Wednesday, 12 July 2023

GIÁO DỤC VIỆT NAM : CÔNG CỤ NGU DÂN và SỰ BẾ TẮC CỦA CHẾ ĐỘ TOÀN TRỊ (Tùng Phong / Saigon Nhỏ)

 



Giáo dục Việt Nam: Công cụ ngu dân và sự bế tắc của chế độ toàn trị

Tùng Phong  -  Saigon Nhỏ

1 tháng 7, 2023

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/giao-duc-viet-nam-cong-cu-ngu-dan-va-su-be-tac-cua-che-do-toan-tri/

 

Trừ phi thoát khỏi sự “khủng bố” của đảng cộng sản, giáo dục nước nhà vĩnh viễn không trị dứt được những căn bệnh trầm kha ngặt nghèo…

 

“… Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Bệnh nhân chết dưới bàn tay từ các bác sĩ của nền giáo dục đấy. Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay từ các kỹ sư của nền giáo dục đấy. Tiền bị mất trong tủ của các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục đấy. Nhân loại chết dưới bàn tay từ các học giả tôn giáo của nền giáo dục đấy. Công lý bị mất trong tay từ các thẩm phán của nền giáo dục đấy. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia…” – Nelson Mandela

 

                                                          *

 

Những trò lố của mùa thi và đề văn quay trở lại thời “phá kho thóc”

 

Cứ đến mùa thi người dân lại được xem những cuộc trình diễn “thí sinh ngủ quên được cảnh sát giao thông dùng xe đặc chủng đưa đến điểm thi”. Năm nay, báo chí “lề đảng” nhiều tờ giật tít lố tới mức như tờ Tiền Phong có bài “thí sinh bị gãy cả hai tay được CSGT đưa tới điểm thi”. Đọc cái tiêu đề này, trừ người liệt não mới không khỏi chửi thề.

 

Ngẫm ra, công tác truyền thông PR, xây dựng hình ảnh đẹp cho lực lượng công an là một việc rất quan trọng. Bởi lẽ, chưa bao giờ hình ảnh lực lượng “còn đảng, còn mình” trong mắt người dân lại xấu xí, tệ hại như bây giờ. Lên mạng xã hội, cứ có tin bài tai nạn của viên cảnh sát đang lúc “kiếm bánh mì”, bị quăng lên nắp capo, bị kéo lê trên đường… thì có thể thấy tuyệt nhiên không có lấy một comment thương cảm, người xem toàn thả tim, mặt cười, like và nhiệt tình share với những lời diễu cợt chua cay. Điều đó cho thấy một xã hội chất chứa quá nhiều các vấn đề về văn hóa và đạo đức. Nhưng người ta có thể thấy rõ “ý đảng, lòng dân” thế nào.

 

Đấy là câu chuyện bên lề của những mùa thi. Còn nói về cuộc thi tốt nghiệp PTTH năm nay, có những vấn đề mà ngay cả những viên chức trong ngành giáo dục được coi là bậc “cây đa, cây đề” cũng phải lên tiếng như ông GS Trần Đình Sử ca thán về cái đề thi văn quá lạc hậu. Ông Sử có bài bình luận như sau.

 

 

Cái bế tắc của giáo dục Việt Nam

 

Đề thi tốt nghiệp phổ thông môn văn năm nay gây nên những phản ứng tiêu cực là có lý do. Về mặt sư phạm không có gì sai, về cấu trúc đề cũng vậy. Nhưng tinh thần của đề là hỏng. Tôi rất tán thành bình luận của tiến sĩ toán lý Nguyễn Ngọc Chu. Cái hỏng của đề, theo tôi, là thiếu ý thức về giá trị tinh thần hiện đại. Làm tốt được cả bài, coi như thí sinh có được một số tri thức ngữ văn, xét về mặt dạy chữ.

 

Còn dạy người là gì, thì rất cũ. Vùng lên làm cách mạng để tự cứu mình là vấn đề đã cũ rồi. Bởi vì ngày nay chỉ Đảng được làm cách mạng, còn dân thì không được làm vì sẽ vào tù. Điều này liên quan đến triết lý giáo dục. Mục đích của giáo dục phổ thông là đào tạo những con người công dân hiện đại để học sinh tham gia vào cuộc sống hiện đại. Chương trình, đề thi phải đối diện với các vấn đề của xã hội hiện đại. Ôn nghèo nhớ khổ, ôn lại thành tựu đã qua như chống Pháp chống Mỹ đều không chỉ đã rất cũ kỹ, mà còn khiến các công dân mới quay lưng với các vấn đề của thời đại của mình.

 

Không thể sử dụng Nho gia vào giáo dục được, vì nó chỉ dạy con người thần dân, kẻ phục tùng. Tư tưởng Mác Lê cũng không hợp, vì Mác Lê chủ trương làm cách mạng diệt hết các giai cấp bóc lột, tiến lên chủ nghĩa cộng sản, là một xã hội không giai cấp, không quốc gia, không có chỗ cho người công dân. Hiện tại ta đang sống trong xã hội chuyên chính vô sản, người dân chưa phải là công dân…

 

 

Cũng là đề thi văn, chẳng đâu xa, nhìn sang Trung Quốc, các tỉnh thành “nước bạn” tự ra đề thi chứ không theo một đề thi duy nhất do Bộ Giáo dục qui định. Đề thi văn của họ không còn khuôn mẫu, lối mòn mà khuyến khích học sinh tự tư duy, phân tích và nghị luận. Ví dụ:

 

Đề thi tỉnh Phúc Kiến

“Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thành đường đó thôi” – Lỗ Tấn

“Không có con đường nào không thể đi. Chỉ có con người không dám bước”

“Đôi khi bạn chọn nhầm con đường nhưng nếu bạn kiên trì đi tiếp, bạn có thể tạo ra một con đường mới”

Dựa vào ba ý kiến trên, hãy viết một bài luận với chủ đề “Con đường”

 

Đề thi Thượng Hải

Một người muốn khám phá thế giới xa lạ chỉ vì sự tò mò?

Hãy viết một bài văn nêu lên suy nghĩ và quan điểm của bạn về câu hỏi trên. Yêu cầu tự đặt tiêu đề, không dưới 800 chữ.

 

Đề thi Trùng Khánh

Một cậu bé lên xe bus và xin tài xế đợi mẹ mình một chút. Vài phút sau không thấy người mẹ đâu, hành khánh bắt đầu phàn nàn to tiếng. Cậu bé khóc. Một lát sau, người mẹ xuất hiện, tất cả mọi người đều im bặt – mẹ cậu bé là người khuyết tật. Cảm nghĩ của bạn về câu chuyện này?

 

Ở đây, chúng tôi chỉ so sánh lối tư duy và cách ra đề thi của họ (một quốc gia cộng sản toàn trị) nhưng đã khác xa với Việt Nam.

 

Bộ Giáo dục Việt Nam với mấy ngàn giáo sư tiến sĩ, thực hiện bao nhiêu cuộc “cải tiến, cải lùi”, thay đổi sách giáo khoa vô cùng tốn kém trong hơn nửa thế kỷ qua nhưng kỳ thực vẫn sáo rỗng, quanh đi quẩn lại với Tắt Đèn, Lão Hạc, Chí Phèo, Mùa Lạc, Vợ Nhặt… Nói thì bảo cay nghiệt nhưng hệ thống giáo dục XHCN đã làm được duy nhất một việc là biến hàng chục triệu học sinh, sinh viên nhiều thế hệ trở thành giống loài nhai lại về tư tưởng và cúi đầu đi theo lối mòn. Chế độ thi cử từ chương, chương trình đào tạo nhồi sọ, ghi nhớ, làm theo văn mẫu đã hủy hoại khả năng tư duy độc lập, phản biện và óc sáng tạo.

 

Ví dụ rõ nhất về tác hại của lối giáo dục này là tình trạng viên chức nhà nước ở mọi cấp bậc, từ chuyên viên hạng bét cho đến tổng bí thư, chủ tịch nước hiếm khi nào có thể tự phát biểu, nói trước đám đông, hội nghị, hội thảo mà không có văn bản soạn sẵn. Họ chỉ cúi đầu đọc theo văn bản mẫu, thậm chí đọc còn không nổi. Ngay như cái kịch bản PR cho ngành công an mùa thi năm nào cũng dập lại một khuôn mẫu, nhàm tới mức lố bịch và giới báo chí quốc doanh cũng thi nhau giựt tít đăng bài giống như một đám liệt não. Thật sự vô cùng tai hại và thảm hại.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/h4.jpg

Chỉ riêng vấn đề sách giáo khoa đã là một câu chuyện dài cho thấy sự thối nát của bộ máy lãnh đạo ngành giáo dục Việt Nam (ảnh: congly.vn)

 

 

Mâu thuẫn giữa mục tiêu giáo dục quốc dân và mục đích chính trị chuyên chế

 

Trong khi “đảng và nhà nước” yêu cầu ngành giáo dục đào tạo ra những thế hệ thanh niên có óc sáng tạo, nắm vững khoa học kỹ thuật, có đạo đức cách mạng, thấm nhuần tư tưởng Marx Lenin… thì kết quả thực tế của lao động Việt Nam như thế này đây: Họ có trình độ tay nghề và năng suất lao động đứng cuối bảng xếp hạng trong khu vực.

 

Chất lượng tay nghề thấp khiến cho mức lương của lao động Việt Nam cũng ở mức thấp và chủ yếu làm những công việc tay chân chứ chưa thể tiếp cận được các công việc đòi hỏi trình độ cao. Khoảng cách giữa yêu cầu của doanh nghiệp và trình độ của người lao động Việt Nam là cả một vực sâu. Trong khi Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam ngày càng đào rộng thêm khoảng cách này bằng vô số những “cải lùi” trong chương trình và hệ thống thi cử đầy rẫy tiêu cực.

 

So sánh chất lượng của lực lao động Việt Nam với các nước trong khu vực, trong một cuộc phỏng vấn của báo vneconomy.vn, bà Lê Thị Xuân Quỳnh, Phó Trưởng ban Ban Nghiên Cứu Kinh Tế Ngành và Lĩnh Vực (CIEM), cho biết mặc dù thị trường lao động Việt Nam đã có nhiều chuyển biến nhưng chất lượng nguồn lao động còn thấp. Việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp chủ yếu vẫn là sơ cấp và các hình thức đào tạo dưới ba tháng chiếm 75.3% năm 2019, cao đẳng và trung cấp chỉ 24.7%.

 

“Như vậy, chúng ta chưa đạt chỉ tiêu tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp chứng chỉ là 25% vào năm 2020,” bà Quỳnh cho biết. Điều đáng nói là trong đào tạo còn thiếu gắn kết giữa đào tạo và thực hành. Vì thế, kỹ năng lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế, chỉ đạt 46/100 điểm (xếp thứ 103), kém rất xa so với nhóm ASEAN-4.”

 

Cái sự “nát” của ngành giáo dục Việt Nam là câu chuyện “ngàn lẻ một đêm” cũng không thể kể hết. Từ chuyện suy thoái đạo đức của giáo viên, sự hư hỗn của trò, căn bệnh hình thức chủ nghĩa, dối trá, tham nhũng, đút lót, mua bán điểm, bán đề, bán bằng giả, bằng đểu, hủ bại, giáo điều… ngày một tràn lan. Điều gì đã khiến cho một ngành nghề vốn dĩ được người Việt rất tôn trọng bởi truyền thống “tôn sư trọng đạo” nay lại biến chất và phản động như vậy?

 

Thực ra thì không chỉ có ngành giáo dục mà tất cả ngành nghề ở xã hội Việt Nam đều có những tệ nạn và tiêu cực giống nhau. Bởi nó đều bị tác động và định hướng bởi bộ máy chính trị. Chỉ có điều, ngành giáo dục, với chức năng là ngành đào tạo ra thế hệ tương lai của một quốc gia nên ảnh hưởng của nó rất lớn, rộng khắp và là một nỗi nhức nhối của mọi nhà.

 

Lâu nay, hệ thống giáo dục Việt Nam bị biến thành cỗ máy tuyên truyền và bị chính trị hóa cao độ. Ngay từ cấp tiểu học việc giáo dục “yêu bác Hồ, yêu đảng cộng sản quang vinh” với vô số những câu truyện hoang tưởng và dối trá như anh hùng Lê Văn Tám, Võ Thị Sáu, Phan Đình Giót…

 

Lên đến phổ thông cơ sở thì các hoạt động đoàn đội, ngoại khóa đều mang tính chính trị. Chưa kể, các môn xã hội như Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân… đều được “định hướng”. 1/5 thời gian học đại học bị lãng phí bởi những môn học không bao giờ các nhà tuyển dụng cần đến như môn giáo dục quốc phòng, kinh tế chính trị Marx Lenin, lịch sử đảng… Chính trị hóa giáo dục, thiếu ứng dụng và thực hành khiến nền giáo dục Việt Nam càng ngày càng lạc hậu và sai hướng hoàn toàn với nhu cầu phát triển xã hội và hội nhập quốc tế.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/07/h3-2048x1365.jpg

Giáo dục Việt Nam chắc chắn mãi mãi không bao giờ có thể phát triển chừng nào còn bị “khủng bố” bởi đảng cộng sản (ảnh: Thanh Niên)

 

Trong khi dối trábệnh thành tích là căn bệnh đạo đức trầm kha nhất của giáo dục Việt Nam. Tỷ lệ tốt nghiệp phổ thông trung học ở Việt Nam cũng giống như tỷ lệ lấy phiếu tín nhiệm tổng bí thư hay bầu chủ tịch nước, đều là những con số mà chỉ có tỷ lệ phân kim đạt được (tỷ lệ gần như tuyệt đối với lượng tạp chất dưới 1%). Thật kỳ lạ, khi ngân sách phải bỏ ra hàng trăm tỷ mỗi năm và xã hội tốn không biết bao nhiêu thời gian sức lực chỉ để tổ chức một cuộc thi mà hầu như 100% thí sinh thi đều đỗ.

 

Còn nhớ, năm 2007, Bộ Giáo dục từng khởi xướng phong trào chống tiêu cực trong thi cử và làm nghiêm công tác thanh tra kỳ thi phổ thông trung học. Tỷ lệ tốt nghiệp khi đó đã rớt xuống chỉ còn 67.5%, tức 1/3 thí sinh không đạt tiêu chuẩn. Kết quả đó khiến Bộ Giáo dục choáng váng, xã hội choáng váng khi có những trường tỷ lệ tốt nghiệp đạt dưới 50% và rất nhiều học sinh giỏi suốt cả 12 năm phổ thông nhưng lại trượt tốt nghiệp.

 

Chỉ một kỳ thi làm nghiêm công tác thanh kiểm tra và chống tiêu cực đã làm lộ ra cả một nền giáo dục quốc dân giả dối. Nhưng chỉ một năm sau đó, dưới áp lực trong ngành và hệ thống chính trị đã khiến cái công cuộc chống tiêu cực trong thi cử bị ném vào sọt rác. Rất nhanh chóng, thành tích thi cử của nền giáo dục nước nhà lại năm sau cao hơn năm trước.

Câu chuyện đề văn tốt nghiệp phổ thông trung học năm nay cũng như những bi hài xoay quanh một cuộc thi hình thức, vô bổ và lãng phí nguồn lực xã hội chỉ là một diễn cảnh nhỏ của tấn tuồng cười ra nước mắt ở xã hội Việt Nam.

 

Xem ra, giới cầm quyền suốt nửa thế kỷ, vẫn loay hoay trong vòng luẩn quẩn đầy mâu thuẫn. Họ muốn đào tạo ra những thần dân ngoan ngoãn “yêu đảng, yêu chính phủ” bất chấp mọi nghịch lý bất công trong đời sống. Họ muốn đào tạo những lớp thanh niên năng động có khả năng sáng tạo, có trình độ cao bằng những chương trình giáo dục, thi cử lạc hậu cách đây cả thế kỷ. Họ “phổ cập hóa” tiến sĩ cho đội ngũ viên chức nhà nước bằng cách hạ thấp các tiêu chuẩn về bằng cấp trong khi vẫn mong có những nhân tài trong hàng ngũ lãnh đạo. Trong bổ nhiệm và qui hoạch cán bộ, họ ưu tiên “hồng hơn chuyên” nhưng lại muốn có đội ngũ chuyên gia đẳng cấp, những nhà lãnh đạo kỹ trị…

 

Những mâu thuẫn đó thật bi hài và cũng là sự bế tắc tuyệt vọng của một chế độ toàn trị. Sẽ không bao giờ có giải pháp trừ khi hệ thống chính trị chuyên chế độc tài hoàn toàn bị loại bỏ và thay thế bởi một chế độ chính trị dân chủ, nơi mà tiếng nói tri thức, phản biện và tài năng thực sự được tôn trọng và trọng dụng. Khi đó, một nền giáo dục thực sự nhân bản, dân tộc và khai phóng mới có thể nảy mầm và phát triển.





No comments:

Post a Comment

View My Stats