Hoa
Kỳ sẽ giúp Việt Nam đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông ra sao?
Trường Sơn, RFA
14-09-2023
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/how-us-help-vn-counter-china-scs-09142023094311.html
Quan hệ giữa
Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở nên khăng khít hơn bao giờ hết khi hai nước vừa tuyên
bố việc trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện, theo sau chuyến thăm của tổng
thống Joe Biden tới Hà Nội.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (trái) và
Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (phải) tại lễ đón ở Hà Nội ngày
10/9/2023. (AFP)
Việc nâng cấp quan hệ được cho là sẽ mở ra cơ
hội lớn để Việt Nam phát triển kinh tế, bằng chứng là trong bản tuyên bố chung
của lãnh đạo hai nước, thì việc hợp tác thương mại và kinh tế chiếm phần lớn nội
dung. Trong bối cảnh nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài,
Việt Nam rõ ràng là bên được lợi rất lớn từ việc thắt chặt quan hệ với nền kinh
tế lớn nhất thế giới.
Tuy cả hai nước có vẻ đã cố tình đổ dồn chú ý
vào khía cạnh hợp tác phát triển, điển hình là việc cho thêm cụm từ “vì hoà
bình, hợp tác, và phát triển bền vững” vào tên gọi của mối quan hệ ngoại giao mới,
thế nhưng như vậy vẫn chưa đủ để kéo sự chú ý ra khỏi vấn đề mà cả hai bên đều
cho là nhạy cảm - cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung.
Bằng chứng là trong cuộc họp báo của tổng thống
Hoa Kỳ Joe Biden sau cuộc hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hầu hết các
câu hỏi được nêu ra đều xoáy vào mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc, trong khi nước
chủ nhà Việt Nam thì hầu như không được nhắc đến.
Hoa Kỳ và Trung Quốc đang ở trong một mối quan
hệ mà giới học giả cho là cuộc cạnh tranh của các siêu cường. Do vậy, cũng dễ
hiểu khi việc Mỹ nâng cấp mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam lại được liên hệ
với cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung, khi mà Việt Nam có vị trí địa chính trị vô cùng
quan trọng ở khu vực mà Trung Quốc vốn coi là sân sau của họ.
Tuy sự chú ý được đổ dồn vào cuộc đối đầu giữa
hai siêu cường, nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam đứng ngoài bức tranh
an ninh khu vực. Trên thực tế thì vấn đề an ninh ở khu vực Châu Á-Thái Bình
dương được coi là ảnh hưởng đến lợi ích cốt lõi của Việt Nam. Cụ thể là ở trên
khu vực Biển Đông nơi mà Việt Nam đang phải đối diện với sự bành trướng về mặt
lãnh thổ và quân sự của Trung Quốc.
Câu hỏi đặt ra ở đây là Biển Đông nằm ở đâu
trong sự tính toán của giới lãnh đạo Việt Nam khi họ quyết định nâng cấp quan hệ
với Hoa Kỳ?
Trao đổi với đài Á Châu Tự do, thạc sĩ Hoàng
Việt, chuyên gia nghiên cứu vấn đề Biển Đông, cho biết dù phía Việt Nam không đả
động gì đến Trung Quốc hay tình hình Biển Đông, nhưng hàm ý của việc nâng cấp
quan hệ với Mỹ lại rất liên quan đến những vấn đề này:
“Mặc dù trong tất cả các tuyên bố chung của Việt Nam
không hề nhắc một chút nào tới Trung Quốc, Mỹ cùng vậy. Nhưng mà giống như câu
chuyện Harry Potter, có một cái người mà không ai nhắc tới nhưng ai cũng biết đấy
là ai, tức là cái bóng của Trung Quốc đằng sau, và càng không nhắc tới thì người
ta càng thấy cái điều đó.”
Ông này cũng chỉ ra rằng trước thềm chuyến
thăm của tổng thống Hoa Kỳ tới Việt Nam thì Trung Quốc đã liên tiếp có những động
thái gây căng thẳng trên Biển Đông, điển hình là việc tàu nghiên cứu của nước
này đã hoành hành trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam liên tiếp trong 28
ngày hồi tháng 5 và tháng 6 năm nay.
Sơ đồ hoạt động của Hướng Dương Hồng từ
7/5/2023 đến 15/5/2023 EEZ của VN. Marine Traffic
Nhận định về mối liên hệ giữa việc Trung Quốc
gây áp lực trên khu vực Biển Đông và sự kiện nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ, ông Nguyễn
Thế Phương, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại trường đại học New South Wales chuyên
ngành an ninh hàng hải, cho rằng ở đây có mối liên hệ trực tiếp:
“Cái vấn đề Biển Đông với vấn đề Việt-Mỹ nâng cấp
quan hệ nó có một mối quan hệ nhân quả. Chính vì những gì Trung Quốc làm ở Biển
Đông mới đẩy Việt Nam tới cái mức phải nâng cấp quan hệ với Mỹ, như là một biện
pháp để cân bằng lại. Đặt ngược lại câu hỏi là nếu như Trung Quốc không làm gì ở
Biển Đông thì Việt Nam cũng chẳng nâng cấp quan hệ với Mỹ làm gì.
Cái vấn đề ở đây là cái việc nâng cấp quan hệ là sự
lựa chọn của Việt Nam, và bởi vì chính sách hung hăng của Trung Quốc ở khu vực,
nên Việt Nam mới nâng cấp quan hệ với Mỹ.”
Như vậy, yếu tố Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề
Biển Đông, đằng sau việc Việt Nam quyết định đưa quan hệ của mình với Hoa Kỳ
lên tầm cao mới, theo như các học giả là mang tính mấu chốt.
Nhưng vấn đề là trong bối cảnh khi mà Trung Quốc
đang coi Hoa Kỳ là đối thủ số một của họ, liệu việc Việt Nam trở nên gần gũi với
Mỹ có khiến Trung Quốc phản ứng tiêu cực hơn, và giới lãnh đạo Việt Nam đã tính
toán điều này thế nào trong quá trình đàm phán nâng cấp quan hệ với Mỹ?
Theo thạc sĩ Hoàng Việt, người vốn theo dõi
sát sao nhất cử nhất động về tình hình trên Biển Đông, thì phía Việt Nam chắc
chắn đã phải mặc cả với Mỹ để đảm bảo lợi ích của mình trước đe doạ từ Trung Quốc:
“Cá nhân tôi cho rằng lợi ích của quốc gia sẽ là
quan trọng nhất, cho nên Việt Nam sẽ phải ngã giá với phía Mỹ, rằng nếu tôi
nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất thì tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn từ
phía Trung Quốc, vậy thì tôi sẽ nhận được gì từ Mỹ đây? Và phía Mỹ cũng đã chứng
minh bằng việc mang lại những lợi ích kinh tế to lớn.”
Ảnh vệ tinh
chụp Trường Sa. AFP
Muốn nâng cao năng lực quốc phòng để bảo vệ lợi
ích của mình trên khu vực Biển Đông, thì trước hết Việt Nam cần phải phát triển
về mặt kinh tế và công nghệ, và đây chính xác là những gì mà việc nâng cấp quan hệ với Mỹ sẽ mang lại,
theo ông Nguyễn Thế Phương, người đang nghiên cứu về lịch sử hải quân Việt Nam.
Ông này cũng cho rằng duy trì mối quan hệ gần
gũi với Hoa Kỳ còn sẽ giúp Việt Nam hiện đại hoá lực lượng quân đội của mình,
trong bối cảnh nguồn cung vũ khí cho Việt Nam từ Nga đang gặp vấn đề do cuộc
chiến tranh ở Ukraine, và các lệnh cấm vận:
“Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã làm thay đổi một
cách căn bản về nhận thức của Việt Nam trong quá trình hiện đại hoá quân đội. Ở
đây là việc 60 đến 70 phần trăm vũ khí của Việt Nam trước đây là mua từ Nga.
Sau cuộc chiến của Nga ở Ukraine thì bắt đầu những lo ngại rất lớn về việc quá
trình hiện đại hoá quân đội của Việt Nam sẽ bị chậm đi một cách đáng kể. Vấn đề
đặt ra là làm thế nào để đa dạng hoá nguồn cung vũ khí, và vấn đề thứ hai là
làm thế nào để xây dựng được một nền công nghiệp quốc phòng nội địa đủ mạnh? Cả
hai vấn đề đó không thể nào thành công nếu không có một mối quan hệ tốt với Mỹ.”
Ngoài ra, ông Nguyễn Thế Phương cũng cho rằng
Việt Nam có thể phối hợp với Hoa Kỳ để cùng tạo ra các sáng kiến nhằm duy trì sự
ổn định trên khu vực Biển Đông, nhằm đối phó với chiến thuật vùng xám của Trung
Quốc. Tuy nhiên, để có thể phối hợp với Mỹ một cách hiệu quả, thì theo ông này,
Việt Nam cần phải trở nên linh hoạt hơn trong chiến lược quốc phòng của mình, cụ
thể là cần diễn giải lại chính sách “bốn không”.
----------------------
Tin, bài liên quan
THỜI SỰ
·
Trung
Quốc tấn công ngư dân Việt Nam: chiến thuật “rung cây dọa khỉ”?
·
Cam
kết của Mỹ với Đông Nam Á bị nghi ngờ khi Biden bỏ qua Hội nghị thượng đỉnh khu
vực
·
Quan
hệ Việt Nam-Philippines có xấu đi bởi chiến thuật chia rẽ từ Trung Quốc?Việt Nam có thể sẽ đối mặt
với những căng thẳng lớn hơn nếu Trung Quốc xây Sân bay Tri Tôn
No comments:
Post a Comment