Thursday, 13 July 2023

THẾ GIỚI HÔM NAY : 12/07/2023 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 12/07/2023

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

12/07/2023

https://nghiencuuquocte.org/2023/07/12/the-gioi-hom-nay-12-07-2023/

 

Các thành viên NATO ra một thông cáo chung tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, Litva, để miễn áp dụng “Kế hoạch Hành động Thành viên” (MAP) cho Ukraine, vốn là một bước chuẩn bị chính thức trước khi gia nhập liên minh. Tuyên bố công nhận “tiến bộ đáng kể” mà Ukraine đạt được trong việc ban hành các cải cách dân chủ và quân sự. Bỏ qua MAP có nghĩa là Ukraine có thể gia nhập NATO “khi các Đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng.”

 

Thông cáo cũng nói “các chính sách mang tính cưỡng ép” của Trung Quốc thách thức an ninh của các nước NATO, đồng thời kêu gọi Trung Quốc không cung cấp vũ khí sát thương cho Nga. Khi các quốc gia cam kết tăng hỗ trợ cho Ukraine, tuyên bố cũng nhắc lại cam kết đầu tư 2% GDP hàng năm cho quốc phòng. Tổng thư ký Jens Stoltenberg ca ngợi các kế hoạch phòng thủ được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh là kế hoạch “toàn diện” nhất kể từ sau chiến tranh lạnh.

 

Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ thất bại trong việc ngăn Microsoft mua lại hãng game Activision. Thương vụ nhiều khả năng sẽ hoàn thành trong ngày 18 tháng 7. Chủ tọa phiên tòa nói cơ quan quản lý thiếu cơ sở khi tuyên bố vụ sáp nhập làm suy giảm cạnh tranh, và thay vào đó người tiêu dùng có thể được tiếp cận rộng rãi hơn với các trò chơi của Activision.

 

Lạm phát ở Đức tăng trong tháng 6, phá vỡ xu hướng giảm ổn định từ đầu năm đến nay. Đặt trong so sánh với các nước EU khác, giá tiêu dùng của Đức đã tăng 6,8% kể từ tháng 6 năm 2022, theo cơ quan thống kê liên bang. Nguyên nhân chủ yếu là chi phí vận tải tăng và nỗ lực kiềm chế lạm phát của chính phủ Đức trước giá nhiên liệu cao hồi năm ngoái.

 

Quốc hội Israel bước đầu thông qua dự luật hạn chế quyền lực của Tòa án Tối cao. Thủ tướng Binyamin Netanyahu muốn đại tu hệ thống tư pháp. Song tham vọng của ông đã gây ra biểu tình trên khắp Israel cho đến tận sáng thứ Ba. Dự luật mới sẽ hạn chế quyền của tòa án trong việc vô hiệu hóa các quyết sách chính phủ. Nó cần thêm hai phiếu nữa ở quốc hội để được phê chuẩn thành luật.

 

Foxconn, hãng gia công đồ điện tử của Đài Loan, đã rút khỏi liên doanh 19,5 tỷ USD để xây nhà máy bán dẫn ở bang Gujarat với công ty Vedanta của Ấn Độ. Foxconn không muốn chính phủ Ấn Độ trì hoãn phê duyệt các ưu đãi, theo Reuters. Sự sụp đổ của thỏa thuận là một đòn giáng mạnh vào tham vọng chip bán dẫn trong nước của thủ tướng Narendra Modi.

 

Tòa án Nhân quyền Châu Âu (ECHR) tuyên bố Caster Semenya, nhà vô địch Olympic 800m, đã bị tòa án tối cao Thụy Sĩ phân biệt đối xử khi toà này ủng hộ các quy tắc của Hiệp hội Điền kinh Thế giới về mức độ testosterone. Vận động viên chạy bộ người Nam Phi bị cấm tham gia cự ly 800m kể từ năm 2018, khi cô lần đầu lên tiếng phản đối các quy định yêu cầu cô phải dùng thuốc ức chế hormone. Song phán quyết của ECHR không cho phép cô tiếp tục thi đấu.

 

Con số trong ngày: 0,78, là tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc, thấp nhất thế giới.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Gió mùa gây ra lạm phát ở Ấn Độ

 

Ngân hàng trung ương Ấn Độ từng có một năm thuận buồm xuôi gió. Từ tháng 1, tỷ lệ lạm phát theo năm của nước này đã giảm đều đặn, xuống chỉ còn 4,3% trong tháng 5, mức thấp nhất trong gần hai năm. Nó cho phép Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ tạm dừng chu kỳ thắt chặt tiền tệ vào tháng 4 và thậm chí có thể sẽ cắt giảm lãi suất. Nhưng rồi mọi thứ quay ngoặt khi dữ liệu công bố vào thứ Tư sẽ cho thấy lạm phát tăng 4,6% trong tháng 6, phần lớn vì giá lương thực leo thang.

 

Trước mắt cũng không sáng sủa. Mưa gió mùa kỷ lục gần đây đã nhấn chìm các trang trại trên khắp Ấn Độ, làm gián đoạn sản xuất. Một ví dụ là giá cà chua, vốn tăng 160% so với tháng trước vào tuần qua. Nếu mưa to tiếp tục, lạm phát tính theo năm vào tháng 7 có thể vượt quá giới hạn trên 6% của ngân hàng trung ương, khiến họ phải lại tăng lãi suất để giảm lạm phát.

 

Các hạ nghị sĩ Cộng hoà của Mỹ chia rẽ về dự luật quốc phòng

 

Hàng năm, Quốc hội phải thông qua một dự luật chi tiêu để chi trả cho nền quốc phòng của Mỹ. Dự luật này xác định ngân sách của Lầu Năm Góc, quy định tăng lương cho quân nhân, và tài trợ cho các chương trình hoặc trang thiết bị cụ thể. Và chưa năm nào kể từ năm 1961 dự luật không được thông qua.

 

Năm nay cũng không khác, nhưng hứa hẹn sẽ ồn ào hơn. Trong cuộc đua kéo dài để bầu Kevin McCarthy làm chủ tịch Hạ viện, các thành viên bảo thủ của Liên minh Tự do đã yêu cầu ông không đưa ra “các dự luật cây thông Noel” cồng kềnh đi kèm nhiều sửa đổi. Song chính các nhà lập pháp đã đưa ra hơn 1.500 điểm vào dự luật quốc phòng, và những điểm tranh cãi nhất đến từ không ai khác ngoài các đảng viên Cộng hòa cánh hữu. Chẳng hạn, họ muốn cấm Lầu Năm Góc trả tiền cho các vụ phá thai và tài trợ cho các sáng kiến ​​đa dạng.

Hạ viện có thể bắt đầu bỏ phiếu sớm nhất là vào thứ Tư. Ông McCarthy vẫn đang cố gắng xoa dịu những người cánh hữu trong đảng ông, nên dự luật chắc chắn sẽ còn thay đổi. Nhưng nhiều sửa đổi trên mặt trận văn hóa sẽ làm giảm ủng hộ từ phe Dân chủ. Với thế đa số mỏng, phe Cộng hòa sẽ cần phải thống nhất — một vấn đề nan giải cho đảng trong những tháng gần đây.

 

Biển lửa trong nội chiến Myanmar

 

Khi cuộc nội chiến Myanmar lan rộng, chính quyền quân sự có thể đang dùng một chiến thuật trấn áp mới: lửa. Kể từ cuộc đảo chính tháng 2 năm 2021, Myanmar chìm trong xung đột ngày càng đẫm máu khiến hàng nghìn người thiệt mạng và bị mất nhà cửa. Và khi không thể dập tắt kháng cự, quân đội đã phạm tội ác trên diện rộng. Hình ảnh vệ tinh cho thấy họ có thể đang tấn công bằng lửa theo đúng nghĩa đen.

 

Theo dữ liệu của Trung tâm Phục hồi Thông tin, một nhóm giám sát nhân quyền, số vụ cháy được báo cáo trên khắp Myanmar đã tăng đáng kể vào năm ngoái. Họ cho rằng điều này có thể là do quân đội đốt lửa như một biện pháp chiến tranh tâm lý. Nhiều ngôi nhà, nơi thờ cúng, và nguồn cung cấp thực phẩm bị phá hủy, đặc biệt là vùng Sagaing ở phía bắc, nơi bị không kích bừa bãi và đối mặt các phương pháp đàn áp tàn bạo.

 

Số phận Luật Phục hồi Thiên nhiên của EU

 

Vào thứ Tư, các nhà lập pháp châu Âu sẽ quyết định số phận của Luật Phục hồi Thiên nhiên của EU, do Ủy ban châu Âu đề xuất vào tháng 6 năm 2022. Luật này tìm cách khôi phục, cho tới năm 2030, 20% trên tổng số 81% diện tích biển và đất liền của châu Âu bị suy giảm chất lượng do hoạt động của con người. Nếu được thông qua, đây sẽ là mục tiêu bảo tồn có ràng buộc pháp lý đầu tiên được giới thiệu trong lịch sử 30 năm của EU.

 

Song chính các nghị sĩ lại chia rẽ sâu sắc. Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu và giới vận động hành lang nông nghiệp cho rằng luật này gây hại cho sản xuất lương thực và sinh kế của nông và ngư dân. Đáp lại, Chủ tịch Ủy ban Môi trường của Ủy ban, và một số nhóm khoa học, cáo buộc EPP cố tình gây hoang mang và chơi trò chơi chính trị trước các cuộc bầu cử sắp tới.

 

Phần lớn phụ thuộc vào việc liệu Ursula von der Leyen — người vừa là chủ tịch Ủy ban vừa là thành viên của EPP — có thể thuyết phục được các thành viên đảng mình hay không. Nếu luật được thông qua, các nước sẽ có hai năm để đệ trình kế hoạch bảo tồn của họ. Nhưng nếu nó thất bại, triển vọng của gói đề xuất môi trường rộng lớn hơn tạo nên Thỏa thuận xanh EU sẽ xấu đi.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats