Saturday, 9 September 2023

CHỌN HƯỚNG ĐI NÀO? (Trần Văn Chánh)

 



Chọn hướng đi nào?

Trần Văn Chánh

08/09/2023

https://baotiengdan.com/2023/09/08/chon-huong-di-nao/

 

Từ khi hai nước cựu thù Mỹ-Việt bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1995 đến nay, đã có 4 đời tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam, mà lần đầu là của tổng thống Bill Clinton, năm 2000.

 

Do vai trò quốc tế quan trọng của Mỹ, chuyến thăm thứ 5 sắp tới đây của tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 10 và 11 tháng 9-2023 sắp tới, đang trở thành một câu chuyện thời sự nóng bỏng không chỉ riêng của Việt Nam mà còn của cả thế giới, trong bối cảnh lịch sử chính trị toàn cầu hiện đại đã và đang đối đầu với rất nhiều sự kiện phức tạp nổi bật mà chính sách hành động trong quan hệ quốc tế của đại cường quốc Hoa Kỳ luôn được mọi người tập trung theo dõi.

 

Chưa cần nói sự qua lại nhiều lần và liên tục của các chính khách Mỹ, cũng như của chính giới phương Tây. Thời gian gần đây, xuất phát từ lý do thực dụng nào của họ, điều đáng xác nhận đầu tiên là chính sách ngoại giao của Việt Nam từ hơn 20 năm nay đã đạt nhiều tiến bộ theo hướng mở cửa ra với thế giới bên ngoài, và Việt Nam quả thật cũng có vị trí địa chính trị vô cùng lợi hại, cũng như vai trò quan trọng của nó gắn với vị trí chiến lược này trong đại cục chính trị-kinh tế toàn cầu nhiều biến động, đặc biệt đối với khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á.

 

Đại cường quốc Hoa Kỳ từ lâu nhận ra giá trị đặc biệt của Việt Nam, và đã tỏ ra “xuống nước”, tạm quên hết mọi thứ cựu thù; thiết nghĩ Việt Nam cũng nên có một thái độ đáp ứng quân tử tương xứng, không nên tiếp tục “làm trời” khi cứ mãi cho rằng mình đã từng đánh bại một đại đế quốc, mà thực chất của sự đánh bại vẫn còn nhiều mặt tranh cãi …

 

Thời cuộc hiện nay đã có nhiều nội dung mới, khác hẳn 50-70 mươi năm về trước. Từ chuyến thăm được loan báo trước của Joe Biden, người ta lại bắt đầu đưa ra bình luận và dự đoán đủ thứ, hấp dẫn không khác gì bình luận một trận cầu quốc tế quan trọng: Lần này quan hệ Mỹ-Việt sẽ nâng lên tới cấp nào (chiến lược, chiến lược toàn diện?); sự kiện nâng cấp quan hệ hai nước, nếu được hiện thực hóa như nhiều người hy vọng thì có bị Trung Quốc tìm cách “phá đám” hay không (như họ vẫn thường làm)? …

 

Nhưng có một câu hỏi quan trọng, tổng quát hơn, đã từ lâu luôn được đặt ra một cách âm thầm hoặc bán công khai, đó là Việt Nam nên nghiêng về phía phương Tây nhiều hơn hay về phía Trung Quốc nhiều hơn, và nghiêng theo kiểu nào cho ổn, để không gặp khó khăn ảnh hưởng tai hại trực tiếp đến quyền lợi của đất nước?

 

Đứng về mặt công khai chính thức của nhà cầm quyền thì câu hỏi trên đây đã có đáp án rõ rệt, với đường lối tạm coi là khôn ngoan đúng đắn: Việt Nam không chọn phe, không liên minh với một nước để chống lại nước thứ ba; đoàn kết hòa bình với mọi quốc gia trên thế giới, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền lãnh thổ của mọi nước, lấy luật pháp quốc tế làm nền tảng…

 

Nhưng nếu đứng trên phương diện phi công khai (có nghĩa âm thầm làm, không tuyên bố) thì lại có nhiều biểu hiện thực tế khác: Từ lớp mẫu giáo, người dân Việt mọi tầng lớp khi có điều kiện đều đã cho con em học tiếng Anh với số trường học mọc lên như nấm sau mưa, thậm chí không ít cơ sở đào tạo tiếng Anh còn đặt tên cho trường mình là “Anh văn Hội Việt-Mỹ” để thu hút khách;  các nhà giàu có hoặc khá giả mà chủ yếu là giới doanh nhân thành đạt và giai cấp mới “tư sản đỏ” (đương chức hoặc đã nghỉ hưu hạ cánh an toàn) phần nhiều đều cho con em đi du học (hay còn gọi “tị nạn giáo dục”) ở các nước Anh, Mỹ, Pháp, Đức, Hà Lan, Úc…, trong đó Mỹ chiếm số lượng sinh viên cao nhất. Các quan chức Việt Nam chủ yếu làm giàu bằng tham nhũng phần nhiều cũng đã chuẩn bị nhà cửa, đất đai, tài sản ở các nước phương Tây hoặc nước Châu Á nhưng giàu có và theo chế độ dân chủ, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, chẳng hạn…

 

Trái lại, hầu như rất ít ai thích đi du học hoặc xin định cư tại Trung Quốc, trừ một số trường hợp đặc biệt do những mối ràng buộc chính trị, cũng khá đặc thù Trung-Việt.

 

Thực tế cũng cho thấy, người Việt Nam có vẻ dành tình cảm của mình nhiều hơn cho thế giới phương Tây. Mỗi khi nghe tin có tổng thống nước lớn nào sang thăm, những người dân Việt có quan tâm ít nhiều chính sự, đều trở nên xôn xao bàn tán, thậm chí một số thường dân, nhất là giới trẻ ở TP. HCM và Hà Nội còn tự phát tụ tập từ sân bay quốc tế, kéo dài cả cây số, để vẫy tay đón chào. Trong khi đó, họ hoàn toàn dửng dung, không ngó ngàng gì tới các lãnh tụ Trung Quốc sang thăm Việt Nam, nếu không muốn nói còn ngấm ngầm tăng thêm lòng e ngại về một sự đe dọa gì đó mơ hồ có liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, bởi quá khứ “một ngàn năm nô lệ giặc Tàu” và hiện tại trông thấy những hành vi xâm lấn, hiếp đáp một cách thô bạo trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam của mấy chiếc tàu lạ có nguồn gốc Châu Á …

 

Có thể tạm kết luận: Lòng dân thiên trọng theo hướng phương Tây nhiều hơn. Không ít người Việt có tình cảm với phương Tây vì cho rằng phương Tây giàu mạnh, có chế độ chính trị dân chủ và nền kinh tế thị trường chín muồi; phương Tây có nền khoa học-kỹ thuật và giáo dục tiên tiến, có đầu óc thân thiện cởi mở, có văn hóa ứng xử nói năng lịch sự văn minh; một số nước Châu Á (như Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…) nhờ theo gương tiến bộ của phương Tây mà nhanh chóng trở thành cường quốc…

 

Mấy điều dẫn dụ vừa kể trên, cho thấy một sự thật: Giữa tuyên bố công khai của chính quyền và hành động thực tế của đa số công dân (gồm cả tầng lớp đặc quyền) là có sự chênh lệch. Không ít người Việt trong giai cấp đặc quyền nghĩ rằng, hiện tại ở trong xứ với thể chế độc tài toàn trị và việc áp dụng luật pháp tùy tiện không minh bạch thì họ có thể dễ dàng đục nước béo cò, chứ khi cần chọn chỗ sinh sống lý tưởng lâu dài thì phải tính theo nước bài khác:  Họ phải dợm chân chọn tư thế nửa trong nửa ngoài và hướng về các nước văn minh, dân chủ, là vì vậy.

 

Xét cho cùng, hiện tượng phổ biến như trên về mặt nào cũng có chỗ đáng được thông cảm, cũng như có thể nó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người Việt, nếu xét trên phương diện tương lai lâu dài. Điều đáng trách chỉ ở chỗ nhà cầm quyền Việt Nam bằng thể chế độc tài toàn trị của mình, đã tạo ra quá nhiều sự bất công với một nền giáo dục bản xứ èo uột, không tạo được cơ hội tiến bộ đồng đều cho mọi công dân ở một nước tuy mang danh nghĩa XHCN nhưng thực tế lại là một thứ CNXH thân hữu, quái đản, kết hợp với một thứ CNTB cuồng nhiệt man rợ, chưa từng có mô hình nào tương tự trong lịch sử của dân tộc Việt!

 

Trở lại vấn đề chính sách ngoại giao, một số quan điểm cực đoan lên án nhà cầm quyền Việt Nam là hèn với giặc, hiếp với dân, thì chúng tôi cho rằng, không đúng hẳn, hoặc chỉ đúng gần trăm phần trăm ở cái vế thứ hai (hiếp với dân), chứ hèn với giặc thì chưa chắc. Bởi nước nhỏ Việt Nam luôn cần có một đường lối ngoại giao khôn Ngoan, dung hòa, khéo léo giữa các cực cường quốc.

 

Dù sao, bằng mọi giá, Việt Nam cần tránh một cuộc chiến tranh có khả năng xảy ra với Trung Quốc, để bảo vệ sinh mạng người dân và chăm lo phát triển kinh tế.

 

Thái độ trù trừ bất quyết của Việt Nam vài chục năm nay trong việc nâng cấp ngoại giao với Hoa Kỳ là có lý do, và người Mỹ cũng hiểu như vậy, vì ngoài mối đe dọa thường xuyên của anh lớn láng giềng “bốn tốt”, luôn tìm cách ngăn cản, còn có nỗi ngờ vực khó tránh khỏi đối với đường lối thực dụng của người Mỹ, trong việc thời quá khứ họ đã từng bỏ rơi đồng minh chí cốt VNCH ít nhất là trong vụ hải chiến Hoàng Sa giữa Việt Nam-Trung Quốc năm 1974, để cho Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa, và việc họ cắt bỏ viện trợ dẫn đến cuộc thất trận, đầu hàng chóng vánh của chính quyền Sài Gòn ngày 30.4.1975.

 

Nhìn chung, không một quốc gia nào tự nhiên phát tâm muốn giúp đỡ một nước nhỏ yếu khác đơn thuần chỉ vì lòng từ thiện, nhưng vấn đề là, trong chính sách ngoại giao khôn ngoan, các nước nhỏ yếu cần biết khai thác những điểm có quyền lợi tương quan để tìm thế mạnh vươn lên, mang lại lợi ích cho nhân dân xứ mình. Trong chiều hướng tư duy thực tế này, Việt Nam vẫn nên tiếp tục làm bạn với cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ, một cách bình đẳng, không thiên trọng hẳn bên nào.  Chính sách này sẽ có thể giúp Việt Nam tạo được một thế cân bằng mới, lần lần giảm bớt được sự lệ thuộc Trung Quốc một cách bất bình đẳng và không hợp lý về chính trị, cũng như kinh tế, mà chúng ta thường gọi “thoát Trung”, với nội hàm thoát Trung không có nghĩa là liên minh với bạn mới Hoa Kỳ để chống lại bạn cũ Trung Quốc, mà để giúp cho các bên đều cùng có lợi.

 

Việt Nam và Trung Quốc đã có mối quan hệ ngoại giao lâu đời từ thời các vua chúa phong kiến, nên quá biết tẩy về nhau. Tổ tiên hai bên đã từng thử sức nhau nhiều trận mà bên đại bại lúc nào cũng thuộc phía Trung Quốc, điều này đã khắc sâu vào lòng các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhiều kỷ niệm không đẹp.

 

Ngày nay, những cụm từ  như “bốn tốt, mười sáu chữ vàng”, hay “cùng ý thức hệ, cùng thể chế chính trị”… mà các nhà lãnh đạo cấp cao hai bên nhắc nhở lẫn nhau chẳng qua chỉ là những câu khẩu đầu ngoại giao theo lối nói vuốt ve cho vui miệng giữa bọn chính khách đầy mưu mẹo theo kiểu Á Châu truyền thống, chứ thực tế thì hai bên vẫn còn nghi kỵ lẫn nhau, với nhiều mối mâu thuẫn cũ và mới còn đang chờ tiếp tục giải quyết.  Còn như nói về tương quan “đồng ý thức hệ, đồng thể chế chính tri” thì giờ đây cả dân Việt lẫn dân Tàu, nếu có hiểu biết thì chả ai còn tin, bởi vì cái hồn CS của cả hai bên đều đã lìa khỏi cái xác từ lâu để chỉ còn lại có chung một chế độ XHCN biến tướng thành độc tài toàn trị!

 

Với những lời lẽ giả dối như vậy, vốn là đặc trưng chung của các chính khách CS, thì chúng ta không nên tin hẳn. Thí dụ, nói “không liên minh…” là nói trong thì hiện tại, còn ở thì tương lai thì vẫn có thể khác đi khi cục diện và các điều kiện tương quan quốc tế đã thay đổi…

 

Vỏ quýt dày còn có ngón tay nhọn, không phải Trung Quốc muốn vẽ lại bản đồ chủ quyền biển Đông kiểu gì cũng được. Theo sự nghiên cứu của một số học giả, Trung Quốc không phải là một nước mạnh có thực chất, mà họ là một “gã khổng lồ mất ngủ” (như tên của một cuốn sách đã xuất bản chính thức tại Việt Nam), bởi họ còn phải lo đối phó với quá nhiều nỗi khó khan, cả trong lẫn ngoài nước.

 

Nhìn tới nhìn lui, Trung Quốc hầu như không có, hoặc có rất ít đồng minh. Bản thân Trung Quốc cũng không đứng yên một chỗ, có thể mạnh thêm lên, cũng có thể yếu bớt đi, nhưng nếu tiếp tục chính sách kiêu căng với tham vọng làm bá chủ thiên hạ, thì tự chuốc lấy thảm bại là một khả năng không nhỏ, theo đúng quy luật “tham thì thâm”, “trèo cao té nặng”, hoặc “rồng mà bay quá đà sẽ có ngày hối hận”, như lời trong kinh Dịch do chính tổ tiên người Trung Quốc đã dạy họ từ hơn 2000 năm trước…

 

Có loại ý kiến theo hướng ác cảm nhưng không phải hoàn toàn vô lý, khi cho rằng nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay đã phản bội trắng trợn lý tưởng xây dựng xã hội công bằng theo mô hình XHCN, nên họ không thân Mỹ, cũng không thân Tàu, chỉ “thân tiền” mà thôi… Tình trạng quốc nạn tham nhũng kéo dài không lối thoát, mà đỉnh cao của nó là hai vụ đại án/ đại ác Việt Á và “Chuyến bay giải cứu”, dính đến cả ngàn cán bộ quản lý các cấp, chưa từng có trong lịch sử Việt Nam và thế giới, đã chứng minh điều này một cách hùng hồn đầy thuyết phục, khiến nhân dân không còn tin tưởng và kính trọng các nhà lãnh đạo chính trị. Từ chỗ này, có người cũng nghi ngờ, tự đặt câu hỏi: Không biết mục đích lần này nâng cấp quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ (nếu xảy ra thật như nhiều người lạc quan dự đoán) là vì quyền lợi của nhân dân lao động, hay chủ yếu chỉ nhắm vào quyền lợi của những kẻ đặc quyền, đặc lợi, trong tổ chức chính trị cầm quyền hiện hữu?

 

Mang lại lợi ích chủ yếu cho ai mới là vấn đề quan trọng. Tương tự như vậy, giả định Việt Nam sau này có lấy lại được Hoàng Sa từ Trung Quốc mà sự khai thác chỉ chủ yếu phục vụ cho các nhóm đặc quyền, đặc lợi (như ở đảo Phú Quốc hiện nay…) thì việc thu phục phần giang sơn của Tổ quốc cũng là điều vô nghĩa.

 

Trong khi điều quan trọng nhất hiện nay là nhà cầm quyền Việt Nam phải chấp hành theo nguyện vọng của đại đa số nhân dân. Phải sớm hồi tâm, tỉnh ngộ, quay lại chấn chỉnh công cuộc nội trị, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao, tập trung chăm lo hạnh phúc cho toàn dân, bằng việc cải cách thể chế chính trị theo hướng dân chủ hóa đời sống xã hội, thông qua việc thực thi một cách thực chất những điều đã ghi trong Hiến pháp 2013. Làm được như vậy, sẽ không còn mãi phập phồng, lo sợ bất kỳ thế lực thù địch nào có thể âm mưu xâm hại đến mình.

 

Chỉ còn hai ngày nữa là tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đến sân bay tại thủ đô Hà Nội. Phần lớn mọi người đều dự đoán, trong chuyến viếng thăm này, Việt-Mỹ sẽ nâng cấp ngoại giao lên tầm chiến lược toàn diện, nhưng nếu cẩn thận hơn thì còn phải chờ kết quả vào giờ phút chót.

 

Thật ra, như một học giả phương Tây phát biểu, lịch sử là những cái bắt tay bí mật chứ không phải những lời tuyên bố, những nghị quyết… Khi chưa nắm được những điều bí mật thì chưa thể kết luận chắc chắn được điều gì.

 

Nhưng theo sở kiến của chúng tôi, vấn đề không phải danh nghĩa của cấp quan hệ ngoại giao được gọi tên là gì, mà quan trọng do ở thực chất của mối quan hệ này ra sao, không cần phải tuyên bố rõ ra.

 

Chứ nói theo kiểu quan hệ Việt-Trung “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” thì cũng trớt quớt, không ích lợi gì!

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats