Tinh gọn bộ máy:
phép thử cho Tổng Bí thư Tô Lâm trước Đại hội 14
BBC News Tiếng Việt
3
tháng 12 năm 2024
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cdjge30n171o
Tổng
Bí thư Tô Lâm đã đề ra thời hạn cho việc tinh gọn bộ máy chính trị cồng kềnh là
vào quý 1/2025. Đây được xem là phép thử để nhà lãnh đạo xuất thân từ công an
thể hiện tài năng của mình trước thềm Đại hội 14.
"Tinh
gọn bộ máy" là cụm từ xuất hiện trên báo chí với tần suất dày đặc, với những
khẩu hiệu và phát ngôn quyết liệt thể hiện quyết tâm chính trị cao độ của lãnh
đạo cao nhất - Tổng Bí thư Tô Lâm.
Ngày
3/12, tại buổi tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đất nước
Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình và rằng "để lỡ thời cơ là có lỗi
với đất nước, với nhân dân."
Báo Thanh
Niên dẫn lời Tổng Bí thư Tô Lâm nói rằng tinh gọn bộ máy sẽ được thực
hiện từ trên xuống, hoàn thành trong quý 1/2025.
Phép
thử cam go
Tổng
Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Trung ương Đảng sẽ tiến
hành sắp xếp, cơ cấu lại một số ban của Đảng; một số bộ, ngành, một số ủy ban của
Quốc hội, các tổ chức đảng thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...
Quan
trọng nhất, ông Tô Lâm còn nêu ra thời hạn của việc hoàn thành công tác tinh gọn
bộ máy là quý 1/2025.
"Vấn
đề chín rồi, không ngại và cũng rất dân chủ xin ý kiến của các cơ quan, nhân
dân. Trong tháng 12 này các tổ chức đảng phải xong, các bộ, ngành phải có
phương án. Lần này sẽ làm từ trên xuống với phương châm 'Trung ương làm gương,
địa phương hưởng ứng', với tinh thần 'vừa chạy vừa xếp hàng', cả hàng phải chạy,
không chờ đợi ai cả," Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định.
Với
việc đặt ra một kỳ hạn cho công tác tinh gọn bộ máy, có thể thấy quyết tâm lớn
của nhà lãnh đạo quyền lực nhất Việt Nam.
Ông
Tô Lâm được bầu làm tổng bí thư đến nay đã tròn bốn tháng nhưng đã có hàng loạt
những phát ngôn, chủ trương tạo ấn tượng sẽ có thay đổi to lớn, ví như "kỷ
nguyên vươn mình dân tộc", hay "tinh gọn bộ máy". Đây có thể được
xem là cách ông tạo dấu ấn lãnh đạo của riêng mình, khác biệt so với người tiền
nhiệm Nguyễn Phú Trọng.
Thực
tế bộ máy cồng kềnh - bao gồm đảng, chính quyền, đoàn thể - là điều ai cũng thấy
và Tổng Bí thư Tô Lâm không phải lãnh đạo đầu tiên nêu vấn đề này. Đã có nhiều
lãnh đạo Đảng và chính phủ hô hào tinh giản bộ máy, cải cách thể chế, nhưng kết
quả là không tinh giản được bộ máy mà thể chế thì vẫn "nghẽn".
Tổng
Bí thư Tô Lâm đã lần đầu nêu rõ rằng việc tinh gọn sẽ hoàn tất trong quý 1/2025
Năm
2013, ông Nguyễn Xuân Phúc khi đó làm phó thủ tướng đã có phát biểu nêu bật
tình trạng này. Ông nói rằng: "Trong bộ máy có tới 30% số công chức không
có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về."
Nghị
quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 ra đời ngày 25/10/2017 thể
hiện rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thấy việc tinh gọn bộ máy là yêu cầu cấp
bách. Nhưng vấn đề tinh gọn này đã không được thực hiện một cách quyết liệt dưới
thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã tái lập các ban đảng để phục vụ cho
mục tiêu chính trị của mình.
Một
số nhà quan sát cho rằng dưới thời ông Trọng, vấn đề tinh gọn không ai dám nhắc
đến dù Đảng đã có Nghị quyết 18 định hướng cách làm, cách thực hiện. Do đó, việc
tân lãnh đạo Tô Lâm quyết tâm tinh gọn, tái cơ cấu bộ máy chính trị cho thấy
đây là một bước đổi mới rõ nét trong cách lãnh đạo của ông Tô Lâm so với ông Trọng.
"Công
tác này làm không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ để tổ chức bộ
máy của hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự là bộ máy của
dân, do dân, vì dân; công chức, viên chức phải thực sự là công bộc của
dân," ông Tô Lâm tái khẳng định trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 3/12.
No comments:
Post a Comment