Tuesday, 26 September 2023

VŨ KHÍ GIẢ LÀM MỒI NHỬ ĐÃ ĐÁNH LỪA QUÂN ĐỘI NGA Ở UKRAINE (Financial Times)

 



Vũ khí giả làm mồi nhử đã đánh lừa quân đội Nga ở Ukraine   

Financial Times

Cù Tuấn  biên dịch

26-9-2023 05:37    

https://www.facebook.com/tuan.cu.5/posts/pfbid02A1o9R2G4CQb1DgbJxVv3Rk2TA8JhAN7Wwu19dbUkdeDf4GNDjFMcrcEMHsAFJLeel

 

Tóm tắt: Nhà sản xuất thép xây dựng đội quân Potemkin gồm xe tăng Liên Xô, pháo binh Mỹ và radar từ gỗ và nhựa.

 

Nhân viên tại nhà sản xuất thép lớn nhất Ukraine Metinvest đã kinh hãi chứng kiến cảnh camera an ninh của họ cho thấy quân Nga đang tiến vào nhà máy của họ vào tháng 2 năm ngoái.

 

Nhưng việc thiếu hệ thống phòng thủ cho các nhà máy công nghiệp như nhà máy của họ đã thúc đẩy một ý tưởng nay đã có đà phát triển: tạo ra một đội quân Potemkin. Hy vọng của Metinvest là loại vũ khí giả mà họ hiện đang sản xuất cho lực lượng vũ trang Ukraine - lợi dụng truyền thống quân sự lâu đời là làm mồi nhử - đang dụ quân Nga lãng phí các nguồn tài nguyên đắt tiền để phá hủy chúng.

 

Khi Nga xâm lược, “chúng tôi đã đào hào bằng thiết bị của mình và xây dựng công sự xung quanh nhà máy. Nhưng chúng tôi không có vũ khí”, giám đốc doanh nghiệp của một cơ sở Metinvest ở miền trung đông Ukraine nhớ lại, người đã nói chuyện với Financial Times với điều kiện giấu tên vì lý do an ninh.

 

Ông nói: “Chúng tôi sử dụng bìa, nhựa và bất kỳ vật liệu nào có sẵn ở đây - thậm chí cả những vật dụng bị vứt vào thùng rác - mà chúng tôi có thể tìm thấy để chế tạo vũ khí giả làm mồi nhử. Chúng tôi ít vũ khí hơn nhưng chúng tôi làm ra vẻ như quân đội của chúng tôi đông đảo và mạnh mẽ và chúng tôi đã sẵn sàng chiến đấu. Và chúng tôi đã khiến họ sợ hãi.”

 

Ba giám đốc nhà máy cấp cao nhận ra rằng các kỹ sư của Metinvest có thể sử dụng kỹ năng của họ để tạo ra các mô hình vũ khí thực tế được quân đội Ukraine sử dụng nhằm tỏ vẻ có được một lực lượng chiến đấu lớn hơn và được trang bị vũ khí tốt hơn là Ukraine thực sự có trước khi vũ khí phương Tây được chuyển giao đến.

 

Một năm rưỡi sau, Metinvest đã cung cấp hơn 250 vũ khí giả và các thiết bị giả cho quân đội Ukraine trên khắp chiến tuyến. Một chuyên gia cấp cao, người cũng yêu cầu giấu tên vì lý do an ninh, cho biết hiện tại họ có thể sản xuất khoảng 10 đến 15 sản phẩm mỗi tháng.

 

Giống như các vũ khí thực tế đang được sử dụng ở Ukraine, vũ khí giả cũng không ngừng phát triển. Các nhà sản xuất liên tục “cập nhật” thiết kế của họ và mở rộng danh mục để phù hợp với nhu cầu của binh lính khi các hệ thống vũ khí mới của phương Tây xuất hiện.

Các tổ chức và đơn vị quân đội khác của Ukraine cũng sản xuất vũ khí giả, bao gồm xe tăng thời Liên Xô được quân đội Ukraine sử dụng và các mẫu Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ cung cấp.

 

Các công nhân của Metinvest ở miền trung đông Ukraine đã cho phóng viên FT thấy họ đã mài giũa kỹ năng của mình như thế nào. Họ tạo ra các mô hình ngày càng thực tế của pháo kéo D-20 thời Liên Xô, pháo M777 do Mỹ sản xuất, hệ thống radar 35D6M của Ukraine, radar Lockheed Martin Sentinel A4, súng phóng lựu và nhiều hơn nữa.

 

Giám đốc doanh nghiệp cho biết, họ cố gắng đạt được “tính xác thực tối đa” trong khi sản xuất hàng giả với giá rẻ nhất có thể. Mọi thứ xung quanh nhà máy Metinvest đều được sử dụng: ống nhựa, khối xốp, lốp xe cũ, gỗ phế liệu và kim loại.

 

Giám đốc doanh nghiệp cười khúc khích khi nói với phóng viên rằng các tấm phản xạ radar mồi nhử được làm từ những chiếc thùng cắt rời của công ty lớn thứ hai của Nga, Lukoil.

Các mồi nhử phải đủ nhẹ để vận chuyển dễ dàng nhưng cũng phải đủ giống như thật để thuyết phục quân Nga - vốn sử dụng máy bay không người lái công nghệ cao để do thám các vị trí của Ukraine từ trên không - rằng chúng là mục tiêu thật sự.

 

Giám đốc doanh nghiệp này cho biết: “Thành công của chúng tôi được đo bằng việc bị phá hủy của mồi nhử. Khi chúng bị tiêu hủy, điều đó có nghĩa là chúng tôi đã cứu được súng và mạng sống của người dân - và kẻ thù đã lãng phí nhiều vũ khí quý giá hơn."

 

“Khi mồi nhử ở một chỗ quá lâu mà không bị phá hủy, chúng tôi biết đã đến lúc cần phải tạo một mẫu mã mới.”

 

Một sửa đổi gần đây là đưa nhiều kim loại hơn vào các khẩu pháo mô hình, cho phép các khẩu pháo giả này khi nóng lên sẽ có các tín hiệu nhiệt của vũ khí thật khi bắn hàng chục viên đạn mỗi ngày, mà các thiết bị quan sát nhiệt của Nga có thể ghi lại được.

 

Quân đội trên khắp thế giới trong nhiều thập kỷ đã sử dụng mồi nhử để đánh lừa kẻ thù của họ trong chiến tranh. Mick Ryan, một thiếu tá quân đội và nhà phân tích quân sự Úc đã nghỉ hưu, cho biết: “Nhưng [việc lừa dối] đã có một tầm quan trọng mới trong thế kỷ 20 khi máy bay, radio và khả năng di chuyển nhanh hơn đã cải thiện đáng kể tốc độ tiến hành trinh sát và phát hiện lực lượng của kẻ thù”.

 

Ví dụ, ông nói, việc quân đồng minh rút khỏi Gallipoli vào cuối năm 1915 đã sử dụng một kế hoạch đánh lừa lớn trong nhiều tuần để thuyết phục người Thổ Nhĩ Kỳ rằng lực lượng Úc, Anh và các lực lượng khác vẫn đang ở lại bán đảo này.

 

Ryan nói: “Toàn bộ lực lượng đã rút lui mà không bị quân Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện. Nó cho phép quân Đồng minh tránh được thương vong.”

 

Có lẽ ví dụ điển hình nhất là chương trình lớn trước ngày đổ bộ nhằm đánh lừa người Đức về địa điểm và thời điểm cuộc tấn công vào châu Âu sẽ bắt đầu.

 

Ryan nói: “Điều này liên quan đến các trại và thiết bị giả được xây dựng ở Anh, mạng vô tuyến giả được thiết lập, những câu chuyện gây hiểu lầm được đăng trên báo và các chỉ huy giả được bổ nhiệm phụ trách một đội quân không có thực, có tên là Tập đoàn quân đội số 1 của Hoa Kỳ”.

 

Gần đây hơn, người Iraq đã sử dụng mồi nhử vào năm 1991 để gây nhầm lẫn cho chiến dịch không kích của Mỹ. Lực lượng Nam Tư ở Kosovo đã sử dụng pháo giả được chế tạo thô sơ từ gỗ và ống nhựa để lừa các phi công NATO. Trong khi đó, Armenia đã đánh lừa quân đội Azerbaijan bằng các hệ thống tên lửa đất đối không giả trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh năm 2020.

 

Nga cũng có lực lượng mồi nhử bao gồm máy bay chiến đấu MiG-31, hệ thống tên lửa S-300 và xe tăng chiến đấu, đều được bơm hơi. Người Ukraine đã chế nhạo Nga vì các vũ khí giả này đã bị xì hơi trên chiến trường.

 

Những sản phẩm nhái do các kỹ sư tại Metinvest thực hiện phức tạp hơn.

 

Tập đoàn này là nhà sản xuất quặng sắt và thép lớn nhất Ukraine, đồng thời là chủ sở hữu của các nhà máy luyện kim Azovstal và Ilyich, đã bị quân Nga tấn công và chiếm giữ ở Mariupol trong những tháng đầu tiên của cuộc xâm lược. Phần lớn tập đoàn này được kiểm soát bởi người đàn ông giàu có nhất Ukraine, Rinat Akhmetov, người đã đích thân ủng hộ ý tưởng sản xuất hàng giả làm mồi nhử của các nhà quản lý của nhà máy.

 

“Mọi nhân viên của Metinvest đang làm mọi thứ có thể để giữ tính mạng những người lính của chúng tôi ở tiền tuyến. Các mồi nhử quân sự chỉ là một phần nhỏ đóng góp của chúng tôi vào chiến thắng chung”, Akhmetov nói với FT.

 

Bên trong nhà máy mồi nhử, các công nhân đã cưa, đóng búa và dán các mảnh gỗ, xốp và ống nhựa lại với nhau để tạo thành bản sao của pháo D20 thời Liên Xô. Một phiên bản chưa hoàn thiện nằm ở một bên của nhà chứa máy bay, trong khi các mẫu D20 và M777 đã hoàn thiện nằm gần đó.

 

Ngay cả khi ở gần, các mồi nhử gần như không thể phân biệt được với vũ khí và thiết bị thật mà chúng bắt chước, một thành tích ấn tượng vì các nhà sản xuất chưa bao giờ được tận mắt nhìn thấy các trang bị quân sự mà họ đang sao chép.

 

Giám đốc doanh nghiệp này cho biết: “Chúng tôi chưa bao giờ ra tiền tuyến."

 

Để đạt được việc sao chép như thật này, các công nhân của Metinvest nghiên cứu tất cả các thông số vật lý của thiết bị quân sự thực sự bằng cách sử dụng thông tin nguồn mở và tạo ra các thiết kế sơ bộ, tái tạo tất cả sự phức tạp của thiết bị ban đầu cho đến vị trí của các đai ốc và bu lông.

 

Và họ tìm thấy thông số kỹ thuật của vũ khí và thiết bị ở đâu? “Chúng tôi đã tìm kiếm chúng trên Google,” giám đốc doanh nghiệp cho biết. “Tất cả đều có trên internet.”

 

Một công nhân cho biết, một khẩu pháo D20 của Ukraine giống như thật phải mất 4 ngày để sản xuất, trong khi một khẩu pháo M777 của Mỹ mất 14 ngày. Một bản sao radar Sentinel A4 cần tới ba tuần, trong khi radar 35D6M phức tạp hơn và có thể mất một tháng.

 

Chi phí của mỗi chiếc là từ vài trăm đến vài nghìn euro - rẻ hơn đáng kể so với các loại tên lửa, rocket và máy bay không người lái phức tạp mà quân Nga sử dụng để tiêu diệt chúng.

 

“Gần đây, quân Nga đã bắn tên lửa Kh-35 với giá khoảng 1 triệu euro để phá hủy hệ thống radar mồi nhử của chúng tôi. Chúng tôi chỉ mất 1.000 USD cho việc chế tạo nó”, ông nói.

 

.

Hình ảnh:

 

1: https://www.facebook.com/photo?fbid=6922953671076587&set=pcb.6922957717742849

Trong 18 tháng, Metinvest đã cung cấp hơn 250 vũ khí giả và các thiết bị giả làm mồi nhử cho quân đội Ukraine trên khắp chiến tuyến

 

2: https://www.facebook.com/photo?fbid=6922953654409922&set=pcb.6922957717742849

Các công nhân của Metinvest cố gắng đạt được 'tính xác thực tối đa' trong khi sản xuất hàng giả với giá rẻ nhất có thể

 

3: https://www.facebook.com/photo?fbid=6922953664409921&set=pcb.6922957717742849

Trong số các mồi nhử có hệ thống radar 35D6M của Ukraina. Công ty đã mất một tháng để làm ra chúng.

 

4: https://www.facebook.com/photo?fbid=6922953804409907&set=pcb.6922957717742849

Howitzer nằm trong số các vũ khí giả được sản xuất. Ngay cả khi nhìn gần, cũng gần như không thể phân biệt được hàng giả với vũ khí thật.

 

.

16 BÌNH LUẬN  

 

.

Cù Tuấn

Bài gốc https://www.ft.com/.../b0581f55-a449-439c-a92f-1dfb1ca5a181

FT.COM

The decoy weapons leading Russian forces astray in Ukraine

The decoy weapons leading Russian forces astray in Ukraine

 .

Cù Tuấn

Phản công của Ukraine 2023

=====

Vũ khí giả làm mồi nhử đã đánh lừa quân đội Nga ở Ukraine… 

Xem thêm

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats