Sunday, 17 September 2023

KINH TẾ MỸ BỊ ẢNH HƯỞNG NHƯ THẾ NÀO KHI VIỆC THANH TOÁN NỢ SINH VIÊN ĐƯỢC PHỤC HỒI? (Lương Thái Sỹ / Saigon Nhỏ)

 



Kinh tế Mỹ bị ảnh hưởng như thế nào khi việc thanh toán nợ sinh viên được phục hồi?

Lương Thái Sỹ -  Saigon Nhỏ

17 tháng 9, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/kinh-te-my-bi-anh-huong-nhu-the-nao-khi-viec-thanh-toan-no-sinh-vien-duoc-phuc-hoi/

 

Sau thời gian tạm ngưng, việc khởi động lại thanh toán nợ sinh viên từ Tháng Mười sẽ khiến túi tiền người tiêu dùng bị mất đi $100 tỷ trong 12 tháng tới, ảnh hưởng đến kế hoạch chi tiêu hàng tháng. Khi các hộ gia đình phải giảm chi để trả nợ, các nhà bán lẻ lớn không khỏi lo lắng về sức cầu yếu.

 

 

Ảnh hưởng đến các cá nhân mang nợ

 

Wall Street Journal thuật: Vợ chồng Colin và Jessica Evans sống với con gái Aurora, đang chuẩn bị thắt chặt chi tiêu gia đình khi khoản thanh toán nợ sinh viên hàng tháng quay trở lại. Khởi động lại việc trả nợ có thể lấy đi $100 tỷ từ túi của người dân Mỹ trong 12 tháng tới, khiến họ phải siết chặt hầu bao.

 

Bắt đầu từ ngày 1 Tháng Mười, hàng chục triệu người còn mang nợ thời đi học đại học sẽ phải thanh toán trung bình từ $200 đến $300 mỗi tháng sau thời gian Bộ Giáo dục tạm dừng thu nợ từ Tháng Ba 2020. Trong thời gian tạm dừng đó, những người được giãn trả nợ đã đổ tiền vào TV, đi du lịch, mua nhà mới và hàng ngàn sản phẩm khác, giúp kích thích mạnh tiêu dùng và giúp nền kinh tế đứng vững, bất chấp lãi suất tăng cao.

 

Trong khi ảnh hưởng đến nền kinh tế của việc thanh toán lại các khoản vay vẫn còn đang tranh luận thì các tập đoàn bán lẻ Target, Walmart và các nhà bán lẻ khác sống nhờ một phần vào chi tiêu từ số tiền hoãn trả nợ đã thực sự bày tỏ sự lo ngại về tương lai. Tại các hộ gia đình, cuộc tranh luận cũng bắt đầu. Những người đi vay cho biết họ sẽ phải cắt giảm những chi tiêu không cần thiết để có tiền trả nợ. Thanh toán nợ sinh viên là thêm một nghĩa vụ tài chính khác vào hóa đơn thẻ tín dụng, mua xăng và các chi phí tăng cao khác.

 

Vợ chồng Evans vẫn loay hoay với các con số trong bảng thu chi ngân sách gia đình để có thể giải phóng $300 dùng trả nợ sinh viên mỗi tháng vào mùa thu này. Là một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ, Colin 33 tuổi sống ở Owego, New York, cho biết anh sẽ cố tiết kiệm một số tiền mỗi tháng trong bảng thu chi, chủ yếu là “hy sinh” những thứ không cần thiết. Anh cũng giảm bớt hai “đồng hành” đi theo mình hàng ngày: xăng và cà phê. Đề nghị được làm việc ở nhà thêm một ngày mỗi tuần là tiết kiện được số xăng cho 45 km đi về và bớt được một tách cà phê!

 

Michael Fiddelke, giám đốc tài chính của Target, nhận định: “Việc tái lập thanh toán nợ sinh viên sẽ gây thêm áp lực lên ngân sách vốn đã căng thẳng của hàng chục triệu hộ gia đình. Trong bối cảnh đó, chúng tôi phải thận trọng trong kế hoạch doanh số của mình”.

 

Các nhà bán lẻ tầm cỡ quốc gia khác như Macy’s và Ulta Beauty cũng dự báo những khó khăn do khởi động lại thanh toán nợ sinh viên. Áp lực thanh toán nợ ở mỗi nhóm khách hàng mỗi khác, tuỳ vào tích luỹ và thu nhập của họ.

 

Matt Bilunas, giám đốc tài chính của chuỗi cửa hàng Best Buy, lạc quan: “Nếu bạn nhìn vào nhóm khách hàng trẻ chủ lực của chúng tôi, ảnh hưởng có thể nhiều hơn một chút. Tuy nhiên, nhiều người mang nợ sinh viên có thu nhập cao hơn mức trung bình vẫn có thể mua sắm đồ điện tử như cũ”. Nhà ở cũng là lĩnh vực bị ảnh hưởng. Theo Moody’s Analytics, việc phải thanh toán lại nợ sinh viên sẽ là gây khan hiếm các căn hộ cho thuê giá phải chăng, đặc biệt là ở những khu vực giá cao.

 

 

Nhưng không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế nói chung

 

Đa số nhà kinh tế vẫn lạc quan về tác động của việc nối lại các khoản thanh toán nợ sinh viên và tin rằng nó chỉ tác động hạn chế đến nền kinh tế quốc gia. Theo tính toán của Tim Quinlan, chuyên viên kinh tế của ngân hàng Wells Fargo, số tiền tiết kiệm được trong thời gian tạm dừng thanh toán nợ sinh viên chỉ chiếm khoảng 0.4% đến 0.6% tổng số tiền gửi tiết kiệm của người tiêu dùng.

 

Nay, nếu dùng số tiền đó để trả nợ sinh viên sẽ có tác động rất nhỏ đối với nền kinh tế đang tăng trưởng trở lại với tỷ lệ thất nghiệp thấp. Ngoài ra, không có thêm tiền hoãn trả nợ, số tiền tiết kiệm vẫn tăng ở nhiều người. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã triển khai một chương trình có tên “Tiết kiệm cho Giáo dục Giá trị” (Saving on a Valuable Education, or SAVE), cho phép người vay thanh toán hàng tháng số tiền tương đối nhỏ trên thu nhập.

 

Người vay cũng không bị phạt nếu không thanh toán trong 12 tháng đầu tiên, dù tiền lãi sẽ tích lũy. Ngay cả trong đại dịch, vẫn có khoảng một nửa trong số 43 triệu người Mỹ vay nợ sinh viên liên bang thanh toán nợ thường xuyên. Nửa còn lại hoặc không thanh toán đúng hạn hoặc trong thời gian gia hạn vì đang theo học tại trường hoặc mới tốt nghiệp dưới sáu tháng.

 

Hiện vợ chồng Evans đang cân nhắc xem có nên đăng ký tham gia chương trình SAVE cho số tiền nợ khoảng $80,000 và $13,000 còn lại của hai người hay tiếp tục trả nợ như cũ. Nếu đăng ký SAVE, tổng số tiền phải thanh toán hàng tháng của cặp vợ chồng sẽ chỉ còn $300 so với khoảng $1,200 hiện nay. Mức giảm đó có nghĩa là gia đình Evans không cần cắt chi tiêu quá nhiều.

 

Nhiều con nợ sinh viên đối phó bằng cách tăng thêm thu nhập. Số khác cố cân đối thu chi trong tình hình mới. Molly Caisse, nhà quản lý dự án y tế công cộng 27 tuổi sống ở Silver Spring, Maryland sẽ phải thanh toán $200 nợ sinh viên trở lại vào Tháng Mười. Bạn trai sống cùng cô cũng có khoản thanh toán tương tự. Để bù đắp, họ phải cắt giảm một nửa ngân sách du lịch hàng năm.

 

Trong cuộc khảo sát mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) về đời sống người dân, một người làm trong ngành nhà hàng nhận xét: “Trả nợ trở lại đã dẫn đến việc người lao động phải làm nhiều giờ hơn và nhà hàng có nhiều người xin việc hơn”. Các mục tiêu tiết kiệm cũng sẽ thu nhỏ lại vì phải dành tiền trả nợ sinh viên. Theo nghiên cứu của nhà kinh tế Harvard Justin Katz, trong số những người mắc nợ sinh viên, khoảng một phần ba vẫn tiếp tục thanh toán sau ngày tạm ngưng Tháng Ba 2020.

 

Nghiên cứu của Katz cho thấy, nhìn chung, những người còn mang nợ sinh viên không bỏ hết số tiền hoãn nợ vào chi tiêu mà để dành hoặc đưa vào tài khoản ngân hàng. “Nhưng hiệu ứng ngược sẽ xảy ra khi thời gian tạm dừng thanh toán kết thúc và khoản tiền tiết kiệm được vơi dần” – ông cảnh báo.

 

Trong những tháng gần đây, người Mỹ đã tăng tốc mua sắm những mặt hàng có giá trị lớn như xe hơi và chi tiêu nhiều hơn tại các cửa hàng, nhà hàng. Theo Bộ Thương mại, chi tiêu tiêu dùng chiếm khoảng 70% nền kinh tế Mỹ đã tăng 0.8% trong Tháng Bảy, tăng nhanh hơn so với tháng trước.

 

Aditya Bhave, nhà kinh tế tại Bank of America nhận xét: “Nhìn chung, các hộ gia đình vẫn cảm thấy khá hài lòng về cuộc sống. Tâm trạng bi quan do phải trả nợ trở lại sẽ không xảy ra”. Thậm chí, trước khi tái lập thanh toán nợ sinh viên, số người trả nợ đã bắt đầu tăng.  Điều này chứng tỏ, nhiều “con nợ” vẫn có khả năng trả nợ dù được hoãn. Bộ Giáo dục đã gửi $6.4 tỷ tiền trả nợ vào Kho bạc trong Tháng Tám, gấp hơn bốn lần trung bình hàng tháng trong 6 tháng đầu năm.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats