Saturday, 22 July 2023

KHI THỂ CHẾ HỢP PHÁP HÓA TỘI ÁC (Tùng Phong / Saigon Nhỏ)

 



Khi thể chế hợp pháp hóa tội ác

Tùng Phong  -  Saigon Nhỏ

21 tháng 7, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/khi-the-che-hop-phap-hoa-toi-ac/

 

Phiên tòa xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” đang có những diễn biến bất ngờ. Từ một vở hài kịch trở thành một phiên chợ chạy án công khai. Phiên tòa này đã và đang ghi những kỷ lục vô tiền khoáng hậu, đáng ghê tởm nhất mà một nền tư pháp bệnh hoạn có thể “đẻ” ra.

 

Chưa từng có trong lịch sử tư pháp từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây lại có một phiên tòa hoãn xử để chờ các bị can “cập nhật” tiền chạy án. Ấy thế mà nó đang diễn ra công khai, nghiễm nhiên, trắng trợn ở Hà Nội.

 

Hình : https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/bluemodern-music-festival-Facebook-event-cover-1024x576.png

 

Theo luật pháp hiện hành của Việt Nam, Luật Hình sự 2015 đã dành một chương quy định các tội phạm về chức vụ. Trong đó, hai điều luật quy định mức hình phạt cao nhất là tử hình đối với tội tham ô tài sản (điều 353) và tội nhận hối lộ (điều 354).

 

Khoản 4, điều 353 Bộ luật Hình sự quy định, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý giá trị 1 tỉ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỉ đồng trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

 

Khoản 4, điều 354 quy định, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận, hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người, tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ mà của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỉ đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5 tỉ đồng trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

 

Có thể nói những điều luật này đưa ra cho có, mang tính mị dân là chính. Thực chất, nó đã bị vô hiệu hóa bởi điểm c, khoản 3, điều 40 của Bộ Luật hình 2015 quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc trường hợp:

 

Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ; và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

 

Những người cộng sản đã lo xa rất chu toàn. Tất cả đều biết rõ “không có con dòi nào trong đống phân trong sạch cả”. Nên một khi “số phần của tôi đen đủi” (như một bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu than thở) và bị đồng bọn đem ra xử lý thì vẫn phải chừa cho nhau “cửa thoát hiểm” cuối cùng. Bởi cơ chế và nguyên tắc đảng trị là “cá nhân phụ trách, tập thể lãnh đạo”, không một đảng viên nào không thuộc lòng luật im lặng của băng đảng và nguyên tắc “Đừng bao giờ đi ăn một mình”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/choi-chu-voi-chuyen-bay-giai-cuu-00a-6805729.jpg

Chuyến bay giả cứu (biếm họa của Tuổi Trẻ Cười)

 

Đã có quá nhiều những kẻ “trượt vỏ chuối” té lầu chết, đột quị không rõ nguyên nhân hay “mắc virus lạ”. Do đó, việc luật hóa “chủ trương hạn chế hình phạt tử hình” đã được “khẳng định” tại nghị quyết 49 năm 2005 của Bộ Chính trị khóa IX về cải cách tư pháp tới năm 2020. Thực chất đây là chủ trương hợp pháp hóa việc chạy án, chạy tội cho quan chức và đảng viên tham ô, tham nhũng.

 

Ai cũng thấy “những con voi khổng lồ trong phòng họp” – những lỗ hổng quá lớn trong rừng luật Việt Nam nhưng tất cả đảng viên đều đồng thuận và người dân thấp cổ bé họng không bao giờ được tham gia hay lên tiếng về việc “làm luật” của Quốc hội – nơi có 98% đại biểu đều là đảng viên đảng cộng sản Việt Nam, tức đảng cai trị và là đảng độc nhất cai trị.

 

Ngay cả những người như ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban dân nguyện Quốc hội, từng nhiều lần phản đối qui định cho phép nộp tiền để thoát án tử đối với quan chức phạm tội. Nhưng tiếng nói lẻ loi của ông chỉ rơi vào hư không giữa hội trường hoàn toàn vắng bóng Nhân Dân. Luật pháp Việt Nam là như vậy, nó hợp pháp hóa, cho phép những kẻ là quan chức, đảng viên phạm tội có thể dễ dàng thoát tội, chạy tội chỉ bằng việc nộp lại một phần tài sản tham nhũng, tham ô.

 

Từ lâu, mạng xã hội đã lan truyền bí kíp “làm giàu không khó” như sau:

 

Tham nhũng 4000 tỷ, nếu có “đen” thì nộp lại 3000 tỷ để thoát tội chết, bỏ thêm 300 tỷ chạy án, chịu cái án khoảng 20 năm. Vào trại an dưỡng, tiếp tục “chạy” thêm 50 tỷ nữa để giảm án nhờ “quá trình cải tạo tu dưỡng tốt”. Sau 7, 8 năm “an dưỡng”, ra tù vẫn có dư dăm bảy trăm tỷ để chia chác cho con cái, bồ nhí, ăn chơi đế vương tới hết đời.

 

Chỉ định: “Bí kíp” chỉ có những đồng chí đảng viên trung kiên, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, có chức vụ trong đảng. Lý lịch trong sạch ba đời.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/phiem-1280x721.png

 

Luật pháp Việt Nam rất “nhân văn, nhân ái, nhân đạo” với cán bộ nhưng với dân là cỗ máy sắt máu bạo tàn. Đúng như câu nói bất hủ của Geoger Orwell trong tác phẩm Animal Farm lừng danh “Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng một số con vật bình đẳng hơn những con khác.” Phiên tòa xét xử vụ án “Chuyến bay giải cứu” không phải để bảo vệ bên bị hại, lập lại công bằng xã hội. Nó đơn thuần là một cuộc cướp bóc khác trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam, sau cuộc trấn lột, cưỡng bức hàng trăm ngàn người dân trong cơn khốn cùng.

 

Với diễn biến “cập nhật tiền khắc phục hậu quả”, có thể dễ đoán kết quả của phiên tòa này. Sẽ không có kẻ nào bị tử hình hết. Và “công lý” ở xứ thiên đường XHCN thực sự chỉ là một thằng hề, như vốn dĩ luôn là một thằng hề.

 

Theo thống kê của Viện Kiểm sát, 54 bị cáo trong đại án “chuyến bay giải cứu” đã nộp tiền “khắc phục hậu quả” gần 130 tỷ đồng và $1.5 triệu. Riêng nhóm bị cáo “nhận hối lộ” đã nộp lại gần 90 tỷ đồng. Người duy nhất bị kêu án tử hình là Phạm Trung Kiên đã “khắc phục” 35 tỷ đồng trong tổng 42 tỷ đồng nhận hối lộ.

 

Trong 21 cựu quan chức chỉ có Vũ Anh Tuấn – phó phòng tham mưu Cục quản lý xuất nhập cảnh; Nguyễn Thị Hương Lan – cục trưởng Cục lãnh sự, Bộ ngoại giao; Đỗ Hoàng Tùng, Cục phó Cục lãnh sự là ba người có số tiền “khắc phục” còn ít và đang phải… thu xếp.

 

Chỉ duy nhất trường hợp Hoàng Văn Hưng là gây khó khăn cho Viện kiểm sát. Hưng một mực chối tội và đưa ra lập luận phản bác lại lời buộc tội phía Viện kiểm sát, cũng như không chịu đóng tiền “khắc phục hậu quả”. Đây là một biến số nằm ngoài “kịch bản” của phiên tòa. Hưng dường như quá tự tin với trình độ nghiệp vụ của bản thân nhưng có lẽ đến khi anh ta có được trải nghiệm thế nào là luật pháp của chính quyền “chuyên chính vô sản” thì cơ hội để “xin lỗi bác Trọng” đã muộn.

 

Diễn biến phiên tòa “chuyến bay giải cứu” còn cho thấy một điều: Sự nhượng bộ đáng kể của phe “đốt lò”. Dường như, cả hai bên đang có những “hiệp thương chính trị” để sớm khép lại phiên tòa ô nhục này. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang trình diễn trước quốc tế và quốc dân một phiên tòa mà ở đó chỉ có những con thú đồng mưu, những con thú có quyền lực lớn hơn “ăn thịt” những con thú yếu thế hơn. Tất cả cho thấy một nền tư pháp được tạo ra để cướp bóc và hợp pháp hóa việc cướp bóc bằng thứ luật rừng do một Quốc hội giả hình ban hành.

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats