Nguyễn
Văn Khanh
Sunday, September 14, 2014 6:03:58 PM
LTS
- Sáng Thứ Hai, 15 Tháng Chín, Hội Nghị Quốc Tế Về ISIS sẽ được tổ chức tại
Paris, Pháp, với sự tham dự của hơn 20 vị ngoại trưởng của những quốc gia đã
đồng ý tham gia trong Liên Minh Quốc Tế Chống ISIS do Hoa Kỳ thành lập. Nhật báo
Người Việt có cuộc trao đổi ngắn với thông tín viên Nguyễn Văn Khanh về hội
nghị được cả thế giới chú ý.
Người
Việt (NV): Mục tiêu của
hội nghị là gì?
Nguyễn
Văn Khanh: Theo lời ông Chánh Văn Phòng Tòa Bạch Ốc Denis
McDonough, hội nghị nhắm vào nhiều mục tiêu khác nhau. Trước hết đây là cuộc
gặp gỡ đầu tiên của những quốc gia đã nhận lời tham gia trong liên minh do Hoa
Kỳ khởi xướng để cùng nhau đi đến mục tiêu là tận diệt Nhà Nước Hồi Giáo ISIS;
điểm thứ nhì là các quốc gia dự hội nghị sẽ cùng nhau bàn thảo một kế hoạch
hành động chung và điểm thứ ba là dựa vào kế hoạch đó, các nước sẽ được phân
công - hay nói theo ngôn từ ngoại giao - là mỗi nước lãnh một trách nhiệm khác
nhau, miễn làm sao đạt được kết quả càng sớm càng tốt. Ở điểm này, một viên
chức thuộc Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ có đưa ra một thí dụ khá rõ, nói
rằng mỗi nước sẽ giữ một vai trò khác nhau, như có nước cung cấp phi cơ và đạn
được để mở các cuộc không kích nhắm vào quân ISIS, có nước lãnh trách nhiệm
cung cấp tin tức tình báo, và đương nhiên có những nước đứng ra lãnh trách
nhiệm trang trải chi phí. Tôi còn nhớ ngay chính Tổng Thống Barack Obama cũng
từng nói là nước Mỹ không thể một mình hoàn thành chiến lược tiêu diệt ISIS
được, mà phải có sự yểm trợ, tham gia, đóng góp của cộng đồng thế giới.
Cũng cần nói thêm ở đây là mặc dù hội nghị diễn ra tại Paris, tổng thống Pháp ông Francois Holland sẽ đọc bài diễn văn khai mạc và chủ tọa cuộc họp, nhưng tất cả đều biết người có công lớn trong chuyện này chính là Ngoại Trưởng John Kerry. Paris cũng là chặng dừng chân cuối cùng của ông Kerry, sau chuyến đi kêu gọi thành lập Liên Minh kéo dài hơn 1 tuần lễ, khởi đầu là Âu Châu và NATO, sau đó là Trung Ðông.
Cũng cần nói thêm ở đây là mặc dù hội nghị diễn ra tại Paris, tổng thống Pháp ông Francois Holland sẽ đọc bài diễn văn khai mạc và chủ tọa cuộc họp, nhưng tất cả đều biết người có công lớn trong chuyện này chính là Ngoại Trưởng John Kerry. Paris cũng là chặng dừng chân cuối cùng của ông Kerry, sau chuyến đi kêu gọi thành lập Liên Minh kéo dài hơn 1 tuần lễ, khởi đầu là Âu Châu và NATO, sau đó là Trung Ðông.
NV: Kết quả sẽ được thông báo ngay sau
Hội Nghị Paris?
Nguyễn
Văn Khanh: Chưa có gì chắc chắn kết quả sẽ được thông báo ngay
sau hội nghị. Hôm Thứ Sáu vừa rồi, ông Kerry chỉ nói là có nhiều quốc gia đồng
ý tham gia trong Liên Minh. Hôm qua (Chủ Nhật, 14 Tháng Chín) ông Chánh Văn
Phòng Tòa Bạch Ốc cũng chỉ cho biết là Thứ Tư tới đây ông Kerry sẽ ra điều trần
trước Quốc Hội Liên Bang về thành quả ông đạt được, trình bày cho Quốc Hội biết
rõ vai trò của Hoa Kỳ cũng như của các nước. Có thể lúc đó mới biết được những
quốc gia trong Liên Minh sẽ đóng vai trò gì, trách nhiệm như thế nào.
NV: ISIS đang hoạt động ở Syria và
Iraq. Có chung biên giới với cả 2 nước này là Iran, nhưng tại sao Iran lại
không được mời dù họ cũng chống ISIS?
Nguyễn
Văn Khanh: Theo các nguồn tin ngoại giao thì thoạt đầu chính
phủ Pháp có ý định mời Iran nhưng Hoa Kỳ không đồng ý. Lý do là vì một mặt
chính quyền Tehran ủng hộ ý kiến thành lập liên minh diệt ISIS, nhưng họ đặt
điều kiện chỉ nên diệt quân ISIS ở Iraq chứ không nên mở rộng chiến dịch không
kích sang Syria. Ðòi hỏi đó của Iran không gây ngạc nhiên cho mọi người vì đến
bây giờ Tehran vẫn ủng hộ chính phủ độc tài của ông Bashar Al-Assad, trong lúc
Hoa Kỳ và nhiều nước đồng minh công khai ủng hộ lực lượng nổi dậy lật đổ ông
này. Theo quan điểm của Hoa Kỳ, mở rộng mặt trận sang Syria có nghĩa là vừa
tiêu diệt ISIS vừa giúp lực lượng nổi dậy có cơ hội chiếm thế thượng phong,
giúp họ đạt được mục tiêu lật đổ chính phủ Al-Assad. Chính vì khác biệt đó nên
Hoa Kỳ không đồng ý mời Iran dự Hội Nghị Quốc Tế Paris.
NV: Như vậy những nước được mời dự hội
nghị đều là những quốc gia chia sẻ toàn bộ lập trường của Hoa Kỳ?
Nguyễn
Văn Khanh: Ðiều đó đúng. Tất cả các nước dự hội nghị đều có
chung quan điểm là phải tiêu diệt khủng bố ISIS, điển hình ngay chính tuyên bố
của Liên Ðoàn Ả Rập cũng nhấn mạnh tới điểm Nhà Nước Hồi Giáo ISIS là nguy cơ
cho an ninh và hòa bình của khu vực cũng như của toàn cầu, và theo Bộ Ngoại
Giao Hoa Kỳ, đã có một số nước Hồi Giáo Trung Ðông bắn tiếng cho biết sẵn sàng
tham gia vào những cuộc không kích ở Iraq và Syria để tiêu diệt quân Nhà Nước
Hồi Giáo ISIS. Nhưng cần phải hiểu là có chung quan điểm và sẵn sàng làm việc
chung không có nghĩa là các nước sẽ đồng ý với mọi đề nghị mà Hoa Kỳ nêu ra ở
Hội Nghị Paris.
NV: Tại sao vậy?
Nguyễn
Văn Khanh: Mỗi quốc gia có một lý do khác nhau. Chẳng hạn như
Thổ Nhĩ Kỳ là một đang giữ 49 công dân Thổ làm con tin, chính phủ Anh cũng bị
bó tay vì một đạo luật ban hành từ năm ngoái cấm không được có bất kỳ hoạt động
quân sự nào trên lãnh thổ Syria, hình như ông chủ nhà là Pháp vẫn nuôi ý tưởng
Liên Minh hoạt động trong khuôn khổ một nghị quyết do Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp
Quốc ban hành, tương tự như nghị quyết về Lybia cách đây vài năm. Khi ông Kerry
nói có vài chục quốc gia ủng hộ, chúng ta cũng nên hiểu rằng bên cạnh những
nước đòng vai trò chủ lực có những nước chỉ đóng góp tượng trưng. Ðiều quan
trọng nhất là khi lập Liên Minh cần có mặt của nhiều quốc gia, thành ra chính
Tổng Thống Holland của Pháp cũng nói rằng Hội Nghị Paris không nhằm giải quyết
khó khăn của từng nước, mà nhắm vào mục tiêu là sự góp sức chung.
NV: Và sẽ không nói tới việc đổ bộ
quân vào Iraq và Syria?
Nguyễn
Văn Khanh: Câu trả lời nghe được từ ông Chánh Văn Phòng Tòa
Bạch Ốc là không. Về mặt quân sự, Hoa Kỳ và đồng minh không tính đến chuyện đổ
bộ quân vào Iraq cũng như Syria, chỉ bàn đến kế hoạch không kích, chia sẻ tin
tức tình báo và phí tổn. Nếu có đưa quân vào thì cũng chỉ là những cố vấn quân
sự, đóng vai trò yểm trợ chứ không cầm súng chiến đấu. Ðây là điều Hoa Kỳ đang
làm và nghe nói có thể Australia cũng sẽ tham gia.
NV: Nhưng anh đừng quên cho đến bây
giờ báo chí Hoa Kỳ và thế giới vẫn còn hoài nghi về khả năng chiến đấu của quân
đội Iraq. Nhìn chung, tình hình có tốt hơn trước đây, nhưng chưa có gì đảm bảo
là họ có thể đứng vững nếu không được sự hỗ trợ của Hoa Kỳ.
Nguyễn
Văn Khanh: Theo trình bày của ông McDonough thì tình hình bây
giờ sáng sủa hơn trước rất nhiều, sau khi một chính phủ mới thành hình ở
Baghdad, được sự hậu thuẫn của mọi lực lượng chính trị, được sự ủng hộ của cả
tập thể Hồi Giáo Sunni cũng như tập thể Hồi Giáo Shiite. Theo cái nhìn của Tòa
Bạch Ốc và đồng minh, đây mới là bước khởi đầu nhưng là bước khởi đầu rất tốt,
sẽ dẫn đến kết quả như mọi người trông đợi. Cũng cần nói thêm là Tổng Thống
Fouad Massoum của Iraq sẽ có mặt ở Hội Nghị Paris.
NV: Còn ở Syria thì sao? Tổng Thống
Obama nói sẽ oanh kích ISIS ở Syria, nhưng chúng ta có biết nhiều về lực lượng
nổi dậy muốn lật đổ chính phủ độc tài Al-Assad không?
Nguyễn
Văn Khanh: Theo lời ông Phụ Tá Ðặc Biệt Shawn Turner của Hội
Ðồng An Ninh Quốc Gia thì trong 2 năm vừa qua, Hoa Kỳ đã có được mối quan hệ
tốt với lực lượng nổi dậy Syria. Ông nói rõ mối quan hệ tốt này được định nghĩa
là tốt cho quyền lợi của Hoa Kỳ và đồng minh, nhưng đồng thời cũng nói rõ rằng
thành công hay không trong việc lật đổ chính phủ Al-Assad vẫn là nỗ lực của lực
lượng nổi dậy. Hoa Kỳ chỉ đóng vai trò hỗ trợ chứ không phải là lực lượng
chính.
NV: Cám ơn anh.
No comments:
Post a Comment