Saturday, 16 September 2023

VỤ CHÁY CHUNG CƯ MINI Ở HÀ NỘI CHO THẤY SỰ CẤP THIẾT CỦA CHÍNH SÁCH NHÀ Ở XÃ HỘI? (LS Ngô Ngọc Trai / BBC News)

 



Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội cho thấy sự cấp thiết của chính sách nhà ở xã hội?

Luật sư Ngô Ngọc Trai

Gửi tới BBC từ Hà Nội

16 tháng 9 2023, 16:17 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/czr18r83djpo

 

Trong vụ cháy ở phường Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội vừa rồi, tòa nhà được xây dựng 9 tầng với 45 căn hộ đã khiến 56 người chết.

 

Thông tin cho thấy nhiều hộ gia đình gồm có nhiều thế hệ ở chung trong các căn hộ bị cháy. Nếu họ được ở trong các căn nhà ở xã hội được xây dựng theo thiết kế chuẩn khoa học thì đã giảm tránh được những rủi ro.

 

 

Nhà ở xã hội

 

Từ sự việc này tôi cho rằng thành phố Hà Nội nên dành quỹ đất và nguồn vốn đầu tư cho xây dựng nhà ở xã hội để bán và cho thuê đối với người lao động thu nhập thấp, điều chưa được chú trọng cho tới nay.

 

Nhu cầu về chỗ ở của đông đảo lao động nhập cư là rất cao, nhưng họ phải tự xoay sở thuê mướn trong một thị trường nhà ở cho thuê còn rất hạn chế và rất thiếu bàn tay hỗ trợ của nhà nước.

 

Để thấy rõ hơn về vấn đề thì có thể tham khảo thực tế từ TP Hồ Chí Minh - đợt dịch COVID-19 đã bộc lộ ra cho thấy đời sống của người lao động thuê mướn nhà ở những khu dân cư xập xệ.

 

Đến sau dịch TP HCM đã đưa ra kế hoạch đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, dự kiến đến năm 2030 sẽ xây dựng được khoảng hơn 90.000 căn hộ.

 

Nhưng hiện tại, số liệu thực tế cho thấy là rất đáng buồn về những gì chính quyền thành phố đã làm được nhằm đáp ứng chỗ ở cho người lao động thu nhập thấp.

 

Theo thông tin được UBND TP HCM công bố tại Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2030, số lượng căn hộ nhà ở xã hội hiện có rất ít ỏi, chỉ mới đáp ứng được 5% nhu cầu của người lao động.

 

Trong giai đoạn từ 2016 - 2020, toàn thành phố mới chỉ có 19 dự án nhà ở xã hội, đưa ra chừng 15 nghìn căn hộ, chiếm tỷ lệ thấp nhất trên tổng số các loại hình căn hộ gồm cả nhà ở thương mại được bán ra thị trường.

 

Về nguồn vốn đầu tư xây dựng, giai đoạn 5 năm này chỉ có hơn 2 dự án sử dụng vốn ngân sách chiếm 4,15%. Còn lại các doanh nghiệp đầu tư hơn 16 dự án chiếm 95,8%. Như vậy, tỉ trọng vốn nhà nước dành cho việc phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020 rất thấp, cho thấy thành phố hầu như chưa chú trọng bao nhiêu cho việc đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người lao động.

 

Đối với thành phố Hà Nội lâu nay không rõ đã xây bao nhiêu căn nhà ở xã hội, trong đó bao nhiêu là doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng để bán, bao nhiêu dự án do vốn thành phố đầu tư xây dựng?

 

Hiện nay số quỹ đất di dời các nhà máy ra khỏi nội đô nên dành cho việc xây dựng nhà ở xã hội thay vì lại chuyển nhượng đất để làm dự án nhà ở thương mại. Hoặc còn khá nhiều quỹ đất rộng rãi ở khu vực Hà Đông, Thanh Oai hoàn toàn có thể xây được những khu nhà ở rộng lớn đáp ứng nhu cầu người lao động.

 

Quỹ đất và nguồn vốn có lẽ cũng không thiếu, lại có doanh nghiệp nhà nước trực thuộc thành phố. Vấn đề còn lại là cần có một chính sách coi trọng giải quyết cho vấn đề này, vụ cháy vừa rồi hẳn đã là một động lực thúc đẩy đủ cấp thiết.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/e077/live/d5dab500-546e-11ee-83bb-5f9bffc8f569.jpg

Nhu cầu về chỗ ở của đông đảo lao động nhập cư là rất cao (hình minh họa)

 

 

Nhiều bất cập trong chính sách phát triển nhà ở xã hội

 

Một điều tôi băn khoăn là tại sao nhà nước không đứng ra đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội để bán và cho thuê đối với người lao động thu nhập thấp, thay vào đó nhà nước lại để phần lớn công việc đó cho các doanh nghiệp tư nhân làm và rồi lại đưa ra một loạt chính sách hỗ trợ ưu đãi cho các doanh nghiệp thực hiện dự án.

 

Đó liệu có phải là chính sách phát triển đúng đắn về nhà ở xã hội và sẽ dẫn tới những kết quả khác nhau như thế nào?

 

Đầu tiên cần thấy là doanh nghiệp tư nhân khi làm nhà ở xã hội là hoạt động theo mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận.

 

Điều đó là rõ ràng và khác với trách nhiệm mang tính chất công ích của nhà nước trong việc giải quyết đảm bảo nhu cầu về chỗ ở cho một bộ phận tầng lớp dân chúng thu nhập thấp.

Nhà nước ở đây cụ thể là một cấp chính quyền nào đó, ví như ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội hoặc ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, các nơi đó có đủ nguồn lực và điều kiện để làm tại sao lại không làm.

 

Ngoài nguồn lực về vốn thì các nơi đều có các công ty phát triển nhà ở của nhà nước, chưa cổ phần hóa hoặc cổ phần hóa nhưng nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối, như thế các yếu tố nguồn lực, điều kiện, phương tiện đều có.

 

Còn khi để doanh nghiệp tư nhân làm thì nhà nước lại có loạt chính sách hỗ trợ để đảm bảo dự án vừa xây dựng được mà còn đảm bảo một mức độ lợi nhuận cho doanh nghiệp nữa.

 

Ví như chủ đầu tư sẽ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

 

Họ cũng được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng.

 

Được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội, trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí này.

 

Vậy thì chi phí khi đó có lẽ còn tốn kém hơn so với việc giao cho doanh nghiệp của nhà nước đứng ra làm như một nhiệm vụ công.

 

Thực tế lâu nay số căn hộ nhà ở xã hội rất ít ỏi trong khi nhu cầu thì cao. Ví như hồi tháng 5 vừa rồi hơn 1.300 người đã tham gia bốc thăm mua 149 căn hộ tại dự án nhà ở xã hội ở Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Giá bán căn hộ được sở xây dựng phê duyệt là 19,5 triệu đồng/mét vuông.

 

Dẫu cho nhu cầu là thế nhưng việc phê duyệt các dự án lại cũng còn nhiêu khê, bởi vì dù là lợi nhuận không cao được như dự án nhà ở thương mại thì vẫn diễn ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để được chọn làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

 

Nếu việc xây dựng dự án nhà ở xã hội được giao cho doanh nghiệp nhà nước làm như một nhiệm vụ chính trị hành chính công, sẽ đỡ mất thời gian và giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/d43c/live/3d74ec80-546f-11ee-83bb-5f9bffc8f569.jpg

Quanh cảnh tầng để xe máy bị cháy trụi trong chung cư mini ở Thanh Xuân, Hà Nội

 

Một điều bất cập nữa khi giao cho doanh nghiệp tư nhân làm nhà ở xã hội đó là giao cho những doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận đảm trách loại công việc mang tính chất công ích xã hội.

 

Sự chồng lấn thiếu rõ ràng của những hoạt động theo nguyên tắc thị trường vì mục tiêu lợi nhuận với những hoạt động mang tính chất công ích đã dẫn tới thực tế bất cập.

 

Nhiều ý kiến lo ngại các căn hộ nhà ở xã hội được mua bởi những người thay vì nhu cầu sử dụng thực thì lại là đầu tư mua đi bán lại hoặc cho thuê lại. Đó là lý do mà tại kỳ họp mấy tháng trước có Đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến rằng cần phải kiểm tra xem những ai đang ở trong những căn nhà ở xã hội.

 

Việc xảy ra vụ cháy chung cư mini vừa rồi đã đặt ra sự cấp thiết của việc kiểm tra rà soát và đẩy mạnh chính sách về phát triển nhà ở xã hội, để giải quyết đáp ứng nhu cầu về chỗ ở an toàn cho người lao động.

 

--------------------

* Bài viết thể hiện ý kiến và lối hành văn riêng của Luật sư Ngô Ngọc Trai, gửi đến BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats