Thursday, 21 September 2023

TRUYỀN THÔNG MỸ và HẬU QUẢ NẶNG NỀ CHO NỀN DÂN CHỦ (Mai Vũ Phạm / Saigon Nhỏ)

 



Truyền thông Mỹ và hậu quả nặng nề cho nền Dân chủ

Mai Vũ Phạm  -  Saigon Nhỏ
20 tháng 9, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/truyen-thong-my-va-hau-qua-nang-ne-cho-nen-dan-chu/

 

Chương trình “Meet the Press” của NBC News, một trong những kênh truyền thông quốc gia hàng đầu Hoa Kỳ, đang khiến dư luận bất bình, khi đã mời cựu tổng thống Donald J. Trump tham gia một cuộc phỏng vấn vào Chủ Nhật vừa qua.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/GettyImages-1490993316-1280x854.jpg

Vào Tháng Năm vừa qua, CNN cũng đã khiến dư luận phẫn nộ khi tổ chức một chương trình hội nghị riêng cho Trump, dẫn đến việc giám đốc điều hành lúc đó là Chris Licht bị sa thải. Ảnh: Kevin Mazur/Getty Image

 

Xuất hiện lần đầu trong chương trình ‘Meet the Press’ với tư cách là người dẫn chương trình, nữ ký giả Welker dường như không được trang bị đầy đủ để đối phó với thói dối trá đặc trưng của Trump. Cho nên, Trump đã nắm được sự yếu ớt đó của Welker để kiểm soát cuộc phỏng vấn, bằng những lời nói dối trắng trợn. Kết quả là NBC News và Welker đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích rộng rãi, khi đã liên tục để Trump bịa đặt trắng trợn mà không đối chấp.

 

Điển hình như, Trump tuyên bố “15 triệu người” nhập cư bất hợp pháp vào Hoa Kỳ trong năm nay. Con số 15 triệu người mà Trump đưa ra hoàn toàn bịa đặt, vì theo Lực lượng Tuần tra Biên giới Hoa Kỳ, trong năm 2023, cơ quan này đã bắt giữ hoặc từ chối nhập cảnh hơn 2,5 triệu người. Còn riêng năm 2022, số người nhập cư khoảng 2,7 triệu người.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/GettyImages-1692661133-1536x1024.jpg

Trump vẫn liên tục đưa ra những lời dối trá và các hãng truyền thông lớn của Mỹ không hề đối chất. Ảnh:  Scott Olson/Getty Images

 

Điều khiến dư luận tức giận là Welker đã cho phép Trump ngang nhiên dối trá chồng dối trá, mà không hề đối chất, hoặc phản kháng lại. Điểm chung của các bài viết kiểm chứng cuộc phỏng vấn là Trump đã nói dối về hầu hết mọi chủ đề mà người dẫn chương trình Welker đề cập đến.

 

Như luật gia nổi tiếng Norm Ornstein đã đăng trên X: “Trump nói Cảnh sát Điện Capitol đã làm chứng chống lại bà Nancy Pelosi và sau đó đốt bỏ mọi bằng chứng. Đây là dối trá chồng chất dối trá. Nhưng đã không bị Welker chất vấn. Mọi lời nói ra từ miệng Trump đều là dối trá, và ông ta sẽ nhảy vô miệng bất kỳ người phỏng vấn nào. Chỉ là một sai lầm to lớn khi giới thiệu kẻ ngông cuồng này.”

Norman Ornstein

@NormOrnstein

Oy. Trump says the Capitol Police testified against Nancy Pelosi, and then burned all the evidence. Lie upon lie upon lie. Unchallenged by Welker. Every word out of his mouth is a lie, and he talks over any questioner. Just a colossal mistake to showcase this sociopath.

 

 

Nhà báo Michelangelo Signorile viết: “Cô Welker khiến tôi thực sự không thích cô ấy. Màn ra mắt khủng khiếp. #Tẩy Chay MeetThePress.”

 

Nhà phân tích và ký giả thâm niên của CNN, Bill Carter, lập luận rằng: “Điểm mấu chốt là cô Welker đã xem Trump như một ứng cử viên bình thường, hợp pháp, không phải là người đang tìm cách phá hoại nền dân chủ của chúng ta và phải đối mặt với 91 cáo trạng trọng tội. (Cuộc phỏng vấn này) không chỉ là báo chí vô trách nhiệm. Nhưng hết sức nguy hiểm khi hợp pháp hóa ông ta.”

 

Nhận định về cuộc phỏng vấn, giáo sư sử học của Đại học New York, Ruth Ben-Ghiat, đặt câu hỏi rằng khi nào giới truyền thông Mỹ mới rút được bài học, khi nền dân chủ nước này đang bị tấn công từ trong.

 

Phải thay đổi

 

Vào Tháng Năm vừa qua, CNN cũng đã khiến dư luận phẫn nộ khi tổ chức một chương trình hội nghị riêng cho Trump, dẫn đến việc giám đốc điều hành lúc đó là Chris Licht bị sa thải. Khá nhiều các nhà báo và tác giả kỳ cựu cho rằng cách thức đưa tin của các kênh truyền thông khổng lồ trong nước đang dần siết chết nền dân chủ Hoa Kỳ.

 

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, cựu chủ tịch đài CBS Les Moonves từng có phát biểu tai tiếng về mối quan hệ giữa giới truyền thông và Trump: “Điều đó (đưa tin về Trump) có thể không tốt cho nước Mỹ, nhưng cực kỳ tốt cho CBS.” Nhận định chung của dư luận là các hãng truyền thông khổng lồ của Hoa Kỳ biết Trump là một mối đe dọa hiện hữu của dân chủ, nhưng bất chấp trao cho Trump microphone miễn phí để ông ta tự do gieo rắc dối trá nhằm thu hút khán giả.

 

Kinh tế gia từng đoạt giải Nobel, Paul Krugman, cho rằng các phương tiện truyền thông dường như đã thất bại trong việc truyền đạt điều mà lẽ ra là tài sản lớn đối với Biden: “nền kinh tế Goldilocks” (một nền kinh tế tăng trưởng vừa phải). Theo giáo sư Krugman, tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp Mỹ thấp và hầu như không có dấu hiệu suy thoái. Nhưng theo các cuộc khảo sát, nhiều người Mỹ tin rằng nền kinh tế đang rất tồi tệ vì đơn giản là không tin vào những tin tức kinh tế tích cực.

 

Đối với giáo sư Krugman, phương tiện truyền thông phải nhận một phần trách nhiệm. Bởi khi giá xăng tăng vọt, thì truyền thông liên tục đưa tin 24/24. Nhưng khi giá xăng giảm, thì truyền thông chỉ đưa tin rất ít.

 

Margaret Sullivan, một trong những nhà báo và nhà bình luận truyền thông hàng đầu của Mỹ, nhấn mạnh rằng cách đưa tin tỏ vẻ trung lập không còn thích hợp trong thời đại, mà các ứng viên mượn phương tiện truyền thông để lan truyền dối trá.

 

Christiane Amanpour, một ký giả kỳ cựu chuyên về các vấn đề thế giới, trong ngày kỷ niệm 40 năm làm việc tại CNN, đã thiết tha kêu gọi:

 

    “Chúng ta phải trung thực, không trung lập. Tôi muốn đảm bảo rằng chúng ta không đưa cơ hội phát biểu cho những kẻ muốn phá bỏ hiến pháp và nền dân chủ.”

 

Rất nhiều ký giả uy tín cho rằng, vào thời điểm này truyền thông không cần thiết phải phỏng vấn Trump. Vì suy cho cùng, sau nhiều năm chứng kiến cách Trump liên tục tuôn dối trá, thì lợi ích gì từ việc phỏng vấn ông ta? Có thông tin nào trong các cuộc phỏng vấn Trump thực sự phục vụ công chúng?

 

Trump từng khoe khoang rằng ông ấy có thể bắn ai đó trên Đại lộ số 5, mà vẫn không mất đi sự ủng hộ từ những fan trung thành. Thực vậy, bất luận Trump vô đạo đức ra sao, hoặc thậm chí bị kết tội hình sự, thì sự ủng hộ với ông dường như không thay đổi. Như thế, truyền thông Mỹ có cần phải tiếp tục đưa tin phơi bày “bộ mặt thật” của Trump?

 

Oliver Darcy, ký giả cao cấp của CNN, nhận định rằng giới truyền thông Mỹ vẫn có xu hướng tin rằng cách thức đưa tin hiện tại cũng giống như thập niên 90s, với Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ là hai đảng đối lập như nhau. Tuy nhiên, cách suy nghĩ như vậy là một sai lầm nghiêm trọng.

 

Đảng Cộng hòa năm 2023 hoàn toàn khác biệt so với Đảng Cộng hòa năm ngoái và trước đây. Người lãnh đạo hiện tại của Đảng Cộng hòa, Donald Trump, đã bốn lần bị truy tố hình sự nghiêm trọng, bao gồm cáo buộc kích động tấn công Điện Capitol và lật đổ kết quả bầu cử tổng thống. Sử gia và giáo sư Đại học New York, Ruth Ben-Ghiat, khuyến cáo truyền thông Mỹ: “Đừng coi Trump và Đảng Cộng hòa như những ứng cử viên thông thường, bởi vì họ đã thoát khỏi nền dân chủ và đang cố gắng hạ bệ Hoa Kỳ.”

 

Jay Rosen, giáo sư báo chí tại Đại học New York và là nhà phê bình báo chí hàng đầu Hoa Kỳ, nhấn mạnh nguyên tắc quan trọng nhất mà các nhà báo khi đưa tin về cuộc bầu cử năm 2024 không phải là ai có cơ hội chiến thắng, mà là hậu quả đối với nền dân chủ.

 

Dan Gillmor, giáo sư chuyên ngành báo chí tại Đại học Arizona, nhấn mạnh: “Hãy nhận biết rằng thời điểm hiện tại là khẩn cấp và điều chỉnh mức độ đưa tin cho phù hợp. Dân chủ, và rộng hơn là quyền tự do báo chí, sẽ được bỏ phiếu vào năm tới, nhưng giới báo chí vẫn không nhận ra điều đó. Đã lâu lắm rồi giới truyền thông mới hoạt động nhân danh nền dân chủ. Những người muốn hủy hoại nền dân chủ và những người đã nói rõ rằng họ sẽ làm như vậy nếu được (trở lại) nắm quyền – đang dựa vào việc các nhà báo vẫn tuân thủ cách thức hoạt động lạc hậu của cuối thế kỷ 20.”

 

 

Đọc thêm:

 

Deepfakes: Hiểm họa mới của truyền thông giả, hậu quả khó lường

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats