Tuesday, 5 September 2023

VÌ SAO HỒ DUY HẢI, NGUYỄN VĂN CHƯỞNG KHÔNG NẰM TRONG DANH SÁCH ÂN GIẢM CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC? (BBC News Tiếng Việt)

 



Vì sao Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng không nằm trong danh sách ân giảm của Chủ tịch nước?

BBC News Tiếng Việt

5 tháng 9 năm 2023

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-66714682

 

Cuối tháng 8 vừa qua, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã công bố ân giảm hình phạt tử hình xuống còn chung thân cho 11 người.

 

Danh sách này không được công khai, nên không ai biết tử tù nào đã may mắn được ân giảm và nhờ đâu họ được ân giảm.

 

Tuy nhiên, được biết hai tử tù nổi tiếng là Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng không có tên trong danh sách này, theo xác nhận từ gia đình hai ông.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/D532/production/_130987545_hoduyhai-nguyenvanchuong.jpg

 Hồ Duy Hải (trái) và Nguyễn Văn Chưởng

 

Việt Nam: Số liệu người bị kết án tử hình là 'bí mật quốc gia'?

Quanh việc tòa án VN nói bức xúc vụ Hồ Duy Hải là do 'truyền thông bẩn'

Vụ án Nguyễn Văn Chưởng: Còn 'uẩn khúc' gì sau hơn 16 năm?

Việt Nam: Số liệu người bị kết án tử hình là 'bí mật quốc gia'?

 

Tuyên bố ân giảm cho tử tù của Chủ tịch nước VN được đưa ra vào thời điểm dư luận nước này vẫn đang xôn xao về vụ việc của tử tù Nguyễn Văn Chưởng. Trong khi đó, bản án tử hình đối với Hồ Duy Hải nhiều năm qua vẫn chưa ngã ngũ và gia đình Hải vẫn kêu oan cho tới nay.

 

Trong tháng qua, nhiều nhà hoạt động, trí thức đã kêu gọi hoãn thi hành án tử hình, thậm chí kêu gọi trả tự do cho Nguyễn Văn Chưởng. Nhiều luật sư đã lên tiếng nói là có "các lỗ hổng" trong bản án xử ông Chưởng và có thể dẫn đến xét xử oan sai.

 

BBC tìm hiểu câu chuyện và ghi nhận ý kiến của các luật sư về chuyện vì sao hai tử tù này không có tên trong danh sách 11 người được ân giảm, và việc không công khai danh sách ân giảm là thế nào theo luật Việt Nam.

 

 

Đặc xá, đại xá và ân giảm

 

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt về vấn đề này, luật sư Phùng Thanh Sơn từ TP Hồ Chí Minh đưa ra một số lý giải.

 

Theo luật sư Sơn, pháp luật Việt Nam không có thuật ngữ "ân xá" mà chỉ có các thuật ngữ như: đặc xá, đại xá, ân giảm hình phạt tử hình, tha tù trước thời hạn.

 

Đặc xá, ân giảm hình phạt tử hình thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước, đại xá thuộc thẩm quyền của Quốc hội, tha tù trước thời hạn thuộc thẩm quyền của tòa án.

 

Tha tù trước thời hạn, đặc xá không áp dụng cho người bị kết án tử hình.

 

Theo Điều 9 của Luật đặc xá 2018, Quyết định đặc xá phải được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng và được niêm yết tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ.

 

Về vấn đề có nên công khai danh sách tử tù được đặc xá không, luật sư Phùng Thanh Sơn nói:

 

"Danh sách đặc xá là một phần không thể tách rời của quyết định đặc xá. Do đó, theo tôi, danh sách đặc xá cũng phải được công bố công khai. Mặt khác, một trong những nguyên tắc thực hiện đặc xá là "đảm bảo dân chủ, công bằng, khách quan, công khai, minh bạch" (Điều 4 Luật đặc xá 2018). Để nguyên tắc này được thực hiện trên thực tế thì danh sách đặc xá phải được công khai. Công khai thì người dân, phạm nhân, cán bộ trại giam mới biết và giám sát được. Nhờ đó mà hạn chế tối đa tiêu cực trong việc xem xét đặc xá."

 

 

Trường hợp Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng

 

Riêng với trường hợp của Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng, luật sư Phùng Thanh Sơn cho rằng không thể đặc xá và không nên đặc xá cho hai tử tù này vì hai lý do sau:

 

- Thứ nhất, đặc xá không áp dụng cho người bị kết án tử hình.

 

- Thứ hai, bản chất của vụ Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng là oan sai, không có tội nên không phải xin ân giảm hình phạt tử hình.

 

"Chủ tịch nước cũng phải tuân thủ pháp luật, không thể hành động chiều theo cảm xúc của số đông. Do đó, danh sách đặc xá lần này không có tên của Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng là điều bình thường và hoàn toàn phù hợp với pháp luật về đặc xá," luật sư Sơn nêu quan điểm.

 

"Và theo quan điểm cá nhân tôi, luật đặc xá không áp dụng cho người bị kết án tử hình là phù hợp. Bởi lẽ hình phạt tử hình là hình phạt đặc biệt, cách ly vĩnh viễn kẻ phạm tội khỏi đời sống xã hội.

 

"Nếu đặc xá áp dụng cho người bị kết án tử hình thì vô tình làm vô hiệu hoá hình phạt tử hình, không đảm bảo được tính răn đe đối với một số tội đặc biệt nghiêm trọng mà cần phải áp dụng hình phạt tử hình."

 

Cũng theo luật sư Phùng Thanh Sơn, vấn đề của Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng nằm ở Bộ luật tố tụng hình sự chứ không phải Luật đặc xá.

 

"Những vụ như vụ của Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng theo tôi chỉ là bề nổi của tảng băng trôi, may mắn được dư luận, các cơ quan truyền thông biết, quan tâm và lên tiếng. Trong thực tế chắc chắn còn nhiều vụ oan sai khác mà chúng ta không biết đến."

 

"Về nguyên tắc, công lý cũng phải có điểm dừng và không thể tránh được sai sót. Tuy nhiên những sai sót đó phải xuất phát từ những tình huống bất khả kháng chứ không phải đến từ sự chủ quan, yếu kém, vi phạm tố tụng của những người tiến hành tố tụng."

 

Theo luật sư Sơn, để hạn chế oan sai, cần sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự theo hướng để nâng cao trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng. Cơ quan điều tra có nghĩa vụ chứng minh chứ không phải yêu cầu bị can, bị cáo chứng minh.

 

Bị can, bị cáo tạm giam thì không thể nào thu thập bằng chứng để chứng minh được nên yêu cầu bị can, bị cáo chứng minh là điều bất khả thi. Các buổi hỏi cung bị can phải được ghi âm, ghi hình hoặc có sự chứng kiến của luật sư.

 

Nếu bất kỳ buổi lấy cung nào không được ghi âm, ghi hình hoặc không có sự tham gia của luật sư là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và bản cung đó không được dùng để buộc tội bị cáo. Mọi luận điểm, lập luận bào chữa của bị cáo, người bào chữa phải được phản ánh đầy đủ trong bản án.

 

Đại diện Viện kiểm sát có nghĩa vụ tranh luận lại theo từng luận điểm để làm sáng tỏ sự thật vụ án. Trong bản án, phải có nhận định, đánh giá của Hội đồng xét xử về từng luận điểm, lập luận của bị cáo, người bào chữa.

 

Bản án không phản ánh đầy đủ các luận điểm, lập luận của bị cáo, người bào chữa; thiếu các nhận định, đánh giá của hội đồng xét xử về các luận điểm, lập luận của bị cáo, người bào chữa thì được xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và phải bị hủy để xét xử lại.

 

"Một khi có được một bản án "trong suốt" (mọi quan điểm và lập luận của bị cáo, người bào chữa, đại diện Viện kiểm sát; nhận định của hội đồng xét xử đã thể hiện đầy đủ trên bản án) thì chỉ cần đọc bản án là có thể đánh giá được bản án đó có thể đứng vững hay không.

 

"Có như vậy mới hạn chế được tình trạng bức cung, nâng cao trách nhiệm của người tiến hành tố tụng, hạn chế tối đa trình trạng oan sai. Nếu có oan sai thì cũng dễ dàng phát hiện và khắc phục kịp thời," luật sư Sơn cho hay.

 

Luật sư Hải Bình từ TP Hồ Chí Minh, người cách đây nhiều năm từng bào chữa cho tử tù Nguyễn Thị Lượm - người sau này được Chủ tịch nước ân xá thì nói với BBC rằng tử tù được ân xá khi chủ tịch nước ký, việc này phải có sự tham vấn của Chánh án tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao.

 

Trái với ý kiến của luật sư Sơn, luật sư Hải Bình cho rằng danh sách ân xá không được công bố công khai vì theo luật ko buộc phải công khai, đồng thời vì lý do tế nhị, một số vụ án nhà nước không công khai người được ân xá là đảm bảo quyền bí mật đời tư để hòa nhập cộng đồng, cũng như tránh phản ứng từ gia đình của nạn nhân mà tử tù gây ra.

 

"Theo tôi không nên công khai," luật sư Hải Bình nói với BBC.

 

Ông Hải Bình không bình luận về trường hợp Nguyễn Văn Chưởng nhưng với trường hợp Hồ Duy Hải, ông nói rằng trong quá trình tố tụng, các cơ quan tố tụng vẫn đang tranh cãi là có tội hay vô tội, nếu xác định có tội thì hành vi "giết và cướp" với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì khó được ân xá.

 

----------------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

Việt Nam vẫn duy trì án tử hình trong khi 108 quốc gia đã xóa bỏ

1 tháng 6 năm 2022

.

Quanh việc tòa án VN nói bức xúc vụ Hồ Duy Hải là do 'truyền thông bẩn'

14 tháng 5 năm 2020

.

Vụ án Nguyễn Văn Chưởng: Còn 'uẩn khúc' gì sau hơn 16 năm?

9 tháng 8 năm 2023

.

Vụ án Hồ Duy Hải: Chứng cứ vô tội đã có ở trong hồ sơ?

26 tháng 7 năm 2023

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats