Monday, 25 September 2023

LẠI NÓI VỀ TỬ HÌNH (Lê Nguyễn Duy Hậu)

 



LẠI NÓI VỀ TỬ HÌNH   

Lê Nguyễn Duy Hậu

25-9-2023  00:34    

https://www.facebook.com/lenguyenduyhau/posts/pfbid0L8UQSWKK9k1fiCF4ABdhwhnV3WmeRiFuvbRiofgm99KcxHSSdsnisQucLpaBmKtjl

 

Có một giai thoại thường được các giáo sư luật ở Mỹ kể cho sinh viên năm nhất nghe. Chuyện kể là, có một sinh viên luật mới ra trường được nhận làm thư ký cho thẩm phán huyền thoại của Mỹ là Oliver Wendell Holmes. Khỏi nói cũng biết anh chàng này rất hào hứng. Nhưng không ngờ sự hào hứng đó bị dội ngay gáo nước lạnh khi anh chứng kiến Holmes tuyên xử một vụ án mà anh tin rằng kết quả thật sự không công bằng.

 

Khi phiên tòa kết thúc, anh chàng chạy theo Holmes để chất vấn ông ta. Chuyện kể rằng, Holmes ngạc nhiên nhìn anh chàng như trên trời rơi xuống, rồi nói như mắng vào mặt anh: “Cậu làm sai nghề rồi. Nghề của chúng ta là nghề luật, chứ không phải là truy tìm công lý”.

 

Câu chuyện này kể ra không phải để lên án luật sư hay thẩm phán, hay hệ thống tư pháp nói chung, mà vốn là để dạy cho sinh viên luật một bài học cơ bản: Pháp luật không phải vạn năng. Vì sao pháp luật không phải vạn năng? Vì pháp luật là do con người tạo ra. Mà con người thì không hoàn hảo. Logic hình thức là ở đây.

 

Mình nhớ, từng đọc đâu đó trong một phán quyết của Anh, có ghi rằng: “Pháp luật vốn dĩ chỉ là nỗ lực của con người để đạt được công lý”. Công lý, theo ý trên, có thể đạt được bởi nhiều cách khác nhau, và không nhất thiết là độc quyền của pháp luật.

 

Nói tiếp về lý luận này. Một trong những điều mà ít người để ý, đó là dù cố gắng cách mấy, con người sẽ mãi mãi không làm được một đạo luật “rõ ràng”, “không kẽ hở” được. “Kẽ hở” của pháp luật đôi khi xuất hiện chỉ đơn giản vì người làm luật không thể lường được sự sáng tạo của xã hội trong việc tạo ra những thứ mới.

 

Những quốc gia cố gắng viết luật xuống thành văn và giới hạn cái gọi là luật trong các văn bản pháp luật đều có những cái lý của họ. Nhưng cùng lúc đó, họ khiến cho khả năng uyển chuyển, thích ứng với thực tế cuộc sống của luật bị ảnh hưởng. Và khi một vụ việc nào đó rõ ràng có bất công, nhưng luật không thể theo kịp để xử lý, thì người chịu vạ đầu tiên là đương sự, nhưng người mang tiếng nhiều hơn lại là các thẩm phán. Nhất là khi vụ án đó tước đi tính mạng của đương sự, là một vụ án tử hình. Điều này sẽ tệ hơn khi họ cố gắng xây dựng một truyền thuyết rằng pháp luật công bằng, hoàn hảo, và là chuẩn mực của đạo đức. Làm nghề được hơn một thập kỷ nay, mình thấu hiểu điều đó là sai lầm và thú thật là có cái nhìn thông cảm hơn với các thẩm phán trong các vụ án oan.

 

Đành rằng có những vụ án mà nó oan chủ yếu là do thẩm phán không đủ bản lĩnh để đối chọi với sức ép, hay đơn giản là cái uy, từ cơ quan điều tra (công an) và công tố (viện kiểm sát), nhưng có những vụ án oan vì nó đã đến một giới hạn mà công cụ pháp lý trong tay các thẩm phán không còn đủ để thay đổi nữa. Nhưng tất nhiên, là một phần của hệ thống thì họ phải chịu vạ vậy.

 

Chỉ là khi mình nghe chánh án Nguyễn Hòa Bình nói một cách hơi huỵch toẹt rằng, Quốc hội chấp nhận chỉ tiêu cho Tòa án được sai không quá 1.5% các bản án được đưa ra xét xử, mình thấy ông Bình hoặc là can đảm nói sự thật, hoặc hơi dại dột. Thực tế là, ngay cả chuyện giao chỉ tiêu như vậy cũng là một nỗ lực để hạn chế điều không thể hạn chế, và con số 1.5% vốn cũng hơi ngẫu nhiên.

 

Mình là một người phản đối toàn diện án tử hình, và mình không giấu giếm điều đó. Không có nghĩa là mình ủng hộ hay bao che cho cái ác (không ai trên đời này quỷ dữ đến như vậy), mà đơn giản là mình nghĩ bản thân sẽ trở nên ác nếu ủng hộ án tử hình.

 

Thực tế thì việc tòa án xử sai người sai tội không phải là hiện tượng của riêng Việt Nam. Một báo cáo của Trung Tâm Thông Tin Án Tử Hình Hoa Kỳ (Death Penalty Information Center) cho thấy, từ 1973 đến nay, có đến 192 tử tù sau đó đã được chứng minh là oan sai. Con số khủng khiếp hơn đó là cho đến năm 2020, có lẽ đã có đến 20 tử tù bị hành quyết oan.

 

Thống kê thực tế là bao nhiêu thì không ai biết cả. Có rất nhiều nguyên nhân cho án oan, nhưng mình tin rằng lý do duy nhất bởi vì, đó là bản năng của con người, là sự thật không thể thay thế được. Một khi pháp luật không thể hoàn hảo, thì án oan sẽ luôn luôn tồn tại. Các nỗ lực cải tổ tư pháp rốt cuộc cũng chỉ là cải tổ, không thể thay thế được. Nếu bạn nhìn pháp luật theo cách đó, bạn có thấy dễ sợ không khi biết rằng xã hội hoàn toàn có thể đẩy một người vô tội đến chỗ chết bất kỳ lúc nào.

 

Tất cả những lập luận ủng hộ án tử hình thường xuất phát từ một mục đích tốt đẹp, đó là cho xã hội tốt hơn, cho người nhà nạn nhân bớt đau buồn, cho kẻ xấu chịu hình phạt thích đáng. Mình hiểu tất cả. Nhưng không phải lúc nào điều chúng ta muốn cũng là điều chúng ta làm được, hoặc nên làm.

 

Cái xấu xí của án tử hình đó là việc nó sử dụng uyển ngữ Hán Việt. Án tử hình đơn giản là giết chết một người nào đó, nhân danh một cộng đồng. Chính vì sự nhân danh cộng đồng mà không ai cảm thấy mình có trách nhiệm trực tiếp với cái chết đó cả.

 

Nhưng thử làm một thử nghiệm tâm lý nhỏ: liệu có bao nhiêu người ủng hộ án tử hình, sẵn sàng tự mình thi hành án tử hình? Câu trả lời mà chính bạn đưa ra chắc sẽ phần nào làm bạn suy nghĩ lại. Chúng ta lên án kẻ giết người vì hắn tước đi mạng sống của một người vô tội, và hắn xứng đáng bị tử hình. Nhưng chúng ta có tự lên án bản thân mỗi lần một bản án tử hình oan bị tuyên không?

 

Những vụ án oan hiện nay xảy ra không phải là vấn đề của hệ thống tư pháp. Hệ thống tư pháp chắc chắn sẽ có thiếu sót, sẽ có sai lầm, và việc tranh luận để giảm sai lầm đó tuy tốt thì cũng chỉ là đắp vá tạm bợ. Trí tưởng tượng của con người không thắng được thực tế xã hội. Vấn đề là thái độ của chúng ta với án tử hình. Chừng nào mà xã hội vẫn còn cho rằng việc duy trì án tử hình là đúng, và chỉ có thi hành án tử hình với người vô tội mới là sai… thì chừng đó xã hội vẫn sẽ còn thấy những oan khuất xuất hiện như gần đây.

 

.

41 BÌNH LUẬN    






No comments:

Post a Comment

View My Stats