Wednesday, 12 July 2023

NHỮNG CÁI LẠ TRONG VỤ ÁN CHUYẾN BAY GIẢI CỨU (Lâm Công Tử / Saigon Nhỏ)

 



Những cái lạ trong vụ án chuyến bay giải cứu

Lâm Công Tử  -  Saigon Nhỏ
12 tháng 7, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/nhung-cai-la-trong-vu-an-chuyen-bay-giai-cuu/

 

Phiên tòa được xem là “thế kỷ” đang diễn ra lôi kéo theo sự chú ý của toàn dân vì có quá nhiều sự lạ. Lạ từ khi bắt đầu cho tới khi kết thúc. Lạ từ lúc bắt giam cho tới khi xét xử… Hàng trăm thứ lạ làm bà con hào hứng theo dõi còn hơn theo chân đội tuyển nữ đang giành giật chiếc cúp thế giới.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/hh-1.jpg

Ngày 11 Tháng Bảy 2023, TAND TP Hà Nội bắt đầu xét xử sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu”. Phiên xử dự kiến diễn ra trong 30 ngày, gồm cả thứ 7, Chủ nhật (ảnh: báo Pháp Luật và Xã Hội)

 

Với số bị can lên tới 54 nhân sự từ cấp thấp đến cấp cao của chín bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, trong đó có Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, các quan lớn Hà Nội và Quảng Nam, cùng nhiều giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch các công ty kinh doanh dịch vụ về du lịch và lữ hành…

 

Với số lượng can phạm như vậy mà sau hai năm mới bị bắt thì đúng là lạ vì Bộ Công an Việt Nam vốn nổi tiếng là nhanh nhạy nhất thế giới, không một tên “phản động” nào dù ẩn nấp kỹ tới đâu, có trốn sang Thái Lan – như trường hợp Thái Văn Đường – cũng bị bắt giam và… bắt cóc vậy mà một “đoàn tội phạm” nhẩn nha đếm tiền lại cười vào mặt công an những hai năm ròng rã.

 

Cái lạ thứ hai, can phạm chính trong vụ án là một Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và một thư ký riêng của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Tay thư ký này là đầu nậu thu gom, ra giá, dẫn mối cho Bộ Ngoại giao cấp phép, để Vietnam Airline bán vé “giải cứu” nhưng ông sếp của cậu thư ký – Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên – lại không hề hấn gì, thậm chí không một lời khai nào về ông ta. Lê Lai cứu chúa là đây chứ đâu?

 

Cái lạ thứ ba là luật sư bào chữa cho bị cáo. Có tới 105 luật sư bào chữa cho 54 bị can, tức hai luật sư cho một bị cáo. Ít thấy phiên tòa nào mà luật sư “đông như quân Nguyên” còn bị cáo tuy bị khởi tố tội hối lộ, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà nước lại còn rủng rỉnh tiền để thuê một đống luật sư.

 

Cái lạ thứ tư là những kẻ liên đới trách nhiệm không có mặt tại tòa. Ông Phạm Bình Minh, nguyên Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng lặn mất tích không tăm hơi. Chẳng lẽ Thứ trưởng Tô Anh Dũng dưới quyền Phạm Bình Minh nhận hối lộ tới 37 lần mà Minh không hề hay biết? Rồi Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm gì khi đệ tử Phạm Trung Kiên, cựu thư ký của ông ta, bị cáo buộc nhận hối lộ tới 253 lần, với tổng số tiền hơn 42,6 tỉ đồng? Không lẽ Kiên dám ăn một mình, hù dọa doanh nghiệp một mình và móc nối Cục xuất cảnh lẫn Vietnam Airlines một mình?

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/Screenshot-2023-07-12-172524.jpg

Nguyễn Quang Linh – cựu trợ lý Phó thủ tướng Phạm Bình Minh – tại phiên xử ngày 11 Tháng Bảy 2023 (ảnh: Tuổi Trẻ)

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/ng.jpeg

Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng có 37 lần nhận hối lộ của 13 doanh nghiệp với tổng số tiền (được cho là) hơn 21 tỷ đồng, khoảng $1,140,563 (ảnh: Tô Anh Dũng tại tòa, ngày 11 Tháng Bảy 2023 – 24h.com)

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/cao-lan-2440-5290.jpg

Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan – cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (anninhthudo)

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/hh-2.jpg

Trần Việt Thái, cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia (ảnh: VietnamNet)

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/nam-2048x1318.jpg

Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (ảnh: VietnamNet)

 

Cái lạ thứ năm, có lẽ quan trọng nhất: Tại sao gần như toàn bộ hệ thống phạm tội mà Bộ Chính trị không hề hay biết trong suốt thời gian dài như vậy? Câu hỏi đặt ra ở đây là Bộ Chính trị tuy tống hai Phó thủ tướng về nhà giữ gà nhưng những hậu quả tồn đọng từ vụ án Việt Á và “chuyến bay giải cứu” thì chịu trách nhiệm cuối cùng? Hay là chính Bộ Chính trị, trong cuộc đấu đá phe nhóm sặc mùi gió tanh mưa máu này, cũng đang “giải cứu” cho những kẻ lý ra phải chịu trách nhiệm nặng nhất? Tóm lại, xuyên suốt vụ án, người dân thấy rõ còn nhiều trùm cuối đang được bao che một cách cẩn thận.

 

Điều dư luận muốn nghe bây giờ không những là bản án thích đáng dành cho bọn hút máu đồng bào mà còn là chuyện tiền tham nhũng liệu có trả lại cho dân không. Nhưng xem ra sự chờ đợi này không bao giờ xảy ra vì có bao giờ nhà nước nghĩ tới người dân khi mở một phiên tòa xử tham nhũng đâu. Điều mà nhà nước đang làm chẳng qua là không thể tránh né được nữa khi sâu mọt ăn tới tận gốc của căn nhà.

 

Cứ cho là vụ chuyến bay giải cứu và Việt Á bị lật tẩy do chém giết phe phái trong Đảng, trâu cột ghét trâu ăn, nhưng tình thật mà nói thì “trâu” nào trong cái đám đảng này cũng ăn như nhau. Cuối cùng thì cho dù cả 54 tên tội phạm có đền tội thì chắc chắn cũng có một bầy tội phạm khác đang chực chờ ra tay. Rồi chúng sẽ bị ai lật tẩy? Nhân dân thì bó tay rồi, còn mấy bác trong Bộ Chính trị thì bác nào bác nấy đều có dây mơ rễ má với tội phạm mang thẻ Đảng. Thử hỏi làm sao cho hết giòi bọ trong khi cả nhà vẫn vang tiếng ruồi xanh? Mà giòi thì do ruồi nhặng đẻ ra đấy các bác ạ.

________

 

Một bình luận của nhà giáo Thái Hạo

 

“Chuyến bay giải cứu” là vụ đại án ô nhục và bất nhân bậc nhất trong lịch sử vì sự táng tận lương tâm đến kiệt cùng khốn nạn khi người ta ăn tàn bạo trên máu xương đồng bào giữa cơn điêu linh trong đại dịch.

 

Báo Thanh Niên viết “Từ một chủ trương nhân đạo của Đảng, Chính phủ, ‘chuyến bay giải cứu’ đã bị các cán bộ biến chất lợi dụng chức vụ để trục lợi”. Nghĩa là đây (chỉ) thuộc về vấn đề đạo đức cá nhân. Liệu quan điểm này có phản ánh đúng bản chất của vụ án?

 

Có tới chín bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã chung tay gây nên tội ác này. Trong đó, có Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, quan lớn Hà Nội và Quảng Nam, cùng nhiều giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch các công ty kinh doanh dịch vụ về du lịch và lữ hành… Như vậy, bộ có, chính phủ có, địa phương có; trong nước có, ngoài nước có; nhà nước có, tư nhân có; sếp có, giúp việc có… Tóm lại là to – nhỏ – lớn – bé – trong – ngoài, tất cả đều gặp nhau trên sự thoi thóp của người dân khổ nạn.

 

Với một đội quân tham nhũng hùng hậu như vậy, chỉ có hai cách giải thích:

 

Một là bộ máy nhà nước có quá nhiều kẻ “biến chất”, bên cạnh những kẻ trực tiếp ra tay là những kẻ im lặng quay lưng ngoảnh mặt. Nghĩa là đều xấu xa. Nhưng dù thế nào, nếu một bộ máy mà đa phần là kẻ xấu thì không cách gì để có thể nói rằng bộ máy ấy là tốt đẹp được.

 

Hai là bản thân bộ máy ấy hỏng. Vì hỏng nên làm hư con người, hoặc không thể ngăn chặn sự sa đọa của con người. Cả hai cách hiểu đều dẫn đến một kết luận như nhau, rằng vấn đề không thể đơn giản quy về đạo đức cá nhân. Đây là câu chuyện thể chế. Không thẳng thắn nhìn nhận gốc rễ của vấn đề mà chỉ loanh quanh đổ lỗi cho cá nhân thì việc chống tham nhũng và tội phạm nhà nước nói chung vẫn chỉ là đập ruồi trên bãi rác.

 

Khi nào còn nói “cán bộ biến chất” mà không trung thực thừa nhận “bộ máy hư hỏng” thì khi đó những phiên tòa như đang diễn ra chỉ an ủi được những tâm hồn nông nổi, và quốc nạn tham nhũng thì vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.

 

Những ai là người đang hào hứng theo dõi phiên tòa đập ruồi này? Tôi chỉ thấy buồn nôn.

 

Thái Hạo

Ngày 11 Tháng Bảy 2023

___________________

 

Ngày 11 Tháng Bảy 2023, TAND TP Hà Nội bắt đầu xét xử sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu”. Phiên xử dự kiến diễn ra trong 30 ngày, gồm cả thứ 7, Chủ nhật

 

18 người bị truy tố tội có khung hình phạt cao nhất là tử hình.

 

54 bị cáo trong vụ án bị Viện KSND Tối cao truy tố về các tội: “Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

 

Trong 21 bị cáo bị xét xử về hành vi “Nhận hối lộ” có 18 bị cáo (như cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân...) bị viện kiểm sát truy tố theo khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

4 bị cáo Trần Việt Thái – cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia; Nguyễn Lê Ngọc Anh – cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia; Nguyễn Hoàng Linh – cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia; Đặng Minh Phương – cựu kế toán Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

 

23 bị cáo bị xét xử về tội “Đưa hối lộ” trong đó có Nguyễn Thị Thanh Hằng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky; Lê Hồng Sơn – Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky; Hoàng Diệu Mơ – Tổng Giám đốc Công ty TNHH thương mại Du lịch Dịch vụ Hàng không An Bình…

 

4 bị cáo: Nguyễn Anh Tuấn – cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội; Trần Quốc Tuấn – Giám đốc Công ty cổ phần xúc tiến Thương mại và Du lịch Việt Nam; Bùi Huy Hoàng – cựu chuyên viên Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế; Phạm Thị Kim Ngân – cán bộ Phòng Trị sự Tạp chí Thanh tra Chính phủ bị truy tố về hành vi “Môi giới hối lộ”.

 

Bị cáo Hoàng Văn Hưng – cựu cán bộ công an bị truy tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

 

Bị cáo Trần Minh Tuấn – Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Thái Hòa bị truy tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Đưa hối lộ”.

 

Theo cáo trạng, từ tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương, người dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó là các chuyến bay combo, người dân tự nguyện trả phí toàn bộ.

 

Doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức chuyến bay combo phải xin chủ trương của UBND cấp tỉnh, thành phố – nơi thực hiện cách ly công dân về nước. Hồ sơ sau đó được gửi về Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để đơn vị này tổng hợp, lấy ý kiến tổ công tác 5 bộ (Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải, Quốc phòng).

 

Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, nhà chức trách đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Riêng Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo.

 

Để có chi phí “bôi trơn” khi thực hiện các chuyến bay, nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé, “vẽ” thêm nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch.

 

25 người đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao để nhận hối lộ gần 165 tỷ đồng và gây thiệt hại 10 tỷ đồng. 23 người là đại diện doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 người môi giới hối lộ gần 75 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt gần 25 tỷ đồng.

 

Trong đó, Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng, nhận hối lộ 253 lần, tổng cộng 42,6 tỷ đồng; Vũ Anh Tuấn, cựu Phó phòng tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, nhận 49 lần 27,3 tỷ đồng; Nguyễn Hương Lan, cựu Cục trưởng Lãnh sự Bộ Ngoại giao 32 lần nhận 25 tỷ đồng; cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng nhận 37 lần tổng cộng 21,5 tỷ đồng…

 

Ngoài hành vi đưa nhận hối lộ để thực hiện chuyến bay giải cứu, VKS xác định còn có nhóm bị can đã móc ngoặc để chạy án cho doanh nghiệp.

 

Theo cáo trạng, cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc Công an Hà Nội, đã nhận 2,65 triệu USD (khoảng 61,6 tỷ đồng) để chạy án cho Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng, Tổng và Phó tổng giám đốc Công ty Bầu trời xanh. Ông Tuấn khai trừ đi 400.000 USD giữ lại, đã đưa hết 2,25 triệu USD cho bị can Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng điều tra Cục An ninh điều tra Bộ Công an) theo từng lần Hằng chuyển tiền đến.

 

(Nguồn: Pháp Luật và Xã Hội)





No comments:

Post a Comment

View My Stats