Sunday, 12 November 2023

TƯỢNG AN DƯƠNG VƯƠNG CỦA ĐIÊU KHÁC GIA NGUYỄN THANH THU (Nguyễn Tuấn Khoa / Báo Tiếng Dân)

 



Tượng An Dương Vương của điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu

Nguyễn Tuấn Khoa 

12/11/2023

https://baotiengdan.com/2023/11/12/tuong-an-duong-vuong-cua-dieu-khac-gia-nguyen-thanh-thu/

 

Năm 1967, Chính phủ Quân nhân do thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương (tức Thủ tướng) trao quyền lại cho Chính phủ Dân sự. Để đánh dấu giai đoạn quân đội tham chánh này, Chính phủ có sáng kiến dựng các tượng danh tướng lịch sử tại các công viên, quảng trường trong thủ đô. Đó là tượng các danh tướng Việt đã đánh bại cuộc xâm lăng của các triều đại Trung Hoa.

 

Khi việc dựng tượng hoàn tất, thủ đô Sài Gòn lúc bấy giờ có một gương mặt mới: Nghệ thuật, cổ điển và lịch sử.

 

Mỗi danh tướng Việt với chiến công hiển hách đã được mỗi binh chủng VNCH chọn làm Thánh Tổ. Đó là:

 

– Trần Hưng Đạo là thánh tổ của binh chủng Hải Quân, tượng đặt tại công trường Mê Linh. Tượng vẫn còn nhưng lư hương thì mất.

 

– Trần Nguyên Hãn là thánh tổ của binh chủng Truyền Tin. Tượng đặt tai công trường Quách Thị Trang, dời sang công viên Phú Lâm phủ bạt. Sau bao thăng trầm, mới đây tượng đã được trình xét để tu bổ và trả về chốn cũ.

 

– Phù Đổng Thiên Vương là thánh tổ của của binh chủng Thiết Giáp. Tượng đặt tại Ngã Sáu Sài Gòn.

 

– Phan Đình Phùng là thánh tổ của binh chủng Quân Cụ. Tượng đặt trước Bưu Điện Chợ Lớn.

 

– Lê Lợi là thánh tổ của Địa Phương Quân và Nghĩa Quân. Tượng đặt tai bùng binh Minh Phụng (Cây Gõ).

 

– Quang Trung là thánh tổ của binh chủng Quân Vận. Tượng đặt trước chợ Nguyễn Tri Phương (đường Nguyễn Lâm).

 

Về tượng An Dương Vương tại Sài Gòn, có đến hai bức. Bức thứ nhất thực hiện trước, đặt tại công trường Diên Hồng, trước Thượng Nghị viện (gần cầu Mống), được chọn là thánh tổ binh chủng Pháo Binh, đã được dời về Bảo Tàng Mỹ Thuật.

 

Bức tượng An Dương Vương thứ hai được đặt tại Ngã Sáu Nguyễn Tri Phương (tên cũ là Ngã Sáu Minh Mạng), được chọn là Thánh Tổ của binh chủng Công Binh vì liên hệ đến việc xây thành Cổ Loa của Ngài. Công trình tượng đài này được đánh giá là uy nghi nhất trong các tượng đài, tương xứng với công lao của vị vua lập nên nhà nước Âu Lạc, là nhà nước thứ hai sau nhà nước Văn Lang.

 

Ở trung tâm khuôn viên là cột trắng cao vút theo thức cột Corinth của kiến trúc cổ Hy Lạp – La Mã kết hợp. Cột có các rãnh nhỏ ở thân, còn đầu cột được trang trí hoa mỹ với các lá rô và đường xoắn. Đầu cột có một bệ bát giác, cao 4m, theo lối kiến trúc Đông Phương, trên đặt tượng vua An Duơng Vương uy nghi cao 3m, mặc chiến bào, tay phải cầm nỏ nghênh chiến, mắt trừng nhìn thẳng về phương Bắc như thách thức tham vọng của Tần Thủy Hoàng muốn sáp nhập Âu Lạc vào lãnh thổ Trung Hoa.

 

Tượng đài cao 22m, tính từ chân bệ đỡ cột, nên thần dân có thể nhìn được Ngài từ 6 ngã đường dẫn đến bùng binh Minh Mạng. Dưới chân cột, 4 con Nghê được đặt bốn góc như để canh gác tượng và tạo thêm nét uy nghiêm của tượng đài. Nghê là linh vật trong văn hóa Việt, là biến thể của lân (sư tử) và chó, được xem là vật canh giữ tinh thần và thiêng như tứ linh Long-Lân-Quy-Phụng.

 

Tượng đài An Dương Vương do điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu thực hiện và được khánh thành vào ngày 1/11/1966 mà ở bệ cột trước kia có khắc: “Kỷ niệm Quốc khánh 1/11/1966”. Tượng đài An Dương Vương đặt tại không gian rộng, thoáng, khiến người ta nghĩ đến quảng trường Trafalgar ở Luân Đôn tưởng nhớ trận hải quân Hoàng Gia Anh với liên quân Pháp – Tây Ban Nha. Do vậy, không thể không nhắc tới đồng tác giả là kiến trúc sư của tượng đài này. Ngày nay, không biết “những người muôn năm cũ” có ai còn nhớ tên ông, xin hãy ghi lại để hậu bối khắc ghi công lao của ông tại nơi này.

 

Tượng đài xưa là một trong những ký ức đẹp của người Sài Gòn. Bỏ nó đi là một sự xúc phạm với lịch sử vì những bức tượng trên đều vinh danh các danh tướng Việt chống ngoại xâm. Nhưng giữ nó lại sẽ làm cho nhiều nhà lãnh đạo văn hóa thời nay không thoải mái vì phía sau các bức tượng này là dấu ấn người anh em ở phía Nam vĩ tuyến 17. Chắc hẳn có những cân nhắc nặng nề từ nhiều chục năm qua giữa những người lãnh đạo thành phố này về giữ hay bỏ. Để rồi có những quyết định hợp lòng dân như việc sửa chữa tượng An Dương Vương vào tháng 3/2022 và kế hoạch phục dựng và trả lại tượng Trần Nguyên Hãn đang được trình duyệt.

 

Xin hãy quên đi lịch sử hình thành các bức tượng nói trên ở đất Sài Gòn, mà có thể dẫn đến suy nghĩ khác biệt. Thực tế, tất cả những bức tượng trên là hình ảnh những vị Tướng, vị Vua có công đánh đuổi giặc xâm lược phương Bắc để giữ vững một nước Việt Nam ngày nay. Trong ý nghĩ ấy, những tượng đài vào thập niên 1960 ở Sài Gòn là biểu tượng đoàn kết hiếm thấy của mọi khuynh hướng chính trị ngày nay.

 

Chỉ chừng đó thôi cũng đủ để chúng ta phải gìn giữ các tượng đài này đời đời.

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/11/1-22.png

Bức tượng An Dương Vương thứ hai do ĐKG Nguyễn Thanh Thu thực hiện năm 1966, hiện đã được trùng tu vào tháng 3/2022. Tượng đài đặt tại Ngã Sáu Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Internet

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/11/1-23.png

Phần trên tượng đài  An Dương Vương

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/11/1-24-1536x1016.png

Tượng An Dương Vương đặt tại công trường Diên Hồng, gần cầu Mống, nay đã dời về Bảo Tàng Mỹ Thuật. Ảnh: Internet














No comments:

Post a Comment

View My Stats