Wednesday 13 September 2023

THỜI BÁO HOÀN CẦU BÌNH LUẬN VỀ CHUYẾN THĂM VIỆT NAM CỦA TỔNG THỐNG BIDEN (Nguyễn Hải Hoành, biên dịch)

 



Thời báo Hoàn Cầu bình luận về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Biden

Nguyễn Hải Hoành, biên dịch

13/09/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/09/13/thoi-bao-hoan-cau-binh-luan-ve-chuyen-tham-viet-nam-cua-tong-thong-biden/

 

Hội nghị thượng đỉnh New Delhi của Nhóm G20 vừa bế mạc trong tình hình các bên bất đồng nghiêm trọng và thế giới bên ngoài không thuận lợi, cuối cùng đã thông qua bản tuyên bố chung thể hiện nguyện vọng chung của cộng đồng quốc tế về đoàn kết và hợp tác, cùng nhau vượt qua khó khăn và gác lại một số bất đồng nghiêm trọng. Thế nhưng, chuyến đi của Tổng thống Mỹ Biden sau khi rời New Delhi lại kéo mọi người về đến thực tế chính trị quốc tế phức tạp và thô ráp hơn. Ngày 10 tháng 9, Biden đến Hà Nội, Việt Nam, bắt đầu chuyến thăm ngắn ngủi đã được bàn tán ầm ĩ, người dưng nước lã cũng đều biết.

 

Kể từ khi quan hệ Mỹ-Việt bình thường hóa vào năm 1995, tất cả các Tổng thống Mỹ đương nhiệm đều đến thăm Việt Nam. Có thể coi điều đó là một kiểu trọng thị nào đấy của Washington đối với Việt Nam, nhưng trước đây chưa bao giờ như lần này, bộc lộ hết mức thái độ lợi dụng và thiếu tôn trọng Việt Nam của Washington. Coi trọng là coi trọng, nhưng nó không thể được đánh đồng với tôn trọng, “coi trọng” với những mưu đồ riêng thực ra là biến quốc gia đối tượng thành công cụ và là sự miệt thị căn bản đối với mối quan hệ bình đẳng và cùng có lợi. Chính truyền thông Mỹ và phương Tây đã lôi sự việc này ra ánh sáng.

 

Kể từ khi tin Biden sẽ đi Việt Nam được tung ra cho tới nay, nhiều phương tiện truyền thông Mỹ và phương Tây đã xôn xao ầm ĩ suốt hơn nửa tháng, nhưng hầu như có thể nói tất cả các bản tin và bình luận đều “trăm bài như một”. Một số cơ quan truyền thông nói thẳng ngay tại tiêu đề rằng “Biden đến Việt Nam là cố gắng mới nhất để chống lại Trung Quốc”. Đây là một hiện tượng bất thường đối với sàn diễn ồn ào nhộn nhạo của dư luận Mỹ và phương Tây, nhưng tự nó đã hé lộ sự thật không mấy sáng sủa về chuyến thăm Việt Nam của Biden. Đây là lời nhắc nhở mạnh mẽ và liên tục mà dư luận Mỹ và phương Tây vô tình mang lại cho Việt Nam.

 

Trước hết, Biden không vì Việt Nam mà đến Việt Nam, như đài Phát thanh Quốc tế Pháp đã nói, các hoạt động ngoại giao ở châu Á của Biden đều xoay quanh một trung tâm là “chống lại nước lớn thứ hai thế giới (Trung Quốc)”. Nói cho đến cùng, đó vẫn là chuyện chơi trò địa chính trị, coi Việt Nam là phạm vi thế lực nước lớn để tranh giành. Sự định vị của Washington đối với Việt Nam rất rõ ràng, đó là “quốc gia đung đưa [摇摆国/swing state]” như cách nói của Điều phối viên Nhà Trắng về các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Kurt Campbell. Nói cách khác, theo họ nhìn nhận thì, đối với Mỹ, hơn thế nữa, Việt Nam có “giá trị có tính công cụ” để đối phó với Trung Quốc.

 

Thứ hai, cái mà Biden rao bán cho Việt Nam là thứ Việt Nam không muốn và cũng không phù hợp với lợi ích quốc gia của Việt Nam, như một học giả Mỹ nói: “So với Hà Nội thì Washington càng hăng hái chấp nhận rủi ro làm cho Bắc Kinh cảm thấy bất an”. Nói ngược lại, truyền thông Mỹ và phương Tây đã bàn luận lâu như thế nhưng trên vấn đề chuyến thăm của Biden có thể mang lại cho Việt Nam những lợi ích thực tế hoặc điều gì tốt đẹp thì chẳng ai nói được một vài điều cho ra nhẽ; trên một mức độ nhất định, đó thực ra cũng là chuyện “Không có gạo, khéo mấy cũng chẳng thành cơm”.

 

Dư luận Mỹ, phương Tây và Washington không quan tâm đến lợi ích quốc gia của Việt Nam, điều họ thực sự quan tâm là làm thế nào để Việt Nam “rơi vào vòng tay của Mỹ”. Bỗng dưng bài viết trên tạp chí “Nhà ngoại giao” của Mỹ lấy tiêu đề là “Đã đến lúc Việt Nam phải lựa chọn”. Dù đã biết rõ Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác không muốn và đã luôn cố gắng hết sức để tránh chọn phe giữa Trung Quốc với Mỹ nhưng dư luận Mỹ và Washington vẫn tiếp tục không ngừng thúc đẩy theo hướng này, gây sức ép, cám dỗ, thậm chí ép buộc. Đó là hoạt động ngoại giao mà nước Mỹ thực thi cụ thể và ép buộc đối với các quốc gia chủ quyền có ý chí độc lập.

 

Một trong những mối quan tâm lớn nhất trong chuyến thăm của Biden là nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt lên “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”, theo cách nói của truyền thông Mỹ, điều đó sẽ khiến “Washington ngồi ngang hàng với Bắc Kinh và Moskva trong hệ thống thứ bậc ngoại giao của Hà Nội”. Dư luận Mỹ phổ biến  tin rằng điều này sẽ khơi dậy sự cảnh giác của Trung Quốc. Nếu không có tâm địa gì xấu xa thì khi phát triển quan hệ song phương với Việt Nam, vì sao Mỹ sao phải lo ngại Trung Quốc không vui hay tức giận? Trung Quốc không có thói quen can thiệp vào hoạt động ngoại giao của nước khác, cũng vui mừng khi thấy các nước chung sống hòa hợp, hợp tác cùng có lợi, nhưng nếu anh giở trò câu kết chống lại Trung Quốc thì Trung Quốc không thể bỏ qua.

 

Cách đây không lâu, trong buổi tiếp Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu đến thăm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại rằng phát triển quan hệ với Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc luôn được coi là ưu tiên hàng đầu. Việc Việt Nam mong muốn duy trì sự cân bằng trong quan hệ với hai nước lớn Trung Quốc và Mỹ là điều có thể hiểu được và không thể chê trách, nhưng những gì Mỹ đang làm hiện nay chẳng khác nào giật mất cây sào giữ thăng bằng ra khỏi tay Việt Nam [khi đi trên dây], hoặc thổi luồng gió ngược khiến Việt Nam không thể giữ được thế cân bằng, điều này đúng là đòi hỏi Việt Nam phải đặc biệt thận trọng.

 

Chúng tôi cũng nhận thấy trong thông cáo báo chí tuyên bố nâng cấp quan hệ song phương, Việt Nam có kêu gọi Washington “không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không có những hành động vi phạm luật pháp quốc tế để làm phức tạp thêm tình hình, và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình”. Điều này một mặt giải thích Hà Nội không muốn làm kẻ cốc mò cò xơi cho Washington, mặt khác cũng cho thấy các nước trong khu vực đã nhận thức rõ và hết sức cảnh giác đối với tính nguy hiểm của Washington.

 

---------------------------------------------------------------------------------------------                         

Nguyễn Hải Hoành biên dịch từ nguồn tiếng Trung trên Thời báo Hoàn cầu, ngày 10/09/2023.

 

                                                 *****

 

Thời điểm thích hợp để Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ

Thanh Phương p/v Lê Hồng Hiệp

12/09/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/09/12/thoi-diem-thich-hop-de-viet-nam-nang-cap-quan-he-voi-my/

 

Nhân chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ Joe Biden, hôm qua, 10/09/2023, Hà Nội và Washington đã nâng cấp quan hệ song phương lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”, mức cao nhất trong hệ thống quan hệ đối ngoại của Hà Nội. Nếu như việc nâng cấp quan hệ vẫn là yêu cầu từ lâu của Hoa Kỳ, về phía Việt Nam, đây là một diễn tiến ngoạn mục, bởi cho đến gần đây Hà Nội vẫn rất ngần ngại thắt chặt hơn nữa bang giao với Mỹ, vì sợ phản ứng từ Trung Quốc.

 

Trả lời RFI Việt ngữ, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á, Singapore, cho rằng thời điểm hiện nay là thích hợp để Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ mà không gặp trở ngại nào và cũng không gặp phản ứng mạnh từ phía Trung Quốc. Sau đây mời quý vị theo dõi bài phỏng vấn với nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp.

 

.

RFI: Xin chào anh Lê Hồng Hiệp. Trước hết theo anh, những lý do gì khiến Việt Nam nay mạnh dạn nâng cấp quan hệ với Mỹ sau một thời gian chần chừ?

 

Lê Hồng Hiệp: Việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ thì có nhiều lý do. Thật sự Mỹ và Việt Nam xứng đáng là đối tác chiến lược toàn diện của nhau. Hiện tại Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với bốn quốc gia là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc. So với các đối tác này thì Mỹ hoàn toàn là ngang tầm, thậm chí quan trọng hơn đối với Việt Nam về kinh tế và chiến lược. Chính vì vậy mà việc Việt Nam quyết định nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đến mức ngang với các nước kia là hoàn toàn hợp lý. Ngoài ra, về mặt thời điểm, thứ nhất là hai nước đang kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác toàn diện, một thời điểm, một cái cớ rất phù hợp để hai bên có thể nâng cấp quan hệ mà không gây ra phản ứng từ các đối tác khác, đặc biệt là từ phía Trung Quốc.

 

Thứ hai, về phía tính toán của Việt Nam, năm nay cũng là năm phù hợp, vì nếu Việt Nam chờ đợi thêm thì có thể có những yếu tố bất định mà Việt Nam không thể lường trước được. Ví dụ như năm sau, Mỹ sẽ bầu tổng thống, chúng ta không thể biết chắc chắn là chính quyền của Mỹ sẽ có gì thay đổi hay không, và nếu có thay đổi, thì liệu Việt Nam có còn là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Mỹ hay không.

 

Cạnh tranh Mỹ-Trung đang có xu hướng ngày càng gay gắt, nếu Việt Nam trì hoãn việc nâng cấp quan hệ với Mỹ, thì nếu trong tương lai, cạnh tranh Mỹ -Trung xấu đi, việc Việt Nam quyết định nâng cấp quan hệ với Mỹ có thể dẫn đến những phản ứng tiêu cực từ phía Trung Quốc, vì có thể bị xem là  chọn đứng về phía Mỹ để chống Trung Quốc.   

 

Ngoài ra, còn có các lợi ích tiềm năng mà Việt Nam có thể mong đợi nhận được từ việc nâng cấp quan hệ, như là từ thương mại, đầu tư, công nghệ hay hợp tác chống biến đổi khí hậu và đặc biệt là những hỗ trợ của Mỹ trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

 

.

RFI: Ngược lại, đối với Hoa Kỳ, việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên thành “đối tác chiến lược toàn diện” mang lại những mối lợi gì?

 

Lê Hồng Hiệp: Về kinh tế, Việt Nam đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với Hoa Kỳ. Năm vừa rồi, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ bảy của Hoa Kỳ bên cạnh các đối tác lớn truyền thống của họ. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung dẫn đến các mâu thuẫn về thương mại và đầu tư, dẫn đến việc nhiều công ty của Mỹ đã chuyển các cơ sở sản xuất của họ qua các nước khác, trong đó có Việt Nam, biến Việt Nam thành một mắt xích ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, phục vụ cho nền kinh tế Mỹ cũng như là các công ty đa quốc gia của Mỹ. 

 

Về mặt chiến lược, Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng trong khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, Mỹ-Nga ngày càng gay gắt. Hoa Kỳ coi Việt Nam ngày càng quan trọng trong tính toán của họ đối với việc xử lý quan hệ với Trung Quốc và Nga. Không thể biến Việt Nam thành đồng minh quân sự thì họ cũng muốn Việt Nam trở thành một đối tác có thể hỗ trợ các mục tiêu chiến lược của Mỹ, hoặc bằng mọi cách ngăn Việt Nam ngả về phía Trung Quốc hay Nga và qua đó tạo ưu thế chiến lược cho Mỹ và các đồng minh trong việc ứng phó với các đối thủ chiến lược này.

 

Việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam cũng phù hợp với tầm nhìn về Ấn Độ-Thái Bình Dương của chính quyền Biden, vốn ưu tiên phát triển quan hệ với các nước chủ chốt trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, Indonesia hay Singapore…

 

.

RFI: Trong một thời gian dài Việt Nam đã rất ngần ngại nâng cấp quan hệ với Mỹ vì sợ phản ứng của Trung Quốc. Nay Hà Nội đã quyết định nâng quan hệ lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”, chắc là Việt Nam đã có lường trước phản ứng của Trung Quốc cũng như đã có cách “hóa giải” phản ứng đó?

 

Lê Hồng Hiệp: Có lẽ các nhà hoạch định chính sách ở Hà Nội đã xác định là nếu nâng cấp quan hệ với Mỹ lên thành “đối tác chiến lược toàn diện” thì sẽ khó mà gây ra các phản ứng quá mức từ phía Bắc Kinh. Thứ nhất, đối tác chiến lược toàn diện chủ yếu là một tuyên bố chính trị, chứ không phải là một liên minh quân sự. Cho nên nó không gây ra các mối đe dọa trực tiếp hay tức thì đối với Trung Quốc. Hiện giờ, quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc rất là tốt. Quan hệ song phương, ngoài vấn đề Biển Đông đang có căng thẳng, thì đang được quản lý tốt, hầu như không có những vấn đề quá lớn giữa hai nước. Vì vậy, khó có khả năng Trung Quốc sử dụng các biện pháp mạnh để trừng phạt Việt Nam về việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ.

 

Ngoài ra, việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ cũng không phải là điều gì quá ghê gớm đối với Trung Quốc, vì bản thân Trung Quốc đã là “đối tác chiến lược toàn diện” của Việt Nam từ 15 năm nay, thậm chí còn ở mức cao hơn một chút, vì về mặt chính thức   đó là “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”, có thêm yếu tố “hợp tác” có nghĩa là cao hơn đối tác với Mỹ một bậc.

 

Bản thân Việt Nam vẫn luôn khẳng định giữ thế cân bằng chiến lược giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc. Cuối năm ngoái, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã là lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên đến thăm Trung Quốc sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Và nếu như chúng ta nhìn vào cách làm của Việt Nam từ trước đến nay thì chúng ta cũng có thể dự đoán được là sau chuyến thăm của ông Biden đến Hà Nội thì có rất là nhiều khả năng là Việt Nam sẽ đón tiếp chủ tịch Tập Cận Bình

.

Có một dấu hiệu cho thấy điều đấy sẽ sớm xảy ra, đó là ông Lưu Kiến Siêu, Trưởng ban Đối ngoại đảng Cộng sản Trung Quốc đã sang thăm Hà Nội và gặp các lãnh đạo Việt Nam. Có thể chuyến thăm của ông Lưu Kiến Siêu là một phần của kế hoạch chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sang Việt Nam. Có thể nói là Việt Nam đã rất khéo léo trong việc giữ cân bằng trong quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc và đã trấn an Trung Quốc về việc nâng cấp quan hệ với Mỹ. Tất cả những điều này đã góp phần giúp Việt Nam cảm thấy tự tin để nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ mà không lo ngại các hành động trả đũa từ phía Trung Quốc.

 

.

RFI: Mặc dù “đối tác chiến lược toàn diện” chỉ mang tính chất là một tuyên bố chính trị, chứ không phải là một liên minh, nhưng với quan hệ mới này thì vị thế của Việt Nam trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trên vấn đề chủ quyền Biển Đông có thể được nâng cao thêm?

 

Lê Hồng Hiệp: Theo tôi, có nhiều khả năng là Việt Nam sẽ có một vị thế tốt hơn, một đòn bẩy lớn hơn trong việc ứng phó với Trung Quốc trên Biển Đông sau khi nâng cấp quan hệ với Mỹ. Khi nâng cấp quan hệ, Mỹ có hứa sẽ hỗ trợ Việt Nam hiện đại hóa quân đội và đặc biệt là giúp Việt Nam nâng cao năng lực thu thập thông tin tình báo trên biển, bên cạnh những hoạt động mà lâu nay Mỹ vẫn hỗ trợ Việt Nam, đó là nâng cao năng lực trên biển, thông qua việc chuyển giao các tàu tuần duyên cho Việt Nam, hay hỗ trợ Việt Nam một số trang thiết bị để giúp Việt Nam ứng phó tốt hơn với các áp lực trên biển.

 

Trong thời gian tới, tôi nghĩ là các hoạt động này sẽ được duy trì và thậm chí được nâng cao. Cũng sẽ có thể có việc chuyển giao các trang thiết bị, thậm chí vũ khí mới trong khuôn khổ “đối tác chiến lược toàn diện” này, giúp Việt Nam có năng lực tốt hơn trong việc ứng phó với các thách thức trên Biển Đông. Có nhiều khả năng là Mỹ, với tư cách “đối tác chiến lược toàn diện” của Việt Nam, sẽ hỗ trợ Việt Nam tốt hơn trên các diễn đàn quốc tế, hay trong những trường hợp mà Việt Nam có những sự cố trên biển với Trung Quốc, như vào năm 2014 khi xảy ra vụ giàn khoan 981, Mỹ đã là một trong những nước đã mạnh mẽ ủng hộ lập trường của Việt Nam, đã có những tuyên bố, hành động cụ thể để giúp Việt Nam ứng phó với khủng hoảng đó và gây sức ép để Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam.

 

Nguồn: RFI Việt ngữ

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats