Saturday, 8 July 2023

NHÀ NƯỚC và NHÀ CHÙA TRONG MẶT TRẬN GIÀNH GIẬT THANH THIẾU NIÊN (Lương Lâm Lan, RFA)

 



Nhà nước và nhà chùa trong mặt trận giành giật thanh thiếu niên

Bình luận của Lương Lâm Lan
2023.07.08

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/state-and-pagodas-battle-to-gain-the-youth-07072023125429.html

 

Sau vụ một thiếu niên tham gia Khóa tu mùa hè ở chùa Cự Đà (Hà Nội) bị bạn đánh, (một số) vị quan chức chính quyền đang giật mình nhận ra trong cuộc chiến giành sự ảnh hưởng với lứa tuổi thanh thiếu niên, chính quyền đã đi trước nhưng về rất sau so với các chùa.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/state-and-pagodas-battle-to-gain-the-youth-07072023125429.html/@@images/fda32c94-24a9-4124-a971-baf75f35cbb8.jpeg

Các em học sinh tham gia khoá tu mùa hè ở Chùa Ba Vàng   (Chùa Ba Vàng)

 

Các tôn giáo khác như Công giáo, Tin lành… cũng có hoạt động hè (bên cạnh hoạt động quanh năm) cho thanh thiếu niên. Nhưng thường là các hoạt động nội bộ, khá kín đáo vì chỉ tổ chức trong phạm vi thanh thiếu niên đạo hữu. Ngoài giáo hữu thì gần như ngoài xã hội không mấy người biết.

 

Các chùa ngược lại. Thanh thiếu niên nào muốn tham gia chỉ cần điền đầy đủ thông tin theo mẫu gửi tới chùa, tuyệt đại đa số đều sẽ được nhận, bất kể có phải là phật tử hay không.

 

 

7.000 khóa sinh một khóa tu mùa hè, Đoàn Thanh niên khóc thét

 

Ba Vàng-ngôi chùa tai tiếng nhất trong thời gian qua, cũng là ngôi chùa xưng là đã thu hút được số khóa sinh đăng ký khóa tu mùa hè lớn nhất từ trước đến nay. Trụ trì Thích Trúc Thái Minh cho biết có đến 7.000 khóa sinh trong ba độ tuổi đã đăng ký khóa tu mùa hè năm nay, cao gấp hai ba lần so với các năm trước.

 

7.000 thanh thiếu niên tự nguyện tham gia một chương trình hoạt động là con số khổng lồ.

 

Chùa Bái Đính (Ninh Bình), ngôi chùa có vị trí cực đẹp nằm trong quần thể danh thắng Tràng An, cũng từng chiếm giữ nhiều kỷ lục kiểu “Chùa có tượng Phật dát vàng lớn nhất châu Á”, “Chùa có tháp Xá Lợi Phật cao nhất châu Á” “Chùa có tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất châu Á”…. trong tháng 6 đón 1.500 khóa sinh tu mùa hè.

 

Chùa Hoằng Pháp, một trong những ngôi chùa lớn nhất ở TP HCM, nhận 2.500 khóa sinh.

Còn hầu hết các chùa khác chỉ kham nổi vài trăm khóa sinh mỗi khóa.

 

Vài năm gần đây, gần như tất cả các chùa lớn ở mọi địa phương đều có mở khóa tu mùa hè. Trong cả nước, có đến cả trăm ngôi chùa mở khóa tu mùa hè, đối tượng chủ yếu đều là học sinh, sinh viên. Thời gian thường khoảng 5-7 ngày. Chi phí ăn ở sinh hoạt hầu hết không bắt buộc đóng mà tùy hỉ cúng dường; có chùa chỉ yêu cầu người tham gia mua ba bộ đồ lam để mặc trong thời gian tu.

 

Nói thẳng cánh cò bay thì khóa tu mùa hè là chuyến cắm trại gần như miễn phí. Địa điểm thường ở những nơi danh thắng nổi tiếng, có núi rừng, sông suối, thiên nhiên rộng lớn. Ăn chay - cách ăn được đánh giá là lành mạnh. Trẻ được vận động nhiều ngoài thiên nhiên, gặp nhiều bạn bè khắp nơi, tối đến nghe các sư giảng pháp, giảng giải các bài học luân lý đạo đức về biết ơn cha mẹ, kính trọng ông bà, người thân, ý thức trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội, giữ tâm thiện… Và cha mẹ thích nhất là trẻ bị cấm dùng điện thoại hay các thiết bị vào mạng.

 

Với nhiều trẻ con thành thị, kỳ nghỉ hè phổ biến bây giờ là được tự do nằm nhà lướt điện thoại, chơi game. Nhà chật không có chỗ chạy nhảy, nhốt con trong nhà bí bách xót lắm, nhưng ra đường thì sợ tai nạn, bắt cóc, dụ dỗ hút chích. Nhà ai có ông bà và vườn ruộng rộng rãi ở quê thì nhất định đưa trẻ về quê, bọn trẻ mê vô cùng. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện như vậy. Rất nhiều gia đình cha mẹ bận đi làm nên không có cách nào khác ngoài nhốt con ở nhà suốt kỳ nghỉ hè.

 

Khóa tu mùa hè là giải pháp tuyệt hảo giải quyết trọn vẹn tất cả các nhu cầu, ưu tư đó của các gia đình. Đã thế còn miễn phí, hoặc chỉ với một khoản tiền không đáng kể (trừ việc cúng dường).

 

Cha mẹ, người thân nếu có thời gian lại có thể đăng ký làm công quả, tình nguyện viên trong các khóa tu, vừa giải quyết nhu cầu tích thiện tích phước, vừa chăm sóc con cái của mình luôn. Tiện cả đôi đường.

 

Gia đình nào chẳng mê tít?

 

Hàng xóm nhà tôi cũng gởi mấy đứa con cháu đi khóa tu mùa hè một tuần. Mà đăng ký trễ hơn người khác nên các chùa gần đều đã đóng đơn, chỉ còn chùa xa. Họ vẫn quyết cho tụi nhóc đi. Còn chính tụi trẻ con thì chỉ biết tới chùa sẽ phải ăn chay, mặc áo lam, ngoài ra chưa biết gì thêm cả.

 

Thế nhưng khóa tu mùa hè không chỉ là những dịp cắm trại học đạo đức. Thanh thiếu niên là lực lượng mạnh mẽ đông đảo và có bầu máu nóng nhất. Ai tạo được ảnh hưởng sâu rộng với lực lượng này sẽ là lãnh đạo của nó.

 

.

Nhà chùa mới thực sự là thủ lĩnh thanh niên?

 

Thành thử, khi tin tức về một thiếu niên bị bạn đánh khi cùng tham gia khóa tu mùa hè lan ra, kéo theo hàng loạt thông tin trên báo chí tìm hiểu, phân tích các khóa tu mùa hè ở chùa thì nhiều cấp chính quyền giật bắn mình.

 

Ngay lập tức, các bác vớ điện thoại hỏi ngay tổ chức sinh hoạt mùa hè cho thanh thiếu niên ở địa phương thế nào rồi, ơ không làm gì à, thế là thế nào, chết chết.

 

Cũng gần như ngay lập tức, chương trình thời sự buổi tối trên tivi ngày nào cũng đưa tin cụ thể về các hoạt động sinh hoạt hè bổ ích tại địa phương. Hừm, phản xạ nhanh nhạy nhưng lộ liễu quá các anh ơi!

 

Tuy thế, sinh hoạt hè quốc doanh không thể so sánh với các trại hè dưới bất cứ tên gọi nào do xã hội dân sự tổ chức.

 

Ví dụ trong một bản tin, có anh thanh niên làm việc ở phường nói hoạt động hè ở phường chúng tôi cũng phong phú lắm, sáng nay đã tổ chức cho các em tìm hiểu luật giao thông.

Nghe là đã hình dung ra ngay sự cứng nhắc, nhàm chán, một chiều theo kiểu tuyên truyền và áp đặt.


Hoạt động của các khóa tu mùa hè thì sao?

 

Trong khóa tu, sáng sớm khóa sinh thường nối nhau đi thiền hành trong khuôn viên chùa hoặc ngoài thiên nhiên. Trong ngày xen kẽ xem hài kịch, ảo thuật, đá bóng, chơi cầu lông, chơi đủ thứ trò chơi ngoài thiên nhiên hoặc trong không gian rộng lớn, thoáng mát. Tối đến tập trung nghe các tăng ni giảng pháp về kỹ năng tự lập, hiếu nghĩa với cha mẹ ông bà, xây dựng nhân cách, lối sống, ý thức về việc học, hỏi đáp tư vấn tâm lý lứa tuổi… nội dung tùy theo độ tuổi. Cách giảng của các sư thường rủ rỉ dễ thấm, hay kể các câu chuyện ngoài đời hoặc truyện trong các tác phẩm văn học Phật giáo, nhiều truyện có tính thần thoại, tâm linh nên rất thu hút người nghe, không chỉ tuổi thanh thiếu niên.

 

Chỉ xem hình ảnh con mình bật khóc, mắt mũi đỏ hoe trong buổi nghe giảng pháp về đạo hiếu làm con, cha mẹ đã xúc động đến tận đáy lòng.

 

Sau một tuần, thấy con về biết tự lập hơn, biết thương cha mẹ hơn, chững chạc rắn rỏi, bạo dạn hơn, cha mẹ nào chả mừng rỡ?

 

Một nghi thức thường được thực hiện vào mỗi khóa tu là buổi lễ báo hiếu, con rửa chân cho cha mẹ, càng khiến phụ huynh biết ơn và gắn bó với chùa một cách tự nhiên và tha thiết.

 

Giáo dục một cách tự nhiên thông qua cảm xúc, kết nối mạnh mẽ và rộng rãi, học mà chơi ngoài thiên nhiên, được tôn trọng và lắng nghe, được tư vấn tâm lý lứa tuổi, được hỏi và nghe người lớn chân tình chỉ bảo những điều cần thiết nhất trong lứa tuổi. Đó là điều bọn trẻ cần nhất.

 

Đồng thời cũng chính là điểm yếu của giáo dục Việt Nam.

 

Suốt nhiều chục năm qua, ngành giáo dục Việt Nam đã để giáo dục gia đình đứng ngoài quá trình giáo dục trẻ.

 

Tương tác giữa nhà trường và gia đình hầu hết chỉ qua sổ học bạ. Cuối học kỳ đi họp phụ huynh. Đóng cha mẹ nghĩ rằng con đã đến trường thì việc giáo dục nó chính là việc của thầy cô. Cha mẹ còn bận đi làm kiếm tiền để trả lương cho thầy cô dạy dỗ con cái họ cơ mà!

 

Bận đến nỗi nhiều gia đình cha mẹ đi làm về thì con đã ngủ.

 

Đến khi cha mẹ thấy mất kết học phí đầy đủ.

 

Ngoài ra, đa số nối với con, con không thích nói chuyện cũng không quan tâm tới cha mẹ, thể lực yếu ớt, ít bạn bè thật nhiều bạn ảo, ngơ ngác trong cuộc sống thực, cả ngày chỉ biết cắm đầu vào máy tính hoặc điện thoại, nhà không biết quét, cơm không biết nấu… thì hầu như chúng đã lớn, đã khó uốn. Còn cha mẹ rối bời không biết bắt đầu sửa chữa như thế nào.

 

Nhà chùa đã nắm được điểm yếu này để bù đắp.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/state-and-pagodas-battle-to-gain-the-youth-07072023125429.html/chuabavangstudent2023.jpeg/@@images/a737202a-921d-46ea-a0f0-612e1a3778b8.jpeg

Các em học sinh tham gia khoá tu mùa hè ở Chùa Ba Vàng hè 2023. Chùa Ba Vàng

 

Sự gắn bó đa chiều giữa các tu sinh và gia đình với nhà chùa, không một tổ chức chính thức nào của Nhà nước có thể sánh kịp.

 

Có rất nhiều tổ chức của Nhà nước lập nên để quản lý/tập hợp thanh thiếu niên. Dễ trông thấy nhất là Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh với chiếc khăn quàng đỏ. Ở cuối cấp 2 và cấp 3, thanh niên được tập hợp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam dành cho rộng rãi thanh niên.

 

Các tổ chức này đều thành lập và hoạt động chính thức theo luật, được cấp kinh phí và trụ sở làm việc, theo hệ thống từ Trung ương đến tận địa phương, có đầy đủ ban bệ như một cơ quan, có các báo chí truyền thông để tuyên truyền. Thiếu nhi có báo Rùa Vàng, Nhi đồng. Thiếu niên có báo Khăn quàng đỏ, Thiếu niên tiền phong. Thế còn thanh niên? Thì có báo Tuổi Trẻ chính là tờ báo của Thành Đoàn TP HCM đó. Ngạc nhiên chưa?

 

Nhưng chẳng hoạt động nào của Đội, Đoàn, hay hội thanh niên đủ sức thu hút thanh thiếu niên như mong muốn.

 

Trừ vài chương trình nổi bật như Tiếp sức mùa thi, Mùa hè xanh (mà giờ đã bị các khóa tu mùa hè đánh bật), thì Đội, Đoàn, Hội Thanh niên… hầu hết vẫn hoạt động theo cách thức công chức, tuyên truyền áp đặt, một chiều và bề trên.

 

Từ rất nhiều năm nay, vẫn thấy khăn đỏ áo xanh (đồng phục Đoàn) đó, nhưng không ai còn biết đội viên thiếu niên hay đoàn viên thanh niên có các hoạt động đặc trưng, đặc sắc nào.

Nhà chùa hoàn toàn ngược lại.

 

Ngay từ sự quảng bá cho các Khóa tu mùa hè đã vô cùng rầm rộ và thiết thực. Từ trước khi bắt đầu các khóa tu mới, các chùa đã chạy truyền thông dày đặc và cập nhật liên tục với vô số hình ảnh. Các hoạt động rất quan trọng với gia đình khóa sinh nhỏ tuổi để họ tin tưởng gửi con đi, như việc chuẩn bị thức ăn hàng ngày, quần áo, chăn gối, nơi sinh hoạt, tắm rửa, hoạt động học và chơi… đều được quay phim, chụp ảnh kỹ lưỡng, cụ thể. Cha mẹ khóa sinh ngồi nhà, chỉ cần mở điện thoại lên đã thấy hàng tấn hoa quả, rau trái tươi mới được đưa đến kìn kìn. Áo quần đồng phục được các phật tử làm công quả tự tay giặt sạch, phơi khô trong nắng gió. Từng gói chăn gối được xếp sẵn ngăn nắp la liệt trong những phòng ngủ rộng thênh thang. Ống kính đặc tả từng chi tiết, thông báo từng con số, theo từng giờ, từng ngày. Hàng trăm, hàng ngàn phật tử lên chùa làm công quả, tự tay làm tất cả mọi việc chuẩn bị cho khóa tu đều hết sức hồ hởi, phấn khích và mong chờ ngày khai mạc.

 

Có nhiều đứa trẻ đi một khóa tu về thì chỉ mong đi khóa tu tiếp theo, vì chúng có bạn bè, chơi vui, học đạo đức thấm vào đầu, và được người lớn yêu thương, tôn trọng, chỉ vẽ.

 

Những kết nối hình thành trong một khóa tu có nhiều cơ hội để phát triển, gắn bó lâu dài bọn trẻ, gia đình chúng và giữa họ với chùa.

 

Việc gì tự nguyện làm sẽ nhẹ nhõm, chu tất, đầy tình thương yêu và xả thân. Còn hoạt động thanh thiếu niên theo kiểu công chức, hô hào, tuyên truyền, nặng định hướng chính trị… thì bị chính tuổi trẻ thờ ơ là chuyện tất nhiên.

 

Trên vũ đài chiếm lấy sự ảnh hưởng với thanh thiếu niên, ai thắng ai đã rõ.

___________

Tham khảo

 

https://tuoitre.vn/tre-bi-danh-phai-di-vien-ban-to-chuc-khoa-tu-mua-he-noi-gi-20230617101441573.htm

 

https://thanhnien.vn/khoa-tu-mua-he-bong-hot-phu-huynh-chon-khoa-tu-cho-con-vi-sao-185230621185704616.htm

 

https://www.chuahoangphap.com.vn/tin-tuc/

 

https://phatsuonline.com/nghe-an-mot-so-hoat-dong-trong-khoa-tu-mua-he-chua-chi-linh/

 

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.






No comments:

Post a Comment

View My Stats