Saturday 16 September 2023

NGUYỄN CHÍ VỊNH và NHỮNG ĐIỀU ÍT AI BIẾT (Tường Minh / Saigon Nhỏ)

 



Nguyễn Chí Vịnh và những điều ít ai biết

Tường Minh  -  Saigon Nhỏ

15 tháng 9, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/nguyen-chi-vinh-va-nhung-dieu-it-ai-biet/

 

Tin tướng Nguyễn Chí Vịnh qua đời theo thông báo của truyền thông Việt Nam là vào 4h sáng ngày 14 Tháng Chín 2023. Nhiều người không khỏi không thắc mắc: “Vì sao Vịnh đang khỏe mạnh thế mà ra đi đột ngột quá?”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/image_2023-09-14_070320573.png

Nguyễn Chí Vịnh chết vì ung thư?

 

Nguồn tin từ gia đình cho biết, tướng Vịnh bị mắc bệnh ung thư vòm họng cả chục năm nay, đã di căn vào gan, song đợt vừa rồi bệnh trở nặng rất nhanh, truyền thuốc không nhận nữa. Và tin cho biết, tướng Vịnh mất lúc hơn 2 giờ sáng 14 Tháng Chín nhưng do đi xem giờ để phát tang thì gia đình thông báo qua đời lúc 4 giờ sáng.

 

Trước đó, tối ngày 12 Tháng Chín, trên trang Facebook cá nhân của bà Hồ Thu Hồng (nickname “Hồng Beo”), cựu Tổng biên tập báo Thể Thao TP.HCM, người được cho là người tình của Thượng tướng, cựu Thứ trưởng Bộ Công An Nguyễn Văn Hưởng, viết vỏn vẹn mấy chữ, “Không hiểu lúc này Tượng đang nói gì với mấy người ở thế giới bên kia nhỉ?”

 

Lâu nay, dư luận xã hội Việt Nam đã đồn đoán lơ mơ về câu chuyện Cục 2 (Cục Tình báo Bộ Quốc phòng – tiền thân của Tổng cục 2), với vụ Năm Châu, Sáu Sứ tìm cách hạ bệ tướng Giáp. Có người còn nói Tướng Vịnh thân Tàu, thậm chí là tay sai của Trung Cộng v.v… Song những ai đọc cuốn “Người Thầy” của Nguyễn Chí Vịnh viết về Tướng tình báo Ba Quốc thì biết được nhiều điều. Cụ thể, lãnh đạo Cục 2 – trước khi hai ông Tư Văn và Vũ Chính từ Campuchia trở về tiếp quản với tư cách Cục trưởng, Cục phó Cục Tình báo Bộ Quốc phòng – đã có ý định đưa Nguyễn Chí Vịnh về lãnh đạo cục này.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/image005-1.jpg

Nguyễn Chí Vịnh trong buổi lễ ngày 10 Tháng Năm 2023 nhận Huân chương Mặt trời mọc của Đại sứ quán Nhật (ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Quốc phòng Việt Nam)

 

Trong cuốn “Người Thầy”, có những cuộc đối thoại giữa ông Ba Quốc (ông thầy kèm cặp và đào tạo Vịnh) với Nguyễn Chí Vịnh, nói về những khó khăn của Tổng Cục 2 thời ông Vịnh làm Tổng Cục phó rồi sau đó là Tổng Cục trưởng. Tướng Nguyễn Chí Vịnh tiết lộ, Tháng Chín 1999 khi Nguyễn Chí Vịnh được đề bạt chức Tổng Cục phó Tổng cục 2, mà lẽ ra theo quy hoạch, Tướng Vịnh sẽ được đề bạt lên chức Tổng Cục trưởng nhưng chuyện này đã không xảy ra, với lý do “nội bộ lãnh đạo không ổn”. Thời điểm đó, Nguyễn Chí Vịnh thừa nhận, “… tôi lúc ấy chỉ nghĩ vài tháng hoặc dài lắm 1-2 năm sóng gió sẽ qua. Nhưng ông Ba Quốc đã nói đúng, phải mất 5-6 năm sau sóng gió mới thực sự lắng xuống đối với cả đơn vị và cá nhân tôi”.

 

Tiểu sử chính thức của Nguyễn Chí Vịnh cho biết, năm 1999 Nguyễn Chí Vịnh giữ chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng với quân hàm thiếu tướng. Một năm sau, Vịnh được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng cục trưởng. Đến Tháng Mười Hai 2004 ông được thăng quân hàm Trung tướng.

 

Song nguồn tin khả tín từ Hà Nội cho biết, trong nội bộ lãnh đạo cao cấp khi ấy, không riêng lãnh đạo Bộ Quốc phòng mà còn nhiều lãnh đạo Bộ Chính trị cũng không muốn Nguyễn Chí Vịnh làm Tổng Cục trưởng Tổng cục 2, thậm chí phản đối quyết liệt việc đề bạt Vịnh làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Và thế lực chống Lê Đức Anh – người được xem là bệ đỡ cho Vịnh – muốn sử dụng chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng để làm mồi nhử, nhằm bẩy Vịnh ra khỏi ghế Tổng Cục trưởng Tổng cục 2, vì Tướng Vịnh còn ngồi ghế này thì không ít lãnh đạo còn mất ăn, mất ngủ.

 

Đó là lý do Tháng Ba 2009, Tướng Vịnh được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quốc phòng. Sáu tháng sau, Tháng Tám 2009, ông thôi kiêm nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục 2. Khi giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách công tác Đối ngoại và Tình báo, Nguyễn Chí Vịnh bất ngờ trở thành một nhân vật nổi trội. Có ý kiến đánh giá cao khi cho rằng, “… Sau Nguyễn Chí Vịnh, có lẽ rất lâu, hoặc không bao giờ, Bộ Quốc phòng mới có một thứ trưởng phụ trách đối ngoại giỏi giang như tướng Vịnh”.

 

Như một số nhân vật trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Chí Vịnh một thời đã được xây dựng thành hình ảnh tích cực, với những “giai thoại” về một con người tài ba nhưng “khiêm nhường”, “sống chan hòa” với “quần chúng”. Những câu chuyện chẳng hạn Nguyễn Chí Vịnh vẫn giữ được phong cách “lính trường Trỗi” (trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi), vẫn đi xe máy lên phố cổ ăn bún ngan vỉa hè với một phong cách hết sức bình dân, đã được lan truyền như một trong những “giai thoại đẹp” về Vịnh, dù trong thực tế, đố ai có thể biết Vịnh sống như thế nào.

 

Trên mạng xã hội hôm rày, ông PL.GB, một học giả tốt nghiệp ở Liên Xô đồng thời là cây bút bình luận về chiến sự Ukraine nổi tiếng, đã kể một câu chuyện về tướng Nguyễn Chí Vịnh:

 

“Nhớ một ngày đông khoảng năm 2010–2011 gì đó, đang đi lêu hêu ở dốc Bảo Khánh thì gặp “một ông anh” trông rất quen bước trên vỉa hè xuống, tóc muối tiêu, áo vest nâu nhạt kẻ nhỏ những đường nâu sẫm, bên trong là sơ mi cổ bẻ không cravate… Đi với cái quần Âu màu be nhạt rất giản dị và lịch lãm. Anh ấy vừa dựng cái Dream lùn trên vỉa hè bên kia đường, để đi sang bên này… ăn bún ngan.

 

Tôi (PL.GB) cười vui vẻ và chào: “Em chào anh!” Anh ấy đáp lại: “Chào chú. Đi đâu đấy?” “Em đi ra Bờ Hồ mua cái kính.” “Ăn sáng chưa vào ăn cùng với anh?” “Em ăn từ sáng sớm rồi.”

 

Liếc nhìn đồng hồ đeo tay, anh ấy (Vịnh) bảo: “Giờ này thì đói rồi, thôi vào đây.” OK thì ăn. Ăn gần xong anh ấy hỏi: “Này cậu trước ở đơn vị nào tôi thấy quen lắm, mà chưa nhớ ra?” “Em không ở đơn vị nào cả, nhưng ai cũng bảo em trông quen lắm. Mà em thấy anh cũng quen lắm. Chắc anh thấy anh em mình cùng tóc muối tiêu như nhau.” Cả hai anh em cùng cười to.

 

Ông thượng tướng thứ trưởng đấy. Được ăn của ông ấy một bát bún ngan, hi hi… Chẳng biết cái Dream lùn còn không. Mong ông anh được siêu thoát ở cõi nào đó. A-di-đà Phật!”

 

Ở Việt Nam, chính xác là Việt Nam cộng sản, những câu chuyện thực thực hư hư mơ mơ hồ hồ như thế về “tính giản dị” của các quan chức cộng sản vẫn thường được lan truyền. Những “giai thoại” như thế, mang màu sắc kiểu “người cộng sản chân chính”, vẫn được “rỉ tai”, như thể, chế độ này chẳng phải ai cũng xấu…

 

Với những người quan sát chính trường Việt Nam, Vịnh, như bao người khác, từ Bộ Quốc phòng đến Bộ Chính trị, thật ra luôn cố tình thể hiện sự lập lờ không dứt khoát trong lập trường chính trị, đặc biệt trong đối ngoại, ví dụ quan điểm về cuộc chiến Nga-Ukraine, kể cả lập trường với Trung Quốc và hồ sơ Biển Đông. Luôn tồn tại thái độ “lá mặt lá trái” trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Nhiều người nói Nguyễn Chí Vịnh yêu nước. Tuy nhiên, Vịnh hẳn cũng yêu nước theo kiểu “lá mặt lá trái” như vậy. Khó có thể nói những người phục vụ cho chế độ như Vịnh là không yêu nước nhưng họ yêu nước theo kiểu của họ. Họ “yêu nước” một thì họ “yêu đảng” mười. Với họ, bằng mọi giá để bảo vệ đảng mới là mục tiêu tối thượng.

 

Trở lại với cái chết đầy mờ ám của Vịnh. Nếu so sánh hình ảnh ngày 10 Tháng Năm 2023 khi Nguyễn Chí Vịnh xuất hiện trong sự kiện Đại sứ quán Nhật bản trao tặng Huân chương Mặt trời mọc cho ông, với hình ảnh Vịnh xuất hiện trong chương trình thời sự VTV1 ngày 31 Tháng Tám 2023 để giới thiệu về cuốn sách của Nguyễn Phú Trọng thì người ta có quyền nghi ngờ những thông tin chính thức liên quan sức khỏe của Nguyễn Chí Vịnh, về chuyện ông “mắc bệnh ung thư vòm họng 10 năm”. Cần biết, Vịnh không phải là “thường dân”. Những viên chức cấp cao như Vịnh luôn được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe đặc biệt.

 

Do đó sự thay đổi nhanh chóng về thể trạng sức khỏe cũng như diện mạo trong thời gian cực ngắn của Vịnh khiến người ta không thể không nghi ngờ có sự “tác động” từ bên ngoài.

 

Trước đây, cựu Chủ tịch nước kiêm cựu Bộ trưởng Công An Trần Đại Quang và cựu Bí thư Đà Nẵng, cựu Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh, cũng đã có những biểu hiện xấu về vấn đề sức khỏe trước khi qua đời.

 

Ông Nguyễn Bá Thanh qua đời vào Tháng Hai 2015 sau một thời gian điều trị ở Mỹ. Thời điểm đó, tất cả những gì liên quan việc điều trị Bá Thanh đều được giữ kín tuyệt đối. Chỉ khi tấm hình Bá Thanh nằm trong một bệnh viện ở Mỹ được “ai đó” rò rỉ trên các trang truyền thống “lề trái” thì dân chúng mới biết Bá Thanh đang đếm từng ngày cuối cùng trong đời. Sau đó, báo chí trong nước mới được phép “tiết lộ” rằng Bá Thanh bị hội chứng rối loạn sinh tủy và được các bác sĩ Mỹ truyền hóa chất để ghép tủy; tuy nhiên, do vấn đề thể chất, Bá Thanh đã không qua khỏi giai đoạn truyền hóa chất và phải đưa về Việt Nam. Nguyễn Bá Thanh chết ngày 13 Tháng Hai 2015.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/mg3825-1423875750.jpg

Nguyễn Bá Thanh thời còn làm Bí thư Đà Nẵng (ảnh: VNE)

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/hqdefault.jpg

Nguyễn Bá Thanh lúc được điều trị tại Mỹ (ảnh: MXH)

 

Trần Đại Quang cũng tương tự. Sau khi Trần Đại Quang qua đời, truyền thông trong nước mới trích lời bác sĩ Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe Trung ương, rằng Trần Đại Quang đã nhiễm phải một loại virus hiếm và độc hại, thế giới chưa có thuốc chữa. Trước đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc từ ngày 11 đến ngày 15 Tháng Năm 2017. Tiếp theo đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang công du Nga và Belarus từ ngày 26 Tháng Sáu đến 1 Tháng Bảy 2017.

 

Trong chuyến đi này, trong buổi gặp Tổng thống Belarus Alexander G. Lukashenko, Chủ tịch Trần Đại Quang cảm thấy choáng và được đưa đi cấp cứu. Các bác sĩ nước chủ nhà Belarus phát hiện nguyên nhân ban đầu là do thiếu máu. Vụ việc khiến Trần Đại Quang và phu nhân phải kết thúc sớm chuyến công du. Cuối cùng, Trưởng ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương Nguyễn Quốc Triệu xác nhận với báo chí rằng ông Quang được phát hiện bị bệnh từ Tháng Bảy 2017 và bắt đầu được đưa sang Nhật chữa trị. Ông Triệu cho biết thêm rằng từ Tháng Bảy 2017, Trần Đại Quang đã trải qua sáu lần điều trị tại Nhật. Cuối cùng, Trần Đại Quang chết lúc 10 giờ 5 phút ngày 21 Tháng Chín 2018 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/ttxvn_daiquang160402.jpg

Trần Đại Quang lúc còn khỏe (ảnh: TTXVN)

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/09/Trandaiquang.jpg

Trần Đại Quang hốc hác sau khi bị “bệnh lạ” (ảnh: TTXVN)

 

Với trường hợp Nguyễn Chí Vịnh, rõ ràng cái chết của ông có nhiều mờ ám. Vịnh có thật sự bị ung thư trong một thời gian dài hay không? Vịnh chết vì bị hãm hại bằng cách đầu độc? Và nếu điều này đúng thì ai giết Vịnh? Đến giờ, có ai biết kẻ nào đã giết Nguyễn Bá Thanh và Trần Đại Quang?

 

Cũng cần nhấn mạnh, cái chết của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng đầy mờ ám. Đến giờ có ai biết kẻ nào đã giết Sáu Dân-Võ Văn Kiệt đâu! Xin nhắc lại, Võ Văn Kiệt dự kiến đi Hà Lan ngày 1 Tháng Sáu 2008 để nghiên cứu và học kinh nghiệm chống lụt của nước này; tuy nhiên, ông đột ngột bị “viêm phổi” nặng với tình trạng sức khỏe cực kỳ nguy kịch. Ngày 4 Tháng Sáu 2008, ông Kiệt được đưa sang Singapore và chỉ vài ngày sau, ngày 11 Tháng Sáu 2008, ông Kiệt chết ở bệnh viện Mount Elizabeth, Singapore…

 

Chính cái chết của cha Nguyễn Chí Vịnh – Tướng Nguyễn Chí Thanh (ngày 6 Tháng Bảy 1967) – đến tận nay cũng còn đầy một màu đen kịt bí ẩn. Có một điều chắc chắn: Nguyễn Chí Vịnh đã mang theo xuống mồ rất nhiều bí ẩn cung đình của chính trường Ba Đình, trong đó có cả những gì Vịnh (có thể) biết về cái chết của cha mình.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats