Friday 22 September 2023

"ĐIỀU GÌ KHÓ KHĂN NHẤT KHI ĐẦU TƯ VÀO VIỆT NAM?" (Nguyễn Minh Đức)

 



“Điều gì khó khăn nhất khi đầu tư vào Việt Nam?”   

Nguyễn Minh Đức

21-9-2023  15:06   

https://www.facebook.com/minhducgav/posts/pfbid02jdXE1qhsLvAbb89CSMXRyaU7mFwvCoEvCFSKj11GZzqf1XRCzeHAjvAMjVFsCUrFl

 

Ngồi nói chuyện với một luật sư nước ngoài có hàng chục năm kinh nghiệm tư vấn đầu tư tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, mình mới hỏi: "Điều gì khó khăn nhất khi đầu tư vào Việt Nam?"

 

Ông ta trả lời: “Sự khó tiên đoán của pháp luật, nhất là khâu thực thi." Ông ta lấy ví dụ luôn về vấn đề phòng cháy chữa cháy đang rất nóng hiện nay. Về mặt pháp luật trên giấy mà nói, quy định PCCC của Việt Nam yêu cầu khá cao so với các nước thu nhập trung bình thấp.

 

Trước đây, khi thực thi, các cán bộ PCCC cũng đơn giản hóa, hoặc bỏ qua một số yêu cầu mà họ cho là không thực sự cần thiết. Quy định nào nhất định phải tuân thủ, quy định nào có thể linh hoạt là luật bất thành văn giữa những người làm thực tiễn.

 

Nhưng đến khi có vụ cháy lớn, chính quyền ra quân rà soát rầm rộ, và yêu cầu phải tuân thủ 100%. Đây là sự thay đổi về thực thi pháp luật một cách đột ngột, không có lộ trình, không thể dự liệu, chi phí lớn, nhiều trường hợp bất khả thi, thậm chí hồi tố, lật lại những quyết định trước đó của chính họ.

 

"Thực ra, nhà đầu tư đến từ nước tao không ngại tuân thủ quy định, dù chi phí có thể cao. Nhưng quan trọng là phải rõ ràng từ đầu để bọn tao còn lập kế hoạch. Bọn tao không kinh doanh một mình. Mỗi lần thay đổi vậy là tao phải đàm phán với ngân hàng, phải xin phép các cổ đông để điều chỉnh dòng tiền."

 

Ông ta nói thêm, không chỉ PCCC, cứ có vụ ngộ độc thực phẩm chết người, hay ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hoặc dư luận rộ lên một vấn đề gì đó là hệ thống chính quyền sẽ phản ứng rất mạnh, khiến các doanh nghiệp luôn ở thế bị động.

 

Mình mới nói: "Nước tao vẫn hay nhảy từ thái cực này sang thái cực khác như vậy." Ông ta gật đầu: "Chính xác."

 

Mình mới nói thêm: "Tao nghĩ một phần nguyên nhân là do hệ thống hành chính của Việt Nam bị chính trị hóa quá mạnh. Nó không hành động theo các tiêu chuẩn quản trị công mà theo áp lực chính trị, áp lực dư luận nhiều hơn. Điều đó cũng có cái hay là đôi lúc vấn đề được giải quyết rất nhanh, nhưng cái dở là sự thiếu ổn định của pháp luật và môi trường kinh doanh."

 

Ông ta nói: "Ờ, đúng. Nhưng chúng mày có nghĩ đến giải pháp gì không?"

 

Mình trả lời: "Tao nghĩ bản thân lãnh đạo cũng thích như vậy, vì quyền lực của họ mạnh hơn. Ở Việt Nam cũng có một số người kêu gọi cần có sự độc lập nhất định giữa hành chính và chính trị, nhưng có vẻ như xu hướng chính trị hóa ngày càng thắng thế."

.

 40 BÌNH LUẬN

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats