Wednesday, 12 July 2023

NATO MỞ RỘNG SANG CHÂU Á? (Hiếu Chân / Người Việt)

 



NATO mở rộng sang Châu Á?

Hiếu Chân/Người Việt

July 11, 2023

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/nato-mo-rong-sang-chau-a/

 

Hội nghị thượng đỉnh Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (North Atlantic Treaty Organization – NATO) hai ngày 11 và 12 Tháng Bảy tại Vilnius, thủ đô Lithuania, được dự đoán sẽ đánh dấu một bước chuyển dịch quan trọng trong lịch sử của liên minh.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/07/BL-Nato-Mo-Rong-1536x1024.jpg

Các lãnh đạo quốc gia NATO chuẩn bị họp thượng đỉnh ở thủ đô Vilnius của Lithuania. (Hình minh họa: Paulius Peleckis/Getty Images)

 

Trước hội nghị, các cuộc bàn luận đều nhắm vào việc kết nạp Thụy Điển và Ukraine. Đến nay, cả hai sự kiện này đều gây chia rẽ sâu sắc trong nội bộ liên minh, làm tốn kém nhiều giấy mực của báo chí. Trong một động tác quay xe bất ngờ, hôm Thứ Hai, 10 Tháng Bảy, Tổng Thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO, chấm dứt sự phản đối kéo dài của Ankara. NATO cũng đồng ý gửi thư mời Ukraine gia nhập, nhưng chưa nói rõ thời điểm và cách thức vì Ukraine chỉ có thể vào NATO sau khi chiến tranh với Nga chấm dứt.

 

Sự chú mục của truyền thông quốc tế vào con đường NATO đầy trắc trở của Thụy Điển và Ukraine che mờ một sự kiện khác không kém phần quan trọng: Xu hướng của NATO mở rộng sang Châu Á để đối phó với sự bành trướng ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc.

 

 

NATO và sai lầm chiến lược của Putin 

 

Nói như vậy nghe có vẻ khó hiểu vì NATO là tổ chức an ninh hai bờ Đại Tây Dương, được thành lập năm 1949 với mục tiêu ngăn chặn đà mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô sau Thế Chiến 2. Cho đến nay, như tên gọi, NATO vẫn là hiệp ước phòng thủ chung của Châu Âu và Bắc Mỹ đối kháng với Nga và Tổ Chức Hiệp Ước An Ninh Tập Thể (CSTO) do Nga cầm đầu, quy tụ các nước Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, và Tajikistan – tất cả đều thuộc Liên Xô cũ.

 

Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, có 10 nước cựu cộng sản Đông Âu xin vào NATO, gồm Albania, Bulgaria, Hungary, Ba Lan, Czech, Slovakia, Romania, Lithuania, Latvia, và Estonia. Năm 2008, NATO cho biết hai nước Ukraine và Georgia có thể gia nhập NATO trong tương lai, khi đáp ứng đủ các điều kiện chặt chẽ, cả về quân sự lẫn chính trị.

 

Quá trình mở rộng về phía Đông như vậy đã đưa các lực lượng của NATO đến gần biên giới Nga và điều đó khiến nhà độc tài Vladimir Putin hết sức tức giận. Cuộc xâm lược Ukraine mà ông Putin phát động Tháng Hai năm ngoái được Điện Kremlin giải thích là phản ứng với hành vi của Mỹ và NATO “gây hấn,” đe dọa an ninh Nga.

 

Nhưng ông Putin đã phạm sai lầm chiến lược. Cuộc chiến phi lý ở Ukraine đã làm hồi sinh NATO từ trạng thái “chết não” như đánh giá năm 2015 của Tổng Thống Emmanuel Macron của Pháp thành một khối quân sự đoàn kết và vững mạnh. Không chỉ không ngăn chặn được NATO tiến đến biên giới Nga, ông Putin còn giúp cho tiến trình mở rộng NATO diễn ra nhanh hơn, mạnh mẽ hơn nhiều.

 

Lo sợ bị biến thành một Ukraine khác, hai nước Phần Lan và Thụy Điển đã từ bỏ chính sách trung lập và vội vã nộp hồ sơ gia nhập NATO. Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của NATO hồi Tháng Tư, và Thụy Điển được Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh tại Vilnius, và sẽ trở thành thành viên thứ 32 trong một ngày không xa. Ukraine có thể là thành viên thứ 33 khi cuộc chiến kết thúc, hoặc trên chiến trường hoặc qua đàm phán, với phần thắng thuộc về Kiev.

 

Việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển làm cho đường biên giới giữa NATO với Nga kéo dài thêm 1,340 km (832 dặm). Quan trọng hơn là NATO có thêm 300,000 quân người Phần Lan và Thụy Điển, hàng ngàn phi cơ, xe tăng, đại bác và hệ thống hỏa tiễn các cỡ được bố trí ngay cửa ngõ vào Nga, cách thủ đô Moscow chưa đầy 800 km. Cơn ác mộng của ông Putin bây giờ mới thực sự bắt đầu. 

 

 

NATO: Trung Quốc là mối đe dọa toàn cầu 

 

Ở phương Đông, Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc cũng có cơn ác mộng như vậy, một phần do mối liên kết “ngưu tầm ngưu mã tầm mã” của ông với ông Putin, một phần do chính sách hung hăng, đe dọa các nước láng giềng của chính Bắc Kinh.

 

Ông Tập không chỉ cam kết một mối quan hệ “không giới hạn” với ông Putin mà Bắc Kinh luôn đứng về phía Nga, đổ lỗi cho Mỹ và NATO gây hấn để Nga phải động binh. Sự lựa chọn chính sách như vậy đặt Trung Quốc vào thế đối đầu với NATO.

 

Trung Quốc cũng hành xử với láng giềng ở Đông Á y hệt Nga làm ở Châu Âu, lấy sức mạnh quân sự và đe dọa chiến tranh để cưỡng ép các nước nhỏ. Các lân bang của Trung Quốc từ Nhật, Đài Loan, đến Việt Nam, Philippines đều lo sợ một ngày nào đó sẽ phải đương đầu với đội quân hùng mạnh của Bắc Kinh như tình cảnh của Ukraine hiện nay.

 

Đó là lý do tại sao họ nhắm tới NATO và mô hình phòng thủ chung của tổ chức này. Bắt đầu từ năm ngoái, hội nghị thượng đỉnh của NATO luôn có sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia Châu Á. Năm nay, các nhà lãnh đạo của Nhật, Nam Hàn, Úc, và New Zealand – gọi chung là nhóm Asia-Pacific Four – đã có mặt tại Vilnius, tham gia thảo luận về tương lai của NATO trong bối cảnh địa chính trị mới, khi các điểm nóng xung đột có cả ở Châu Á với chính sách bành trướng của Trung Quốc. Theo nghị trình của hội nghị, Asia-Pacific Four sẽ bàn với NATO việc gia tăng hợp tác về an ninh hàng hải, đặc biệt là ở Biển Đông, và an ninh mạng điện toán đối phó với Trung Quốc.

 

Lãnh đạo NATO cho rằng, các hành động của Trung Quốc mở rộng quyền kiểm soát ở Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế, gia tăng mạnh kho vũ khí nguyên tử và năng lực tấn công mạng điện toán là mối lo ngại cho cả Châu Âu và Bắc Mỹ chứ không chỉ Châu Á. “NATO đang và vẫn là liên minh khu vực Châu Âu và Bắc Mỹ. Nhưng khu vực này đang đối mặt với các mối đe dọa toàn cầu và chúng tôi phải xử lý các mối đe dọa đó cùng với các đối tác toàn cầu của chúng tôi,” ông Jens Stoltenberg, tổng thư ký NATO, nói với nhật báo The Wall Street Journal về sự can dự của NATO ở Châu Á.

 

Mối lo về sự bành trướng của Trung Quốc lần đầu tiên được đề cập trong tuyên bố của các nhà lãnh đạo NATO năm 2019 và được nhắc lại năm ngoái trong văn bản có tên “Quan Niệm Chiến Lược” (Strategic Concept), tài liệu hướng dẫn chính sách của NATO. “Những tham vọng công khai, những chính sách cưỡng ép [của Trung Quốc] thách thức lợi ích, an ninh và giá trị của chúng tôi,” văn bản nhận định và cho biết phản ứng của NATO là xây dựng quan hệ mật thiết hơn với các nước có cùng mối lo ngại trước Trung Quốc.

 

Không cần là chuyên gia cũng thấy, một cuộc xung đột hoặc chiến tranh ở Biển Đông, ở eo biển Đài Loan, sẽ là đòn giáng mạnh vào an ninh và thịnh vượng của chính Châu Âu. 

 

 

NATO mở rộng sang Châu Á 

 

Không chỉ tuyên bố bằng lời, Tháng Mười năm ngoái, NATO cử 20 quan chức quân sự đến Đài Loan để thảo luận với nước chủ nhà về năng lực quân sự của Bắc Kinh. Trước đó, các nhà lãnh đạo Asia-Pacific Four lần đầu tiên tham dự thượng đỉnh NATO ở Tây Ban Nha vào Tháng Sáu, 2022 sau khi cử bộ trưởng Quốc Phòng của họ tham gia hội nghị của Hội Đồng Quân Sự NATO ở Brussels, Bỉ, và đầu năm nay NATO tiết lộ ý định mở văn phòng liên lạc tại Tokyo, Nhật. Các chiến hạm của Anh, Đức, Pháp đã bắt đầu xuất hiện trên Thái Bình Dương, phối hợp tuần tra với Hoa Kỳ và Nhật cho dù năng lực hải quân của các nước Châu Âu có nhiều hạn chế.

 

Về phần mình, các nước Châu Á cũng mở rộng hợp tác với NATO trong cuộc chiến Ukraine. Nhật tham gia tích cực vào các biện pháp cấm vận kinh tế Nga, còn Nam Hàn đang chuyển dần từ chỗ viện trợ cho Kiev những thiết bị không sát thương sang cung cấp đạn đại bác 155mm cho Mỹ để Mỹ chuyển cho quân đội Ukraine trong lúc đạn pháo bị thiếu trầm trọng.

 

Chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ có một liên minh quân sự kiểu “NATO Châu Á” nhưng xu hướng của NATO “lấn sân” sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc là có thật và đang được xúc tiến.

 

Trung Quốc tất nhiên rất khó chịu.

 

Ông Uông Văn Bân, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, tố cáo NATO “bành trướng về hướng Đông, can thiệp vào các vấn đề khu vực và kích động xung đột giữa các khối nước.”

 

Ông Triệu Tiểu Trác, một đại tá quân đội Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh rất lo ngại về mối liên kết giữa NATO và các đồng minh quân sự của Mỹ ở Châu Á như Nhật và Nam Hàn. “Nhiều năm qua, sự tồn tại của NATO luôn cần có kẻ thù. Nga là kẻ thù và nay thì Trung Quốc bị nhắm tới,” ông Triệu nói.

 

Biết vậy, nhưng thay vì thay đổi cách hành xử sao cho thân thiện thì Bắc Kinh vẫn ỷ vào sức mạnh quân sự, sức mạnh thị trường, để gây thù chuốc oán khắp nơi. Cuộc xâm lăng của Nga cho thấy trong thế giới ngày nay bạo lực không phải là giải pháp tốt cho các mâu thuẫn quốc tế và để tránh xung đột với Mỹ, với NATO, Bắc Kinh nên học cách làm một cường quốc có trách nhiệm. [đ.d.]

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats