Sunday, 17 September 2023

GS VUVING : 'VIỆC NÂNG CẤP QUAN HỆ CHO THẤY VIỆT NAM ĐÃ TƯƠNG ĐỐI TIN TƯỞNG MỸ?' (BBC News Tiếng Việt)

 



GS Vuving: 'Việc nâng cấp quan hệ cho thấy Việt Nam đã tương đối tin tưởng Mỹ'

BBC News Tiếng Việt

17 tháng 9 2023, 17:08 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cjk26z6ljj6o

 

Với việc nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ, Việt Nam nay là 'đối tác chiến lược toàn diện' với ba thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga, và là 'đối tác chiến lược' của hai thành viên còn lại, Anh và Pháp.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/c5ff/live/008b0e60-554d-11ee-9a11-51424952320f.jpg

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng là người mời, tiếp đón và cùng Tổng thống Hoa Kỳ công bố việc nâng cấp quan hệ hai nước

 

Được công bố trong chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Hà Nội hôm 10/9/2023, đây là sự nâng cấp lên mức cao nhất trong quan hệ hai nước, từ mức 'đối tác toàn diện' bỏ qua mức 'đối tác chiến lược'.

 

Tuy nhiên, bình luận với BBC News Tiếng Việt, Giáo sư Alexander L Vuving từ trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye (Daniel K. Inouye Asia-Pacific Center for Security Studies) thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói đây không phải là chuyện gây ngạc nhiên.

 

Trả lời phỏng vấn của BBC, Giáo sư Vuving trước tiên nói sự kiện này cho thấy Hà Nội nay 'tương đối tin tưởng' Hoa Kỳ:

 

Giáo sư Alexander L Vuving: Việc nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt từ 'Đối tác toàn diện' lên 'Đối tác chiến lược toàn diện' đối với tôi không thấy bất ngờ. Cả Mỹ và Việt Nam đều đã có chính sách đó từ nhiều năm nay. Việt Nam đã khá sẵn sàng cho việc nâng cấp ngay từ năm 2019. Vấn đề là cần có thời điểm thích hợp, và họ chờ đến lúc này.

Nâng cấp lần này là vượt cấp, từ 'Đối tác toàn diện' bỏ qua 'Đối tác chiến lược', lên 'Đối tác chiến lược toàn diện'.

Quả thực có bất ngờ ở chỗ một nước trở thành 'Đối tác chiến lược toàn diện' của Việt Nam phải là một nước có độ tin cậy chính trị khá cao, không đe dọa thể chế chính trị của Việt Nam.

Thế thì lâu nay với Mỹ, Việt Nam vẫn nghĩ Mỹ có sự đe dọa nhất định, vẫn nghĩ Mỹ có tư tưởng muốn thay đổi thể chế chính trị của Việt Nam. Do đó, cần có nhiều động thái để phía Mỹ làm cho phía Việt Nam tin tưởng là Mỹ không hề có ý định thay đổi và tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam.

Việc nâng cấp quan hệ cho thấy Việt Nam đã tương đối tin tưởng rằng Mỹ không phải là mối đe dọa đối với chế độ.

Tuy nhiên, quan hệ Mỹ-Việt là bạn, nhưng độ tin cậy chính trị chưa quá cao, không thể cao bằng giữa Việt Nam và Nga.

Việt Nam tin Nga không có ý đồ xấu gì đối với chính quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam và cũng không có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam. Do đó Nga có độ tin cậy chính trị cao.

 

*

BBC: Đảng Cộng sản Việt Nam muốn truyền đi thông điệp gì khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời, chủ trì tiếp đón và cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố nâng cấp quan hệ?

 

Giáo sư Alexander L Vuving: Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đến Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đây chính là ý đồ của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhằm cho thấy Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo đất nước Việt Nam, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản là lãnh đạo cao nhất của Việt Nam, tương đương với Tổng thống Mỹ.

Thứ hai, thông điệp mà Đảng Cộng sản Việt Nam muốn truyền tải là tính biểu tượng cho sự chấp nhận của Mỹ đối với quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, thừa nhận và tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam.

Khi tổng thống đến thăm thì thông lệ sẽ gặp chủ tịch nước chủ nhà, nhưng đây là đến theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, một ông không có chức vụ trong chính phủ, chính quyền.

 

*

BBC: Theo Giáo sư, đây là chiến thắng của ai, của Mỹ hay Việt Nam?

 

Giáo sư Alexander L Vuving: Đây là chiến thắng cho cả hai bên, Việt Nam và Mỹ. Việt Nam ở đây là Đảng Cộng sản Việt Nam, người lãnh đạo Việt Nam.

Việt Nam đạt được sự tôn trọng và thừa nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tôn trọng chính thể của Việt Nam.

Với Mỹ, thắng lợi là ở chỗ Việt Nam là một nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo, được nghĩ là nằm trong quỹ đạo của Trung Quốc, Nga, thế nhưng giờ đây lại trở thành một nước đối tác chiến lược toàn diện của Mỹ.

Chính danh mà nói thì quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ, Trung Quốc, Nga là tương đương. Trước đây Nga với Trung Quốc ở tầng một, Mỹ ở tầng ba, rất thấp. Giờ nâng lên hai cấp, trở thành ngang nhau. Đối với Mỹ là một thắng lợi lớn.

Đây là win-win, hai bên cùng thắng lợi.

Đúng là Mỹ phải bỏ qua vấn đề dân chủ nhân quyền thì đạt được điều này. Vì chừng nào Mỹ còn nhấn mạnh vấn đề dân chủ, nhân quyền thì chừng đó, Đảng Cộng sản Việt Nam còn nghĩ rằng Mỹ vẫn còn muốn thay đổi chế độ, Mỹ muốn chơi với Việt Nam nhưng muốn dùng sự ảnh hưởng của Mỹ để thay đổi chế độ Việt Nam.

Điều đó không tạo nên lòng tin chiến lược. Và không có lòng tin thì người ta không bao giờ chấp nhận.

Mỹ có cái nhìn xa, không phải nhìn gần. Mỹ trên thực tế không có đủ sức để ép Việt Nam có động thái nới lỏng dân chủ nhân quyền.

Trung Quốc, Nga có thể ép Việt Nam làm gì đó. Thậm chí Nga cũng không ép được quá nhiều. Chỉ có Trung Quốc là nước duy nhất có thể ép Việt Nam làm được điều đó.

Nhưng bây giờ kể cả Trung Quốc cũng không thể ép Việt Nam làm một số việc. Chẳng hạn như Việt Nam không tham gia Vành đai - Con đường của Trung Quốc, đặc biệt 'Cộng đồng chung vận mệnh' của Trung Quốc. Trung Quốc ép Việt Nam nhiều năm nay nhưng Việt Nam nhất định không tham gia.

Riêng Huawei, Việt Nam là một trong bốn nước châu Á duy nhất bên cạnh Nhật Bản, Đài Loan và Ấn Độ duy nhất không có Huawei làm 5G.

Mỹ không ở gần Việt Nam, không có khả năng ép Việt Nam làm cái gì cả.

Vấn đề là Mỹ không còn có khả năng ép Việt Nam làm cái gì mà chỉ có thể thuyết phục Việt Nam làm gì. Cách tốt nhất để thuyết phục Việt Nam là cho thấy họ không có ý đồ xấu với Việt Nam, ở đây là với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Do đó, theo tôi, tuy ngoại giao của Mỹ, về mảng dân chủ, nhân quyền không đạt được tiến bộ, thắng lợi, nhưng mà nói chung, đây là thắng lợi của Mỹ. Về lâu dài, có thể thiết đặt nền tảng xây dựng quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ tốt hơn trong tương lai.

 

 

Quan hệ Mỹ-Việt: Hoa Kỳ vào Việt Nam ‘lần hai’ và các bài học cho hôm nay

 

.

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/9152/live/2ef909b0-5533-11ee-b64d-9d34a8ccb756.jpg

Giáo sư Alexander L Vuving: 'Mức độ trả đũa của Trung Quốc trong tình hình hiện nay không quá cao'

 

*

BBC: Trung Quốc phản ứng ra sao tại thời điểm trước và sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ?

 

Giáo sư Alexander L Vuving: Việc Việt Nam và Mỹ đưa quan hệ lên ngang hàng với Trung Quốc làm Bắc Kinh hết sức bực tức. Có thể thấy những bài bình luận trên tờ Hoàn cầu Thời báo (Global Times) mang giọng điệu rất bực tức.

Trung Quốc có thể gây hấn ngoài Biển Đông, có thể tập trận ngoài Biển Đông, đưa tàu vào sát lãnh hải của Việt Nam ở Biển Đông... Tôi nghĩ Việt Nam cũng đã quen. Việt Nam đương nhiên ở cạnh Trung Quốc nên biết cách làm để Trung Quốc không quá giận.

Tuy nhiên, mức độ trả đũa của Trung Quốc trong tình hình hiện nay không quá cao. Việt Nam cũng lường trước sự trả đũa của Trung Quốc và sẵn sàng chấp nhận vì cái được lớn hơn nhiều.

Trước khi ông Biden sang Việt Nam thì đã có cuộc gặp giữa hai thủ tướng chính phủ Trung Quốc và Việt Nam tại Asean 2023. Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu đã gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Rồi còn có giao lưu hội nghị bộ trưởng quốc phòng ở biên giới.

Việt Nam cũng làm nhiều động tác cho Trung Quốc thấy rằng tăng cường quan hệ với Mỹ không có nghĩa là Việt Nam bỏ rơi quan hệ với Trung Quốc. Thông điệp mà Việt Nam chuyển đến Trung Quốc là quan hệ Việt Nam với Mỹ không ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc.

Tôi nghĩ là Việt Nam chắc chắn cũng thông báo trước với Trung Quốc là ông Biden sẽ đến và nâng cấp mối quan hệ, và rất có thể là cũng thông báo một cách trực tiếp hay gián tiếp như thế nào đó để Trung Quốc không trách là 'ông làm như thế mà không nói với tôi'.

Và Việt Nam cũng có lý do chính đáng để nêu ra, và có thể cách Việt Nam nói với Trung Quốc là quan hệ giữa Việt-Mỹ tốt hơn cũng là tốt cho Trung Quốc.

Về thông tin ông Tập Cận Bình có khả năng sang thăm Việt Nam, theo tôi đó là cách Trung Quốc làm để giữ thể diện, và Việt Nam cũng biết thế, chịu khó "vuốt ve" Trung Quốc để Bắc Kinh không mất mặt.

Trung Quốc đã ép Việt Nam tham gia 'Cộng đồng chung vận mệnh' của Trung Quốc. Các nước láng giềng nhỏ quanh Trung Quốc đã tham gia rồi như Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar... gồm các nước Trung Á như Mông Cổ cũng đã tham gia.

Sức ép lớn nhất là Việt Nam có chịu tham gia cộng đồng này hay không. Năm ngoái khi ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm Trung Quốc, một mặt, ông không cam kết tham gia 'Cộng đồng chung vận mệnh' nhưng trong tuyên bố chung thì nói hai nước chung vận mệnh.

Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đã nói hai nước có chung vận mệnh từ đầu những năm 2000 nhưng không nói về 'Cộng đồng chung vận mệnh'. Tôi không biết Việt Nam sẽ ứng xử thế nào. Hy vọng Việt Nam sẽ giữ được và không bị ép theo.

Nếu bị ép theo, Việt Nam có thể "nói thế nhưng không làm thế". Chẳng hạn như trong dự án "Vành đai - Con đường" của Trung Quốc, Việt Nam nói ủng hộ nhưng hầu như không có dự án hạ tầng ở Việt Nam.

Việt Nam không muốn rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc và hơn nữa sự phản đối của công luận ở Việt Nam rất lớn, như thời kỳ định thông qua Luật Đặc khu. Tôi nghĩ chính phủ Việt Nam khó dám làm những gì quá ngã về Trung Quốc, bởi như vậy thì Việt Nam cũng bất ổn.

 

*

BBC: Việc nâng cấp quan hệ với Mỹ sẽ giúp ích gì cho Việt Nam trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông?

 

Giáo sư Alexander L Vuving: Mỹ luôn luôn muốn giúp Việt Nam về vấn đề Biển Đông nhưng Trung Quốc luôn nghi ngại là Việt Nam đi với Mỹ để chống Trung Quốc. Nên sự hợp tác an ninh quốc phòng với Mỹ trên Biển Đông là có giới hạn.

Tôi không nghĩ là 'Đối tác chiến lược toàn diện' này mở ra chương mới, tạo ra sự đột phá trong hợp tác an ninh quốc phòng giữa Việt Nam và Mỹ. Nó chỉ tạo ra không gian mới cho quan hệ chính trị chung.

Khi quan hệ chính trị đi đến mức độ nào đó thì sẽ cho phép quan hệ an ninh quốc phòng đi đến mức độ khác. Tôi nghĩ tác động sẽ là trực tiếp, không phải gián tiếp, và cần có thời gian.

Trong tương lai tình hình thực tế thay đổi thì Việt Nam có động thái ứng phó với tình hình đó. Không loại trừ khả năng Việt Nam thấy cần phải nâng cấp quan hệ mạnh mẽ quốc phòng an ninh với Mỹ.

Nâng cấp mối quan hệ lên 'Đối tác chiến lược toàn diện' đã mở ra một không gian thoải mái sử dụng, theo tôi hiện nay Việt Nam chỉ sử dụng 10% không gian cho phép.

 

 

*

BBC: Theo Giáo sư, Việt Nam sẽ duy trì nền 'ngoại giao cây tre' sắp tới như thế nào?

 

sư Alexander L Vuving: Quan trọng của Việt Nam là độc lập tự chủ, nhưng bị giằng co, chèn ép giữa các nước lớn thì phải làm thế nào. Việt Nam đã đưa ra cách giải là 'cây tre'.

Rất khó nói Việt Nam sẽ gần với Trung hay Mỹ hơn. Vì Việt Nam có thể gần với Nga, Trung ở vấn đề này nhưng lại gần với Mỹ ở vấn đề nọ, tùy theo vấn đề. Đây là cách để 'ngoại giao cây tre' làm việc.

Việc nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên tầm 'Đối tác chiến lược toàn diện' ngang bằng với Nga, Trung Quốc, tạo ra không gian Việt Nam hoàn toàn có thể cân bằng với ba nước cường quốc này, tức là có những lúc Việt Nam không gần ông nào hoặc gần cả ba ông như nhau, tùy vào từng cụ thể.

'Đối tác chiến lược toàn diện' tạo nên sân chơi bằng phẳng - tạm gọi như thế - giữa Việt Nam đối với các cường quốc.

 

Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ là 'thắng lợi kép' cho Đảng Cộng sản VN

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/398d/live/74dc9410-5533-11ee-b64d-9d34a8ccb756.jpg

Theo Giáo sư Giáo sư Alexander L Vuving, trọng tâm trong hợp tác Việt - Mỹ sẽ là kinh tế và công nghệ, thay vì an ninh - quốc phòng

 

*

BBC: Mối quan hệ bang giao Việt - Mỹ có thay đổi sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 hay không, thưa ông?

 

Giáo sư Alexander L Vulving: Từ lâu rồi, Mỹ không có ý đồ thay đổi chính trị ở Việt Nam, không làm gì ghê gớm như tìm mọi cách để chống phá cách mạng Việt Nam. Một số người tưởng tượng, nhưng vì người ta tin như thế. Làm sao để người ta không tin nữa. Chuyện này rất khó khăn. Phải động thái này, động thái kia để người ta hết sức tin.

Bất kể chính phủ nào của Mỹ lên thì họ cũng tiếp tục đường lối này thôi, gọi là bi-partisan (có sự đồng thuận lưỡng đảng). Một Việt Nam tự cường, kiềm chế Trung Quốc mà là bạn của Mỹ thì hoàn toàn nằm trong lợi ích chính trị của Mỹ. Còn chuyện thay đổi chế độ sau này thì còn về thời cơ lịch sử thì không thể biết được.

Một điều có thể nói rằng, từ nhiều năm nay và sắp tới, chính quyền Mỹ không có ý đồ gây bất ổn hay đe dọa đến chế độ tồn vong ở Việt Nam.

 

*

BBC: Trọng tâm hợp tác giữa hai nước trong tương lai sẽ là gì, an ninh - quốc phòng hay kinh tế và công nghệ, theo Giáo sư?

 

Giáo sư Alexander L Vulving: Mỹ muốn đẩy mạnh hợp tác an ninh-quốc phòng với Việt Nam để ngăn cản sự bá quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Việt Nam thì có chính sách 'bốn không', và mặc dù 'Đối tác chiến lược toàn diện' này không phải là một liên minh quân sự, nhưng có một vấn đề Việt Nam rất ngại là không muốn cho thấy Việt Nam đi với Mỹ để chống Trung Quốc.

Việt Nam sẽ rất thận trọng và đặt ra những trần rất thấp trong vấn đề hợp tác quốc phòng, an ninh với Mỹ. Tôi không nghĩ trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh sẽ có sự đột phá.

Đột phá sẽ là hợp tác kinh tế, thương mại, công nghệ cao. Trong thời gian tới, chúng ta sẽ thấy chuỗi cung ứng chất bán dẫn, đất hiếm, hợp tác chính trị ngoại giao cũng sẽ khởi sắc hơn.

Khi Việt Nam mua vũ khí thì phải có lòng tin. Từ xưa đến nay, Việt Nam tin ai nhất? Mua vũ khí của Nga thì có lại quả.

Việt Nam không mua vũ khí của Nga thì chuyển sang mua vũ khí có tương thích với Nga. Có nhiều rào cản, khiến Việt Nam chưa mua vũ khí lớn từ Mỹ, trong đó có cả niềm tin.

 

*

BBC: Giáo sư có thể nói thêm về viễn cảnh hợp tác kinh tế và công nghệ sắp tới giữa hai nước?

 

Giáo sư Alexander L Vulving: Thứ Việt Nam rất cần ở Mỹ là kinh tế và công nghệ, chuỗi cung ứng. Đây là điểm hai bên gặp nhau rất sát. Mỹ sau khi muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đưa ra chiến lược de-risking, friend-shore, chuỗi cung ứng của Mỹ về Việt Nam, mặt hàng chiến lược như chất bán dẫn, đất hiếm...

Từ đây Mỹ muốn đẩy chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, không chỉ Việt Nam 'gánh', mà còn các nước khác.

Mỹ muốn kéo chuỗi cung ứng chất bán dẫn qua Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành điểm nhấn mới quan trọng dành cho Mỹ. Nếu chiến lược này thành công thì sẽ tạo thành hai chuỗi cung ứng, đi qua Trung Quốc và Mỹ. Hai chuỗi này sẽ chồng chéo lên ở một số nước, thế nhưng sẽ có sự độc lập tương đối để Mỹ bớt phụ thuộc Trung Quốc. Việt Nam rất hy vọng chuỗi cung ứng về chất bán dẫn... chạy qua Việt Nam để bứt phá kinh tế.

Như vậy có khả năng sẽ thấy chuỗi cung ứng chạy qua Mỹ, Nhật, Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam, những nước và lãnh thổ mà Việt Nam cũng có quan hệ sâu sắc.

Mỹ cũng vậy nên đã có sự gặp nhau giữa hai nước.

 

 

Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ là 'thắng lợi kép' cho Đảng Cộng sản VN

 

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/b943/live/a36ad7e0-5535-11ee-ab32-cd01884f751c.jpg

Giáo sư Alexander L Vuving là nhà nghiên cứu từ trung tâm Daniel K. Inouye Asia-Pacific Center for Security Studies

 

-----------------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

·         

Quan hệ Mỹ-Việt: Hoa Kỳ vào Việt Nam ‘lần hai’ và các bài học cho hôm nay

14 tháng 9 năm 2023

·         

Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ là 'thắng lợi kép' cho Đảng Cộng sản VN

13 tháng 9 năm 2023

·         

Báo chí Việt Nam lược bỏ lời Tổng thống Biden về nhân quyền?

11 tháng 9 năm 2023

·         

Quan hệ Việt-Mỹ: Một Việt Nam dân chủ không có lợi cho Mỹ?

5 tháng 9 năm 2023

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats