Wednesday, 13 September 2023

PHÁT TRIỂN KINH TẾ : ẤN ĐỘ THU HẸP KHOẢNG CÁCH VỚI TRUNG QUỐC (Thanh Hà / RFI)

 



Phát triển kinh tế : Ấn Độ thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 12/09/2023 - 15:25

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-kinh-t%E1%BA%BF/20230912-ph%C3%A1t-tri%E1%B...BB%9Bi-trung-qu%E1%BB%91c

 

GDP đầu người còn thấp hơn so với của Trung Quốc 5 lần, tăng trưởng của Ấn Độ năm nay qua mặt Trung Quốc. Đầu tư trực tiếp nước ngoài rút khỏi Hoa Lục, New Delhi được coi là một điểm đến an toàn với nhân công rẻ. Trong một thập niên, thủ tướng Modi khai thác tất cả những lợi thế ngoại giao và chiến lược để thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc.

 

https://s.rfi.fr/media/display/4326aaf6-5168-11ee-8c35-005056a90321/w:980/p:16x9/2023-09-08T120726Z_1303238197_RC2A43A4BOOE_RTRMADP_3_G20-SUMMIT.webp

Ảnh minh họa : Một tấm biển in hình thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở New Delhi, ngày 08/09/2023. REUTERS - ANUSHREE FADNAVIS

 

Thượng đỉnh G20 vừa khép lại và được đánh giá là một thành công lớn của New Delhi cả về ngoại giao và kinh tế. Trong hai ngày họp 09 và 10/09/2023, Ấn Độ, Mỹ, Ả Rập Xê Út, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Liên Âu, Pháp, Đức và Ý đã ký kết thỏa thuận ghi nhớ phát triển một mạng giao thông kết nối Ấn Độ với Trung Đông và châu Âu. Đây được xem là một dự án « cạnh tranh với Con Đường Tơ Lụa » của Trung Quốc. Thắng lợi thứ nhì là khác với thượng đỉnh Bali-Indonesia năm 2022, lần này Ấn Độ đã thuyết phục được các bên để ra được một thông cáo chung của G20.

 

Đánh đổi kinh tế lấy thắng lợi ngoại giao

Văn bản này đã tránh trực tiếp lên án Nga xâm lược Ukraina, mà chỉ nói một cách chung chung là G20 chống đối bất kỳ một quốc gia nào « dùng vũ lực xâm chiếm lãnh thổ của một nước có chủ quyền ». Giới quan sát ghi nhận, thủ tướng Modi dùng « đòn thương mại, gắn kết Ấn Độ với khối phương Tây để đổi lấy sự im lặng của khối này trên hồ sơ Ukraina » và nhiều vấn đề nhậy cảm khác nữa.

 

Dù vậy trên đài RFI Việt ngữ, Olivier Guillard, thuộc trung tâm nghiên cứu về châu Á CERIAS đại học Québec-Montréal kiêm giám đốc cơ quan tư vấn Crisis24-GardaWorld đánh giá G20 là « tủ kính » phô trương những thành công của ông Modi vào lúc New Delhi vừa được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF khen ngợi là « ánh sáng mang lại tăng trưởng cho thế giới » :  

Olivier Guillard : « Hội nghị thường niên này là một cơ hội rất quan trọng đối với Ấn Độ để quảng bá hình ảnh của nền kinh tế thứ 5 toàn cầu. New Delhi muốn chứng minh tiếng nói của Ấn Độ càng lúc càng được lắng nghe, đặc biệt là trong vùng Thái Bình Dương. Ấn Độ cũng là một đối tác thương mại hàng đầu đối với châu Âu cũng như là Bắc Mỹ và châu Á. (…) Quốc gia Nam Á này đang dẫn đầu trong một số lĩnh vực kinh tế. Tham vọng của New Delhi là trở thành một đầu tàu của các quốc gia phương nam và nhất là Ấn Độ có thể là nhịp cầu giữa các nền kinh tế phát triển và các nước nghèo ».

 

Một sự phục thù ?

Năm nay Ấn Độ đã qua mặt Trung Quốc trở thành nước đông dân nhất địa cầu. Chênh lệch khoảng 3 triệu dân chỉ là một giọt nước tại hai quốc gia mà mỗi bên có dân số hơn một tỷ, nhưng chỉ số này báo trước dân Trung Quốc đang già đi. Hậu quả kèm theo là về lâu dài Trung Quốc sẽ mất một lực lượng lao động dồi dào. Trái lại, Ấn Độ từng bước trở thành nguồn cung cấp nhân lực cho thế giới. Nhân công tại tại đây rẻ, mức lương trung bình chỉ bằng 1/3 so với tại Hoa Lục hay Hồng Kông.

 

Nhìn đến một chỉ số khác là năng suất lao động, trong ba thập niên, New Delhi mặc cảm thua kém nước láng giềng sát cạnh. Nhưng theo báo cáo của Ngân Hàng Thế giới từ cuối 2022, Ấn Độ lật ngược thế cờ : năng suất lao động tại Ấn Độ tăng 3,4 % trong lúc tại Trung Quốc là 1,2 %.

 

Kinh đô của công nghệ tin học 

Trong những thập niên 1990-2020 Bangalore đã trở thành « kinh đô » về tin học trên thế giới, là chiếc nôi đào tạo không biết bao nhiêu chuyên gia trong ngành. Tháng 7/2023, nhân sự kiện thủ tướng Modi công du nước Pháp, đại sứ Ấn Độ tại Paris Jawed Ashraf ghi nhận « Ấn Độ là tâm điểm của cuộc cách mạng công nghệ kỹ thuật số toàn cầu ». Các dịch vụ trong lĩnh vực này tương đương với 8 % GDP, mỗi năm Ấn Độ thu về 90 tỷ đô la nhờ « xuất khẩu » các dịch vụ tin học cho thế giới. New Delhi giải thích, lĩnh vực này năng động đến mức công nghệ số và tin học là « điểm tựa cho phép các ngành công nghiệp xe hơi và dược phẩm của Ấn Độ phát triển ».

 

Trong 9 năm qua (2014-2023) tổng sảm phẩm nội địa Ấn Độ đã được nhân lên gần gấp đôi, đang từ 2.000 tỷ đô la đã tăng lên tới 3.750 tỷ. Thêm vào đó từ hai năm trở lại đây Ấn Độ là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Đó là những điểm son cho phép thủ tướng Narendra Modi tự tin ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba. 

 

Olivier Guillard : « Đầu 2024 đánh dấu 10 năm Narendra Modi lên cầm quyền. Đấy là cả một đoạn đường rất dài. Những thăm dò dư luận gần đây nhất cho thấy phần lớn công luận vẫn muốn ông đảm nhiệm thêm một nhiệm kỳ thủ tướng thứ ba và họ cho rằng ông đã làm được việc. Đương nhiên, kết quả chưa được hoàn hảo cả về mặt hành chính lẫn về phía những xung đột giữa các tôn giáo … thế nhưng nhìn chung những thành tích về kinh tế của ông khá tốt và công luận có cảm tưởng có người thực sự điều hành đất nước. (...) Về phát triển chậm trễ so với Trung Quốc, thì khoảng cách còn khá lớn giữa hai quốc gia châu Á này. Cách biệt đó không thể được xóa đi ngay trong một hay hai nhiệm kỳ. Nhưng phải nhìn nhận là dưới thời thủ tướng Modi, Ấn Độ đã có nhiều bước tiến đáng kể về phát triển kinh tế để đưa hàng triệu người ra khỏi cảnh bần cùng. Cũng chính ông chủ trương đổi mới hình ảnh của nền kinh tế Nam Á này với hy vọng thu hút đầu tư nước ngoài, biến Ấn Độ thành một đối tác uy tín hơn trong mắt các doanh nghiệp phương Tây ».

 

Bắt kịp Trung Quốc : đường còn dài

Với tỷ lệ tăng trưởng 7-8 %, Ấn Độ vừa qua mặt nước Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 toàn cầu, rồi vì tình hình địa chính trị, Ấn Độ trở thành đối tác kinh tế và thương mại quan trọng thứ nhì của Nga tại châu Á, chỉ sau có Trung Quốc. Một số nhà quan sát cho rằng, chỉ 50 năm nữa Ấn Độ có triển vọng trở thành nền kinh tế thứ ba thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Nhưng để đạt được giấc mơ đó Ấn Độ phải vượt qua nhiều trở ngại mà đầu tiên hết là những vấn đề cơ bản. 

 

Đành rằng đã trở thành nước đông dân nhất địa cầu, nhưng vẫn có hơn một nửa dân số Ấn Độ sống dưới ngưỡng nghèo khó. Hơn 8 % dân số Ấn Độ thất nghiệp và tỷ lệ tăng trưởng 7 hay 8 % một năm chưa đủ để tạo công việc làm cho đội ngũ hơn 12 triệu thanh niên hàng năm gia nhập thị trường lao động. Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia mà phụ nữ ít đi làm nhất trên thế giới (8 %).

 

Về mậu dịch, xuất khẩu của Ấn Độ tương đương với 2 % kim ngạch toàn cầu trong lúc mà Trung Quốc là nguồn cung ứng đến gần 16 % cho toàn thế giới.

 

Ngoài ra để soán ngôi Trung Quốc trở thành « công xưởng thế giới », trước hết Ấn Độ cần giải quyết vấn đề điện lực, phải bảo đảm cho các nhà máy không bị mất điện trong lúc mà công suất điện của Ấn Độ chỉ bằng 1/6 so với nước láng giềng sát cạnh.

 

Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia có hệ thống cầu đường tệ hại nhất trên thế giới. Theo thẩm định của Ngân Hàng Thế Giới, New Delhi cần đầu tư thêm 830 tỷ đô la một năm để khắc phục nhược điểm này. Trước mắt những điều kiện hiện tại chưa cho phép thủ tướng Modi huy động đến hàng trăm tỷ đô la một năm để phát triển cơ sở hạ tầng.

 

Mối đe dọa Trung Quốc

Bên cạnh đó giới quan sát đồng loạt cho rằng, ngoài những yếu tố kinh tế chưa cho phép Ấn Độ trở thành một « Con Cọp » châu Á, thì còn có những rào cản mang tính « địa chính trị ». Thách thức lớn nhất là Trung Quốc.

 

Harsh V. Pant, giáo sư quan hệ quốc tế tại trường King’s College, Luân Đôn ghi nhận, Bắc Kinh « liên tục thách thức New Delhi bằng nhiều cách và đây là mối đe dọa chính về mặt chiến lược » chi phối Ấn Độ.

 

Đe dọa đó không chỉ thu gọn ở tranh chấp biên giới trên bộ giữa hai nước mà còn liên quan luôn cả đến những mối bang giao liên tục được mở rộng giữa Bắc Kinh với những quốc gia sát cạnh Ấn Độ như là Sri Lanka hay Pakistan.

 

Chính vì mối đe dọa Trung Quốc này mà Ấn Độ đã « trông cậy nhiều vào đối tác với Matxcơva ». Theo giáo sư Pant, điều này giải thích một phần việc từ tháng 2/2022 chính quyền Modi tránh lên án Nga xâm chiếm Ukraina nhất là khi mà Matxcơva lại là nguồn cung cấp chính về vũ khí và dầu hỏa cho Ấn Độ. New Delhi cần có năng lượng rẻ để phát triển kinh tế.

 

Thêm vào đó, chiến tranh Ukraina, thắt chặt thêm quan hệ giữa Bắc Kinh-Matxcơva đó là điều mà Ấn Độ không mong muốn như ghi nhận của giáo sư Isabelle Saint-Mézard đại học Paris 8.

 

Trong mắt nhà nghiên cứu Olivier Guillard đây lại càng là động lực thúc đẩy thủ tướng Modi mở rộng quan hệ với Hoa Kỳ và tìm kiếm thêm nhiều đối tác khác từ Nhật Bản đến Úc hay Pháp :  

 

Olivier Guillard : « Ấn Độ luôn chủ trương một thế giới đa phương và đã luôn bác bỏ mô hình lưỡng cực – cho dù trong quá khứ Ấn Độ đã từng thiên về phía Matxcơva hơn là về phía Washington. Tuy nhiên từ 25 năm trở lại đây New Delhi đã mở rộng bang giao chứ không chủ tập trung vào một vài quốc gia như trước và trong chiều hướng đó Ấn Độ đã sưởi ấm quan hệ với Mỹ trong tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế đến ngoại giao và kể cả quốc phòng. Song Ấn Độ dưới thời nào đi chăng nữa thì cũng không quên những người bạn cũ, tôi muốn nói đến Matxcơva. Riêng với Trung Quốc, đây là một mối bang giao mang tính tình thế. Cho đến rất gần đây căng thẳng New Delhi- Bắc Kinh lại dấy lên vì tranh chấp lãnh thổ ở đường biên giới, vì bản đồ tiêu chuẩn 2023 của Trung Quốc… »

 

Jean-Joseph Boillot chuyên nghiên cứu về Ấn Độ và cố vấn kinh tế của Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược Pháp, trên báo Bỉ L’Echo tuy nhiên lưu ý : thúc đẩy bang giao với Hoa Kỳ, tham gia đối thoại an ninh Bộ Tứ QUAD (Mỹ Úc, Nhật và Ấn Độ), nhưng Ấn Độ tránh để bị lệ thuộc vào Washington, tránh tham gia mặt trận chống Trung Quốc. New Delhi không có tên trong liên minh quân sự AUKUS (Mỹ, Anh và Úc).

 

Một cường quốc kém cỏi

Nhà nghiên cứu này nêu bật một nghịch lý : Ấn Độ là một « cường quốc kém cỏi ». « Yếu » cả về kinh tế lẫn quân sự nên chọn giải pháp « trung lập » trên bàn cờ quốc tế. Hai chữ « trung lập » ở đây phải hiểu theo nghĩa, New Delhi muốn có tất cả : vừa muốn tranh thủ lợi thế về kinh tế và thương mại với đối tác quan trọng nhất là Trung Quốc, vừa muốn có vũ khí của Nga và phương Tây để tự vệ, vừa muốn mua dầu hỏa của Nga với giá rẻ …

Ấn Độ đặt mình vào vị trí then chốt trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp nhưng mặt khác New Delhi cũng là thành viên tích cực trong các khối BRICS và của Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats