Monday, 13 November 2023

CHỦ QUÁN GỐC VIỆT Ở WASHINGTON DC và TẤM LÒNG TRÂN QUÝ CỰU CHIẾN BINH MỸ (Người Việt)

 



Chủ quán gốc Việt ở Washington DC và tấm lòng trân quý cựu chiến binh Mỹ

Người Việt

November 13, 2023

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/chu-quan-goc-viet-o-washington-dc-va-tam-long-tran-quy-cuu-chien-binh-my/

 

WASHINGTON DC (NV) – Hai vợ chồng gốc Việt, chủ một quán ăn ở Washington DC, cứ mỗi năm lại tổ chức họp mặt mừng lễ Veterans Day cho cựu chiến binh Hoa Kỳ trong suốt 23 năm qua.

 

Theo báo Washington Post, đó là ông bà Hoàng Bùi và Hiền Bùi, chủ nhân quán ăn Froggy Bottom ở Washington DC. Họ tổ chức họp mặt mừng lễ Veterans Day nhằm giúp nhiều cựu chiến binh cảm thấy được thấu hiểu, được nhớ đến và trân trọng.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/11/DP-vo-chong-DC-Veterans-Day1-e1699912938934.jpg

Quán ăn Froggy Bottom ở Washington DC do hai ông bà Hoàng và Hiền Bùi làm chủ. (Hình: Facebook Froggy Bottom)

 

Ông Don Litz, 73 tuổi, cư dân Bellwood, Pennsylvania đi cùng ông Jim Vanecek, cũng 73 tuổi, cư dân Council Bluffs, Iowa, đến quán Froggy Bottom để nhớ lại những ngày chiến đấu ở Việt Nam.

 

Nhờ buổi họp mặt của ông Hoàng và bà Hiền, họ cảm thấy mình được chào đón và có thể dễ dàng chia sẻ nhiều câu chuyện, tưởng nhớ các đồng đội và kể lại những chuyện mà ai cũng muốn quên đi.

 

Ông Rich Sanders, 74 tuổi, cư dân Bowling Green, Kentucky, cho biết ông không đến dự buổi họp mặt của năm 2023 được, nhưng nói mình từng đến dự tổng cộng 15 lần. Ông là cựu chiến binh Việt Nam, ra trận vào năm 1970 và 1971, luôn cảm thấy xúc động khi nói về hai ông bà chủ quán.

 

“Khi bước vào cửa, tôi cảm thấy mình được chào đón rất nồng nhiệt,” ông nói về cách bà Hiền tiếp khách. “Tôi không biết phải tả lại như thế nào. Bà ấy gọi tên tôi và chạy từ đầu kia của quán để gặp tôi. Đó là sự chào đón mà tôi chưa bao giờ thấy được.”

 

Không chỉ giúp các cựu chiến binh chữa lành các vết thương trong lòng, bà Hiền Bùi cho biết những buổi họp mặt Veterans Day cũng giúp vợ chồng mình quên đi nỗi đau.

 

Bà kể mình vượt biên vào năm 1980, sau đó gặp ông Hoàng trong trại tị nạn ở Thái Lan, rồi sống chung với nhau ở Hoa Kỳ vào năm 1982 mà trong túi chỉ có vài đô la.

 

Bà từng là giáo viên ở Việt Nam, phải đi cải tạo 18 tháng , còn ông Hoàng là sĩ quan pháo binh của Việt Nam Cộng Hòa, phải đi cải tạo ba năm.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/11/DP-vo-chong-DC-Veterans-Day-2.v1.jpg

Ông Hoàng Bùi (giữa) đứng cạnh hai con trai và bồng cháu nội. (Hình: Twitter Froggy Bottom)

 

Hai vợ chồng bày tỏ sự kính trọng các cựu chiến binh người Mỹ bằng những buổi họp mặt, cho họ ăn tối và uống rượu miễn phí, và cho rằng đó chỉ là một cử chỉ nhỏ để bày tỏ sự biết ơn và kính trọng.

 

Bà Hiền nói: “Tôi làm vì trái tim kêu gọi. Tôi cảm thấy mình mang ơn người Mỹ.”

 

Ông Hoàng thì nói những buổi họp mặt không chỉ là để cám ơn các cựu chiến binh, mà còn giúp họ vượt qua nhiều nỗi đau.

 

“Chúng tôi muốn giúp họ biến những ngày buồn bã thành những ngày hạnh phúc,” ông nói.

 

Khi được Washington Post hỏi về chi phí tổ chức buổi họp mặt Veterans Day hằng năm, ông Hoàng và bà Hiền chỉ vẫy tay, rồi cho biết họ không quan tâm đến chi phí, chỉ muốn trả ơn bằng cách cho các cựu chiến binh ăn uống thoải mái.

 

Hai vợ chồng này từng sống trong một căn chung cư nhỏ ở khu Đông Bắc Washington, rồi chuyển đến Virginia, sau đó mở quán Froggy Bottom ở Washington DC vào năm 1999. Họ có hai người con trai, và cả hai đều là nhà giáo.

 

Anh Peter Bùi, con út của ông Hoàng và bà Hiền, cho biết buổi họp mặt hằng năm đầy ý nghĩa với cha mẹ mình vì là tình bạn, tình huynh đệ và là cách họ biến những điều đau đớn thành điều tốt.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/11/DP-vo-chong-DC-Veterans-Day-3.v1.jpg

Bà Hiền Bùi (giữa) chụp hình với khách. (Hình: Facebook Froggy Bottom)

 

Vì vậy, anh rất tự hào vì những gì mà cha mẹ đã mang lại cho mình và các cựu chiến binh.

 

“Họ là những người tuyệt vời nhất mà tôi biết,” anh Peter nói và sau đó đùa thêm. “Xin quý vị đừng ghi câu này vào bài báo, họ biết được thì sẽ nở mũi.”

 

Bà Hiền kể gia đình từng về Việt Nam hai lần để thăm họ hàng, nhưng quê nhà đã thay đổi quá nhiều, đến mức bà cảm thấy đó không còn là quê nhà nữa. Hai vợ chồng công nhận Hoa Kỳ không phải hoàn hảo, có nhiều vấn đề, nhưng không biết nơi nào sống tốt hơn.

 

“Tôi cảm thấy mình thật sự về đến nhà khi vào phi trường Dullies, đưa hộ chiếu ra và nghe nhân viên phi trường chào đón mình,” bà nói. (TL) [kn]

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats