Friday, 7 July 2023

"ĐƯỜNG LƯỠI BÒ" KHÔNG CHỈ GÂY XUNG ĐỘT NGOÀI BIỂN MÀ CÒN CẢ TRÊN ĐẤT LIỀN (Trường Sơn / RFA)

 



“Đường lưỡi bò” không chỉ gây xung đột ngoài biển mà còn cả trên đất liền

Trường Sơn, RFA
06-07-2023

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/nine_dash_line_sea_land_conflicts-07062023083133.html

 

Chỉ trong vòng 3 ngày, hai sự kiện văn hóa đình đám ở Việt Nam phải đối mặt với việc bị cấm hoặc tẩy chay, vì có liên quan đến hình ảnh “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/nine_dash_line_sea_land_conflicts-07062023083133.html/@@images/504a5691-c0be-407f-a6e0-71578a132dd4.jpeg

Đường "lưỡi bò" mà Trung Quốc tự vạch ra trên Biển Đông.   AFP

 

Đầu tiên là thông tin Cục Điện ảnh ra lệnh cấm chiếu đối với bộ phim Barbie của hãng Warner Bros do xuất hiện hình ảnh được cho là “đường lưỡi bò” trong một cảnh quay, còn mới đây nhất là làn sóng tẩy chay show diễn của ban nhạc Hàn Quốc, BlackPink, vì sự xuất hiện của đường chín đoạn ở trang web của đơn vị tổ chức.

 

Khác với hệ lụy mà nó gây ra trên khu vực Biển Đông, khi đe dọa về mặt chủ quyền đã gây ra hiệu ứng phản đối một cách đồng nhất, thì tác động của “đường lưỡi bò” đối với các sự kiện diễn ra trên đất liền lại gây ra các phản ứng hỗn hợp hơn.

 

Trong bối cảnh ở Việt Nam hiện tại, thật khó có thể tưởng tượng nếu một ai đó ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, bởi đối với người Việt thì chủ quyền lãnh thổ và sự đe dọa từ Trung Quốc vẫn là chất xúc tác chính để khơi dậy chủ nghĩa dân tộc.

 

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đưa tranh chấp chủ quyền ra khỏi phạm vi địa lý, mà đã thành công trong việc lồng ghép các thông điệp phản ánh quan điểm của họ về tranh chấp Biển Đông vào các lĩnh vực khác sát với nhu cầu của người tiêu dùng hơn, bao gồm các ấn phẩm văn hóa, nhãn hiệu thời trang, và các ứng dụng tiện ích trên điện thoại di động.

 

Việc này đẩy người Việt Nam vào vị thế buộc phải chọn, giữa chủ quyền quốc gia và nhu cầu chính đáng của cá nhân.

 

Sự việc bộ phim Barbie và buổi biểu diễn của nhóm nhạc BlackPink là hai ví dụ điển hình của việc người Việt Nam đối diện với thực tế trên.

 

Trong khi chủ quyền quốc gia vẫn là yếu tố then chốt cho sự lên ngôi của chủ nghĩa dân tộc trong những thập niên gần đây, tạo ra những cuộc biểu tình quy mô lớn, và làn sóng bài trừ Trung Quốc. Thì sở thích cá nhân cũng mang lại hiệu ứng về mặt tình cảm mạnh mẽ không kém. Chính vì vậy, việc buộc phải chọn một trong hai đã tạo ra những màn tranh luận gay gắt trong lòng xã hội Việt Nam.

 

Đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc và đặt sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia lên trên hết, thì phản ứng thường thấy là đả kích bất cứ hình thức lan truyền tấm bản đồ có “đường lưỡi bò” nào, một cách không khoan nhượng.

 

Ông Nguyễn Tuấn Anh, một người dùng Facebook từ Hà Nội, là một trong số đó. Ngay sau khi thông tin về việc bản đồ với đường chín đoạn xuất hiện trên trang web của công ty tổ chức đêm diễn của nhóm nhạc BlackPink được loan tải, ông này đã lập tức bảy tỏ sự phản đối kịch liệt trên trang Facebook cá nhân có hơn 15 ngàn người theo dõi của mình.

 

Trao đổi với Đài RFA, ông Nguyễn Tuấn Anh giải thích cho hành động của mình như sau:

“Đối với bất cứ người Việt Nam nào thì chủ quyền dân tộc luôn luôn là điều thiêng liêng nhất, chính vì vậy, việc đường lưỡi bò được đăng tải bởi bất cứ công ty, hay đơn vị tổ chức sự kiện, hay bất cứ dịch vụ, sản phẩm nào liên quan đến người Việt, hoặc bán ở thị trường Việt Nam thì người Việt Nam nào cũng có quyền phản đối”.

 

Có thể thấy quan điểm này được chia sẻ rộng rãi ở các diễn đàn trên mạng xã hội, thậm chí nhiều người còn cáo buộc những ai tiếp tục muốn tham dự buổi biểu diễn của nhóm nhạc đến từ Hàn Quốc là “không yêu nước”.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/blackpink.jpeg/@@images/252c2927-27dc-404d-a363-b1a5c33344aa.jpeg

Nhóm nhạc BlackPink biểu diễn ở California, Hoa Kỳ hồi năm 2019. Invision/AP

Việc tẩy chay những công ty, nhãn hàng, hay ấn phẩm văn hóa không tuân thủ yêu sách chủ quyền của nước sở tại thực ra không chỉ diễn ra ở Việt Nam. Trên thực tế, Trung Quốc vốn là nước đi đầu và tích cực thực thi chính sách này. Chính quyền và người dân nước này trước nay vẫn tỏ ra nhất quán trong việc yêu cầu bất cứ doanh nghiệp nào hoạt động ở Trung Quốc, hay bất cứ ấn phẩm văn hóa nào muốn lưu hành ở đây, đều phải tuần thủ yêu cầu phản ảnh yêu sách chủ quyền đối với các khu vực như Biển Đông hay Đài Loan. Và nếu không tuân thủ thì sẽ bị tẩy chay hoặc cấm.

 

Gần đây nhất thì bộ phim Top Gun do diễn viên nổi tiếng Tom Cruise thủ vai chính đã phải xóa hình ảnh lá cờ Trung Hoa Dân Quốc ra khỏi bộ phim, để được phép chiếu ở thị trường Trung Quốc. Hay người tiêu dùng của quốc gia tỉ dân cũng từng kêu gọi tẩy chay các nhãn hàng xuất xứ từ Nhật Bản do tranh chấp chủ quyền ở vùng biển Hoa Đông.

 

Khi trao đổi với Đài Á châu Tự do, ông Nguyễn Tuấn Anh cũng chỉ ra thực tế này, ông nói:

 

“Giống như bên Trung Quốc họ rất cứng rắn, trên bất cứ tấm bản đồ thế giới nào mà không có đường lưỡi bò là họ cấm doanh nghiệp đấy bán sản phẩm, dịch vụ, hoặc kinh doanh tại đất nước họ, mặc dù việc này chưa được chính quyền Việt Nam thể hiện bằng luật, nhưng mà là người dân Việt Nam thì mình tự ý thức được việc đấy bằng cách tẩy chay.’

 

Nhưng không phải lúc nào tẩy chay cũng là điều có thể thực hiện một cách dễ dàng, đặc biệt khi đối tượng bị tẩy chay lại là thứ mà người nào đó yêu mến.

 

Trong trường hợp của nhóm nhạc BlackPink, lời kêu gọi tẩy chay được bắt nguồn từ một tài khoản Tiktok có tên Phaminhiu, trong video có gần 3 triệu lượt xem chỉ sau một ngày đăng tải, tài khoản này cho biết đã phát hiện hình “đường lưỡi bò” sau khi truy cập vào trang web của công ty iME Intertainment Group Asia, đơn vị tổ chức buổi biểu diễn của nhóm nhạc BlackPink tại Việt Nam.

 

Sau khi làn sóng tẩy chay được lan truyền trên mạng xã hội, thì nhiều fan hâm mộ của nhóm nhạc nữ này đã đăng đàn bảo vệ thần tượng của mình. Họ cho rằng việc tẩy chay buổi biểu diễn là không chính đáng, bởi bản thân các thành viên của ban nhạc BlackPink không hề liên quan đến việc bản đồ hình lưỡi bò xuất hiện trên trang web của đơn vị tổ chức. Ngoài ra, họ cũng cáo buộc những người lên tiếng tẩy chay thần tượng của mình là tiêu chuẩn kép, khi một mặt thì đòi tẩy chay thần tượng của họ nhưng mặt khác vẫn tiếp tục sử dụng các nhãn hàng có xuất xứ từ Trung Quốc.

 

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài RFA qua ứng dụng nhắn tin, bạn Nguyễn Như Quỳnh, một người hâm mộ nhóm nhạc BlackPink phản biện lại cáo buộc “không yêu nước” mà những người đứng về phía ủng hộ tẩy chay đưa ra.

 

“Tại sao ủng hộ một buổi biểu diễn được tổ chức tại chính quê nhà của mình lại là không yêu nước cơ chứ? Tình yêu thần tượng đúng là phải đi đôi với tình yêu nước, nhưng lúc này thì thận tượng của chúng tôi đâu có sai, họ đâu đăng tải, tuyên ttruyền, hay phát biểu bất cứ cái gì tới vấn đề này đâu!”

 

Cô cũng cáo buộc lại những người công kích fan hâm mộ của BlackPink là “có định kiến” với Kpop nói chung và với BlackPink nói riêng, do vậy, đã nhân cơ hội này mà tấn công người hâm mộ của nhóm nhạc nữ Hàn Quốc.

 

Ở một góc độ trung lập hơn, nhiều người cho rằng cần phải tách bạch từng sự kiện và đánh giá dựa trên bối cảnh riêng của các sự kiện đó, thay vì áp dụng chung một cách tiếp cận, trong trường hợp này là kêu gọi tẩy chay.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/barbie.jpeg/@@images/ceb2faba-3757-466a-879e-0ff69813319e.jpeg

Phim Barbie do hai ngôi sao Margot Robbie (phải) và Ryan Gosling (trái) đóng vai chính. Reuters

Ngoài ra, nhà nước cũng đóng một vai trò quan trọng đối với sự phán ứng của dư luận trước các ấn phẩm có hình “đường lưỡi bò”. Theo ông Nguyễn Quốc Tấn Trung, nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành công pháp quốc tế tại Đại học Victoria, Canada, thì phản ứng của dư luận và động thái của nhà nước là có “mối liên hệ biện chứng với nhau”. Cụ thể, việc nhà nước ban hành các lệnh kiếm duyệt đã khuyến khích dư luận bày tỏ thái độ tiêu cực với các văn hóa phẩm có hình đường chín đoạn, và ngược lại, mỗi khi nhà nước thất bại trong việc kiểm duyệt thì sẽ bị dư luận chỉ trích.

 

Ông này cũng cho rằng nỗ lực tẩy chay của cộng đồng mạng tại Việt Nam vẫn dừng lại ở mức độ “trình diễn”, tức chưa có tính hệ thống và thường diễn ra trong thời gian ngắn, dẫn đến hiệu quả thấp. Một mặt hạn chế nữa của các làn sóng tẩy chay cho đến thời điểm này, theo ông Trung, là nó đã thất bại trong việc hạn chế các sản phẩm văn hóa có xuất xứ từ Trung Quốc, như phim ảnh và âm nhạc, vốn chắc chắn ủng hộ quan điểm của chính quyền Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

 

Tuy nhiên, vị chuyên gia trong lĩnh vực công pháp quốc tế cũng cho biết, trong trường hợp của bộ phim Barbie thì hành vi kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam đã tạo ra hiệu ứng tốt cho nỗ lực bảo vệ chủ quyền. Ông cho hay:

 

“Trong trường hợp này, rất nhiều báo chí quốc tế đã lên tiếng thông tin về sự vụ. Điều này có thể giúp Việt Nam phần nào truyền tải thông điệp cho toàn thế giới rằng chúng tôi không chấp nhận các yêu sách của Trung Quốc ở biển Đông, một lần nữa củng cố vị trí pháp lý và bằng chứng từ phía Việt Nam trong lịch sử đối mặt với yêu sách biển Đông từ Bắc Kinh.”

 

Rõ ràng, với việc Trung Quốc tiếp tục nỗ lực lồng ghép thông điệp về yêu sách chủ quyền của họ trên Biển Đông vào các sản phẩm thiết yếu, thì thách thức đặt ra đối với những nước như Việt Nam sẽ còn tiếp diễn. Không chỉ về mặt ngoại giao, khi chính quyền phải giải quyết mối bất đồng với các công ty quốc tế, mà còn về mặt xã hội, khi mà người Việt Nam phải đối mặt với lựa chọn hoặc chủ quyền hoặc sở thích cá nhân.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats