Saturday, 23 September 2023

REUTERS : HOA KỲ và VIỆT NAM ĐANG ĐÀM PHÁN BƯỚC ĐẦU VỀ THỎA THUẬN MUA VŨ KHÍ (Reuters)

 



Reuters: Mỹ và Việt Nam đang đàm phán bước đầu về thỏa thuận mua vũ khí

Reuters

24/09/2023

https://www.voatiengviet.com/a/reuters-my-viet-nam-dam-phan-thoa-thuan-mua-vu-khi/7281273.html

 

Chính quyền Biden đang đàm phán với Việt Nam về một thỏa thuận chuyển giao vũ khí lớn nhất trong lịch sử giữa hai nước từng là đối thủ thời Chiến tranh Lạnh, Reuters đưa tin, dẫn nguồn là hai người biết về thỏa thuận này.

 

Một gói vũ khí, có thể được chung quyết vào năm sau, bao gồm một thương vụ bán một phi đội máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ cho Việt Nam khi nước này đối mặt với căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông có tranh chấp, một nguồn tin nói với Reuters.

 

Thỏa thuận này vẫn đang ở giai đoạn đầu, với các điều khoản chính xác vẫn chưa bàn bạc xong, và có thể không đạt được sự đồng thuận. Nhưng đó là chủ đề chính của các cuộc đàm phán chính thức giữa Việt-Nam và Mỹ tại Hà Nội, New York và Washington trong tháng qua.

 

Washington đang xem xét cơ cấu các điều khoản cho vay đặc biệt đối với các thiết bị đắt tiền có thể giúp Hà Nội thoát khỏi sự lệ thuộc truyền thống vào vũ khí giá rẻ do Nga sản xuất, theo một nguồn tin khác giấu tên.

 

Người phát ngôn của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận, Reuters cho biết.

 

“Chúng tôi có mối quan hệ an ninh rất hữu hiệu và đầy hứa hẹn với phía Việt Nam và chúng tôi nhận thấy có chuyển động thú vị từ phía họ trong một số hệ thống của Mỹ, đặc biệt là bất kỳ thứ gì có thể giúp họ theo dõi tốt hơn lĩnh vực hàng hải của mình, có thể là máy bay vận tải và một số nền tảng khác,” một quan chức Mỹ nói.

 

Một thỏa thuận vũ khí lớn giữa Mỹ và Việt Nam có thể khiến Trung Quốc, nước láng giềng lớn hơn của Việt Nam, vốn đang cảnh giác với những nỗ lực của phương Tây nhằm kiềm chế Bắc Kinh, theo Reuters. Tranh chấp lãnh thổ âm ỉ kéo dài giữa Việt Nam và Trung Quốc đang nóng lên ở Biển Đông, theo các nhà quan sát, là lý do tại sao Việt Nam đang tìm cách xây dựng hệ thống phòng thủ trên biển.

 

Chính quyền Biden cho biết họ đang cố gắng cân bằng cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc, bao gồm cả ở Thái Bình Dương, và quản lý một cách có trách nhiệm mối quan hệ giữa hai siêu cường quốc.

 

Đầu tháng này, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Mỹ lên vị thế ngoại giao cao nhất của Hà Nội - đối tác chiến lược toàn diện - cùng với Trung Quốc và Nga, khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đến thăm nước này.

 

Bước ngoặt ngoại giao này đánh dấu một bước chuyển hướng rõ ràng gần nửa thế kỉ sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc.

 

Kể từ khi lệnh cấm vận vũ khí được dỡ bỏ vào năm 2016, xuất khẩu quốc phòng của Mỹ sang Việt Nam chỉ giới hạn ở các tàu tuần duyên và máy bay huấn luyện, trong khi Nga cung cấp khoảng 80% kho vũ khí của nước này.

 

Việt Nam chi khoảng 2 tỉ đôla mỗi năm để nhập khẩu vũ khí và Washington lạc quan rằng về lâu dài, họ có thể chuyển một phần ngân sách đó sang vũ khí từ Mỹ hoặc các đồng minh và đối tác của Mỹ, đặc biệt là Hàn Quốc và Ấn Độ.

 

Chi phí vũ khí của Mỹ là một trở ngại lớn, cũng như việc huấn luyện sử dụng thiết bị, và là một trong những lý do khiến nước này mua ít hơn 400 triệu đôla vũ khí của Mỹ trong thập niên qua.

 

Trong khi đó, cuộc chiến ở Ukraine đã làm phức tạp thêm mối quan hệ lâu đời của Hà Nội với Moscow, khiến cho việc mua vật tư và phụ tùng cho vũ khí do Nga sản xuất trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang tích cực đàm phán với Moscow về một thỏa thuận cung cấp vũ khí mới mà có thể kích hoạt các chế tài của Mỹ, Reuters đưa tin

 

 


No comments:

Post a Comment

View My Stats