Saturday 16 September 2023

VẤN ĐỀ MẤU CHỐT DẪN TỚI 56 CÁI CHẾT (Dương Quốc Chính)

 



VẤN ĐỀ MẤU CHỐT DẪN TỚI 56 CÁI CHẾT   

Dương Quốc Chính

15-9-2023  19:54   

https://www.facebook.com/chinh.duongquoc.kts/posts/pfbid035hNT5noGG95M9pxAzFuMZaEuYFfkAcXg6rpb5XnjGniAyqPD6CL1tRYunNsPqyXil

 

Vấn đề mấu chốt dẫn tới cái chết trong vụ cháy của cái gọi là chung cư mini vừa rồi là ở chỗ pháp luật chưa rõ ràng, nhập nhèm, về khái niệm pháp lý của chung cư mini. Khái niệm chung cư mini mới có ở QĐ24/2014 của UBND TPHN, nó cũng chỉ có ý nghĩa ở Hà Nội. Ở các tỉnh khác không có chung cư mini. Tuy nhiên, các văn bản pháp lý về phòng cháy chữa cháy (PCCC) cũng như xây dựng khác không có khái niệm chung cư mini. Nói cách khác, cái gọi là chung cư mini không phải là chung cư, nó vẫn là nhà ở riêng lẻ.

 

 

Trong nghị định 79/2014 và sau này là NĐ136/2020 thay thế nó, hướng dẫn luật PCCC, không có khái niệm chung cư mini.

 

Nhà bị cháy vừa rồi về pháp lý vẫn là nhà ở riêng lẻ, có thể dùng để cho thuê phòng, có thể đã bán chui 1 số hoặc toàn bộ các căn hộ. Nếu coi nó là chung cư, thì phải được thể hiện ở văn bản pháp lý nào đó. Như chung cư bình thường, nó được thể hiện ở dự án khả thi (báo cáo kinh tế kỹ thuật) được cơ quan chức năng phê duyệt, thẩm định và giấy phép xây dựng. Còn nhà này, chỉ có văn bản pháp lý duy nhất là giấy phép xây dựng, thì nó được thể hiện là nhà ở riêng lẻ. Khái niệm chung cư có thể hiện rõ ràng ở luật Nhà ở:

 

“Nhà chung cư là nhà có từ 2 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho các hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp để ở và kinh doanh”.

 

Nhà ở riêng lẻ có “bán” một số diện tích ở không có nghĩa là biến nó thành chung cư, bởi vì nó vẫn không được định rõ các diện tích sở hữu chung và riêng và không thể có loại công trình nào vừa là nhà ở riêng lẻ lại vừa là chung cư được. Đây là hai khái niệm pháp lý được định nghĩa khác nhau trong luật xây dựng. Giống như không có một con chó lại vừa là một con mèo.

 

Trong khi đó NĐ79/2014 không bắt buộc nhà ở riêng lẻ phải có thiết kế PCCC. Từ đó dẫn tới thể loại “chung cư mini” này không bao giờ có thiết kế PCCC, mà Hà Nội có khoảng 2000 tòa nhà dạng này. Không phải tự nhiên nó như vậy và nó không hề sai luật PCCC.

 

Kể cả ngôi nhà được xây vượt tầng thì nó vẫn không sai quy định về thiết kế đáp ứng quy định PCCC nếu nó chỉ là nhà ở riêng lẻ.

 

Trong mục 10, phụ lục 4 của NĐ79 có quy định các loại công trình phải thẩm duyệt thiết kế PCCC:

 

“10. Nhà chung cư cao 05 tầng trở lên; nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000m3 trở lên.”

 

Nhưng cũng không có nhà ở riêng lẻ. Nếu muốn chủ nhà kia vi phạm quy định, thì phải dí được cho ngôi nhà đó thành một trong các thể loại công trình nêu trên (gần giống nó nhất).

 

NĐ136/2020 có khắc phục bất cập trên ở mục 2 và 7, PL5 (DANH MỤC DỰ ÁN, CÔNG TRÌNH, PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CƠ GIỚI THUỘC DIỆN THẨM DUYỆT THIẾT KẾ VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY).

 

“2. Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên”.

 

Và:

 

“Khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ, cơ sở lưu trú khác được thành lập theo Luật Du lịch cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000m3 trở lên”.

 

Có bổ sung khái niệm “nhà trọ” là gần giống ngôi nhà này nhất, nếu nó được dùng để cho thuê ở. Nhưng thực tế lại không có khái niệm pháp lý về công trình “nhà trọ”. Nhà trọ chỉ có định nghĩa pháp lý như 1 ngành kinh doanh. Tức là quy định trên cũng sơ hở về pháp lý.

 

Như vậy, nếu dí được ngôi nhà này là dạng nhà trọ thì chủ nhà mới có vẻ vi phạm về thiết kế PCCC! Trong khi ngôi nhà vẫn đang là nhà ở riêng lẻ (dùng để trọ).

 

Thế nhưng trong những ngày qua, rất nhiều chuyên gia luật, kiến trúc sư… nhất định cho là luật lệ rất rõ ràng và chặt chẽ, họ mạnh mẽ vu cho chủ nhà vi phạm quy định về PCCC thay cho tòa! Một dạng suy đoán có tội hoặc vu khống, ví dụ như ảnh đính kèm hay ở video sau đây:

 

Xử lý chung cư mini bị cháy làm 56 người chết xây sai phép: Tội lỗi đâu chỉ ở chủ đầu tư! | VTC Now

https://www.youtube.com/watch?v=YqcPDMxRHic

 

Mình thấy hầu hết báo chí, người dân đều mặc định đổ tội cho chủ nhà vi phạm quy định PCCC nên mới dẫn tới 56 cái chết. Như thế là rất nguy hiểm, vì đám đông và cả chuyên gia đang đẩy một cá nhân vào án tù 12 năm và bị cộng đồng phỉ nhổ.

 

Khả năng lớn dẫn tới 56 cái chết là do ngôi nhà không đáp ứng về lối thoát nạn và thang thoát hiểm không nhiễm khói. Nếu ngôi nhà phải thẩm duyệt PCCC thì sẽ được áp dụng Quy chuẩn PCCC 06, cái này rất chặt và chắc chắn đáp ứng các yêu cầu trên, sẽ không thể có nhiều người chết vậy.

 

Như vậy, phải hiểu rõ nguyên nhân thì mới biết cách điều chỉnh luật, để không còn những cái chết tương tự.

 

Nhưng không chỉ “chung cư mini” mà 100% các chung cư cao tầng xây trước năm 2010 đều không đáp ứng yêu cầu về lối thoát nạn và thang thoát hiểm. Status sau mình sẽ phân tích nốt và đề xuất giải pháp khắc phục.

 

NĐ79/2014

https://www.facebook.com/photo/?fbid=2723620361124243&set=pcb.2723620541124225

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=2723620431124236&set=pcb.2723620541124225

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=2723620471124232&set=pcb.2723620541124225

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=2723620511124228&set=pcb.2723620541124225

 

NĐ136/2020

https://www.facebook.com/photo/?fbid=2723620431124236&set=pcb.2723620541124225

 

 

166 BÌNH LUẬN   

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats