Wednesday, 27 September 2023

VIỆT NAM Ở MỘT KHÚC QUANH (Nguyễn Huy Vũ)

 



VIỆT NAM Ở MỘT KHÚC QUANH

Nguyễn Huy Vũ  

18-9-2023 01:55   

https://www.facebook.com/lukhach/posts/pfbid0utikP1kMRkAvDnEtHU2DgYSDuce7q39no3Hy14NWRJQ3q5xV8SkYgnWyC7dSboa7l 

 

                                                           *

 

Trung Quốc

 

Tháng rồi, tôi có dịp nói chuyện với một anh người quen chuyên làm nghề xuất khẩu. Anh kể năm ngoái anh xuất qua Trung Quốc được 40 công-tai-nơ (container) gỗ, nhưng năm nay, 2023, không có một đơn hàng nào từ Trung Quốc. Tình hình kinh tế Trung Quốc rất bi đát. Anh bảo thêm, năm ngoái còn dịch nhưng người Trung Quốc còn chi tiền, vì vậy mà họ còn tiêu. Năm nay thì họ không còn tiêu xài gì nữa. Trung Quốc cũng là khách hàng lớn nhất cho các sản phẩm hải sản đặc biệt là tôm của các trang trại nuôi tôm ở Nam Mỹ nhưng năm nay sức mua đã giảm đi rất nhiều dẫn đến giá tôm rẻ, giới nuôi tôm lỗ.

 

Lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, Trung Quốc đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn, nó đánh dấu sự chấm dứt của hi vọng rằng Trung Quốc sẽ trở thành một nền kinh tế lớn nhất thế giới, và nó cũng sẽ chấm dứt việc trở thành một hình mẫu mà Việt Nam sẽ theo đuổi.

 

Sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại, nền kinh tế bắt đầu khôi phục trong vài tháng đầu nhưng sau đó đã mất đà và không còn tăng trưởng nữa. Kể từ cuối tháng 1 đến nay, chỉ số chứng khoán của thị trường Hang Seng đã giảm hơn 20%.

 

Thất nghiệp trong giới trẻ tăng lên. Giảm phát đã trở nên rộng khắp. Xuất khẩu giảm. Bong bóng bất động sản vỡ. Mức nợ của các chính quyền địa phương tăng lên. Tỉ lệ sinh giảm xuống còn 1.06 trên mỗi phụ nữ, thấp hơn cả Nhật, và lần đầu tiên trong vài thập niên, dân số Trung Quốc đã sụt giảm.

 

Hơn 20% thanh niên thất nghiệp. Khi lo ngại về tương lai bất định, người ta không còn tiêu dùng nữa mà để dành. Điều này dẫn đến giá cả hàng hoá giảm xuống.

 

Khu vực đồng tiền chung Châu Âu đã bước vào cuộc khủng hoảng. Là một bạn hàng lớn của Trung Quốc, việc giảm sức mua của khu vực đồng Euro, và tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn đã khiến lượng xuất khẩu của Trung Quốc nhanh chóng sụt giảm.

 

Thị trường địa ốc của Trung Quốc vốn đóng góp gần một phần ba tổng thu nhập quốc dân đã đổ vỡ. Vào tháng 7 vừa rồi, lượng nhà bán ra bởi 100 nhà phát triển địa ốc hàng đầu đã giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái theo thông tin của China Real Estate Information Corp.

 

Việc đóng cửa nền kinh tế đã làm giảm mức thu ngân sách của các chính quyền địa phương. Một nguồn thu khác của các chính quyền địa phương là bán đất cho các doanh nghiệp phát triển địa ốc. Việc thị trường địa ốc khủng hoảng khiến giá nhà đất liên tục giảm đã khiến nguồn thu của chính quyền địa phương giảm xuống, đẩy tỉ lệ nợ tăng lên.

 

Sự sụt giảm dân số sẽ dẫn đến việc giảm lực lượng lao động. Đồng thời, sự già hoá dân số sẽ làm tăng chi phí cho chăm sóc sức khoẻ và an sinh xã hội. Điều này dẫn đến làm tăng mức thâm hụt ngân sách và tăng nợ. Dân số ít hơn sẽ làm giảm mức tiết kiệm gia đình, dẫn đến lãi suất tăng cao lên và giảm mức đầu tư.

 

Khó khăn nhất là chính quyền Trung Quốc hầu như có rất ít phương tiện để đối phó với cuộc khủng hoảng này. Trong cuộc Đại Khủng hoảng vào năm 2008, chính quyền Trung Quốc lúc bấy giờ tung ra gói kích cầu trị giá bốn ngàn tỉ Nhân dân Tệ, tương đương 586 tỉ đô la Mỹ. Gói này chủ yếu để phát triển các dự án hạ tầng do chính quyền dẫn dắt và nó đã giúp kinh tế Trung Quốc đạt được mức tăng trưởng 9%. Tuy vậy, đi kèm với nó là việc gia tăng mức nợ của các chính quyền địa phương và Trung Quốc đã phải vật lộn với nó rất lâu sau đó để giải quyết vấn đề nợ nần này. Trung Quốc không muốn lặp lại những vấn đề này một lần nữa bởi vì hiện nay chính quyền trung ương đang giải quyết vấn đề nợ nần của các chính quyền địa phương và ngăn nó lan rộng trở thành một cuộc khủng hoảng nợ có hệ thống.

 

Nếu một gói kích cầu để vực dậy nền kinh tế Trung Quốc đang trong cơn khủng hoảng như hiện nay, gói kích cầu đó phải có trị giá lớn hơn gói kích cầu năm 2008. Và nếu thực hiện điều này, nó sẽ đẩy mức nợ của Trung Quốc lên cao hơn tổng thu nhập quốc dân, khiến Trung Quốc trở thành một trong những nước có mức nợ cao nhất.

 

E ngại từ những kinh nghiệm trong quá khứ, giới lãnh đạo Trung Quốc đã không muốn chọn một gói kích cầu đồ sộ như xưa nữa, mà thay vào đó là đang tìm kiếm các cách tiếp cận khác.

 

                                                               ***

 

Nga

 

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã bước sang năm thứ hai. Càng đánh Nga càng kiệt quệ và cán cân quyền lực nghiêng hẳn về phương Tây. Các nước như Phần Lan và Thuỵ Điển trong một thời gian dài đã chọn chính sách quân sự trung lập dù về ngoại giao và kinh tế họ rất gần gũi và là một phần của thế giới phương Tây. Họ chọn trung lập vì sợ phải gây hấn với Nga, một láng giềng mạnh. Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã cho thấy một cách rõ ràng rằng Nga thực sự đã không mạnh như đã tưởng, và từ nhận định đó, Phần Lan và Thuỵ Điển đã chấp nhận rủi ro sẽ bị Nga gây hấn khi quyết định gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO).

 

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, giới lãnh đạo của Châu Âu cổ suý cho một thế giới đa cực, trong đó Châu Âu là một cực đứng ngang bằng với Hoa Kỳ. Trong suốt 30 năm sau đó, giới lãnh đạo của Châu Âu đã phát triển các mối quan hệ với Nga. Nhờ sự hợp tác đó Nga đã dần dần khôi phục vị thế cường quốc của mình.

 

Tuy vậy, về mặt văn hoá và ý thức hệ, vẫn còn một khoảng cách rất xa về mặt nhận thức và quan điểm giữa Nga và các nước văn minh phương Tây, cho nên sự hợp tác chỉ dừng lại ở bề ngoài vì lợi ích chứ chưa được như mối quan hệ giữa các nước Châu Âu khác. Điều này có một lịch sử lâu dài.

 

Trong suốt chiều dài lịch sử, nước Nga rộng lớn hầu như bị cô lập với sự phát triển của các nền văn minh phương Tây. Các con sông của Nga chỉ chảy từ Bắc xuống Nam chứ không chảy sang hướng Đông Tây. Nước Nga rộng lớn hầu như không có đường mà chỉ có hướng. Vì vậy mà giao thương giữa Nga với các nước Châu Âu hầu như không có. Sản phẩm trao đổi giữa người Nga và các nước Châu Âu khác chủ yếu là lông thú, mặc hàng đắt giá này ít bị ảnh hưởng bởi giao thông khó khăn.

 

Vì không có trao đổi nên người Nga hầu như đứng bên ngoài các phong trào nhân văn diễn ra ở Châu Âu, mà cụ thể là Phong trào Khai sáng (Enlightment). Trong phong trào này, các giá trị về ý thức quyền con người, sự tự do, tiến bộ, bao dung, bác ái, chính quyền hợp hiến, và sự tách biệt giữa chính quyền thế tục và nhà thờ đã được xiển dương. Những giá trị này sau đó trở thành những văn hoá nền tảng để xây dựng nên một Châu Âu nhân ái và dân chủ ngày nay.

 

Do cách trở địa lý người Nga đã không tham gia vào cuộc cách mạng tiến bộ này như người ở các nước Châu Âu. Cho đến trước cuộc Cách mạng Tháng Mười, chế độ nông nô vẫn còn rất phổ biến ở Nga. Vì vậy mà người Nga đã tham gia vào cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa của Nga với ý thức rất ít về các giá trị tự do, dân chủ, pháp quyền, và nhà nước lập hiến. Nếu đa số người Nga đều ý thức về các giá trị này, hẳn chế độ cộng sản hay bất cứ một chế độ độc đoán nào hẳn sẽ không thể cai trị lâu dài ở đây. Những giá trị này cho đến giờ vẫn còn là một khoảng cách nhận thức rất lớn giữa Nga và các nước phương Tây làm ngăn cản một sự hợp tác thực chất dù về mặt địa lý Nga có thể coi như là một phần của Châu Âu.

 

Cuộc xâm lược của Nga đã giúp Châu Âu thức tỉnh và giúp Hoa Kỳ đạt được kế hoạch bao lâu nay của mình đó là thuyết phục Châu Âu hạn chế các hợp tác với Nga. Trong quan điểm của Hoa Kỳ, sự lớn mạnh của Nga sẽ chỉ gây nguy hiểm cho hoà bình và sự phát triển của thế giới, và sau đó là vị thế của Hoa Kỳ, bởi Nga sẵn sàng chia sẻ và hợp tác với các thể chế độc đoán vốn xiển dương các giá trị đi ngược lại văn minh phương Tây, làm xói mòn những định chế và vị thế của Hoa Kỳ.

 

Giờ đây với việc Châu Âu và Hoa Kỳ cùng cô lập, Nga cuối cùng sẽ trở thành một con gấu bị thương nằm ở một góc, khó có thể nào gây hại cho ai.

 

                                                       ***

 

Chính sách thực dụng của đảng Cộng sản

 

Kể từ khi thực hiện chính sách Đổi Mới vào năm 1986 cho đến nay, giới cầm quyền của đảng Cộng sản Việt Nam thực ra đã vất bỏ chủ nghĩa cộng sản trên thực tế mà thay vào đó là chính sách thực dụng, học theo chủ trương của Đặng Tiểu Bình “mèo trắng mèo đen miễn bắt được chuột”. Cái gì lợi cho đảng, làm cho đảng mạnh, làm cho đất nước phát triển dưới sự cầm quyền của đảng thì giới lãnh đạo sẽ thực hiện. Chủ nghĩa cộng sản lúc này chỉ có giá trị trên giấy tờ và băng rôn.

 

Tính chính danh duy nhất của bất kỳ một chính quyền độc đoán nào đối với người dân là khả năng đem lại sự thịnh vượng của đất nước. Nếu một đảng cầm quyền không làm cho dân giàu và nước mạnh thì đảng đó không có lý do gì để mà biện minh cho sự cầm quyền của mình.

 

Ý thức về sự tồn vong của mình gắn liền với sự phát triển của quốc gia cho nên giới lãnh đạo đảng Cộng sản luôn tìm mọi cách để phát triển quốc gia. Nhưng ý muốn là một chuyện, còn năng lực và thể chế lại là chuyện khác.

 

Hai chổ dựa cho đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế, ít nhất cho đến khi Nga chiếm Ukraine, là Nga và Trung Quốc. Bất cứ một chính quyền nào nó cũng cần tính chính danh; chính danh đối với người dân trong nước của nó và chính danh trên trường quốc tế. Bằng cách dựa vào Nga và Trung Quốc, đảng Cộng sản Việt Nam đã xây dựng được hình ảnh và vị thế của mình kể từ ngày lập nên chế độ cho đến nay.

 

Nhưng nay thì hai cột trụ Nga và Trung Quốc đã nghiêng. Nga bị thế giới tẩy chay và cô lập. Trung Quốc đang đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế. Trung Quốc cũng bắt đầu bị Hoa Kỳ và các đồng minh xem là một đối thủ chính thức, bị giám sát và hạn chế các trao đổi và hợp tác có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, mở đường cho một cuộc đối đầu và cô lập lớn trong tương lai.

 

Đảng Cộng sản Việt Nam đã cố gắng giữ một vị trí đứng cách xa Nga để họ không bị mất hình ảnh và uy tín trên trường thế giới. Họ cũng bắt đầu bước ra khỏi cái bóng của Trung Quốc. Đó là những chính sách thực dụng. Bởi càng đứng gần với Nga và Trung Quốc trên các diễn đàn thế giới, giới lãnh đạo đảng Cộng sản sẽ dần bị cô lập bởi thế giới văn minh và ngày càng trở nên mất đi tính chính danh. Cũng bởi vì họ là một nhóm nhỏ người không có được sự ủng hộ của người dân qua một cuộc bầu cử, cách tốt nhất để tiếp tục nắm quyền đó là nương theo ý nguyện của người dân mà thực hiện các chính sách, và ý nguyện của người dân đó là kết giao với Mỹ và phương Tây.

 

Chính sách cây tre của đảng Cộng sản Việt Nam thực ra là chính sách thực dụng; nó được áp dụng không chỉ trong ngoại giao, trên các diễn đàn thế giới, mà còn trong đối nội, mà mục tiêu cuối cùng là giữ vững đảng Cộng sản.

 

                                                  ***

 

Phong trào Duy Tân thứ hai.

 

Một phong trào yêu nước đúng đắn và lương thiện nhất của Việt Nam trong Thế kỷ 20 đó là phong trào Duy Tân khởi xướng bởi Phan Châu Trinh và những người bạn của ông. Duy Tân tức là đổi mới. Mà muốn đổi mới thì phải bỏ cái cũ mà học cái mới hay hơn, văn minh hơn của người ta, mà ở đây là học từ phương Tây — Pháp, các nước Châu Âu khác và Mỹ. Muốn học được của người ta thì trước hết phải biết ngôn ngữ của người ta mới có thể tiếp cận được trực tiếp tư liệu và suy nghĩ của người ta để mà học. Càng nhiều người biết được chữ của người ta thì càng nhiều người học được cái hay của họ.

 

Đáng tiếc ý thức duy tân đã nhanh chóng bị thui chột và đánh đổ bởi chính những chính trị gia thiếu viễn kiến nhưng giàu lòng tự tôn dân tộc. Ông Hoàng Xuân Hãn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên, đã quyết định thay thế toàn bộ sách giáo khoa tiếng Pháp bằng sách tiếng Việt, lấy lý do là để xây dựng tinh thần quốc gia, dân tộc. Sau đó, ở các chính quyền miền Bắc và miền Nam, giới chức đã nhanh chóng Việt hoá toàn bộ sách giáo khoa cho các chương trình giáo dục. Hậu quả là chỉ sau vài thập kỷ, tiếng Pháp đã biến mất và những gì nền giáo dục Pháp để lại sau 80 năm đô hộ gần như bị xoá sổ. Cánh cửa duy tân của một quốc gia coi như chấm dứt tại chỗ đó. Nếu những chính trị gia ngày đó có viễn kiến để giữ lại tiếng Pháp như một ngôn ngữ thứ hai dùng trong trường học, thương mại và hành chánh, hẳn Việt Nam sau đó sẽ tiếp cận được một cách nhanh chóng những kiến thức và văn minh của nhân loại thông qua những tư liệu của Pháp, một trụ cột văn minh của Châu Âu. Điều này lý giải tại sao trong suốt gần nửa thế kỷ qua, Việt Nam đã không có bất kỳ một nhà văn hoá lớn nào xuất hiện ngoại trừ vài trí thức đã được đào tạo dưới thời Pháp thuộc hay được gửi đi học ở phương Tây dưới thời chính quyền Việt Nam Cộng Hoà. Đặc biệt kể từ khi chính quyền cộng sản tiếp quản cả nước cho đến gần đây, nền học thuật của Việt Nam gần như bị cô lập với thế giới phát triển bên ngoài.

 

Chỉ đến khi Việt Nam cởi mở quan hệ ngoại giao với các nước và người Việt được phép tự do di chuyển ra nước ngoài một cách dễ dàng hơn trong khoảng chừng 10 năm gần đây, sự hợp tác về văn hoá với Mỹ và các nước Châu Âu mới bắt đầu phát triển hơn. Những người trẻ bắt đầu du học. Sách nước ngoài được dịch nhiều hơn. Các cơ sở giáo dục nước ngoài bắt đầu hợp tác với các trung tâm trong nước. Người Việt đi du lịch nhiều hơn. Một phong trào duy tân thứ hai xuất hiện. Lần này không phải do bất cứ một tổ chức hay cá nhân nào kêu gọi. Mà nó là một nền duy tân thị trường. Thị trường quyết định rằng điều gì sẽ giúp cho những cá nhân có cơ hội thăng tiến lên trong xã hội, và không hề khó cho những cá nhân để họ nhận ra rằng những kiến thức và kỹ năng mà họ học hỏi được từ Mỹ và Châu Âu sẽ đem lại cho họ những cơ hội thăng tiến lớn trong cuộc đời của mình. Với hiểu biết như vậy, bất cứ một gia đình có điều kiện nào cũng cho con đi du học, mà chủ yếu ở phương Tây.

 

Điều này không khác bao nhiêu những kinh nghiệm vốn đã diễn ra ở Singapore. Khi Singapore độc lập, những người gốc Hoa muốn các trường đại học dạy bằng tiếng Hoa, còn chính phủ do ông Lý Quang Diệu lãnh đạo lại chủ trương giáo dục bằng tiếng Anh. Thị trường sau đó đã quyết định rằng học bằng tiếng Anh sẽ đem lại một tương lai tốt đẹp hơn vì các sinh viên ra trường với vốn tiếng Anh tốt có nhiều cơ hội thăng tiến hơn. Các trường đại học dạy bằng tiếng Hoa sau đó thui chột dần vì ít người muốn học rồi cuối cùng phải đóng cửa. Ngày nay tất cả các trường ở Singapore đều giảng dạy bằng tiếng Anh.

 

Ngày nay, nhu cầu và động lực trao đổi, học hỏi và thương mại với Mỹ và các nước Châu Âu đã đạt đến một ngưỡng không thể quay ngược lại. Không chỉ các bạn trẻ muốn du học, các học giả muốn trao đổi học thuật, các doanh nhân muốn hợp tác thương mại với phương Tây, mà các đảng viên bên trong đảng Cộng sản cũng muốn hợp tác với họ. Có vài lý do. Giới lãnh đạo cộng sản giờ đây đa số không còn là vô sản nữa mà phần lớn đều có tài sản kếch xù. Phía sau họ là những công ty sân sau. Họ cần hợp tác với phương Tây để lấy công nghệ và thương mại. Và lý do thứ hai là ngay cả bên trong đảng Cộng sản cũng có cạnh tranh. Một đảng viên muốn thăng tiến lên trên con đường quan lộ của mình, ngoài tiền, quan hệ ra, anh ta cũng phải chứng minh được mình có một khả năng nào đó và điều chứng minh đầu tiên là khả năng về học thuật. Các đảng viên trẻ thăng tiến nhanh giờ đây đều trải qua quá trình học tập ở các nền giáo dục phương Tây.

 

Việc Việt Nam ký kết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ sẽ không thể diễn ra nếu có một chống đối lớn bên trong đảng Cộng sản. Ước muốn duy tân bằng cách học hỏi và hợp tác với phương Tây giờ đây không chỉ hiện diện trong nhân dân mà còn ngay cả trong đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Đến lược nó, khi người dân Việt Nam, kể cả người trong đảng Cộng sản, tiếp xúc nhiều hơn với những giá trị hình thành nên văn hoá phương Tây, họ sẽ được dịp học hỏi và làm quen. Ý thức về tự do, về các quyền con người, về các mối quan hệ trong xã hội từ từ sẽ hình thành. Đó sẽ là những nền tảng để dựng xây nên một nhà nước dân chủ trong tương lai.

 

                                                     ***

 

Tương lai Việt Nam

 

Chính sách kinh tế Việt Nam cho đến nay dựa trên hai định hướng chính đó là định hướng xuất khẩu (export-oriented economy) và nền kinh tế mở (open economy). Chính sách định hướng xuất khẩu được dẫn dắt chủ yếu bởi các doanh nghiệp đầu tư của nước ngoài (FDI), còn nền kinh tế mở được thiết lập bởi 15 hiệp định thương mại.

 

Chính sách phát triển kinh tế của Việt Nam gần giống với chính sách phát triển kinh tế của Singapore hơn là Hàn Quốc. Chính sách kinh tế định hướng xuất khẩu của Hàn Quốc dựa vào bốn biện pháp chính, đó là hỗ trợ hành chính để thúc đẩy xuất khẩu, hệ thống thuế ưu đãi, trợ cấp cho các hoạt động xuất khẩu, và giảm dần chính sách thay thế nhập khẩu.

 

Ở Việt Nam, ngoại trừ một số ưu đãi về thuế và đất đai mang tính cách đặc biệt cho một số doanh nghiệp nước ngoài, những chính sách này hầu như không thấy, không đáng kể, và không xuất hiện một cách có hệ thống để thúc đẩy các doanh nghiệp nội nỗ lực xuất khẩu hàng hoá. Định hướng xuất khẩu được điều phối chủ yếu bởi các doanh nghiệp nước ngoài. Đó là những doanh nghiệp có sẵn đối tác tiêu thụ hàng hoá ở bên ngoài và họ đầu tư các hoạt động sản xuất ở Việt Nam chủ yếu nhờ lao động rẻ và thuế áp dụng cho riêng họ thấp. Chính vì việc xuất khẩu được dẫn dắt chủ yếu bởi các doanh nghiệp nước ngoài cho nên sau khoảng 20 năm kể từ ngày đón nhận các dự án đầu tư của nước ngoài cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa hình thành nên một ngành công nghiệp sản xuất có thực lực.

 

Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế khác nhau khiến cho Việt Nam bị hạn chế ở một số khía cạnh khi muốn trợ cấp cho các hoạt động sản xuất. Tuy vậy, có nhiều lĩnh vực mà chính quyền có thể can thiệp để phát triển nó thành một chiến lược định hướng xuất khẩu đúng nghĩa.

 

Việc mở cửa nền kinh tế bằng các hiệp định thương mại đã đem lại nhiều lợi ích nhanh chóng mà nhiều người ngỡ rằng Việt Nam đã sắp đuổi kịp các nước phát triển. Lần đầu tiên sau nhiều năm hàng hoá nước ngoài tràn ngập vào thị trường Việt Nam, bởi thuế và các thủ tục nhập khẩu đã giảm bớt đi. Người Việt Nam giờ đây nếu có chút điều kiện đều có thể tiếp cận được tất cả những hàng hoá có xuất xứ từ Âu Mỹ với giá cả không khác xa bao nhiêu hàng hoá bán ở các nước này. Sự tiện nghi và điều kiện sống của người Việt Nam nhanh chóng được nâng lên.

 

Tuy vậy, mở cửa nền kinh tế hoàn toàn không phải là không có mặt trái. Khi các hàng rào thuế quan và thủ tục giảm đi, đó cũng là lúc các doanh nghiệp nội buộc phải cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm của các doanh nghiệp đa quốc gia từ các nước phát triển. Hoặc là các doanh nghiệp nội nâng năng suất lao động hoặc là họ buộc phải đóng cửa. Việc nâng năng suất lao động phải đi kèm với nó là chất lượng lao động và trình độ công nghệ đi lên. Các doanh nghiệp nội cũng có thể hưởng lợi nếu chính quyền có những chính sách hành chính nhằm giúp họ tối ưu hoá hoạt động hay nguồn vốn của mình.

 

Phụ thuộc xuất khẩu và trở thành nền kinh tế mở cũng khiến Việt Nam phụ thuộc vào các biến động của nền kinh tế thế giới nhiều hơn. Việc kinh tế Trung Quốc suy thoái, kinh tế toàn cầu yếu, và tình trạng tín dụng suy kiệt trên toàn thế giới đã góp phần đưa Việt Nam vào một cuộc khủng hoảng.

 

Đẩy mạnh đầu tư công sẽ chỉ giúp Việt Nam bớt đi khó khăn trong một giai đoạn ngắn và để lại mức nợ phải trả cao hơn trong tương lai. Muốn Việt Nam tiếp tục phát triển và vươn lên trở thành một nước thu nhập cao nó đòi hỏi Việt Nam phải đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, và bên cạnh đó tối ưu hoá những hoạt động hành chính để gia tăng lợi tức cho nguồn vốn.

 

Nhưng để thực hiện thành công những điều này, một cách gián tiếp nó sẽ làm suy yếu vị thế của đảng Cộng sản. Khi người dân có hiểu biết hơn, có cơ hội tiếp cận với nhiều thông tin hơn, và đặc biệt là khi họ trở nên đầy đủ về mặt vật chất, họ sẽ muốn được tự do trong suy nghĩ và hành động. Lúc này nhu cầu của họ về một xã hội tự do sẽ trỗi dậy.

 

Để tối ưu hoá nguồn vốn của xã hội nói chung, chính quyền buộc phải giảm tham nhũng, cắt bỏ bớt thủ tục, và thực hiện hiệu quả hệ thống thuế. Để thực hiện điều này, Việt Nam cần phải cải tổ sâu rộng hệ thống chính quyền, giảm số lượng công chức và thay thế bằng những người ưu tú. Những công chức ưu tú được đào tạo đầy đủ, được trả một mức lương xứng đáng đến lượt họ sẽ trở thành những công chức đúng nghĩa, và tự trong bản thân, họ sẽ mong muốn được sống trong một thể chế nhân văn biết tôn trọng những giá trị của con người.

 

Nói như vậy để thấy rằng Việt Nam muốn tiến lên để trở thành một nước phát triển và thịnh vượng, nó tất phải đi qua con đường dân chủ hoá.

 

Đảng Cộng sản không thể dẫm chân tại chỗ được bởi vì như đã nói, số phận của đảng Cộng sản sẽ được quyết định bởi khả năng dẫn dắt đất nước trở thành một quốc gia thịnh vượng. Người dân Việt Nam muốn thấy đất nước mình mỗi ngày đều tiến lên. Nếu đảng Cộng sản không thể thực hiện được nguyện ước đó, nó sẽ nhanh chóng bị đẩy sang một bên. Đó thật sự là một nan đề cho chính những lãnh đạo đảng Cộng sản, bởi vì muốn tiến lên họ buộc phải bước qua con đường dân chủ hoá. Cuối cùng rồi thì họ cũng phải chọn và chắc chắn là chủ động để thực hiện một cuộc bầu cử tự do bởi vì họ không muốn bị lịch sử hất qua một bên. Đó sẽ là một lựa chọn tốt, cho họ và cho cả quê hương.

 

Nguyễn Huy Vũ

17.9.2023

.

13 BÌNH LUẬN  







No comments:

Post a Comment

View My Stats