Thursday, 13 July 2023

XÉT XỬ VỤ 'CHUYẾN BAY GIẢI CỨU' : NHIỀU ĐIỀU NỰC CƯỜI ĐẾN KHÓ TIN! (Quốc Phương, RFA)

 



Xét xử vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Nhiều điều nực cười đến khó tin!

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
2023.07.13

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/rescue-flight-trial-ludicrous-story-07132023093802.html

 

“Phiên tòa xét xử vụ án ‘chuyến bay giải cứu’, mà thực chất ra có thể gọi là ‘chuyến bay cướp bóc’, bộc lộ nhiều điều nực cười’’. Đó là nhận xét của Luật sư Nguyễn Văn Đài với Đài Á Châu Tự Do trong ngày 13/7.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/rescue-flight-trial-ludicrous-story-07132023093802.html/@@images/95add7c1-8438-4154-8643-48aff037efb3.jpeg

Phiên toà xử 54 bị cáo tại Hà Nội trong vụ án "chuyến bay giải cứu" hôm 11/7/2023. Hình của TTXVN/AFP   (TTXVN via AFP)

 

Nhiều chuyện “nực cười”

 

Vị luật sư từ Đức quốc đồng thời cho rằng vụ xét xử trên cũng như các vụ xử án khác tiếp sau đó, trong chiến dịch đốt lò, sẽ được đưa ra xét xử tới đây, cũng sẽ không thể giúp nạn tham nhũng ở Việt Nam giảm đi.

 

Vẫn liên quan đến vụ án này, công luận đang đặt nhiều dấu hỏi về vấn đề liệu có ‘vùng cấm’ hay không trong vụ xử án này, khi mà một quan chức thứ trưởng Bộ Y Tế có cấp dưới là thư ký nhiều lần nhận ‘hối lộ’ tới 253 lần với giá trị tiền bạc lớn đến 42,6 tỷ đồng như cáo buộc, lại không bị liên đới trách nhiệm nào (?!) trong khi đó, theo nhà báo Võ Văn Tạo, từ Nha Trang, người có một chục năm kinh nghiệm làm hội thẩm nhân dân ở Tòa án nhân dân địa phương, nói với RFA Tiếng Việt rằng “…điều đó được hiểu như một cách ‘thách thức dư luận’.

 

Từ góc nhìn của mình qua phiên toà xét xử vụ án ‘chuyến bay giải cứu’, Luật sư Nguyễn Văn Đài nêu thêm quan điểm riêng của ông:  

 

“Rõ ràng ở đây, từ khi làm ra chính sách thực hiện ‘chuyến bay giải cứu’ những nhóm lợi ích trong bộ máy cầm quyền đã ngầm cấu kết với nhau để thông qua doanh nghiệp, móc tiền túi của người dân Việt Nam rồi, cho nên theo quan điểm của tôi, đây không phải là ‘chuyến bay giải cứu’ mà là ‘chuyến bay cướp bóc’, và chính sách của nhà nước cộng sản Việt Nam ở đây là họ đưa ra chính sách cho các quan chức và giới doanh nghiệp cấu kết với nhau, gọi là những nhóm lợi ích, để mà thông qua chính sách, thực hiện chính sách đó, mà lấy tiền của người dân, chứ không còn phải là giải cứu nữa…”

 

Luật sư Đài nhận xét rằng có rất nhiều chuyện buồn cười trong vụ xét xử này. Ông đưa ra ví dụ như trường hợp ông cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng. Ông này khai nhận nhận hối lộ tới 37 lần, tổng số tiền là 21,5 tỷ đồng VN, nhưng tại toà ông cho rằng ông không nhận thức được đó là hành vi phạm pháp luật.

 

Đây là một chuyện rất buồn cười, vì quan chức của tất cả các nước tự do, dân chủ trên thế giới không được phép nhận 'cảm ơn' từ các doanh nghiệp, cũng như từ người dân, thông qua những công việc mà anh có chức trách để phục vụ, bởi vì với các quan chức ở các nước dân chủ, bản thân họ phải hàm ơn người dân đã bầu cho họ, hay đã trao trách nhiệm cho họ, đấy là một vinh dự để họ phục vụ dân và đất nước”, luật sư Đài giải thích.

 

Theo luật sư Đài, qua riêng vụ án này, và những hành vi được khai báo ban đầu trong phiên sơ thẩm trước tòa, có thể phần nào thấy được một vấn đề mà theo ông là ‘không thể chấp nhận’ được đối với nhiều quan chức trong chế độ, ông nói tiếp:

 

Hay là ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chẳng hạn, ông ấy nói rằng ông nghĩ đấy không phải là tiền của ngân sách, nên ông nhận (tiền) rất là tự do. Một điều một quan chức tối thiểu phải hiểu là nếu như anh lấy tiền đó từ ngân sách để bỏ túi của mình, thì anh phạm tội tham ô, còn nếu anh nhận tiền từ người dân và doanh nghiệp để bỏ vào túi của mình, thì đó là tiền hối lộ. Hai điều đó được quy định rõ ràng ở trong Bộ luật Hình sự của Việt Nam, nhưng họ lại cố tình ‘không hiểu’. Ở đây, chỉ qua lời khai của hai quan chức như vậy, có thể thấy rằng nhận thức của họ rất ấu trĩ, không xứng đáng, mặc dù họ ít nhất phải tốt nghiệp đại học, cho đến có trình độ thạc sĩ ở Việt Nam. Rồi trải qua quá trình họ là đảng viên ĐCS, họ đã phải trải qua bao nhiêu lớp như là sơ cấp, trung cấp lý luận, với hàm Thứ trưởng, hay Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phải học đến cao cấp lý luận thì mới được vào (những vị trí) đó. Họ được huấn luyện rất bài bản, rồi họ còn được học tập ‘Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh’ nữa, thế thì tại sao những suy nghĩ của họ vẫn giống như những đứa trẻ thơ được sinh ra hồi đầu thế kỷ 20? Như thế không thể chấp nhận được!”

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/rescue-flight-trial-ludicrous-story-07132023093802.html/000_33nj799.jpg/@@images/9411ea40-db7c-4c6d-af3d-cb89b440abce.jpeg

Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng ra hầu toà vụ "chuyến bay giải cứu" ở Hà Nội hôm 11/7/2023. AFP

 

 

Vẫn còn vùng cấm?

 

Từ thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, nhà báo Võ Văn Tạo, cựu viên chức từng làm việc trong Bộ Thương Mại của Việt Nam thời kỳ trước đây, chia sẻ góc nhìn cũng trên quan điểm riêng của ông với Đài Á Châu Tự do:

 

“Tôi đơn cử và nhấn mạnh trường hợp của ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế. Những người chức vụ cao hơn ông dính dáng đến vụ án này, tuy rằng chưa đến mức độ phải đưa ra vành móng ngựa xét xử về tội trạng, nhưng cũng đã bị ‘cách chức’, mà người cao nhất là ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, rồi hai ông phó thủ tướng, trong đó có ông Phó Thủ tướng thường trực, Ủy viên Bộ Chính trị, là ông Phạm Bình Minh, rồi một ông Phó Thủ tướng nữa là ông Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng v.v…, những quan chức (bị xử lý) rất là nhiều, ví dụ như Bộ trưởng Bộ y tế, rồi Chủ tịch UBND Hà Nội v.v… Nhiều (trường hợp) lắm, thế nhưng người ta hỏi ông Tuyên là cái gì mà lại được như thế, rõ ràng đây là một trường hợp có thể coi như là ‘vùng cấm’”.

 

Ông Tạo cho rằng đây là một công tác, một công vụ điều tra sơ hở, mà phải nói rõ là thách thức dư luận một cách trắng trợn.

 

“Tôi tin rằng với chức năng của mình, Hội đồng xét xử trong quá trình xét xử phải luôn luôn lưu ý những trường hợp bỏ sót người, lọt tội. Và nếu như Hội đồng xét xử này mà công minh, thì người ta có thể khởi tố vụ án, tuyên bố ngay rằng ông Thứ trưởng ‘thiếu tinh thần trách nhiệm’ liên quan vụ này. Nhưng tôi chưa hiểu là Hội đồng xét xử này làm việc có công tâm không, hay là có ‘chỉ đạo’ gì không? Còn đến bây giờ, dư luận vẫn còn bán tín, bán nghi, và phần lớn trên mạng, người ta cũng nói là ông Tuyên 'chắc thoát, chứ không dính đâu'. Thì đó là những cái gay cấn nhất ban đầu. Tất nhiên là 54 bị cáo, quan chức nhiều bộ ngành khác nhau, đưa ra xét xử trong một vụ lớn như thế này, mà cơ quan điều tra làm không được kín cạnh, cho nên sẽ còn nhiều cái công luận đặt dấu hỏi.” 

 

Từ những nhận định trên, ông Võ Văn Tạo cho rằng, những vụ xét xử như vụ án ‘chuyến bay giải cứu’ không thể giải quyết được vấn đề tham nhũng ở Việt Nam hiện nay. Bởi lẽ, ông lý giải tiếp quan điểm của mình:

 

“Hệ thống công quyền của Việt Nam có một đặc thù là không ai sống bằng đồng lương hết, và mọi quan chức của nhà nước đều coi rằng việc kiếm chác là chuyện tất nhiên, còn ai đó bị bắt là chuyện rủi ro, xui xẻo mà phải chịu thôi, họ đều coi chuyện ấy là chuyện bình thường, để tồn tại, để sống được”.

 

Cũng theo ông Tạo, chiến dịch đốt lò đã có từ cách đây mấy năm rồi, chứ không phải đến đợt dịch COVID-19 mới xuất hiện.  Tuy nhiên, ông cho rằng vì là chuyên án nên người ta chỉ mở đến chuyện này thôi, không có chuyên án nào có thể mở được hết tội trạng của các quan chức Việt Nam, nếu đối chiếu pháp luật.

 

“Cho nên chúng ta cũng đành hài lòng với chuyện lâu lâu lại ‘làm điểm’ như thế này thôi. Còn tôi cho rằng, ngay cả phiên tòa này nữa, thậm chí nhiều quan chức đi tù, thì nạn đó (nạn tham nhũng-PV) vẫn không thể chấm dứt được, bởi cơ cấu chính trị Việt Nam không có đối lập, chính trị không có đối trọng, không có tam quyền phân lập, cũng không có tự do báo chí, cho nên những tiêu cực, tham nhũng là quy luật tất yếu.” - Ông Tạo kết luận.

 

Cũng về khía cạnh này, trên góc nhìn riêng của mình, Luật sư Nguyễn Văn Đài nói:

 

“Tôi khẳng định một cách chắc chắn rằng cho dù những ngày này họ đang xét xử vụ ‘chuyến bay giải cứu’, rồi ít bữa nữa họ sẽ xử vụ Việt Á test-kit, vụ FLC, vụ Tân Hoàng Minh, hay là vụ Vạn Thịnh Phát… cho dù bao nhiêu vụ án đi chăng nữa, thì nó cũng không giúp cho vấn nạn tham nhũng ở Việt Nam dừng lại và giảm đi. Bởi vì vấn nạn tham nhũng này đã được ‘thiết kế’ từ khi họ thành lập chế độ rồi”.

 

Giải thích rõ hơn về nhận xét của mình, LS Đài nói:

 

“Để chống tham nhũng, chúng ta biết rằng phải có nhiều yếu tố nền tảng của nó:

 

Thứ nhất là hệ thống thang bảng lương phải làm sao bảo đảm cho các quan chức có thể đảm bảo cuộc sống, cũng như những nhu cầu thiết yếu của họ, như ở Singapore chẳng hạn, lương của họ rất cao, làm cho quan chức không muốn, hay không cần phải tham nhũng; với mức lương của chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay, bản thân cuộc sống của họ (quan chức) còn khó khăn, trong khi đó quyền lực thì nhiều. Chỉ cần sử dụng một chút quyền lực thôi họ có thể kiếm được rất nhiều tiền, thì tại sao họ lại không tham nhũng.

 

Vấn đề thứ hai tôi cũng nghĩ là phải có đa đảng đối lập, đó là cơ chế để kiểm soát tham nhũng, thứ ba là vấn đề tam quyền phân lập, chính trị phải được phân nhánh ra như vậy để giám sát lẫn nhau. Thứ tư là phải có tự do báo chí, để báo chí cùng với người dân giám sát các quan chức trong quá trình tham nhũng. Và cuối cùng là vấn đề xã hội dân dự, cái này phải được đề cao nhất. Và thiếu tất cả những cơ chế nói trên, không một quốc gia nào có thể chống tham nhũng được cả, mà Việt Nam là một thí dụ điển hình nhất.”

 

----------------------------------

Tin, bài liên quan

THỜI SỰ

 

Xử vụ ‘Chuyến bay giải cứu’: Tác động tuyên truyền hơn là hiệu quả thực chất, lâu dài

 

Có thể đòi lại khoản phí phi lý mà người về trên các chuyến bay “giải cứu” buộc phải trả?

 

Người Việt từ vùng chiến sự Ukraine gian nan di tản

 

Vụ án ở Cục Lãnh sự do chính sách sai lầm, không chỉ là sai phạm cá nhân






No comments:

Post a Comment

View My Stats