Sunday 12 November 2023

PHILIPPINES SẼ TIẾP TỤC TIẾP TẾ CHO BINH SĨ Ở BIỂN ĐÔNG BẤT CHẤP TÀU TRUNG QUỐC CẢN TRỞ (Reuters)

 



Philippines sẽ tiếp tục tiếp tế cho binh sĩ ở Biển Đông bất chấp tàu Trung Quốc cản trở

Reuters

11/11/2023

https://www.voatiengviet.com/a/philippines-se-tiep-tuc-tiep-te-cho-binh-si-o-bien-dong/7350856.html

 

Lực lượng cảnh sát biển của Philippines ngày thứ Bảy cho biết họ sẽ duy trì các nhiệm vụ tiếp tế thường xuyên cho binh sĩ đồn trú trên một đảo san hô đang tranh chấp ở Biển Đông mặc dù họ dự liệu sẽ có thêm nhiều tàu Trung Quốc được điều đến khu vực này.

 

 https://gdb.voanews.com/01000000-0aff-0242-0b17-08dba3c9f477_w650_r1_s.jpg

TƯ LIỆU - Một tàu tiếp tế của Philippines (trái) cố gắng tránh một tàu hải cảnh của Trung Quốc ngoài khơi Bãi cạn Second Thomas, ở vùng Biển Đông có tranh chấp trong một nhiệm vụ luân chuyển và tiếp tế, ngày 22 tháng 8 năm 2023.

 

Lực lượng cảnh sát biển của Philippines ngày thứ Bảy cho biết họ sẽ duy trì các nhiệm vụ tiếp tế thường xuyên cho binh sĩ đồn trú trên một đảo san hô đang tranh chấp ở Biển Đông mặc dù họ dự liệu sẽ có thêm nhiều tàu Trung Quốc được điều đến khu vực này.

 

Philippines thường xuyên gửi đồ tiếp tế cho một số binh sĩ sống trên một chiếc tàu chiến cũ kĩ được cố tình cho mắc cạn ở Bãi cạn Second Thomas vào năm 1999 để khẳng định chủ quyền của Manila đối với đảo san hô này.

 

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả Bãi cạn Second Thomas, và đã điều hàng trăm tàu đến tuần tra ở đó.

 

“Chúng tôi vẫn sẽ thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm này bất chấp số lượng tàu hạn chế và số lượng tàu Trung Quốc ngày càng tăng mà họ sắp điều động,” người phát ngôn lực lượng cảnh sát biển Philippines Jay Tarriela nói trong một cuộc họp báo.

 

“Chúng ta phải đảm bảo nguồn cung ứng vẫn đến được với binh sĩ của chúng ta,” ông Tarriela nói, và cho biết thêm rằng lực lượng hải cảnh của Trung Quốc đang điều các tàu nhỏ hơn để cố gắng vượt mặt tàu Philippines.

 

Ông phát biểu một ngày sau khi Philippines lên án hải cảnh Trung Quốc về “những hành động cưỡng ép vô cớ và thao tác nguy hiểm,” bao gồm cả việc dùng vòi rồng xịt vào một trong các tàu của họ nhằm cố gắng làm gián đoạn nhiệm vụ tiếp tế.

 

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila ngày thứ Bảy cho biết hải cảnh của họ đã thực hiện các biện pháp chấp pháp cần thiết đối với các tàu Philippines sau khi các tàu này xâm phạm chủ quyền của Bắc Kinh.

 

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày thứ Bảy nói họ đứng về phía Philippines, nước mà Mỹ có hiệp ước phòng thủ.

 

“Chúng tôi kêu gọi CHND Trung Hoa tôn trọng các quyền tự do hàng hải trên biển cả được đảm bảo cho tất cả các quốc gia theo luật pháp quốc tế,” bộ nói trong một phát biểu, tái khẳng định cam kết của mình đối với hiệp ước phòng thủ.

 

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos đã theo đuổi mối quan hệ nồng ấm hơn với Washington, đảo ngược lập trường thân Trung Quốc của người tiền nhiệm và dẫn đến căng thẳng gia tăng ở Biển Đông.

 

----------------------------------------------------

Philippines tố cáo Trung Quốc 'hành động ép buộc nguy hiểm’ để chặn nhiệm vụ tiếp tế trên Biển Đông

Reuters

11/11/2023

https://www.voatiengviet.com/a/7350070.html

 

Philippines hôm thứ Sáu lên án “các hành động cưỡng ép vô cớ và hành động nguy hiểm” của hải cảnh Trung Quốc, bao gồm việc sử dụng vòi rồng chống lại một trong các tàu của Philippines làm gián đoạn nhiệm vụ tiếp tế ở Biển Đông.

 

https://gdb.voanews.com/c6caff7c-3e5e-443b-944c-4d1b99162bc2_w650_r1_s.jpg

(Ảnh tư liệu) Tàu hải cảnh Trung Quốc tiếp cận ngư dân Philippines khi họ đối đầu nhau ngoài khơi Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông, ngày 23/9/2015.(Ảnh AP / Renato Etac)

 

Philippines nói các hành động của Trung Quốc không chỉ "đe doạ nguy hiểm tính mạng của người dân chúng tôi " mà còn "đặt ra câu hỏi và sự nghi ngờ về tính chân thành trong lời kêu gọi đối thoại hòa bình của Trung Quốc".

 

Các nhiệm vụ luân chuyển, tiếp tế thường lệ cho các binh sĩ Philippines đóng trên một tàu chiến đã hư được cố tình neo đậu tại Bãi Cỏ Mây có nhiều tranh chấp, thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, mà Manila gọi là Ayungin và Trung Quốc gọi là Đá Renai.

 

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả Bãi Cỏ Mây, và đã triển khai hàng trăm tàu để tuần tra ở đó, trong đó có những tàu thuyền mà Philippines gọi là của "dân quân biển Trung Quốc", lực lượng mà Manila nói là đã tham gia vào hành động mới nhất nhằm cản trở nhiệm vụ tiếp tế của Philippines.

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân hôm thứ Sáu nói tại một cuộc họp báo thường kỳ rằng Bắc Kinh phản đối các hành động làm suy yếu chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc và đã gửi công hàm phản đối chính thức tới đại sứ quán Philippines.

 

Hải cảnh Trung Quốc nói hai tàu vận tải nhỏ và ba tàu cảnh sát biển của Philippines đã đi vào vùng biển này mà không có sự cho phép của chính phủ Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Philippines ngừng xâm phạm chủ quyền của Bắc Kinh.

 

Hải cảnh Trung Quốc nêu trong một tuyên bố rằng hành động của họ là hợp pháp và họ đã có những thỏa thuận đặc biệt tạm thời để phía Philippines vận chuyển thực phẩm và các nhu yếu phẩm hàng ngày khác.

 

Trong tuyên bố thứ hai vào cuối ngày thứ Sáu, hải cảnh Trung Quốc nói rằng các tàu Philippines đã ngoan cố "lao vào" khu vực này một cách "không an toàn và thiếu chuyên nghiệp" và lực lượng này đã tiếp cận các tàu này để xác minh.

 

Chính phủ Philippines cho biết nhiệm vụ tiếp tế đã hoàn thành, ngay cả khi các tàu của họ “bị quấy rối cực kỳ liều lĩnh và nguy hiểm ở cự ly gần” bởi các thuyền bơm hơi của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc bên trong bãi cạn.

 

Trong nhiều năm, Manila và Bắc Kinh đã liên tục đối đầu nhau tại Bãi Cỏ Mây khi Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn trong việc thúc đẩy các yêu sách hàng hải của mình, gây lo ngại cho các bên tranh chấp và các quốc gia khác đang hoạt động ở Biển Đông, bao gồm cả Hoa Kỳ và Nhật Bản.





No comments:

Post a Comment

View My Stats