Wednesday, 26 July 2023

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG, KẺ CHỐI TAY KHÔNG DÍNH MÁU THẢM SÁT MẬU THÂN Ở HUẾ, QUA ĐỜI (Người Việt)

 



Hoàng Phủ Ngọc Tường, kẻ chối tay không dính máu thảm sát Tết MậuThân ở Huế, qua đời  

Người Việt

July 26, 2023

https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/hoang-phu-ngoc-tuong-ke-choi-tay-khong-dinh-mau-tham-sat-tet-mau-than-o-hue-qua-doi/

 

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Nhiều báo tại Việt Nam đưa tin ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, gốc người Quảng Trị nhưng sinh ra ở Huế, qua đời ngày 24 Tháng Bảy tại Sài Gòn ở tuổi 86 sau một thời gian dài bệnh hoạn phải ngồi xe lăn.

 

Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, một trong những nhân vật nổi tiếng chống đối chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) rồi thoát ly lên rừng theo Cộng Sản bị không ít người lên án phải chịu trách nhiệm vụ thảm sát hàng ngàn quân cán chính và dân lành vô tội ở Huế khi quân Cộng Sản mở chiến dịch tấn công Tết Mậu Thân 1968 ở thành phố Huế.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2023/07/DD-Hoang-Phu-Ngoc-Tuong-chet-1536x1141.jpg

Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường. (Hình: Thanh Niên)

 

Báo chí ở Việt Nam ngày 25 Tháng Bảy khi đưa tin chỉ ca ngợi ông Tường là một nhà văn khi chết đã để lại nhiều tác phẩm văn chương gồm cả thơ và truyện nhưng rất được yêu thích qua thể loại bút ký. Thời VNCH trước 1975, ông Hoàng Phủ Ngọc Tường tốt nghiệp ban Việt-Hán từ Đại Học Sư Phạm tại Sài Gòn năm 1960. Ra trường, vừa đi dạy vừa học thêm tại Đại Học Văn Khoa Huế và đậu thêm cử nhân triết.

 

Khoảng thời gian này, ông Tường tham gia tích cực các hoạt động chống đối chính phủ VNCH, nổi tiếng qua các cuộc biểu tình rồi cùng một số người chạy lên rừng năm 1966. Sau khi miền Nam sụp đổ, ông Tường gia nhập Hội Nhà Văn Việt Nam, rồi được cử làm tổng thư ký Hội Văn Học Nghệ Thuật Bình Trị Thiên-Huế, chủ tịch Hội Văn Học Nghệ Thuật Bình Trị Thiên, tổng biên tập tạp chí Cửa Việt. Ông có nhiều tác phẩm được xuất bản và được tặng thưởng một số giải thưởng văn chương.

 

Nhưng cái làm ông nổi tiếng nhất không phải về tài viết văn làm thơ mà là những tranh cãi về vai trò của ông, và một số nhân vật nổi tiếng khác ở Huế như em ông Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân, về vụ thảm sát hàng ngàn người trong cuộc “tổng công kích” Tết Mậu Thân ở Huế 1968.

 

Nạn nhân của họ không riêng gì quân cán chính địa phương mà còn gồm cả đàn bà, trẻ em cũng bị giết chung. Rất nhiều người bị đập vỡ sọ, bị chôn sống, bị cột chùm với nhau bằng dây kẽm gai rồi đẩy chung xuống hố tập thể. Tài liệu cũ với hình ảnh, bài viết, phim tài liệu thời sự của báo chí, truyền hình và hồi ký, bằng tiếng Việt và ngoại ngữ, là các bằng chứng không thể chối cãi về sự dã man và độc ác cùng cực của Cộng Sản tại Việt Nam.

 

Trong khi nhà cầm quyền Việt Nam cho tới giờ này vẫn chối và đổ vạ ngược lại cho Mỹ và VNCH, ông Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong số người hiếm hoi, mấy năm trước, nhìn nhận cuộc tàn sát ở Huế tết Mậu Thân là do Cộng Sản gây ra.

 

Về phần mình, trong một bức thư gửi qua nhà văn Nguyễn Quang Lập, ông Tường phủ nhận mình có mặt ở Huế khi vụ đại thảm sát diễn ra khi viết rằng mình là “kẻ ngoài cuộc.” Tuy nhiên, dù ông ta có trực tiếp nhúng tay vào máu hay không, ông Tường vẫn không phải là “kẻ ngoài cuộc.”

 

Trước đó, năm 1981, khi trả lời cho nhóm người làm bộ phim tài liệu truyền hình Mỹ “Việt Nam Thiên Sử Truyền Hình” của Stanley Karnow, ông Hoàng Phủ Ngọc Tường xuất hiện trong đó, gọi các nạn nhân vụ thảm sát là “những con rắn độc.”

 

Nhưng khi viết trong bức thư nhờ ông Nguyễn Quang Lập phổ biến trên Facebook năm 2018, sau 50 năm xảy ra vụ tắm máu Mậu Thân, ông Tường viết rằng “hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được.” Đồng thời, ông Tường còn nói ông ta đã dối trá khi kể lại vụ tắm máu đó như một kẻ tham dự trực tiếp nhưng lại không có mặt. (TN) [qd]

—–
Đọc thêm:

Hoàng Phủ Ngọc Tường, kẻ chối tay không dính máu thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế, qua đời

‘Tại sao tôi bị giết?’

Nghệ thuật chôn sống

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats