Thursday, 21 September 2023

GẦN 70 QUỐC GIA KÝ KẾT HIỆP ĐỊNH VỀ BIỂN CẢ (Trọng Thành / RFI)

 



Gần 70 quốc gia ký kết Hiệp định về biển cả

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 21/09/2023 - 15:10Sửa đổi ngày: 21/09/2023 - 15:12

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230921-g%E1%BA%A7n-70-qu%E1%BB%91c-gia-k%C3%BD-k%E1%BA%BFt-hi%E1%BB%87p-%C4%91%E1%BB%8Bnh-v%E1%BB%81-bi%E1%BB%83n-c%E1%BA%A3

 

Biển quốc tế - khu vực không thuộc quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào - vốn gần như bị lãng quên trong cuộc chiến vì môi trường. Hôm qua, 20/09/2023, tại New York, gần 70 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã ký kết "Hiệp định về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài quyền tài phán quốc gia", còn gọi là Hiệp ước về Biển cả.

 

Hiệp định lịch sử này, được cộng đồng quốc tế thông qua hồi tháng 6 vừa qua, dự kiến có hiệu lực từ 2025.

 

https://s.rfi.fr/media/display/daf7fbde-ea73-11ed-8a58-005056a90284/w:980/p:16x9/2020-02-27T131808Z_1_LYNXNPEG1Q133_RTROPTP_4_CLIMATE-CHANGE-CORALS-1.webp

Ảnh minh họa: Các rạng san hô ở biển sâu đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ đại dương tăng thêm. © Reuters - Lucas Jackson

 

Thông tín viên Carrie Nooten tường trình từ New York:

 

Tầm quan trọng của hiệp ước này đối với biển khơi được các nhà ngoại giao Liên Hiệp Quốc so sánh với Hiệp ước Montreal cấm các sản phẩm có hại cho tầng ozone, và nhờ đó giúp cho tầng ozone tự phục hồi theo thời gian.  

 

Vấn đề quan trọng ở đây là biển quốc tế chiếm gần phân nữa bề mặt hành tinh và 60% đại dương, nhưng hiện tại chỉ 1% bề mặt của biển này được bảo vệ bằng các biện pháp bảo tồn, phần còn lại đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu, ô nhiễm và tình trạng đánh bắt quá mức. Trong khi đó, đại dương cung cấp đến một nửa lượng oxy chúng ta hít thở và hạn chế hiện tượng nóng lên toàn cầu bằng cách hấp thụ một phần lượng khí thải CO2 do hoạt động của con người tạo ra.

 

Hiệp ước mới quy định nhiều khu bảo tồn biển hơn và bắt buộc các chủ thể có dự án hoạt động trên biển khơi, cho dù là đánh bắt hải sản, vận tải hàng hải, khai thác dưới đáy đại dương, trước hết phải thực hiện các nghiên cứu về tác động môi trường.  

 

Cuối cùng, hiệp ước này sẽ cho phép các quốc gia đạt được mục tiêu được thông qua tại COP15 về đa dạng sinh học, đó là bảo vệ 30% diện tích đất liền và đại dương trên hành tinh từ đây đến năm 2030.

 

--------------------------

Các nội dung liên quan

KHÍ HẬU

Nhiệt độ ở vùng biển Bắc Đại Tây Dương cao kỷ lục

 

LIÊN HIỆP QUỐC - ĐẠI DƯƠNG

Cộng đồng quốc tế chuẩn bị thông qua Hiệp định đầu tiên bảo vệ đại dương

 

TẠP CHÍ XÃ HỘI

Khai khoáng dưới đáy biển : Mối lợi kinh tế hay thảm họa cho môi trường sinh thái trong tương lai ?

 

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats