Saturday 23 September 2023

SỰ SỤP ĐỔ CỦA MIỀN NAM VIỆT NAM - TRÁCH NHIỆM và HẬU QUẢ (Nguyễn Tường Tâm)

 



Sự sụp đổ của Miền Nam Việt Nam - trách nhiệm và hậu quả

Nguyễn Tường Tâm 

23/09/2023

https://www.danchimviet.info/su-sup-do-cua-mien-nam-viet-nam-trach-nhiem-va-hau-qua/09/2023/29694/

 

I - Ai chịu trách nhiệm việc Miền Nam sụp đổ?

 

“Quốc Gia Hưng Vong Thất Phu hữu trách”. Khi mất nước, tất cả mọi người dân đều phải chịu trách nhiệm. Mỗi người hãy tự vấn, “mình đã làm gì khi tổ quốc lâm nguy?”

 

Nhưng dù sao, người lãnh đạo, chỉ huy, tức là người có quyền ra quyết định sẽ phải chịu trách nhiệm trước hết và trên hết. Trận chiến ở Cao Nguyên đã mở đầu cho sự sụp đổ của miền Nam, như vậy vị Tư Lệnh Vùng 2, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Phú phải là người chịu trách nhiệm trước tiên. Tướng Phú đã đơn phương quyết định phòng thủ Pleiku, Kontum; phòng thủ nhẹ ở Ban Mê Thuột, vì ông tin rằng, khác với dự đoán của Phòng 2 (Phòng Tình Báo), địch quân sẽ đánh Pleiku, nơi đặt đại bản doanh của ông. Chưa biết nếu tin theo đề nghị của Ban Tham Mưu để tăng cường phòng thủ Ban Mê Thuột thì có thể cầm cự được không, nhưng chắc chắn đối phương không thể đột nhập chiếm Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu ở Trung Tâm thành phố chỉ trong 1 tiếng đồng hồ, rồi sau đó Tiểu đoàn 82 BĐQ đã đột nhập vào trung tâm thành phố áp sát đối phương, nhưng phải rút lui vì không có tăng viện. Cuối cùng đối phương đã làm chủ toàn thành phố một cách dễ dàng vào trưa hôm sau.

 

Người kế tiếp chịu trách nhiệm là Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Ông đã không làm tròn nhiệm vụ của cấp chỉ huy khi không yểm trợ được cho Tướng Phú. Cuốn “The Decent Interval” của Frank Snepp (trg. 193) ghi: “Ở hội nghị Cam Ranh, ông Phú cho Tổng thống Thiệu biết rằng tất cả mọi con đường xuống vùng duyên hải  đã bị đối phương ngăn chặn. Ông chỉ có thể giữ được Cao Nguyên khoảng hơn một tháng nếu có quân tăng viện, đạn dược và không yểm. Nghe vậy Tổng thống Thiệu nhìn Tướng Phú và lắc đầu: Không có gì hết, không có quân, không có thiết bị. Quân đội đang bị rải ra khắp nước, các kho dự trữ cần được giữ ở gần những vùng cần bảo vệ. Như vậy không có cách gì tăng cường phòng thủ Pleiku, Kontum. Cách duy nhất là bỏ hai tỉnh này, đưa quân xuống củng cố vùng Duyên Hải và hỗ trợ cho cuộc phản công lấy lại Ban Mê Thuột.” Rút cách nào và bao giờ rút Tổng thống Thiệu không chỉ thị mà để Tướng Phú quyết định.

 

Chiến tranh Việt Nam ngoài tính chất nội chiến còn là chiến tranh ủy nhiệm (Proxy War). Miền Nam bị Hoa Kỳ, lãnh đạo Phương Tây, xúi giục. Miền Bắc bị Liên Xô, Trung Cộng xúi dục. Hoa Kỳ đã ủy nhiệm Miền Nam làm tiền đồn của Thế Giới Tự Do ngăn chặn sự bành trướng của Đế Quốc Cộng Sản thì Hoa Kỳ có trách nhiệm phải yểm trợ đầy  đủ. Nhưng sau khi hòa hoãn với Trung Cộng năm 1972 thì Hoa Kỳ lơ là đồng minh Việt Nam Cộng Hòa, rồi cuối  cùng thì bỏ rơi luôn. Như vậy trách nhiệm phải là chính phủ Hoa Kỳ.

 

Ở Mỹ, Quốc Hội nắm quyền quyết định chính sách qua quyền quyết định ngân sách, như vậy, Quốc hội Hoa Kỳ, với tư cách cơ quan có quyền hạn cao nhất, cũng là cơ quan có trách nhiệm.

 

Trong Quốc Hội, những Dân Biểu, Nghị Sĩ lại bị ảnh hưởng bởi các nhà báo. Các vị này luôn viết bài không chính xác, thiên lệch có hại cho Miền Nam. Bởi thế chính các nhà báo Hoa Kỳ và Phương Tây cũng phải chịu trách nhiệm trong sự sụp đổ của miền Nam.

 

Đứng ngoài hệ thống chỉ huy quốc gia, tuy không có quyền nhưng uy tín của những trí thức lớn khuynh tả Phương Tây như Jean Paul Sartre, Bertrand Russell v…v đã góp phần kêu gọi thế giới ủng hộ miền Bắc, giúp họ chiến thắng. Như vậy chính họ cũng phải chịu trách nhiệm về sự sụp  đổ của miền Nam.

 

Trước 1975 lý thuyết Karl Marx là vô địch, đã ảnh hưởng phần lớn trí thức khuynh tả Phương Tây, kéo theo đám đông quần chúng sẵn sàng biểu tình ủng hộ miền Bắc, một vùng đất cộng sản. Trong một khóa đào tạo sĩ quan chiến tranh chính trị cấp trung đoàn năm 1969, khi mãn khóa, Đại tá Lâm Ngươn Tánh, chỉ huy trưởng trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt đã có cuộc tiếp xúc với từng nhóm nhỏ 3 sĩ quan học viên, Đại Tá Tánh hỏi, “Các anh thấy có thể mang các điều học hỏi ở trường này về áp dụng trong đơn vị được không?” Hai vị sĩ quan kia hăng hái trả lời, “Dạ được! Khi về đơn vị chúng tôi sẽ mang những điều học hỏi ở trường này về áp dụng trong đơn vị.” Đại tá Tánh tỏ vẻ phấn khởi. Nhưng tới phiên tôi, thì cả Đại tá chỉ huy trưởng với 2 sĩ quan đồng khóa tròn mắt ngạc nhiên. Tôi trình bày với Đại Tá chỉ huy trưởng rằng, “Thưa Đại tá, chương trình học gồm 2 phần. Phần Tâm Lý Chiến có mục đích giúp vui cho anh em quân nhân thì tôi thấy hữu ích; còn phần chính huấn tôi thấy không áp dụng được gì.” Tất cả im lặng tiếp tục dồn ánh mắt về tôi. Tôi tiếp tục, “Lý thuyết Mác xít là một lý thuyết tổng hợp triết lý, chính trị, kinh tế, xã hội, và lịch sử rất chặt chẽ. Hiện nay ngoài những phản biện đơn lẻ về kinh tế và triết lý, chưa có một lý thuyết tổng hợp nào đánh đổ hệ thống Mác xít. Khuyết điểm đó không phải của riêng trường này, cũng không phải của riêng Việt Nam, mà của toàn thế giới.” Đại Tá Chỉ Huy Trưởng không nói gì, lặng lẽ nói cám ơn rồi bắt tay chúng tôi tạm biệt.

 

Chưa kể, bản tuyên ngôn cộng sản của Karl Marx và Engels có câu cuối hết sức thu hút tầng lớp nghèo, chiếm đa số trên thế giới, đặc biệt tại Việt Nam, “Vô sản khắp thế giới hãy đoàn kết lại! Chúng ta không có gì để mất ngoài xích xiềng.” (“The proletarians have nothing to lose but their chains. They have a world to win. Workingmen of all countries, unite.”) Sự hấp dẫn của lý thuyết Mác xít đã khiến Miền Nam phải sụp đổ.

 

Như vậy sự sụp đổ của miền Nam chính là sự thất bại của thế giới Tự Do– Nguyên nhân là sự “ngu muội” của nhân loại. Miền Nam chỉ là một thành phần của thế giới tự do nên sụp đổ theo là đương nhiên.

 

II - Hậu quả của sự sụp đổ của Miền Nam Việt Nam.

 

Tại sao cùng bị chia cắt nhưng Tây Đức và Nam Hàn đứng vững? Về chính trị thì ba quốc gia bị chia cắt giống nhau nhưng về địa thế (địa chính trị) và văn hóa thì khác nhau, cho nên mỗi dân tộc có một định mệnh khác nhau. Địa chính trị của Nam Việt Nam như thế thì số phận của miền Nam phải như thế! Dù cho ai lên lãnh đạo cũng không xoay chuyển được số phận. Đây không phải là thuyết định mệnh mà là lý thuyết địa chính trị (geopolitics, một ngành khoa học khảo cứu ảnh hưởng của địa lý–gồm cả môi trường, tài nguyên và văn hóa– trên chính trị quốc nội và quan hệ quốc tế). Chỉ khi nào văn hóa nhân loại thay đổi thì chính trị quốc tế mới thay đổi. Miền Nam xụp đổ vì trình độ chung của nhân loại, nhưng cũng là yếu tố khởi đầu cho sự thay đổi văn hóa của nhân loại theo chiều hướng tốt hơn. Sự xụp đổ của miền Nam đã giúp nhân  loại (thế giới tự do) tỉnh ngộ, kéo theo sự tỉnh ngộ và sự thay đổi thể chế ở toàn khối cộng sản.

 

Cùng với sự chiếm đoạt miền Nam của cộng sản, hàng triệu người miền Nam bất chấp hiểm nguy của bão tố, hải tặc đã ào ạt ra đi. Hàng trăm ngàn người đã vùi thân trên biển cả. Hàng triệu người khác đã sống sót sau vùi dập từ địa ngục trần gian bởi đói khát lênh đênh trên biển cả dưới trời giông bão. Hàng chục ngàn người khác bị hải tặc giết hại, bắt cóc, hãm hiếp, hành hạ. Trước thảm trạng thuyền nhân nạn nhân của cộng sản, thế giới đã mủi lòng thương xót dang vòng tay cứu vớt. Ngày 20 Tháng Bảy, 1979, tại thành phố Geneve, Thụy Sĩ, 65 quốc gia đã họp bàn tìm cách cứu giúp thuyền nhân Việt Nam. Kể từ đó nhân loại mới hiểu sự tàn ác của cộng sản. Văn hóa nhân loại thay đổi tất yếu đưa tới sự thay đổi xã hội. Sự thay đổi văn hóa tiệm tiến nhưng có khả năng lan rộng. Không biết trong các thay đổi xã hội ở Đông Âu cộng sản có mấy phần trăm do ảnh hưởng của thảm trạng thuyền nhân nạn nhân của cộng sản Việt Nam? Nhưng trong một thế giới toàn cầu thì ảnh hưởng hỗ tương về văn hóa là chắc chắn xảy ra. Từ một thế giới đa số ủng hộ cộng sản, chỉ một thời gian sau thảm trạng thuyền nhân Việt Nam, thế giới đã quay 180 độ, kéo xập đổ khối cộng sản Đông Âu, rồi tiếp đến là xây những tượng đài tưởng niệm hơn 100 triệu nạn nhân của cộng sản, trong đó có người Việt. Một cách hình tượng, có thể ví trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam, thế giới đang mông muội ở trong thời kỳ Trung cổ (The Middle Ages). Khi miền Nam sụp đổ, làn sóng thuyền nhân Việt Nam tị nạn cộng sản đã khiến thế giới tỉnh mộng, xét lại những giá trị cũ, tương tự như trong thời kỳ Phục Hưng của Âu châu (The Renaissance). Mười bốn năm sau, 1989, thế giới chuyển mình sang thời kỳ Ánh Sáng (The Enlightenment): Cộng sản Đông Âu sụp đổ. Kể từ đó chủ nghĩa cộng sản bị toàn thể thế giới loại trừ, một bức tường Tưởng Niệm hơn 100 triệu nạn nhân cộng sản trên khắp thế giới đã được dựng lên tại thủ đô Hoa Kỳ, Washington, D.C. ngày 12/6/2007.

 

Như thế, Miền Nam Việt Nam có số phận vừa bi đát vừa đóng góp vào việc soi sáng cho thế giới!

 

Nguyễn Tường Tâm

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats