Friday, 14 July 2023

VÌ SAO NƯỚC PHÁP TRẢI THẢM ĐỎ ĐÓN THỦ TƯỚNG ẤN ĐỘ? (Trọng Thành / RFI)

 



Vì sao nước Pháp trải thảm đỏ đón thủ tướng Ấn Độ ?

Trọng Thành  -  RFI

Đăng ngày: 13/07/2023 - 16:25

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230713-vi-sao-phap-trai-tham-do-don-thu-tuong-an

 

Ngày Quốc khánh 14/07/2023, nước Pháp đón thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với tư cách khách mời danh dự. Ấn Độ vốn là quốc gia có lập trường trung lập về cuộc xâm lăng của Nga chống Ukraina, trái ngược hoàn toàn với  các nước phương Tây, vốn coi bảo vệ Ukraina là vấn đề chiến lược. Vì sao Paris trải thảm đỏ đón lãnh đạo Ấn Độ vào dịp lễ Quốc khánh?  

 

https://s.rfi.fr/media/display/5f77045a-2182-11ee-b63e-005056a90321/w:980/p:16x9/AP23194394354949.webp

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne (P) đón thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (T) tại sân bay Orly, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 13/07/2023. AP - Bertrand Guay

 

Chuyên gia về Ấn Độ Olivier Da Lage, nghiên cứu viên liên kết của Viện IRIS, tóm lược ba lý do chính khiến chính quyền tổng thống Emmanuel Macron quyết định long trọng đón tiếp thủ tướng Ấn Độ. Lý do thứ nhất là để tăng cường quan hệ đối tác song phương Pháp - Ấn. Lý do thứ hai: Ấn Độ được coi là một trụ cột trong chính sách Ấn Độ - Thái Bình Dương của Pháp, Ấn - Pháp có nhiều tương đồng về tầm nhìn toàn cầu. Lý do thứ ba: Ấn Độ là một tác nhân chủ chốt của khối ‘‘các nước phương Nam’’ (pays du Sud), hay ‘‘Nam Bán Cầu’’ (Sud global).

 

 

25 năm đối tác: Từ ủng hộ ‘‘tự chủ’’ hạt nhân…

 

Năm nay là dịp Pháp - Ấn kỷ niệm 25 năm thiết lập ‘‘quan hệ đối tác chiến lược’’. Cựu đại sứ Pháp tại Ấn Độ Claude Blanchemaison (từ năm 1996 – 2000), trong một cuộc trả lời phỏng vấn tuần báo Le Point, cho biết thời điểm ông nhậm chức cũng là lúc tổng thống Pháp Jacques Chirac quyết định chọn Ấn Độ là đối chiến lược tại vùng Ấn Độ Dương. Năm 1998, tổng thống Chirac công du Ấn Độ, để khởi động cho việc thiết lập đối tác chiến lược với New Delhi.

 

Nhà nghiên cứu Olivier Da Lage nhấn mạnh là, ngược hẳn với nhiều lãnh đạo phương Tây khác, đặc biệt là chính quyền Mỹ, tổng thống Chirac đã từ chối lên án các vụ thử vũ khí hạt nhân của Ấn Độ năm 1998. Vào thời điểm đó, chính quyền Chirac đã chuyển đến thủ tướng Ấn Độ Atar Behari Vajpayee thông điệp như sau : Pháp chia sẻ quan điểm của Ấn Độ về ‘‘tự trị chiến lược’’.

 

Trước đó, nước Pháp từ năm 1982, dưới thời tổng thống Mitterand, đã có thỏa thuận bán 40 máy bay Mirage 2000, và sau đó được chuyển đổi thành Mirage 2000-5. Kể từ khi hai nước thiết lập đối tác chiến lược, hợp tác quân sự Pháp - Ấn được tăng cường. Trong những năm 2000, sáu tàu ngầm Scorpene, do Pháp chế tạo, đã được lắp ráp tại các xưởng đóng tàu ở Bombay, Ấn Độ. Năm 2016, tức hai năm sau khi ông Modi lên cầm quyền, Ấn Độ và Pháp đã ký hợp đồng 36 phi cơ chiến đấu Rafale của tập đoàn Pháp Dassault, hiện đang được quân đội Ấn Độ sử dụng.

 

 

… đến chuyển giao công nghệ quân sự

 

Theo báo chí Ấn Độ, trong chuyến công du của thủ tướng Modi, New Delhi sẽ ký một hợp đồng mua thêm 26 phi cơ chiến đấu Rafale, cùng nhiều tàu ngầm Scorpene của Naval Group. Thủ tướng Modi cũng sẽ phải nhấn mạnh, trong dịp này, thỏa thuận cùng phát triển động cơ máy bay chiến đấu giữa tập đoàn Pháp Safra và tập đoàn Ấn Độ Hindustan Aeronautics Limited (HAL). Cho đến nay, nước Pháp đã trở thành nhà cung cấp vũ khí thứ hai của Ấn Độ, sau Nga.

 

Giống như các lãnh đạo tiền nhiệm, tổng thống Pháp Emmanuel Macron coi Ấn Độ là một thị trường có tiềm năng vô cùng lớn với tỉ lệ tăng trưởng kinh tế 6%. Trong lĩnh vực khí hậu – môi trường, Pháp cũng coi Ấn Độ, quốc gia phát thải thứ ba thế giới, là đối tác không thể thiếu, để thực thi các cam kết quốc tế trong lĩnh vực hệ trọng này. ‘‘Hợp tác an ninh, không gian, hạt nhân dân sự, công nghệ, chống khủng bố, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo… sẽ nằm trong danh sách nội dung thảo luận của hai nhà lãnh đạo”, nhà ngoại giao Ấn Độ Vinay Kwarta cho biết hôm 12/07.

 

 

Pháp - Ấn: Nhiều tương đồng về quan điểm chiến lược

 

Tuy nhiên, điểm cần nêu bật khác là Pháp tìm thấy ở Ấn Độ một đối tác châu Á có nhiều tương đồng về ‘‘quan điểm chiến lược’’, không chỉ về mặt quân sự. Chuyến công du Pháp của thủ tướng Modi như vậy là một sự kiện nằm trong ‘‘tiến trình tăng tốc siết chặt quan hệ song phương, đã bắt đầu từ nhiều năm nay’’, theo chuyên gia Olivier Da Lage. ''Tổng thống Emmanuel Macron nhấn mạnh rằng Pháp và Ấn Độ chia sẻ tầm nhìn về hòa bình và an ninh ở châu Âu và ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương'', theo nhà nghiên cứu Philippe Le Corre, thuộc ASPI (Hiệp hội các chuyên gia về lĩnh vực sở hữu trí tuệ công nghiệp Pháp).

 

Chuyên gia Olivier Da Lage dẫn nhận định của lãnh đạo ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, trong cuốn sách ‘‘The India Way’’ (công bố năm 2020), tổng hợp học thuyết ngoại giao đương đại của New Delhi, coi nước Pháp là một ‘‘đối tác chiến lược chủ chốt’’. Đi xa hơn nhiều hợp tác mật thiết vốn có, New Delhi chủ trương siết chặt hơn nữa quan hệ với Pháp vì nhiều lý do, như để dần dần thoát khỏi sự phụ thuộc Nga về quân sự, nhưng cũng tránh không để phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ. Quan điểm gọi là ‘‘không liên kết’’, hay đúng hơn là không tham gia hoàn toàn vào một liên minh quân sự tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, cũng là một điểm tương đồng quan trọng mà New Delhi tìm thấy ở Pháp.

 

 

New Delhi, ‘‘trụ cột của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương’’

 

Nhật báo Pháp Les Echos, trong bài ‘‘Narendra Modi ở Paris: Những điểm then chốt của chuyến công du có ý nghĩa chiến lược lớn’’, dẫn lại nhận định của điện Elysée, coi ‘‘Ấn Độ là một trong các trụ cột của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Pháp. Với Ấn Độ, chúng ta có thể hướng đến xây dựng một dự án dựa trên cùng mục tiêu về một khu vực tự do, mở rộng, nơi luật pháp quốc tế được tôn trọng’’. Một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương ‘‘tự do, rộng mở, nơi luật pháp quốc tế được tôn trọng’’ là chính sách chung của Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu, tuy nhiên, Pháp và Ấn Độ có cách tiếp cận riêng.

 

Cụ thể là, theo ghi nhận của chuyên gia Olivier Da Lage, quan điểm về vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương của Ấn Độ và Pháp có điểm giống nhau là hai bên chấp nhận một khuôn khổ chiến lược chung, nhưng các hợp tác được tổ chức một cách linh hoạt (ad hoc), không bị các quy định quá cứng nhắc chi phối. Đây không phải là một ‘‘liên minh quân sự’’ chặt chẽ như nhiều người ở Washington hy vọng, mà là các hợp tác đa dạng về chính trị, quân sự, khoa học, truyền thông..., một chính sách xuyên suốt của một nước Ấn Độ độc lập, được xác lập từ thời thủ tướng Nehru.

 

 

Quốc gia chủ chốt của ‘‘các nước phương Nam’’

 

Giới ngoại giao Pháp đánh giá cao tính chất ‘‘rõ ràng về chiến lược’’ của cường quốc châu Á, đã được xác lập từ lâu, trước khi quốc gia này được coi là trở thành một ‘‘đối tác được tìm kiếm nhiều nhất, trong số các nước phương Nam’’ trong thời gian gần đây. Trong bối cảnh tình hình khu vực này đang ngày càng trở nên bất ổn, đặc biệt với cuộc xâm lược Ukraina của Nga và xu thế liên kết Nga – Trung, New Delhi chủ trương khẳng định như ‘‘một tiếng nói ổn định và duy lý’’, như tuyên bố của Amitabh Kant, quan chức Ấn Độ phụ trách G20, trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Ấn Độ năm nay.

 

Vừa làm chủ tịch luân phiên G20, chủ tịch luân phiên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (với Nga và Trung Quốc là thành viên viên chính), Ấn Độ cũng là quốc gia được Mỹ săn đón. Cuối tháng 6 vừa qua, thủ tướng Ấn Độ đã mở chuyến thăm cấp Nhà nước tại Mỹ, nghi thức mà tổng thống Mỹ vốn chỉ dành cho hai khách mời, Pháp và Hàn Quốc. Uy tín gia tăng của Ấn Độ, với chính sách không tham gia một liên minh quân sự, và duy trì ''đa liên kết'', cũng nằm trong lợi ích của nước Pháp. Từ nhiều năm nay, Pháp chủ trương ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, trong lúc Ấn Độ cổ vũ cho việc cải tổ triệt để các định chế của Liên Hiệp Quốc, để định chế hơn 70 năm tuổi đời này phù hợp với thế giới đương đại.

 

 

Mô hình đối trọng với chế độ độc đảng Trung Quốc

 

Một vấn đề không kém phần quan trọng trong quan hệ Pháp - Ấn là chế độ dân chủ. Từ nhiều năm nay, chính quyền Modi nhiều lần bị dự luận trong nước và quốc tế chỉ trích về các vi phạm nhân quyền, về chính sách kỳ thị người Hồi Giáo. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng thường nhấn mạnh Ấn Độ trước hết vẫn là một quốc gia theo thể chế dân chủ, đa nguyên. Cựu đại sứ Claude Blanchemaison, trong bài trả lời phỏng vấn Le Point, nhấn mạnh đến việc Ấn Độ, quốc gia hơn 1,4 tỷ dân, là ‘‘một thách thức hệ thống’’ với Trung Quốc. Nhiều người thường cho rằng Trung Quốc phải duy trì một chế độ độc đảng là bởi dân số quá đông.

 

Ấn Độ thì ngược lại. Cựu đại sứ Pháp nói rõ: Ấn Độ cho thấy ‘‘không cần phải là một chế độ độc đảng mới điều hành được quốc gia khổng lồ về dân số’’. Siết chặt quan hệ với Ấn Độ cũng có nghĩa là với nền dân chủ và nền kinh tế thị trường của quốc gia đông dân nhất thế giới, một đối trọng đáng gờm của Trung Quốc.

 

Về các chỉ trích nhắm vào chính sách kỳ thị Hồi giáo của thủ tướng Modi, cựu đại sứ Pháp cho rằng, cần chú ý xem xét các thách thức của việc xây dựng một chế độ đa nguyên về văn hóa tại Ấn Độ, nơi hơn 200 triệu cư dân theo đạo Hồi. Rõ ràng là không thể biện minh cho các chính sách kỳ thị người Hồi giáo, nhưng cũng cần ghi nhận sự hội nhập thành công của nhiều cộng đồng Hồi giáo trong xã hội Ấn.

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

Chiến tranh Ukraina và thế trung lập chiến lược của Ấn Độ

 

6 cường quốc bậc trung Nam Bán Cầu ‘‘quyết định’’ cục diện địa chính trị thế giới

 

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats