Friday, 14 July 2023

TỔNG THỐNG UKRAINA HÀI LÒNG về BẢO ĐẢM AN NINH CỦA G7 và NATO (Thanh Hà / RFI)

 



Tổng thống Ukraina hài lòng về bảo đảm an ninh của G7 và NATO

Thanh Hà   -  RFI

Đăng ngày: 13/07/2023 - 12:15

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20230713-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-ukraina-h%C3%A0i-l%C3%B2ng-v%E1%BB%81-b%E1%BA%A3o-%C4%91%E1%BA%A3m-an-ninh-c%E1%BB%A7a-g7-v%C3%A0-nato

 

Kết thúc hai ngày họp thượng đỉnh NATO tại Vilnius, Litva hôm 12/07/2023, tuy Ukraina vẫn đứng ngoài Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, nhưng tổng thống Volodymyr Zelensky hài lòng ra về sau khi được khối G7 và các đồng minh mạnh mẽ cam kết “hỗ trợ về an ninh một cách lâu dài”. Mục tiêu là tăng cường “khả năng phòng thủ” của Ukraina, ngăn cản mọi tham vọng quân sự của Nga. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/69aea94e-20fd-11ee-b263-005056bfb2b6/w:980/p:16x9/2023-07-12T112949Z_669251676_RC2N12ARD6RJ_RTRMADP_3_NATO-SUMMIT.webp

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky dự thượng đỉnh NATO-Ukraina, ở Vilnius, Litva, ngày 12/07/2023. © REUTERS / YVES HERMAN

 

Chiều qua, khối 7 cường quốc công nghiệp phát triển nhất thế giới (Anh, Pháp, Đức, Ý, Mỹ, Nhật Bản và Canada) đã thông báo sáng kiến bảo đảm an ninh cho Ukraina một cách lâu dài. Nhóm G7 cam kết cung cấp trang thiết bị quân sự hiện đại, huấn luyện binh sĩ Ukraina, chia sẻ thông tin tình báo và an ninh mạng với Kiev. Đổi lại, chính quyền Kiev hứa tăng tốc các chương trình cải tổ về kinh tế, về luật pháp... tạo điều kiện để có thể gia nhập NATO trong tương lai.

 

Trong cuộc họp với đồng cấp Ukraina, nguyên thủ Mỹ Joe Biden một lần nữa nhắc lại “NATO đoàn kết hơn bao giờ hết và tiếp tục yểm trợ Ukraina”. Lãnh đạo Nhà Trắng không quên chỉ trích tổng thống Nga, cho rằng “khi khởi động cuộc chiến tàn bạo nhắm vào Ukraina, Vladimir Putin tưởng rằng NATO sẽ tan thành trăm mảnh, nhưng ông ấy đã nhầm”.

 

Riêng tổng thống Zelensky, tuy không thuyết phục được 31 thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đề ra lịch trình cụ thể về kết nạp Ukraina, nhưng ông rời thủ đô Vilnius với nhiều cam kết viện trợ quân sự từ các đồng minh chính như Anh, Pháp hay Đức...

 

Đặc phái viên Anastasia Becchio từ Vilnius tổng kết thượng đỉnh NATO:

 

Volodymyr Zelensky rời Litva thanh thản hơn là khi ông đến dự thượng đỉnh. Sau khi mạnh mẽ chỉ trích Liên Minh Bắc Đại Tây Dương “do dự” và “vô lý" khi không đưa ra lịch trình cụ thể kết nạp Ukraina, hôm qua tổng thống Ukraina đã dịu giọng. Nhưng thái độ đó vẫn chưa đủ, theo đánh giá của bộ trưởng Quốc Phòng Anh. Trả lời báo chí, ông Ben Wallace cho rằng tổng thống Ukraina đã không thể hiện “lòng biết ơn” với các nước đồng minh, hơn nữa “Anh Quốc không phải là cổng mua bán trên mạng Amazon”.

 

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã bác bỏ những chỉ trích này. Ông cho rằng : “Người dân Anh luôn hỗ trợ chúng tôi và chúng tôi rất biết ơn về điều đó. Tôi không hiểu bộ trưởng Anh muốn nói gì và cũng không biết nói làm sao để tỏ lòng cảm kích hơn đối với ông ấy”.

 

Thực ra trong ngày thứ nhì của thượng đỉnh NATO, tổng thống Ukraina đã không ngớt lời cảm ơn các đối tác khi họp song phương với các bộ trưởng Anh và Canada, hay trong cuộc họp với thủ tướng Đức cũng như với tổng thống Pháp. Tổng thống Macron cho biết : “Tôi nghĩ rằng những đòi hỏi cao từ phía tổng thống Zelensky là điều chính đáng, bởi ông ấy đang chiến đấu trên trận tuyến, đang phải bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, bảo vệ chủ quyền quốc gia”.

 

Tổng thống Ukraina hài lòng trở về Kiev, vì đã có được những bảo đảm vững chắc về mặt an ninh và ông kỳ vọng rằng những bảo đảm đó sẽ mở đường cho việc gia nhập Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.

 

 

Phản ứng của Nga

 

Về phía Matxcơva, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov ngay hôm qua đã đánh giá sáng kiến của G7 bảo đảm an ninh cho Ukraina là “rất nguy hiểm”. Thông cáo của bộ Quốc Phòng Nga thì ghi nhận thượng đỉnh Vilnius cho thấy NATO đang quay lại với thời kỳ “Chiến Tranh Lạnh” và Matxcơva sẽ đáp trả “một cách hợp lý và vào thời điểm cần thiết”.

 

Đang dự hội nghị ngoại trưởng ASEAN mở rộng tại Jakarta, lãnh đạo ngoại giao Nga Serguei Lavrov đặc biệt lo ngại trước khả năng phương Tây cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraina. Lãnh đạo ngoại giao Nga xem đây là một “mối đe dọa hạt nhân” đối với Matxcơva, bởi F-16 “có khả năng mang theo vũ khí hạt nhân (...). Mỹ và các nước chư hầu trong NATO đang khơi dậy nguy cơ đối đầu quân sự trực tiếp với Nga, có thể sẽ dẫn tới những hậu quả tai hại”.

 

Tháng 5/2023, Mỹ đã cho phép chuyển giao chiến đấu cơ hiện đại nhất F-16 cho quân đội Ukraina, nhưng Washington vẫn chưa đưa ra lịch trình cụ thể. 

 

--------------------------

Các nội dung liên quan

Phương Tây công bố « kế hoạch bảo đảm an ninh lâu dài cho » Ukraina

 

NATO : Công thức nào cho Ukraina sau 15 năm chờ đợi trong « luyện ngục » ?






No comments:

Post a Comment

View My Stats