng, uống ít thôi. Tối cần giấc ngủ, uống khá khá
được. Trưa, chiều thì tùy hứng.
Má tôi nói rượu là độc được. Cha tôi nói rượu là
thuốc an thần. Cha tôi tích trữ rượu. Má tôi giấu rượu. Cha tôi ít nói khi đã
uống nhiều. Và má tôi không phải là loại đàn bà lắm lời.
Nói chung, gia đình tôi đông, nhưng buồn và lạnh.
Chúng tôi cử động, ăn uống, đi lại, học hành, trò chuyện như những người khách
trọ trong một căn nhà nấu cơm tháng.
Có một thời gian, tuy hơi bất ngờ, nhưng mà cũng
ngắn thôi, tôi thấy cha tôi không uống rượu nữa. “Sáng – trưa - chiều - tối”
ông chỉ uống trà. Cái thói quen mà ông không thay đổi, đó là bao giờ cũng thức
dậy sớm hơn tất cả mọi người trong nhà. Ông nấu nước trong một chiếc ấm màu đen
quánh, pha trà trong một bình đất nung màu đỏ gạch cua bóng lưỡng, và uống
trong một cái chén nhỏ cũng bằng đất nung da màu lông thỏ đỏ. Cái chén ấy ông
trang trọng gọi nó là Thố Hào Trản. Cha tôi rất quý cái chén này. Có lúc
tôi nghĩ là ông quý nó còn hơn đứa con của ông là tôi nữa. Ông thường đem khoe
với mấy người bạn của ông cái chén đất và nói rằng nó xưa lắm, “bảy trăm năm
tuổi đấy!”. Nếu đời sống con người chỉ kéo dài có năm mươi năm thôi thì cái
chén này đã áp vào môi của mười bốn đời người. Nó “chạm” đến bảy thế kỷ của
nhân loại. Có lần tôi hỏi ông tại sao cha biết cái chén này xưa tới bảy trăm
năm. Ông nói chính một ông bạn làm quản thủ công nhựt ở viện bảo tàng vườn Bách
Thảo Sài Gòn nói như vậy.
“Cha à! Ông ta căn cứ vào đâu mà nói như vậy?”
“Tao không biết, nhưng tao tin ông ấy. Ông ta là một nhà chơi đồ cổ lừng danh. Lời ông ông ấy rất có giá trị.”
“Nhưng tại sao bảy trăm năm thì quý?”
“Cái gì trên cõi đời này mà lâu đời đều quý cả.”
“Tao không biết, nhưng tao tin ông ấy. Ông ta là một nhà chơi đồ cổ lừng danh. Lời ông ông ấy rất có giá trị.”
“Nhưng tại sao bảy trăm năm thì quý?”
“Cái gì trên cõi đời này mà lâu đời đều quý cả.”
Tôi biết cha tôi trả lời lấy lệ. Và tôi vẫn không
tin là hễ cái gì lâu đời cũng đều quý cả.
Nhưng đột nhiên, cũng bất ngờ như lần chừa rượu, ông
bỏ trà không một lời báo hiệu. Tôi nhìn thấy cái chén đất nung, da màu lông thỏ
đỏ, nằm lăn lóc dưới gầm tủ; bình trà bỏ ở góc nhà; còn cái ấm đất màu đen
quánh nằm ở chái hiên.
Ông uống rượu trở lại.
Thời gian sau đó rất tình cờ có lần tôi nghe ông nói
“mấy cái thằng ăn không ngồi rồi, dư tiền dư của, bày đặt chén Tiểu Tống với
Đại Tống, Thán Hào Trổ với Thố Hào Trản!” Theo ông, rượu tốt hơn trà, và cái
quan trọng chính là “nội dung” chứ không phải là cái “hình thức”. Chén nào cũng
được, rượu là đủ.
Tôi không giống cha tôi về mặt này.
Tôi uống rượu nhưng không mê rượu.
Tôi uống rượu nhưng không mê rượu.
*
Má tôi là một phụ nữ có cái chiều cao “hơi cao” so
với chiều cao trung bình của một phụ nữ Việt Nam. Da trắng, tóc đốm màu bạch
kim, mũi cao nhỏ, mắt xanh hơi nghịch ngợm, cái vẻ bề ngoài của bà nổi bật giữa
những người phụ nữ Việt Nam. Những buổi đi học về, tôi thường chui xuống bếp
với má tôi và đôi khi cả bà chị kế tôi cũng xuống bếp theo. Thỉnh thoảng, bà kể
cho chúng tôi nghe về những mảnh đời của cha tôi. Chấp vá lại những câu chuyện
hở đầu hụt đuôi của bà, tôi hình dung ra cuộc đời của ông, bằng cách thêm mắm
dặm muối cho nó liền lạc.
Là thủy thủ của những thương thuyền, cha tôi trôi
nổi từ hải cảng này sang thương cảng khác. Nay Hồng Kông mai Tân Gia Ba, mốt
Marseille, bữa kia Amsterdam… ông như một con cá mập giang hồ vẫy vùng giữa
trời và nước. Những hình xâm xanh lè còn đầy trên chiếc ngực vạm vỡ và lông lá
của ông, cùng với dòng chữ lăn quăn trên hai cánh tay ông, làm chứng cho những
lời nói của má tôi. Trước khi lấy bà, cha tôi đã có một đời vợ. Mẹ trước tôi là
một phụ nữ Pháp, tên Suzanne, sinh trưởng ở Marseille, thành phố mà đã có thời
cha tôi tưởng chừng sẽ chôn chân vĩnh viễn lại đó như quê hương thứ hai. Nhưng
cũng theo lời má tôi kể, ông phải bỏ đi vì một chuyện “lỡ tay” của ông. Một hôm
ông bước vào quán rượu quen, gọi thức uống như thường lệ, nhưng chờ mãi vẫn không
thấy người bồi mang lại, trong khi đó thì tên chủ quán người Pháp cứ đi ra đi
vào ngó ông khinh khỉnh. Ông sốt ruột, nắm cổ áo hắn hỏi tại sao. Hắn nói ở đây
không có chỗ cho một dân “Mít”. Ông giận điên lên, quật tên chủ quán xuống sàn
nhà và tấn công hắn bằng một thế võ cực kỳ hiểm độc. Tên chủ quán chết không
kịp lời trối trăn. Để trốn tránh pháp luật, ông dắt bà Suzanne chạy lên Paris.
Paris đâu phải đất sống của ông. Ông quẩy đuôi trở lại sông hồ, bỏ lại thành
phố ánh sáng lộng lẫy kia người đàn bà với một giọt máu của ông. Sau này, vẫn
theo lời kể của má tôi, có lần bà Suzanne gửi thư cho cha tôi nói về giọt máu
rơi của ông nay đã là một thiếu nữ tên Marthe. Má tôi muốn tự tay biên thư cho
bà Suzanne, nhưng cha tôi không bằng lòng. Ông nói đó là chuyện của ông, má tôi
không được xen vào. Chị Marthe của tôi có thời nổi tiếng là một trong số những
người mẫu lừng danh của Paris. Người ta gọi chị là Marthe Nuyen (lẽ ra phải
viết là Marthe Nguyễn mới đúng, nhưng chuyện này đâu có ăn nhằm gì). Tôi biết chi
tiết này vì lúc hơi lớn một chút có lần tình cờ tôi nhìn thấy trong cuốn nhật
ký của bà chị kế tôi có một tấm ảnh in hình một cô gái Pháp ăn mặc thật đẹp như
một tài tử điện ảnh. Sau lưng tấm ảnh là lời đề tặng cho cha tôi có chữ ký rất
rõ là Marthe Nuyen. Nhật ký của chị nói rằng Marthe làm nghề người mẫu. Và cha
tôi biên thư phản đối bà Suzanne tại sao để con tự do làm nghề này. Nghề người
mẫu thì đâu có gì là xấu, nhưng tôi không hiểu tại sao cha tôi nói vậy. Cho đến
bây giờ, thật tình mà nói, tôi không biết gì nhiều hơn về người chị có cùng
chung với tôi một người cha này. Bỏ Paris, cha tôi đi Hương Cảng, lại theo một
số tàu buôn khác, lại giang hồ kỳ hiệp, nay thương cảng này, mai hải cảng kia.
Đó là thời gian cha tôi gặp má tôi.
*
Bà là người Trung Hoa, nhưng có dòng máu của dân
Hồng Mao. Bà thường nhắc đến ông ngoại tôi một cách kính cẩn như nhắc đến một
vị thần đầy quyền lực: “Ông ngoại con không phải là người phàm. Ổng là con nhà
quý tộc chớ không phải dân giang hồ tứ chiếng như cha mày đâu.”
“Má, con nhà quý tộc thì sao?” Tôi hỏi.
“Dân quý tộc không lấy con nhà thường dân.”
“Vậy sao má chịu lấy cha?”
“Không biết! Đừng nhiều chuyện! Nhưng má thích tụi con ăn học đàng hoàng, hơn là lang bạt kỳ hồ.”
“Dân quý tộc không lấy con nhà thường dân.”
“Vậy sao má chịu lấy cha?”
“Không biết! Đừng nhiều chuyện! Nhưng má thích tụi con ăn học đàng hoàng, hơn là lang bạt kỳ hồ.”
Bà không muốn chúng tôi giống cái thời tuổi trẻ của
cha. Ước muốn của bà, sau này, tôi thấy hình như không đạt được bao nhiêu phần
trăm.
Ông ngoại tôi người Bắc Kinh, con một gia đình quyền
quý có chức phận, được gởi sang Anh du học. Ông lấy một phụ nữ người Anh và
sinh ra má tôi. Không hiểu vì sao ông bỏ bà ngoại tôi ở lại Luân Đôn, về nước
chỉ mang theo cô con gái là má tôi. Nhưng rồi, ông cũng không nuôi má tôi. Ông
đem gửi bà cho một gia đình người Hoa khác ở Hương Cảng, cung cấp ít tiền bạc
và thỉnh thoảng mới đến thăm bà. Cuộc tình duyên giữa má tôi và cha tôi ra sao,
không ai trong đám con cái chúng tôi biết. Mà má tôi cũng không bao giờ hé môi
nói rõ tại sao một thiếu nữ “con nhà quan xinh đẹp thế kia” (tôi vẫn luôn luôn
nghĩ má tôi là người đàn bà đẹp nhất mà tôi đã gặp trong đời) lại đi phải lòng
một người đàn ông giang hồ như cha tôi. Dù sao khi tôi bắt đầu nhận ra mình là
đứa con của một gia đình đông đảo, tôi có thể nói má tôi là ngưòi đàn bà tần
tảo lo cho chồng cho con trong cái xã hội bình thường của chúng ta. Quần quật
suốt ngày với con cái nhà cửa, chạy ăn từng bữa, tất tả, ngược xuôi, đắp cái
này, vá cái kia, nhưng không bao giờ thấy bà hé răng kêu một lời than thở. Về
ngôn ngữ, tôi không biết nói sao cho đúng. Má tôi nói tiếng Hoa cũng sõi như
tiếng Việt. Phần tôi, tôi chỉ ăn cắp được của má tôi và cha tôi một chút chiều
cao của thân thể, nhưng tiếc thay, tôi không lấy được một tí nào về sự chịu
đựng lớn lao của bà và cái cang cường dũng cảm của cha.
Tuy vậy hình như tôi là một đứa con được má nuông
chiều quá đáng trong một gia đình đông đúc. Cha tôi lạnh lùng. Anh chị em tôi
dửng dưng. Nhiều khi tôi có cảm tưởng như chẳng có sợi dây gia tộc nào ràng
buộc được chúng tôi lại với nhau.
Nói nào ngay, mấy ông anh bà chị tôi không ai ghét
bỏ tôi, nhưng hình như cũng không ai yêu tôi. Riêng tôi, tôi nghĩ là mình thù
ghét tất cả mọi người, trừ một người, tất nhiên, đó là má tôi. Tôi đâu có cần
gì phải làm ra vẻ lạnh lùng. Tôi có thừa sự nhạt nhẽo để có thể chia xẻ cho tất
cả mọi người. Cái phần ấm áp, tôi chỉ dành riêng cho mỗi một mình má tôi.
Thật ra, chị Thảo tôi, mà tôi có lần nói rất giống
má tôi, là người mà tôi cũng yêu lắm, gần bằng tình yêu mà tôi đã dành cho má
tôi. Nhưng giữa chị và tôi có một khoảng cách vô hình. Không bao giờ hai chị em
tôi nói với nhau quá câu thứ hai mà không cãi nhau. Đúng với cái tên mà má tôi
đã đặt cho chị, chị là một thứ cỏ hoang mọc trên một vùng đất khô cằn là cái
gia đình tàn tạ của chúng tôi. Và cái sắc đẹp man dại của chị làm cho má tôi lo
lắng buồn bã hơn là làm cho bà hãnh diện mừng vui. Chị Thảo là một kết hợp kỳ
lạ giữa cha tôi và má tôi. Chị có cái nhan sắc của má tôi và cũng có cái lạnh
lùng đôi khi tàn nhẫn của cha tôi.
Năm mười bảy tuổi, chị bị một tên thanh niên con nhà giàu trên tỉnh theo đuổi. Hắn mang tặng chị hết món này đến thứ khác, toàn là loại đắt tiền. Lúc đầu chị cười cợt, coi như trò đùa. Về sau chị vất tất cả những thứ ấy ra cửa. Hắn tên là T. và theo chủ quan tôi, lúc ấy hắn là một thanh niên khá đẹp trai. Cao lớn, để ria mép, ăn mặc chải chuốt, hắn đẹp theo kiểu một công tử. Hắn khôn khéo, tìm mọi cách để chiều lòng mọi người trong nhà tôi. Kín đáo mang rượu đến cho cha tôi mỗi tuần, tặng vải vóc cho má tôi, đồ chơi cho tôi và các em tôi. T. đi lòng vòng chung quanh trước khi chinh phục tâm điểm là chị Thảo tôi. Tôi có cảm tưởng như nếu bắt hắn phải quỳ xuống để xin chị Thảo chút tình yêu, chắc hắn cũng sẵn sàng không do dự. Nhưng chị Thảo nhất mực không hề cảm động hay thương hại hắn nói gì đến thương yêu. Tôi không biết là lúc đó chị có đang yêu người nào không. Hình như là không. Thật ra tôi cũng không chắc lắm. Nhưng rõ ràng là chị vất cái thứ tình yêu đầy quy lụy, say đắm và mù quáng của T. xuống cống rãnh. Nhiều buổi chiều, tôi thấy T. đứng bứt rứt bên kia đường, dưới gốc cây muồng hoa vàng nghệ, ngó chăm vào nhà tôi. Hắn đau khổ thấy rõ. Và thú thật, tôi có thương hại hắn. Tôi thấy chị Thảo tàn nhẫn. Cha tôi không giờ uống một giọt rượu của T. Còn má tôi vào những ngày năm cùng tháng tận, cần mua sắm ít vải may quần áo mới cho chúng tôi, vậy mà bà cũng nhất quyết gói gửi trả tất cả vải vóc lại cho T. Một lần cha tôi cho gọi T. vào nhà, rót rượu cho hắn uống. T. nói không biết uống rượu. Cha tôi bảo “Nam vô tửu như kỳ vô phong” đàn ông không uống rượu như cờ không gió. Hắn nhìn cha tôi như cầu khẩn. Cha tôi cụng ly. T. bưng lên nốc cạn một hơi. “Khá!” cha tôi nói, và rót tiếp một ly thứ hai. Cứ thế hết ly này đến ly khác. Khi cha tôi đứng dậy, T. ói thóc ói tháo, đầu gục xuống bàn, người mềm như sợi bún.
Năm mười bảy tuổi, chị bị một tên thanh niên con nhà giàu trên tỉnh theo đuổi. Hắn mang tặng chị hết món này đến thứ khác, toàn là loại đắt tiền. Lúc đầu chị cười cợt, coi như trò đùa. Về sau chị vất tất cả những thứ ấy ra cửa. Hắn tên là T. và theo chủ quan tôi, lúc ấy hắn là một thanh niên khá đẹp trai. Cao lớn, để ria mép, ăn mặc chải chuốt, hắn đẹp theo kiểu một công tử. Hắn khôn khéo, tìm mọi cách để chiều lòng mọi người trong nhà tôi. Kín đáo mang rượu đến cho cha tôi mỗi tuần, tặng vải vóc cho má tôi, đồ chơi cho tôi và các em tôi. T. đi lòng vòng chung quanh trước khi chinh phục tâm điểm là chị Thảo tôi. Tôi có cảm tưởng như nếu bắt hắn phải quỳ xuống để xin chị Thảo chút tình yêu, chắc hắn cũng sẵn sàng không do dự. Nhưng chị Thảo nhất mực không hề cảm động hay thương hại hắn nói gì đến thương yêu. Tôi không biết là lúc đó chị có đang yêu người nào không. Hình như là không. Thật ra tôi cũng không chắc lắm. Nhưng rõ ràng là chị vất cái thứ tình yêu đầy quy lụy, say đắm và mù quáng của T. xuống cống rãnh. Nhiều buổi chiều, tôi thấy T. đứng bứt rứt bên kia đường, dưới gốc cây muồng hoa vàng nghệ, ngó chăm vào nhà tôi. Hắn đau khổ thấy rõ. Và thú thật, tôi có thương hại hắn. Tôi thấy chị Thảo tàn nhẫn. Cha tôi không giờ uống một giọt rượu của T. Còn má tôi vào những ngày năm cùng tháng tận, cần mua sắm ít vải may quần áo mới cho chúng tôi, vậy mà bà cũng nhất quyết gói gửi trả tất cả vải vóc lại cho T. Một lần cha tôi cho gọi T. vào nhà, rót rượu cho hắn uống. T. nói không biết uống rượu. Cha tôi bảo “Nam vô tửu như kỳ vô phong” đàn ông không uống rượu như cờ không gió. Hắn nhìn cha tôi như cầu khẩn. Cha tôi cụng ly. T. bưng lên nốc cạn một hơi. “Khá!” cha tôi nói, và rót tiếp một ly thứ hai. Cứ thế hết ly này đến ly khác. Khi cha tôi đứng dậy, T. ói thóc ói tháo, đầu gục xuống bàn, người mềm như sợi bún.
Khi người Pháp trở lại Việt Nam sau cuộc chiến, T.
làm thông ngôn trong một tiểu đoàn Lê dương. Hắn lúc bấy giờ nổi tiếng như một
hung thần. Nhiều người đã chết dưới tay hắn. T. háo sắc đến độ gần như vùng nào
mà tiểu đoàn hắn đi qua đều có vài ba thiếu nữ là nạn nhân của hắn. Đi bên cạnh
T. luôn luôn có hai tên lính người Ma Rốc rạch mặt. Nhiều cô gái sau khi bị hãm
hiếp, còn bị tên Ma Rốc dùng dao cắt vú và đâm nát cửa mình.
Thời gian này gia đình tôi đã tan thành nhiều mảnh.
Tôi theo cha tôi chạy lên Hòn Lớn, một địa danh ở miền Trung, nằm dưới chân một
ngọn núi khô cằn, nhà cửa giống như những căn chòi cất vội vàng trên một nền
đất chưa được phẳng. Tiếng súng còn khá xa chỗ ở của cha con tôi.
Lúc đó, tiểu đoàn của T. đang bố ráp càn quét ở một
vùng quê khác, nơi má tôi và chị Thảo đang ẩn náu. Sau này má tôi kể lại: Một
buổi tối T. xông vào nhà với hai tên lính Ma Rốc rạch mặt. Hắn ung dung ngồi
hút thuốc để hai tên Ma Rốc đè chị Thảo ra cột lên giường và trói má tôi chặt
vào cột nhà. Ở thôn quê hồi đó, phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn chỉ là một. Má
tôi hãi sợ lắm. Hắn hỏi chị Thảo:
“Em có bằng lòng lấy tôi không?”
“Không!” Chị trả lời.
“Tại sao?”
“Không tại sao gì cả.”
“Chừng nào mới chịu lấy tôi?”
“Không chừng nào hết!”
“Sợ tôi không?”
“Tại sao phải sợ?” Chị Thảo hỏi lại ương ngạnh.
“Không!” Chị trả lời.
“Tại sao?”
“Không tại sao gì cả.”
“Chừng nào mới chịu lấy tôi?”
“Không chừng nào hết!”
“Sợ tôi không?”
“Tại sao phải sợ?” Chị Thảo hỏi lại ương ngạnh.
T. rút khẩu súng ngắn đeo ở thắt lưng ra, kê vào đầu
chị, nhắc lại một lần nữa. Chị Thảo không nhìn hắn. Má tôi la lên, sợ T. bắn
thật. Hắn tát vào mặt má tôi. Xong hắn xé quần áo chị Thảo ra, hãm hiếp chị
ngay trước mắt chừng ấy con người. Lúc đó, má tôi nói, hắn như một con thú say
mồi. Má tôi phát bệnh nặng sau khi chứng kiến cái cảnh tượng hãi hùng giáng
xuống đời chị Thảo. Chị Thảo, sau tai nạn khủng khiếp kia, âm thầm bỏ má tôi đi
biệt vô âm tín. Mặc dù chỉ nghe lời kể của má tôi về những hành động dã man của
tên T., tôi không bao giờ quên hắn. Tôi sẽ nhắc hắn ở đoạn sau.
Phần tôi, kể từ khi bắt đầu va chạm cuộc sống, tôi
khám phá ra rằng con người ta không thể nào sống mà thiếu người khác được. Tôi
thấy tôi là kẻ đói tình thương trong một gia đình thừa mứa những liên hệ ruột
thịt. Nói giản dị, khi tôi nhận thấy mình cần một bà chị như kiểu chị Thảo để
yêu mến thì chị ấy không còn trong gia đình nữa. Có lẽ là chị ấy vẫn còn sống
đâu đó mà không muốn trở về gia đình chăng, tôi không rõ.
Tôi giữ lại trong trái tim mình hai người anh. Một
ông anh cả và một người anh kế. [Còn tiếp một kỳ]
Nguyễn
Xuân Hoàng
11.07.2010
PHẦN
2
Anh cả tôi bỏ nhà đi giang hồ khi mới mười bốn tuổi.
Năm đó tôi chưa chào đời. Má tôi nói anh đi Sài Gòn. Sau đó là Cà Mau, Rạch
Giá, Năm Căn, Cần Thơ, Châu Đốc… Có lần trong bữa cơm má tôi nói anh mày ở Vạn
tượng bên Lào mới gửi thư và tiền về cho má. Lần khác trả lời câu hỏi của chị
Thảo, má nói anh cả đang ở Savanakhet. Khi cha tôi bỏ trà, liệng lăn lóc cái Thố
Hào Trản, là lúc ông nói anh đang ở đồn điền Chup bên Nam Vang, Căm bốt. Nói
chung là tôi rất lơ mơ về nơi ăn chốn ở của anh ấy. Còn mặt mũi của anh ra sao
thì mãi lâu về sau tôi mới có dịp nhìn thấy.
Người anh kế tôi, tuy cao lớn, nhưng dáng người
thanh nhã. Ấy vậy mà khi vừa đậu xong cái bằng tú tài toán anh đã chọn đời lính
như một nghề nghiệp. Anh thi vào trường Võ Bị Da Lat nhưng khi ra trường chuyển
sang binh chủng Không Quân. Khi Sài Gòn thất thủ, anh đang mang lon trung tá,
bị bắt đi học tập cải tạo và chết trong lao tù Cộng Sản. Anh là người lính ưa
văn chương chữ nghĩa. Anh có nhiều bạn là nhà văn nhà thơ, mặc dù anh không hề
viết một truyện ngắn hay làm một bài thơ nào. Sở dĩ tôi có biết mặt quen tên
một ông nhà văn, một bà nhà thơ nào đó, chẳng qua cũng là do ông anh tôi dắt về
nhà thôi. Anh che chở cho một nhạc sĩ trốn lính, bỏ tiền trợ cấp cho một bà ca
sĩ có bầu “với ai đó”. Anh luôn luôn hào hoa rộng lượng. Tôi thích nhìn anh
trong bộ đồ bay, chữ Tổ Quốc Không Gian trên ngực áo, chiếc nón lưỡi trai che
ngang cặp kính Ray Ban rất là thời thượng. Anh có nhiều bạn gái, phần lớn là ca
sĩ phòng trà, và anh không yêu một cô nào quá lâu. Anh nói với tôi anh không có
tình yêu. Mãi đến năm Bảy Hai, sau mùa hè đỏ lửa, trước ngày má tôi qua đời,
anh báo tin cho tôi biết là anh quyết định lấy vợ. Chị là một cô giáo dạy Vạn
Vật và là người rất xa lạ với thế giới đầy buông thả của anh. Nếu cái vẻ hào
hoa phong nhã của anh là thứ vũ khí sắc bén chinh phục các cô ca sĩ thì khi gặp
chị, vũ khí ấy trở thành thừa thãi, vô hiệu. Chị nói chị lấy anh vì tánh thật
thà của anh, chứ không phải vì “cái mã bề ngoài” của anh. Hôn nhân đã ép anh
vào một khuôn khổ, không kẽ hở. Nhà cửa, vợ con, gia đình, hàng xóm đâu ra đấy.
Anh không còn luông tuồng như xưa nữa. “Tình yêu có thật!” Anh vẫn nói với tôi
như vậy khi đã có với chị một đứa con. Tuy vậy mỗi khi có dịp về Sài Gòn, anh
như một con cá gặp nước. Bạn bè, ăn nhậu, nhẩy nhót như điên. Vũ nữ, ca sĩ,
phòng trà, âm nhạc, rượu chè… anh sống vội vã như thể ngày mai trái đất này sẽ
trở thành tro bụi. Tuy vậy có lần anh nghiêm chỉnh nói với tôi rằng không biết
cuộc chiến tranh này rồi sẽ đi về đâu. Có nhiều điều anh không hiểu. Tình hình
chính trị ngày càng xấu. Các thành phố lớn có vẻ như co rúm lại. Chiến tranh
đâu chỉ có ở một mặt trận, nó nằm cùng khắp đất nước thành thị, thôn quê, ruộng
vườn rừng núi. Ngay trong hơi thở ta, trên da thịt ta, trong thành phố hiền
lành chiến tranh cũng đầy chật. Anh nói đến những ánh đèn nhấp nháy của nhà cửa
làng mạc, nói đến rừng núi sông ngòi… những nơi anh đã bay qua. Anh nói đến
những đám mây như những tảng bông trắng xốp, đến bầu trời xanh lơ mênh mông.
Anh thích nhà văn phi công người Pháp, ông Saint Exupéry trong tác phẩm Terre
Des Hommes. Và câu nói của một nhân vật trong cuốn sách này ám ảnh anh là:
“Cái mà mình đã làm, mình nói thật, không một con vật nào làm được.” Anh
muốn có cái cơ hội thử thách điều đó.
Khi hay tin anh chết trong lao tù cải tạo, nhớ đến
lời nói của anh, tôi tự nghĩ không biết anh đã chiêm nghiệm ra điều ấy hay chưa.
Nghĩ cũng hay, một gia đình đông đảo đến là như thế
mà chiến tranh đến, chiến tranh đi, vô tình cướp mất của tôi lúc này một ít ông
anh, lúc kia một ít bà chị, để rồi rút cục con rắn dài mười ba khúc chỉ còn lại
có khúc đầu, khúc giữa và khúc đuôi.
Tôi muốn giới thiệu về ông anh cả tôi trước khi nói
tiếp về ông anh trung tá.
*
Cũng giống như cha tôi, anh cả tôi cao lớn vạm vỡ
khác thường. Anh có một khuôn mặt bạnh, chân mày rậm xếch, mũi to, miệng rộng,
cằm vuông, râu quai nón, đen sạm. Một vết sẹo dài chạy từ khóe mắt đến mang
tai. Mắt anh không lớn nhưng lì lợm và dữ dằn như mắt cha tôi. Tóc anh xoắn
chảy xuống gần phía ót một chùm mịn quăn tít. Cổ anh tròn cứng, vai ngang, hai
bàn tay to lớn phốp pháp. Trên khuôn mặt anh, người ta có thể nhìn thấy một sự
kết hợp kỳ lạ, mâu thuẫn đến tuyệt vời giữa sự cứng rắn và mềm mại, dễ ghét và
dễ thương, hận thù và thân ái… Tất cả những hình nét mà tôi có thể vẽ được về
anh chỉ là nhờ vào những tấm ảnh anh gửi về cho má tôi. Tôi còn nhớ Tết Nguyên
Đán một năm nào đó, lần đầu tiên tôi giáp mặt anh. Tôi thấy những đường nét mà
tôi đã hình dung về anh là không xa lắm. Hồi đó tôi mới bốn tuổi, má tôi bắt
tôi ra mừng anh ở xa mới về. Tôi đứng nép bên má nhìn anh, thấy anh tưởng như
một người đã quen nhau từ lâu lắm. Nhưng tôi không chào anh. Anh là người quen
trong trí tưởng tôi, hơn là người anh có mặt trong đời sống thực tôi. Anh ở nhà
không lâu và lại ra đi hồi nào tôi cũng không nhớ. Tôi chỉ biết thời gian đó
gia đình tôi tạm coi như sum họp nhất, mặc dù lạnh lẽo vẫn là khí hậu chính của
mọi người. In hình như là trong nhà ai cũng linh cảm sắp có một điều chi đó xảy
ra, như chờ đợi một cơn bão vậy. Và tôi thấy người anh cả tôi lúc ấy rất quan
tâm đến chị Thảo. Anh nói chuyện khá lâu với chị và loáng thoáng tôi nghe nhắc
đến tên T., người thanh niên vẫn theo đuổi chị. Một buổi tối, cả nhà ngồi quanh
bàn ăn, cha tôi gợi chuyện để anh cả tôi kể những biến cố đời anh. Anh cười,
hàm râu quai nón giãn ra như một ông tây con. Anh nói ít, cũng như má tôi vậy,
về nơi ăn chốn ở của anh: rừng cao su, những người phu được mộ từ miền Bắc,
những tên chủ đồn điền người Pháp hách dịch phách lối, cách tra tấn dã man
những người trốn việc mà bọn cai vẫn thường đối xử với đám phu phen… Anh kể
chậm rãi về nhiều người, nhiều việc, nhưng không ai biết chút gì thêm về đời tư
của anh. Khi anh đứng dậy thì thầm với chị Thảo điều gì đó, cha tôi tuyên bố
một câu khó hiểu: “Thằng này giống tao!” Về sau tôi biết là anh đã “làm thịt”
một tên cai phu tàn ác vì hắn hành hạ dã man một người phu đồn điền.
Một năm sau, Cách mạng Tháng Tám bùng nổ trên toàn
quốc, anh tôi bị con lốc thời cuộc cuốn theo, thổi bay từ núi rừng này sang núi
rừng khác, mặt trận, chiến khu, và biệt tích biệt tăm, cho đến sau tai nạn buồn
thảm của chị Thảo tôi.
Tôi quên nói là sau khi trái lựu đạn nội hóa đầu
tiên nổ tung trong một ngày mùa Thu ngay trước cửa nhà tôi thì gia đình tôi
giống như một tổ ong bị vỡ. Chúng tôi, những con ong bay tán loạn, tơi tả, lạc
loài, vô định. Má tôi và chị Thảo một đàng, các ông anh bà chị khác một ngõ.
Chỉ có riêng mình tôi, theo cha chạy qua những làng xa tận cùng một chân núi.
Tôi biết những cánh đồng xanh lá mạ, những vườn xoài vườn mận, những hệ thống
dẫn thủy nhập điền thô lậu, những con sông dài phơi mình ngái ngủ giữa trưa hay
trôi lặng lẽ dưới bóng trăng đêm… Tôi được thấy những đàn bò gậm cỏ buồn nản,
những con trâu lười biếng trầm mình dưới đầm nước tù ngầu đục… Nhưng cuộc chiến
ngày một đuổi nà những người thành phố. Tiếng súng lúc đầu còn xa, càng về sau
càng gần hơn. Trước mặt chúng tôi là ruộng vườn, thôn xóm. Sau lưng chúng tôi
là núi đá, rừng cây. Cùng đường rồi, chạy đi đâu nữa. Cha tôi nói như vậy. Và
ông vừa làm tiều phu, vừa làm nhà nông. Cha tôi nói đất đai chỉ nuôi sống che
chở những ai yêu nó, sống với nó, làm việc với nó. Cha tôi là một người tháo
vát. Ông nói tận trong máu huyết của mỗi người Việt Nam đều có chứa đựng dòng
máu của một nông dân. Đây là thời gian cha tôi trở lại với ấm trà và chén đất.
Không còn cái Thố Hào Trản của thời Đại Tống Tiểu Tống gì đó, mà một ông bạn già
của cha tôi từng nói. Chén đất nung thứ thiệt màu đỏ gạch cua, cha tôi làm lấy.
Ông vẫn là người dậy sớm, nấu ấm trà. Và tôi trở thành người bạn hiền bé nhỏ
đối ẩm cùng ông. Cuộc sống của hai cha con tôi nơi sơn cùng thủy tận hạnh phúc
một cách bắt buộc. Cha tôi nhắc má tôi và chị Thảo ít hơn là nhắc đến hai ông
anh tôi. Cho đến một hôm, một người liên lạc đến báo cho cha tôi biết anh cả
tôi ở chiến khu về muốn gặp ông. Tôi mừng lắm. Nhưng cha tôi trầm ngâm không
nói chi. Tôi còn nhớ cuộc gặp gỡ của chúng tôi diễn ra dưới chái hiên của căn
chòi lợp lá phên. Buổi chiều ở núi lạnh tê. Anh tôi đứng trước sân căn chòi.
Vẫn cao lớn, hơi gầy, râu cạo nhẵn, tóc vẫn xoăn tít bám sát da đầu. Vết sẹo
dài từ khóe mắt trái đến mang tai. Cha tôi và tôi đứng dưới dàn bầu nậm. Tôi
hết nhìn anh lại nhìn cha. Anh gầy càng giống cha nhiều hơn. Hai người đàn ông
đứng im sững như hai người thợ săn đang rình mồi, nhìn ngó nhau trân trân. Tôi
thấy những đốm sáng cuối cùng của ngày lóng lánh trong đôi mắt anh. Sau cùng,
tôi nghe thấy tiếng cha tôi kêu tên anh trai tôi. Tối hôm đó, ba chúng tôi ăn
cơm chung bên bếp lửa. Cơm trộn bắp chan nước mắm bằng nước muối pha đường thẻ.
Bữa cơm rất ngon miệng, mặc dù tôi đã quá ngấy với những hột bắp nhiều hơn gạo
trong chén cơm. Anh ôm tôi vào lòng, lấy khẩu súng ngắn ở thắt lưng ra, tháo
đạn, cho tôi mượn. Anh đọc cho tôi nghe một bài thơ của một tác giả mà sau này
tôi biết là Quang Dũng:
…
Mẹ tôi em có gặp đâu không
Những xác già nua ngập cánh đồng
Những xác già nua ngập cánh đồng
…
Đó là những câu thơ mà tôi sẽ còn nhớ mãi. Một lúc,
anh ngập ngừng nói với cha:
“Con đã gặp thằng T.!”
“Thằng T.?” Cha tôi hỏi gặng. “Mà ở đâu?”
“Ở Tân Hưng. Gần Gò Quít, cha nhớ không?”
“Nhớ. Rồi sao?”
“Con hỏi nó có biết con là ai không? Nó nói biết. Con hỏi nó sợ không? Nó nói không…”
“Thằng T.?” Cha tôi hỏi gặng. “Mà ở đâu?”
“Ở Tân Hưng. Gần Gò Quít, cha nhớ không?”
“Nhớ. Rồi sao?”
“Con hỏi nó có biết con là ai không? Nó nói biết. Con hỏi nó sợ không? Nó nói không…”
Anh ngừng lại, trầm ngâm.
“Cha biết con đã làm điều gì phải làm cho em Thảo.”
Cha tôi im lặng rót trà vào chén đất, uống một hơi
cạn.
Sáng hôm sau, khi tôi thức dậy, anh đã ra đi từ hồi
nào. Cả cha tôi nữa, ông cũng đã vào rừng đốn cây làm thêm phên cửa, sửa vách
và dành củi cho mùa đông.
Người anh sinh trước tôi vài năm, cũng như tôi, lớn
lên cuộc chiến tranh Việt Nam đi vào một khúc quanh khác. Người Pháp đã ra đi
sau khi thất thủ Điện Biên Phủ. Người Mỹ vừa đến, Quốc trưởng Bảo Đại bị truất
phế, Tổng Thống Ngô Đình Diệm và nền Đệ Nhất Cộng Hòa thành lập. Gia đình mười
ba anh em chúng tôi chỉ còn cô út ở nhà với má tôi. Anh cả tôi cũng như chị
Thảo đều biệt tăm. Ông anh kế của tôi theo học trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt.
Còn tôi, sau đó vào Quang Trung rồi đi Thủ Đức. Chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ.
Các tướng lãnh thay nhau cầm quyền. Cha tôi qua đời đúng vào dịp Tết Mậu Thân.
Bốn năm sau má tôi cũng “đi theo”, khi một tay nhà báo Pháp viết về “đại lộ
kinh hoàng” ở Quảng Trị, nơi người bạn Thủy Quân Lục Chiến của tôi làm bài thơ
Cổ Thành tặng tôi trước khi hy sinh. Cô em gái út nhà tôi lấy chồng. Ngôi nhà
tôi ở đã bán. Tôi là người lính sống ở văn phòng nhiều hơn chiến trường. Tôi
luôn luôn là kẻ được nuông chiều trong một xã hội không phải ai cũng may mắn
được như thế. Ông anh Không Quân của tôi tuy vẫn hào hoa bay bướm, nhưng là một
người cha gương mẫu, một người chồng tốt. Anh được bạn bè đồng đội quý mến và
quả tình anh cũng rất yêu mến con đường anh đi. Một lần chúng tôi gặp nhau ở
Sài Gòn, anh nhắc tên người anh lớn và chị Thảo của chúng tôi. Không biết bây
giờ anh chị ấy ở đâu, ra sao. Sống chết thế nào. Anh nói chiến tranh ghê tởm và
anh hỏi tôi nghĩ sao. Tôi nghĩ sao? Tôi là một người vô tích sự. Nhưng bây giờ
hiểu ra, tôi yêu tất cả mọi người. Tôi không thù ghét ai. Người anh Không Quân
của tôi cũng nói vậy. Anh chờ đợi và mong muốn hòa bình. Anh nói anh không phải
là một nhà chính trị, nhưng anh tin rằng anh chiến đấu cho tự do của dân tộc.
Anh nói anh không hề mù quáng nghĩ rằng anh đang sống trong một xã hội tốt đẹp,
nhưng anh tin rằng anh đang chiến đấu trong một xã hội để làm cho nó tốt hơn
cái hiện có.
*
Tháng Tư Bảy Lăm, Sài Gòn thất thủ, trong “những
người chiến thắng” trở về có ông anh cả tôi, nay là một cán bộ chức sắc, một
thứ công thần. Anh có tìm gặp tôi trước ngày tôi bị gọi đi học tập cải tạo. Tôi
thấy anh khác xưa nhiều. Vết sẹo trên mặt có vẻ như nhạt đi, những bắp thịt gân
guốc đã mất. Anh gầy và trầm ngâm. Anh không gặp người anh Không Quân của tôi.
Tôi không nghe anh giải thích tại sao. Cô em út của chúng tôi đã theo chồng rời
bỏ Sài Gòn trong một ngày áp chót của cuộc chiến. Tôi không hiểu tại sao có
phương tiện trong tay mà người anh Không Quân của tôi không ra đi. Cũng như
những sĩ quan thua trận cấp úy khác, tôi thu xếp ít quần áo và lương thực cho
mười ngày học tập. Nói là mười ngày, nhưng ba năm sau tôi mới được trở về, khi
ông anh Không Quân của tôi vẫn còn ở lại trong một trại cải tạo ngoài Bắc. Ra
tù tôi sống lang thang làm đủ thứ nghề, đi khắp mọi nơi, nhưng tôi vẫn không
gặp và không nghe chút tin tức gì về chị Thảo tôi. Làm như chị là một người
không có thực trong gia đình tôi.
Ông anh cả tôi sau đó có đến thăm tôi trên một lần
nữa, sau khi tôi vượt biên bị bắt ở Rạch Giá vừa được thả về. Ông nói đừng làm
chuyện bá láp, vượt biên là phản quốc. Đó là thời gian chế độ mới đánh tư sản,
đổi tiền. Ông nói học tập cải tạo là rất tốt cho những đầu óc vô tích sự như
tôi. Phải như thế thì tôi mới “sáng mắt sáng lòng” ra được. Mãi đến năm thứ
mười sau ngày Sài Gòn thất thủ tôi mới vượt biên thông suốt. Tôi đến được Pulau
Bidong, trong một chuyến đi không đến nỗi bi thảm như những người khác. Tôi
luôn luôn là một người may mắn. Một năm sau nhờ sự bảo lãnh của cô em út, tôi
được Mỹ nhận cho định cư.
Khi còn ở đảo tôi hay tin người anh lính Không Quân
đã chết trong trại giam. Ông anh cả tôi cũng không còn nữa. Một lá thư từ bên
nhà gửi qua cho biết ông ấy chết hơi khác thường: tự tử bằng một viên đạn bắn
qua đầu. Qua thư từ tôi biết thêm sau khi ông đi thăm người anh lính Không Quân
bị bệnh nặng nằm chờ chết trở về, ông đã chọn cái chết của chính mình như một
cách nói lời tuyệt vọng. Mười năm sau khi lấn chiếm miền Nam, đất nước ngày
càng tan nát, đời sống người dân ngày càng xuống thấp, trong khi máu mủ ruột
thịt bỏ đi xa hay vẫn còn nằm trong lao tù của chế độ mà mình phục vụ, có lẽ đã
là động cơ thúc đẩy họng súng quay về phía ông. Đôi khi tôi nghĩ cái lẽ sống
mới quan trọng hơn sự sống. Có phải vì thế mà ông anh cả tôi hành động kiểu đó
chăng? Đó là tôi suy nghĩ vậy, chớ tôi không chắc lắm đâu.
Tôi bây giờ là một “tếch ních sơn” lương ba cọc ba
đồng, sống qua ngày đoạn tháng.
Hôm qua tôi vừa được thư bà chị dâu từ Cabramatta Úc
Đại Lợi gửi sang cho hay chị đã lập gia đình. Người chồng chị hiện nay cũng là
một người Việt Nam. Hai vợ chồng mở một tiệm ăn. Cả hai mời tôi có dịp sang
chơi, sẽ đài thọ vé máy bay và nơi ăn chốn ở.
Tôi không biên thư trả lời. Tôi gọi điện thoại viễn
liên chúc mừng chị. Tôi nói muốn đón các cháu sang Mỹ chơi. Chị hứa.
Đời sống ở Mỹ thật tiện nghi. Tôi đủ ăn đủ mặc và tôi giàu tự do. Tuy nhiên vào những buổi sáng cuối tuần, đi bách bộ trong khu công viên Mile Square Park ở Quận Cam, tôi như thấy mình đang trở lại thời sống với cha ở một vùng núi miền Trung. Buổi sáng sớm rừng còn đầy sương mù, gió thổi luồn qua những vòm cây lạnh. Trên những ngọn cây cao, tôi nghe tiếng chim kêu từng hồi buồn bã. Giẫm trên những ngọn cỏ ướt sương, bập bập điếu thuốc lá chưa kịp khô, tôi thấy mình già hẳn. Như giờ đây, gần bốn mươi năm sau tôi thấy tôi mới già bằng thuở đó.
California, Tháng Bảy, 1987
Biên tập lại tháng Mười Một, 2009
Đời sống ở Mỹ thật tiện nghi. Tôi đủ ăn đủ mặc và tôi giàu tự do. Tuy nhiên vào những buổi sáng cuối tuần, đi bách bộ trong khu công viên Mile Square Park ở Quận Cam, tôi như thấy mình đang trở lại thời sống với cha ở một vùng núi miền Trung. Buổi sáng sớm rừng còn đầy sương mù, gió thổi luồn qua những vòm cây lạnh. Trên những ngọn cây cao, tôi nghe tiếng chim kêu từng hồi buồn bã. Giẫm trên những ngọn cỏ ướt sương, bập bập điếu thuốc lá chưa kịp khô, tôi thấy mình già hẳn. Như giờ đây, gần bốn mươi năm sau tôi thấy tôi mới già bằng thuở đó.
California, Tháng Bảy, 1987
Biên tập lại tháng Mười Một, 2009
* Pasternak, Boris, An Essay in Autobiography,
Collins & Harville Press, 1959
--------------------------------
Nguyễn Hưng
Quốc 14.09.2014
Song Thao 14.09.2014
Trịnh
Thanh Thủy 14.09.2014
Da Màu 14.09.2014
Trần
Mộng Tú 14.09.2014
Trần
Mộng Tú 14.09.2014
Trương
Gia Vy 14.09.2014
Dien Dan The Ky 14.09.2014
BBC
Vietnamese 4-7-2014
No comments:
Post a Comment