Saturday, 18 November 2023

PHÓ BAN DÂN NGUYỆN ĐỒNG PHẠM VỚI XÃ HỘI ĐEN, CHUYỆN LẠ MÀ QUEN! (Gió Bấc, Blog RFA)

 



Phó Ban Dân Nguyện đồng phạm với xã hội đen, chuyện lạ mà quen!

Gió Bấc

Thứ Sáu, 11/17/2023 - 10:16 — Gió Bấc

 https://www.rfavietnam.com/node/7834

 

Cựu nghị sĩ nổi tiếng trung ngôn, đương nhiệm Phó Ban của Quốc Hội, mở công đường tiếp đón, đối thoại với gia đình tử tội, lại bị bắt khẩn cấp vì đồng phạm với đám giang hồ vặt, trấn lột tài sản của doanh nghiệp lon con là chuyện la. Độc chiêu, một quả đấm vừa trúng yết hầu, vừa xỉa dưới thắt lưng, đòn quen thuộc của Công An dành cho người “gây ảnh hưởng”, là chuyện rất quen. Tước đoạt tự do, bịt miệng, nhuộm đen nhân thân, đầu độc dư luận, vô hiệu mọi ảnh hưởng.

 

Tội danh cưỡng đoạt tài sản liên quan đến nhóm giang hồ vô danh Phạm Minh Cường, nguyên cớ bắt ông Lưu Bình Nhưỡng, sống sượng, vô lý làm nhiều người nghi hoặc, cho rằng đây là vụ án chính trị. Không ít người thắc mắc, vì sao với tài trí và quyền lực trong tay, công an không chọn nguyên cớ khác, xứng tầm và nghe có lý hơn. Với biết bao câu phát biểu gai góc, đụng chạm từ ngành công an, môi trường, tòa án, không tha cả Quốc Hội, có không dưới trăm câu nặng ký hơn “ông Thanh Từ ngu hơn bò”, đủ sức tống ông Lưu Bình Nhưỡng vào tù, bố bảo ai dám cải.

 

 

Báo chí – Công an: Song kiếm hợp bích 

 

Vấn đề là người bắt không cần lòng tin, bất cần sự hiểu biết, mà cần công chúng sợ hãi, phục tùng. Thực tế đúng như câu nói của ông Lưu Bình Nhưỡng, trong thể chế hiện nay, “tội phạm đang nhảy múa trên lưỡi gươm công lý”. Tội phạm đang nắm trong tay siêu quyền lực của chế độ, triệt tiêu tất cả những cá nhân ảnh hưởng đến người khác, đến số đông và thị uy với những người còn lại. Trấn áp bằng bắt bớ, tù đày chưa đủ, cần phải bôi đen nhân thân những người bị xem là đối địch.

 

Thể chế hiện nay có cặp đôi công cụ đắc lực hữu hiệu, tung hứng, thực hiện hoàn hảo thủ đoạn đàn áp kép, cả thể xác lẫn tinh thần, tước đoạt tự do và bôi nhọ danh dự nhân phẩm người bị xem là đối nghịch, đó là Công An và truyền thông lề Đảng. Nguyên tắc không ai bị xem là có tội khi chưa bị tuyên bởi bản án có hiệu lực, bị báo chí của Đảng vứt vào sọt rác. Chỉ cần Công An mớm tin là báo đồng loạt răm rắp đăng theo một chiều, dù là vô lý, dù là phi nhân, thậm chí còn vẽ vời thêm. Có khi báo chí còn đi trước đăng tin khơi màu tạo cớ cho Công An vào cuộc. Những nguyên tắc điều tra, đối chiếu thông tin, thẩm định tính trung thực, độ tin cậy, v.v… cũng đều là con số 0 tròn trĩnh.

 

Với luật sư Cù Huy Hà Vũ, một thái tử đảng, con đệ nhất công thần tiếp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại, đệ nhất trung thần quay lưng, trở mặt đấu tố văn nghệ sĩ anh em, người ta dùng hai cái bao cao su. Với đảng viên lão thành Lê Đình Kình, luôn trung trinh với nghị quyết đảng, người ta không chỉ dùng súng đạn, chó becgie, mà còn phải thêm vào chuyện nhận tiền thưa kiện đòi đất thuê.

 

Cụ già Lê Tùng Vân gần 90 tuổi, ngoài tội danh 331, người ta còn ân cần bonus thêm hai tội nhơ nhớp loạn luân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà bất cần chứng cứ. Đầu tháng 11 oan nghiệt này năm trước, ngay trước ngày xử phúc thẩm, 800 tờ báo lề phải đồng loạt thông tin theo công bố của công an tỉnh Long An. “Sau khi có kết quả giám định ADN, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Long An đã ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại hộ bà Cao Thị Cúc, nơi từng tự xưng là “tịnh thất Bồng Lai”.

 

Ngày 1-11, thông tin từ Công an tỉnh Long An cho biết Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh này đã có quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại hộ bà Cao Thị Cúc, ấp Lập Thành, Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, Long An” (1).

 

Đến nay đã hơn 1 năm, không hề có cái kết quả giám định ADN nào được công bố và cũng không hề có vụ án lừa đảo nào được khởi tố. Hàng vạn tin bài có nội dung như vậy vẫn “ngạo nghễ” trên các trang báo online, mạng xã hội mà không cần đính chính, rút bài. Đây là hình ảnh trong 1 trang Google tìm kiếm khi gõ từ khóa “Tịnh Thất Bồng Lai loạn luân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (mời xem hình).

 

Ảnh chụp màn hình trên công cụ tìm kiếm Google, cho thấy, thông tin dối trá báo chí đăng hơn một năm qua vẫn còn nguyên.

 

Luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh đã lên tiếng vạch trần thủ đoạn gian dối, cường quyền, phi pháp, vô nhân này trên kênh Tiếng Nói Dân Oan (2).

 

Đúng theo kịch bản

 

Bước khởi đầu của vụ bắt Tiến sĩ, cựu đại biểu Quốc Hội, đương nhiệm Phó Ban Dân Nguyện Lưu Bình Nhưỡng cũng diễn ra theo kịch bản này. Điều đáng nói, trong nhiều năm dài từ 2016 đến nay, ông Lưu Bình Nhưỡng là người ơn không chỉ của dân oan, mà còn là người ơn của tất cả các tờ báo. Những diễn ngôn sắc sảo, mạnh mẽ trung thực của ông luôn được báo chí săn lùng tung hê lên mặt báo như món ăn ngon đặc sản lóng lánh giữa ê hề các món thông tin cúng giỗ, thiu thối.

 

Cũng như cụ Lê Tùng Vân, báo chí đồng loạt đưa tin theo cung cấp của Công An những bài báo giống nhau như những con cừu Dolly: Bắt ông Lưu Bình Nhưỡng về tội danh cưỡng đoạt tài sản, liên quan đến băng nhóm Phạm Minh Cường ở giai đoạn điều tra mở rộng…

 

Tất cả các tờ báo đều không đưa tình tiết rất quan trọng là ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt vào ban đêm khi vừa bước xuống sân bay Nội Bài, dù cho hình ảnh bắt giam đã thể hiện điều này. May là nhờ còn có các hãng truyền thông quốc tế VOA, BBC, đưa tin: “Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nhưỡng tối 14/11, khi ông vừa xuống sân bay Nội Bài” (3).

 

Lờ đi tình tiết này để che đây tình huống pháp lý là Công An đã bắt “khẩn cấp” ông Lưu Bình Nhưỡng. Bộ Luật Hình Sự quy định về những trường hợp được bắt khẩn cấp là:

 

a) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

 

b) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;

 

c) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ. (4)

 

Ông Nhưỡng bị bắt vì liên quan trong vụ án cưỡng đoạt tài sản đã khởi tố từ 1 năm rưỡi trước đó. Ông Nhưỡng từ nơi khác bay về Hà Nội. Vậy liệu có cần phải bắt khẩn cấp như vậy không? Ông Nhưỡng có liên quan như thế nào và có chứng cứ nào về hành vi cưỡng đoạt tài sản? 800 tờ báo hồn nhiên nhắm mắt bịt tai, không một ai hỏi han cơ quan điều tra.

Ngược lại, báo đi sâu vào những chi tiết ngoài lề bí hiểm là “Ông Lưu Bình Nhưỡng không có họ hàng với Cường ‘quắt’” đăng hình ảnh và nhấn nhá chi tiết về cái cổng nhà ông Lưu Bình Nhưỡng ở Thái Bình.

 

Cụ thể, vào khoảng 21 giờ 40 ngày 14.11, Công an tỉnh Thái Bình có mặt tại nhà ông Lưu Bình Nhưỡng và thông báo đến ông Lưu Văn Hoạch, Phó chủ tịch UBND xã Hùng Dũng và ông Lưu Văn Tuấn là công an viên của thôn, cùng trưởng thôn đến nhà ông Lưu Bình Nhưỡng để chứng kiến.

 

Cuộc khám xét kéo dài 30 phút, lực lượng công an không niêm phong, không thu giữ bất kỳ tài liệu gì.

 

Sau khi thực hiện khám xét, lực lượng công an đã đo và lập biên bản ghi nhận 2 cánh cửa gỗ có giá trị của ngôi nhà, đồng thời bàn giao xã Hùng Dũng bảo vệ 2 cánh cửa. “Hôm nay, xã đang cho người lắp camera để bảo vệ 2 cánh cửa, tránh tình trạng mất an ninh trật tự trên địa bàn xảy ra”, ông Đăng cho biết.

 

Chính quyền lắp camera bảo vệ hai cánh cổng nhà ông Lưu Bình Nhưỡng

 

Theo ông Đăng, ông Lưu Bình Nhưỡng tuy sinh sống ở Hà Nội từ lâu nhưng trước đây, cụ bà thân sinh ra ông vẫn sinh sống trong căn nhà này nên ông thường xuyên về thăm. Tuy nhiên, đầu năm 2023 vừa qua, do tuổi cao, cụ qua đời. Hiện căn nhà không có ai ở, họ hàng của gia đình ông Nhưỡng vẫn sinh sống ở khu lân cận.

 

Ngoài ra, ông Đăng cũng khẳng định ông Lưu Bình Nhưỡng không có họ hàng gì với Phạm Minh Cường (Cường “quắt”)”. (5)

 

Với một chút xíu nghiệp vụ truyền thông, có thể suy đoán rằng vụ cưỡng đoạt tài sản chỉ là cái cớ để khởi tố, bắt giam và khám xét. Mục đích tìm kiếm là những tài liệu, hồ sơ quan trọng mà ông Lưu Bình Nhưỡng đang cất giữ. Nếu tìm được cái gì khác, người ta sẽ chuyển hóa tội danh. Ngược lại thì cái cửa cổng gỗ căn nhà sẽ là vật chứng cưỡng đoạt tài sản mà Phạm Minh Cường đã ăn chia với ông!

 

Báo chí cố tình đánh tráo, nói gọn lỏn là nhà ông Lưu Bình Nhưỡng, đăng hình ảnh nhà to hoành tráng để tạo ấn tượng với dư luận là ông Nhưỡng cũng có biệt phủ như các quan tham khác. Thực chất đây là nhà từ đường, đất đai ông bà cha mẹ ông để lại, các anh em hùn tiền xây cất, thờ cúng. Chi tiết “ông Lưu Bình Nhưỡng không có họ hàng gì với Phạm Minh Cường (Cường “quắt”)” là nhằm khẳng định việc cho tặng cái cửa gỗ là ăn chia, lo lót trong vụ cưỡng đoạt tài sản, chứ không phải vì tình cảm.

 

Bằng cách phớt lờ sự thật, đánh tráo khái niệm, báo chí đã giúp công an thít chặt nút dây thòng lọng vào cổ ông Lưu Bình Nhưỡng.

 

 

Dính bẫy tại quê nhà!

 

Bài viết: “Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt vì đã dám cả gan vượt qua ‘lằn ranh đỏ’,” trên trang mạng báo Tiếng Dân đã đưa ra bức tranh khác, lý giải khá thuyết phục các điểm mờ của vụ án, vì sao kẻ vô danh như Phạm Minh Cường lại dám cưỡng đoạt tài sản của các doanh nghiệp được nhà nước cấp phép khai thác cát. Xin giới thiệu một phần sau đây:

 

Chủ trương đấu giá khai thác khoáng sản là mỏ cát của UBND tỉnh Thái Bình, có từ nhiều đời lãnh đạo. Một số doanh nghiệp được UBND tỉnh Thái Bình cấp phép khai thác cát tại mỏ cát ven biển xã Thụy Trường (huyện Thái Thụy) gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Sao Đỏ, Công ty TNHH Một thành viên Kinh doanh khai thác vật liệu xây dựng Sao Đỏ, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hà Thành – UDIC, Công ty Cổ phần SHC.

 

Tỉnh chỉ đạo huyện, xã thu hồi giấy phép nuôi nghêu đã cấp trước đây. Dân chúng điêu đứng, vốn đầu tư hàng chục tỷ bị cướp cạn. Nghêu chết vì bị hút hết cát bãi triều, tàu gây tràn dầu, khiến hàng trăm hecta nuôi nghêu của dân thiệt hại nặng nề. Đơn thư kêu cứu, kiến nghị của dân gởi đến tay ông Lưu Bình Nhưỡng. Vậy là ông Nhưỡng về tận nơi mục sở thị và hứa giúp đỡ bà con khiếu kiện.

 

Thế nhưng, một cái bẫy đã giăng ra ngay chính tại quê nhà Thái Bình của ông Nhưỡng. Người ta đã “gài” Phạm Minh Cường, tức Cường “quắt”, một bị can trong vụ án “cưỡng đoạt tài sản”, khai rằng, đã được ông Lưu Bình Nhưỡng giúp sức để tống tiền các ông chủ “đầu nậu” khai thác cát.

 

Trong khi thực tế, Cường “quắt” chỉ là nhân vật trung gian đứng ra hoà giải, nhận tiền đền bù giữa các “trùm” khai thác cát và các chủ hộ nuôi nghêu.

 

Tối 14-11-2023, khi vừa bước xuống sân bay Nội Bài sau một chuyến đi, Lưu Bình Nhưỡng đã bị bắt khẩn cấp. Cơ quan điều tra đã vội vã khám xét nhà riêng của ông Nhưỡng tại quận Tây Hồ, Hà Nội và khám xét, niêm phong cả từ đường dòng họ của ông ở quê Thái Bình, để tìm kiếm tài liệu.

 

Mục đích cuối cùng là đảng sẽ tìm ra, thu hồi các tài liệu, đơn thư tố cáo mà đảng viên và dân chúng đã gởi cho ông Lưu Bình Nhưỡng, để quy chụp ông Nhưỡng tàng trữ tài liệu trái luật, chống phá chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước, tiếp tay cho các tổ chức phản động…

 

Tóm lại, người ta muốn bịt miệng, xích thật nhanh “con ngựa bất kham” trong đảng như Phó ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng” (6).

 

Chưa có điều kiện để kiểm chứng thực tế nhưng về logic, Thái Bình là vùng cửa sông, những bãi bồi được nông dân nuôi nghêu là hoàn toàn phù hợp. Dân oan mất đất bị xem là côn đồ, bị khởi tố thậm chí bị công an, kẻ chiếm đất đưa quân vây đánh như Đoàn Văn Vươn, Đặng Văn Hiến cũng đâu phải là chuyện lạ.

 

------------------

Chú thích:

 

1-https://tuoitre.vn/khoi-to-vu-an-lua-dao-chiem-doat-tai-san-tai-tinh-that-bong-lai-20221101134043535.htm

 

2-https://www.youtube.com/watch?v=kjTntSInHRM

 

3-https://www.bbc.com/vietnamese/articles/czq2dzpev62o

 

4-https://luatminhkhue.vn/bat-khan-cap-la-gi---khai-niem-ve-bat-khan-cap--...

 

5-https://thanhnien.vn/ong-luu-binh-nhuong-khong-co-ho-hang-voi-cuong-quat-18523111617343498.htm?utm_source=dable

 

6-https://baotiengdan.com/2023/11/16/ong-luu-binh-nhuong-bi-bat-vi-da-dam-ca-gan-vuot-qua-lan-ranh-do/

 

 

 

Đính kèm

Dung lượng

 Thông tin dối trá báo chí đăng hơn một năm qua vẫn còn nguyên

389.14 B

 

 

Gió Bấc's blog

 

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats